backup og meta

Đặt vòng tránh thai sau sinh: Những điều mẹ bỉm cần biết!

Đặt vòng tránh thai sau sinh: Những điều mẹ bỉm cần biết!

Sau sinh 6 tuần là mẹ đã có khả năng mang thai trở lại. Đặt vòng tránh thai sau sinh là phương pháp ngừa thai phổ biến, thế nhưng vẫn còn nhiều mẹ băn khoăn về cách tránh thai này mà không biết tỏ cùng ai. 

Đặt vòng tránh thai là cách ngừa thai được nhiều người lựa chọn bởi sự tiện lợi và hiệu quả. Với phương pháp này, bạn sẽ không cần phải lo lắng việc quên uống thuốc tránh thai khiến việc ngừa thai không hiệu quả. Ngoài ra, sau khi đặt vòng, bạn cũng sẽ không cần làm gì khác để tránh thai trong vòng vài năm. Nếu muốn có thai lại, bạn có thể dễ dàng lấy ra và khả năng sinh sản sẽ trở lại bình thường.

Sau sinh bao lâu thì đặt vòng tránh thai?

đặt vòng tránh thai sau sinh

“Sau sinh bao lâu thì đặt vòng được?” hoặc sau sinh chưa có kinh có đặt vòng được không là vấn đề nhiều mẹ bỉm quan tâm. Vòng tránh thai là dụng cụ nhỏ bằng nhựa dẻo được đặt vào tử cung của phụ nữ. Hiện trên thị trường vòng tránh thai có rất nhiều dạng như vòng hình chữ T, vòng hình chữ S hoặc vòng dạng cánh cung:

  • Vòng tránh thai nội tiết chứa hormone progestin, có tác dụng ngăn cản sự rụng trứng và làm đặc chất nhầy cổ tử cung, khiến tinh trùng và trứng khó gặp nhau.
  • Vòng tránh thai bằng đồng: Đồng sẽ được phóng thích liên tục vào tử cung làm thay đổi hoạt động, sự di chuyển và giảm khả năng sống sót của tinh trùng.

Đa phần, thời điểm đặt vòng tránh thai sau sinh được nhiều bác sĩ khuyến cáo là khoảng 6 đến 12 tuần sau sinh. Với mẹ bỉm sinh mổ, việc đặt vòng nên đợi khoảng 6 tháng sau sinh. Trường hợp sau sinh đã có kinh trở lại thì cần tiến hành đặt vòng vào ngày thứ 2 hoặc 3 của kỳ kinh.

Đặt vòng tránh thai sau sinh có đau không?

Nhiều mẹ bỉm khi được tư vấn tránh thai bằng phương pháp đặt vòng thường thắc mắc đặt vòng tránh thai có đau không?

Theo các chuyên gia sản phụ khoa, ở những người đã sinh con, việc đặt vòng tránh thai sẽ dễ hơn so với những người chưa từng sinh con. Bác sĩ hoặc y tá sẽ sử dụng mỏ vịt để mở âm đạo, giống như khi bạn làm xét nghiệm phết tế bào tử cung (PAP), sau đó, sử dụng dụng cụ đặt vòng chuyên dụng và đặt vòng tránh thai vào tử cung.

Nhìn chung, đây là một thủ thuật đơn giản, nhanh chóng và có thể diễn ra trong vòng 5 phút. Bạn có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau bụng dưới khi thực hiện. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đau thắt lưng hoặc đau bụng dưới sau khi đặt vòng vài ngày hoặc vài tuần.

Đặt vòng tránh thai quan hệ có đau không?

Nếu vòng tránh thai được đặt đúng cách, bạn và nửa kia sẽ không bị đau khi quan hệ tình dục. Trường hợp nửa kia bị đau có thể là do sợi dây của vòng tránh thai quá dài hoặc đã tuột ra khỏi vị trí ban đầu. Lúc này, bạn nên đi khám để được bác sĩ kiểm tra.

Đặt vòng tránh thai sau sinh bao lâu thì quan hệ được?

Trong vòng 1 – 3 ngày sau khi đặt vòng, bạn cần nghỉ ngơi, hoạt động nhẹ nhàng để vòng tránh thai không bị sai lệch. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý vệ sinh vùng kín hằng ngày bằng nước sạch, nếu bác sĩ có cho dùng thuốc thì cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn cần đi khám phụ khoa 4 tháng/lần để đảm bảo rằng vòng tránh thai không bị hỏng, tuột hoặc có thể gây ra bất kỳ biến chứng nào.

Đặt vòng tránh thai sau sinh bao lâu thì quan hệ được? Câu trả lời là bạn nên kiêng quan hệ từ 7 – 10 ngày sau khi đặt để vòng nằm ổn định trong tử cung. Sau thời gian này, bạn có thể quan hệ bình thường và vòng tránh thai sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục.

Đang cho con bú nếu đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng gì không?

đặt vòng tránh thai sau sinh

Đặt vòng tránh thai sau sinh là phương pháp ngừa thai an toàn và hiệu quả, hoàn toàn có thể sử dụng khi đang cho con bú mà không làm ảnh hưởng đến nguồn sữa hay chất lượng sữa.

Hiệu quả của việc đặt vòng có thể đạt đến 99% và có thể duy trì lên đến 10 năm. Do đó, bạn hoàn toàn có thể dành tất cả thời gian của mình để chăm sóc bản thân, gia đình, học cách cho con bú… mà không cần lo lắng về việc mang thai ngoài ý muốn.

Lợi ích của việc đặt vòng tránh thai sau sinh

  • Tiện lợi: Khi vòng đã được đặt đúng vị trí, bạn không cần phải sử dụng các phương pháp tránh thai khác
  • Không gây phiền phức: Biện pháp tránh thai này không ảnh hưởng đến đời sống tình dục, việc cho con bú hay các hoạt động hằng ngày.
  • Dễ dàng mang thai lại: Bạn có thể mang thai ngay sau khi lấy vòng tránh thai ra.
  • Có tác dụng tích cực: Một số loại vòng tránh thai có hormone giúp giảm đau bụng do kinh nguyệt và chảy quá nhiều máu khi hành kinh.
  • Tiện lợi cho việc tránh thai lâu dài: Một số loại vòng tránh thai không cần phải thay mới trong 5 – 10 năm.

Tác dụng phụ của việc đặt vòng tránh thai

Cũng giống như các phương pháp ngừa thai khác, đặt vòng tránh thai cũng có thể gây ra một số tác dụng  phụ như:

  • Khó chịu, đau râm ran ở bụng dưới sau khi đặt vòng và có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần.
  • Nếu sử dụng vòng tránh thai nội tiết, bạn có thể gặp phải các tác dụng như thay đổi tâm trạng, đau ngực và đau đầu. Đa phần, các triệu chứng này sẽ biến mất sau vài tháng.
  • Vòng tránh thai bằng đồng có thể gây chảy máu nặng hoặc ra máu giữa các kỳ kinh trong vài tháng, trong khi vòng tránh thai nội tiết lại làm cho lượng máu ra ít hơn và gây đau bụng.

Trong một số trường hợp, tử cung có thể tự động đẩy vòng tránh thai ra ngoài. Điều này rất dễ xảy ra trong những tháng đầu và thường gặp ở phụ nữ mới sinh.

Sau khi đặt vòng, bạn cần tái khám trong khoảng từ 4 – 6 tuần để các bác sĩ xem xét nhằm đảm bảo vòng tránh thai vẫn ở đúng vị trí. Ngoài ra, trước khi đặt vòng tránh thai sau sinh, bác sĩ cũng có thể tiến hành kiểm tra để loại trừ nguy cơ nhiễm trùng bộ phận sinh dục.

Đặt vòng tránh thai sau sinh là phương pháp ngừa thai hiệu quả, an toàn và tiện lợi. Thế nhưng, dù vậy, phương pháp này vẫn có thể đưa đến những tác dụng phụ nhất định. Ngoài việc đặt vòng, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các phương pháp ngừa thai sau sinh khác để có lựa chọn tốt nhất cho bản thân.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Are IUDs a Good Birth Control Choice for Moms? What You Need to Know https://www.healthline.com/health/birth-control/iuds-for-new-parents Ngày truy cập: 8/4/2021 

Copper IUD (ParaGard) https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/paragard/about/pac-20391270 Ngày truy cập: 8/4/2021 

Contraception – intrauterine devices (IUD) https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/contraception-intrauterine-devices-iud Ngày truy cập: 8/4/2021 

The IUD https://kidshealth.org/en/teens/contraception-iud.html  Ngày truy cập: 8/4/2021 

IUD https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/iud Ngày truy cập: 8/4/2021 

Phiên bản hiện tại

27/03/2024

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Miếng dán tránh thai: Công dụng, cách dùng, tác dụng phụ và đối tượng chống chỉ định

Bạn đã biết cách sử dụng vòng tránh thai?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 27/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo