backup og meta

Cơ thể thay đổi sau khi sinh như thế nào?

Cơ thể thay đổi sau khi sinh như thế nào?

Cơ thể bạn đã thay đổi rất nhiều trong những tháng mang thai. Vậy cơ thể thay đổi sau khi sinh như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Nếu lần đầu sinh con, sản phụ thường có nhiều thắc mắc về sự thay đổi của cơ thể mình. Vì sao mình đau vùng bụng, đau vùng chậu? Nước tiểu chảy không kiểm soát. Mong mình giảm được bao nhiêu ký sau sinh, vì lúc mang thai đã lên quá nhiều ký. Để trả lời cho tất cả những thắc mắc về sự thay đổi của cơ thể sau sinh, bạn hãy xem bài viết sau đây của Hello Bacsi.

Tử cung

Trong giờ phút sau khi em bé vừa chào đời, những cơn co thắt khiến dạ con của bạn co lại. Các dây chằng cũng co lại tương tự như sự co bóp trong quá trình sinh nở. Những cơn co thắt này khiến nhau thai bong ra khỏi thành tử cung.

Sau khi bánh nhau thai được lấy ra, tử cung tiếp tục co lại, đồng thời các mạch máu hở (nơi bánh nhau bám vào khi nhau thai còn trong bụng mẹ) đóng lại. Khi tử cung tiếp tục co lại, bạn có thể cảm thấy đau quặn bụng giống như bị chuột rút.

Khoảng 1 – 2 ngày sau khi sinh con, bạn cảm thấy đau tại đỉnh tử cung (ở dưới rốn 1 đến 2 lóng tay). Sau khoảng một tuần, tử cung chỉ còn nặng khoảng 0,5 kg, bằng một nửa trọng lượng của nó ngay sau khi sinh. Hai tuần tiếp theo, tử cung giảm xuống còn khoảng 300g và co lại nằm ẩn hoàn toàn bên trong khung chậu. Sau 4 tuần, dạ con gần như trở về nguyên dạng giống như trước khi mang thai, nặng khoảng 100g hoặc nhẹ hơn. Quá trình này được gọi là co hồi tử cung.

Cân nặng sẽ giảm bao nhiêu sau khi sinh?

Cân nặng sau khi sinh

Bạn sẽ giảm khoảng 6kg, trong đó 3 – 4kg là trọng lượng của bé, nhau thai khoảng 0,5kg, khoảng 1 – 2 kg máu và nước ối mất đi trong quá trình sinh. Bạn không thể trở về số cân nặng trước khi mang thai ngay lập tức.

Tuy nhiên, cân nặng của bạn vẫn sẽ tiếp tục giảm sau khi sinh vì cơ thể sẽ tự động loại bỏ lượng nước phụ trội trữ trong các tế bào. Vì vậy, trong những ngày đầu sau khi sinh, cơ thể bạn sẽ bài tiết nước tiểu nhiều hơn bình thường – có thể gần 3 lít/ngày. Bạn cũng sẽ đổ mồ hôi rất nhiều trong những ngày này. Vào cuối tuần đầu tiên sau sinh, bạn sẽ thường giảm được từ 2 – 3 kg trọng lượng từ lượng chất lỏng thừa được thải ra (tùy thuộc vào lượng chất lỏng mà bạn tích trữ trong thời gian mang thai).

Tại sao bụng bạn vẫn như lúc đang mang thai?

Dù tử cung đã co lại với kích thước bình thường nhưng bạn vẫn thấy mình trông giống như đang mang thai. Điều này thường kéo dài khoảng vài tuần hoặc vài tháng. Đó là vì cơ bụng căng ra trong thời kỳ mang thai và phải mất một thời gian để cơ bụng của bạn trở lại hình dạng ban đầu. Để lấy lại vóc dáng, bạn nên tập thể dục thường xuyên. Nhiều người có vòng hai vẫn lớn như đang mang thai mãi nếu không tập luyện.

Việc tiểu tiện bị ảnh hưởng như thế nào?

Quá trình chuyển dạ và sinh nở tác động xấu đến bàng quang gây sưng tạm thời và giảm độ nhạy. Trong những ngày đầu sau sinh, bạn có thể không cảm thấy cảm giác buồn tiểu, đặc biệt nếu bạn vừa trải qua cuộc vượt cạn kéo dài với kẹp và các thiết bị can thiệp ngả âm đạo hoặc được gây tê ngoài màng cứng. Tình trạng này cũng phổ biến nếu bạn có vấn đề về tiểu tiện trong lúc sinh và phải đặt ống thông nước tiểu.

Sau khi sinh, thận sản xuất nhiều nước tiểu hơn. Do đó, bàng quang sẽ được làm đầy nhanh chóng và liên tục. Bạn cần phải đi tiểu thường xuyên dù không cảm thấy buồn tiểu nếu không muốn rơi vào tình huống són tiểu khó xử. Không những thế, bàng quang quá căng có thể gây ra các vấn đề về niệu đạo và cũng khiến tử cung co bóp một cách khó khăn, dẫn đến đau bụng sau sinh và chảy máu âm đạo.

Nếu bạn không thể đi tiểu trong vòng vài giờ sau sinh, nhân viên y tế sẽ dùng một ống thông nước tiểu đặt vào để giúp nước tiểu thoát ra. Nếu sinh mổ, bạn sẽ được đặt ống thông tiểu trong ca mổ và duy trì một thời gian ngắn sau khi sinh. Hãy cho y tá biết nếu bạn gặp khó khăn về vấn đề tiểu tiện hoặc chỉ đi tiểu được chút ít. Nếu bàng quang quá căng, nó cũng cản trở việc đi tiểu.

Khi nào âm đạo và tầng sinh môn sẽ trở lại bình thường?

Nếu bạn sinh thường, âm đạo của bạn sẽ hơi rộng hơn so với trước đây. Ngay sau khi sinh xong, âm đạo vẫn còn bị giãn rộng, thậm chí có thể sưng và thâm tím. Trong vài ngày tới, sự sưng nề sẽ giảm đi và âm đạo bắt đầu lấy lại sự săn chắc của mình. Hãy cố gắng tập một vài bài tập sàn chậu như Kegel thường xuyên để âm đạo co lại như cũ.

Nếu bạn bị rách nhẹ ở tầng sinh môn trong quá trình sinh, bạn không cần phải khâu, nó sẽ nhanh chóng lành lại và gây khó chịu đôi chút. Nếu bị rạch tầng sinh môn hoặc có vết cắt lớn, tầng sinh môn của bạn sẽ cần thời gian để lành. Vì vậy, hãy đợi đến khi bác sĩ kiểm tra hậu sản của bạn cho phép thì mới có thể quan hệ tình dục trở lại. Nếu bạn vẫn cảm thấy khó chịu ở vùng kín, hãy đợi thêm đến khi bạn thực sự sẵn sàng để làm “chuyện ấy”. Trong thời gian chờ đợi, hãy dành thời gian để tìm hiểu các biện pháp ngừa thai dành cho các bà mẹ sau sinh.

Khi bắt đầu quan hệ tình dục lại, bạn có thể thấy dịch âm đạo của mình ít hơn so với trước đây, do nồng độ estrogen giảm sút. Điều này còn được thể hiện rõ rệt hơn khi bạn cho con bú do việc cho bú có xu hướng làm giảm nồng độ estrogen. Lúc này, giải pháp hiệu quả nhất là sử dụng chất bôi trơn nhân tạo, hãy chọn sản phẩm bôi trơn gốc nước, nhất là khi bạn dùng biện pháp tránh thai dạng che chắn như bao cao su. Chất bôi trơn gốc dầu có thể làm suy yếu cấu trúc của bao cao su, gây rách hoặc làm hư hại bao.

Sản dịch

Dù sinh thường hay sinh mổ, bạn vẫn sẽ có một lưu lượng máu chảy ra từ âm đạo trong 1 – 2 tháng sau sinh, đây gọi là sản dịch. Sản dịch bao gồm máu, vi khuẩn và nhau thai bong ra từ niêm mạc tử cung. Trong những ngày đầu, sản dịch thường có màu đỏ tươi, giống như có kinh, sau chuyển sang màu nâu hoặc hồng. Sau đó, lượng sản dịch sẽ ít dần và hết hẳn trong khoảng 3 – 4 tuần tiếp theo.

Cho bé bú sữa mẹ

Bé bú mẹ

Những lần cho bú đầu tiên, bạn có thể cảm nhận được những cơn co thắt gây đau và khó chịu. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì những cơn co thắt này chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ và trong khi cho con bú do hormone oxytocin kích thích tử cung gây ra. Trong ngày thứ 2 – 3 sau khi sinh, khi vú bắt đầu sản xuất sữa, bạn sẽ cảm thấy vú bị nặng, nóng và cứng. Tình trạng này được gọi là vú bị căng sữa và thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ.

Cho bé bú sữa mẹ là cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này. Bên cạnh đó, cho bé bú sớm cũng giúp ngăn ngừa tình trạng tắc sữa. Nếu bạn vẫn không thuyên giảm sau vài ngày, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Trường hợp không cho bé bú mẹ vì bệnh nặng

Dù bạn có cho bé bú mẹ hay không thì sữa vẫn sản xuất trong khoảng vài ngày sau sinh. Điều này sẽ khiến bạn có cảm giác khó chịu và cơn đau đỉnh điểm thường vào khoảng 3 – 5 ngày sau sinh. Bạn phải mất vài tuần để sữa ngưng sản xuất hoàn toàn.

Để giảm bớt khó chịu, bạn hãy chọn những loại áo ngực thoải mái, được thiết kế dành cho phụ nữ sau sinh, chườm đá lên ngực để giảm sưng và ức chế việc sản xuất sữa. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau. Nếu bạn cảm thấy quá khó chịu, hãy vắt sữa. Tuy nhiên, đừng thực hiện điều này quá nhiều lần vì sẽ là một dấu hiệu để cơ thể tiếp tục sản xuất sữa.

Rụng tóc

Nhiều phụ nữ có thể bị rụng tóc sau khi sinh. Đừng quá lo lắng, điều này là hoàn toàn bình thường và hầu như các bà mẹ đều gặp phải tình trạng trạng này. Khi mang thai, nồng độ estrogen tăng cao khiến tóc trở nên bóng mượt, nhưng sau khi sinh xong, nồng độ estrogen giảm dẫn đến rụng tóc. Trong vòng một năm, vấn đề về tóc sẽ cải thiện.

Sự thay đổi của da

Sự thay đổi về hormone, căng thẳng và mệt mỏi đều là nguyên nhân khiến làn da của bạn gặp vấn đề sau khi sinh. Phụ nữ có làn da căng mịn khi mang thai thông thường sẽ bị nổi mụn trứng cá sau khi sinh. Ngược lại, nếu khi mang thai bạn đã bị nổi mụn trứng cá thì sau khi sinh xong, tình trạng này sẽ được cải thiện.

Nếu bị nám da hoặc có một đường ở bụng thì sau sinh, chúng sẽ bắt đầu mờ dần và hoàn toàn biến mất với điều kiện bạn chăm sóc cẩn thận, không tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Những vết rạn da cũng bắt đầu mờ dần, dù chúng không biến mất hoàn toàn.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Body changes after childbirth https://www.babycenter.com/body-changes-after-childbirth Ngày truy câp 29/9/2017

6 Post-Pregnancy Body Changes You Didn’t Expect http://www.webmd.com/parenting/baby/features/post-pregnancy-body-changes Ngày truy câp 29/9/2017

Phiên bản hiện tại

09/09/2020

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Bà bầu bị tiêu chảy: Mọi điều cần biết trong từng tam cá nguyệt

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 09/09/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo