Tôm là thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thế nhưng, không phải ai cũng nên ăn các món được làm từ tôm. Vậy, mẹ sau sinh ăn tôm được không?
Để trả lời được câu hỏi sau sinh ăn tôm được không và bao lâu thì ăn được, mời bạn tham khảo bài viết tổng hợp thông tin dưới đây của Hello Bacsi.
Giải đáp thắc mắc: Mẹ sau sinh ăn tôm được không?
Sau thời kỳ mang thai và sinh con, cơ thể phụ nữ cần được nghỉ ngơi và bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để có thể nhanh chóng hồi phục. Vậy, liệu tôm có phải là sự lựa chọn hoàn hảo cho phụ nữ sau sinh? Phụ nữ sinh thường hoặc sau sinh mổ ăn tôm được không? Câu trả lời ngắn gọn là “Có”, với điều kiện là phải tuân thủ một số nguyên tắc an toàn khi ăn tôm được đề cập trong bài.
Tôm là một lựa chọn lành mạnh cho các mẹ sau sinh và cho con bú. Đây là nguồn cung cấp protein dồi dào, giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, tôm còn chứa vitamin A, vitamin B12 và các khoáng chất như kẽm, kali, magiê, hỗ trợ quá trình phục hồi cho mẹ mới sinh.
Do đó, nếu không có tiền sử dị ứng tôm hay mắc các bệnh cần kiêng ăn tôm, thì phụ nữ sau sinh nên bổ sung tôm vào thực đơn hàng tuần nhé!
6 lợi ích của tôm đối với phụ nữ sau sinh
Để hiểu rõ vì sao câu trả lời cho vấn đề “Sau sinh ăn tôm được không?” là “Được”, cùng khám phá những lợi ích của tôm đối với các bà mẹ mới sinh:
1. Hỗ trợ phục hồi sau sinh
Sau khi trải qua quá trình mang thai và sinh con, các chị em cần thời gian và nguồn dinh dưỡng phù hợp để cơ thể hồi phục lại như trước. Tôm chính là một trong những lựa chọn tốt cho giai đoạn hậu sản vì thực phẩm này giúp phục hồi thể chất.
Là một nguồn cung cấp protein nạc giàu DHA và EPA, tôm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các mô, cơ và xương. Hơn nữa, hàm lượng protein và vitamin B12 có trong tôm cũng góp phần bổ sung năng lượng cho cơ thể mẹ sau sinh.
2. Sau sinh ăn tôm được không nếu tôm tốt cho sức khỏe tâm thần?
Việc ăn tôm nấu chín có thể hỗ trợ phụ nữ phục hồi sau căng thẳng sinh lý do mang thai và sinh nở. Các chất dinh dưỡng có trong tôm còn có thể làm giảm nguy cơ phát triển chứng trầm cảm sau sinh.
3. Cung cấp vitamin và khoáng chất thiết yếu
Mẹ sau sinh đang cho con bú ăn tôm được không? Trong tôm có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt cần thiết cho các mẹ sau sinh và đang cho con bú.
Những dưỡng chất nổi bật có thể kể đến là selen và iốt, có công dụng hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp. Bởi vì nhu cầu iốt và selen của phụ nữ tăng lên trong giai đoạn cho con bú, nên việc bổ sung tôm vào chế độ dinh dưỡng sau sinh là cần thiết.
Bên cạnh đó, tôm cũng rất giàu vitamin B12 và vitamin D – các dưỡng chất có thể khó tìm thấy trong những thực phẩm khác. Vì mẹ sau sinh đang cho con bú có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao nên cần ăn tôm mỗi tuần nhé!
4. Ăn tôm có khắc phục tình trạng thiếu máu sau sinh được không
Do lượng sắt dự trữ có xu hướng thấp hơn trong thời kỳ mang thai và càng giảm trầm trọng do lượng máu mất đi đáng kể khi sinh con, nên việc bổ sung chất sắt là điều cần thiết trong giai đoạn hậu sản. Hơn nữa, việc cung cấp đủ sắt đáp ứng nhu cầu của cơ thể còn giúp giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Tôm là một nguồn cung cấp chất sắt lành mạnh cho phụ nữ mới sinh con. Chính vì vậy mà việc tiêu thụ tôm có thể giúp giảm nguy cơ thiếu máu sau khi sinh.
5. Tăng cường sức khỏe xương, răng
Thịt tôm chứa nhiều canxi và vitamin D. Do đó, phụ nữ sau sinh nên tiêu thụ tôm đã nấu chín để cải thiện sức khỏe của xương và răng.
6. Tôm còn hỗ trợ phát triển trí não của bé
Các mẹ sau sinh có thể bổ sung thêm choline và axit béo omega-3 vào chế độ ăn uống bằng cách ăn tôm. Những chất dinh dưỡng quan trọng này đều có tác dụng hỗ trợ sự phát triển trí não của bé.
Hơn nữa, axit béo omega-3 còn có thể góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho phụ nữ mới sinh.
Sau sinh bao lâu thì ăn được tôm?
Không chỉ quan tâm đến vấn đề mẹ sau sinh ăn tôm được không mà nhiều phụ nữ còn đặt ra câu hỏi: Sau sinh bao lâu thì ăn được tôm?
Hiện nay, chưa có khuyến cáo về thời điểm cụ thể mà phụ nữ sau sinh có thể bổ sung tôm vào chế độ dinh dưỡng. Thực tế, tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người mà thời điểm ăn tôm sau sinh có thể khác nhau.
Chẳng hạn như, nếu các chị em có vấn đề về dạ dày, hệ tiêu hóa chưa hoạt động ổn định, thì cần một thời gian để cải thiện sức khỏe đường ruột rồi mới nên ăn tôm. Với những mẹ sau sinh có rối loạn tiêu hóa hoặc đầy bụng, việc ăn tôm có thể chưa phù hợp vì có thể làm triệu chứng nặng lên.
Do đó, nếu muốn biết bản thân mình sau sinh bao lâu thì ăn được tôm, các chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Ăn tôm sau sinh: Cần lưu ý những gì?
Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn thắc mắc xoay quanh việc sau sinh có được ăn tôm không, bao lâu thì ăn. Mặc dù việc đưa tôm vào thực đơn ăn uống sau sinh là điều nên làm, nhưng mẹ sau sinh vẫn cần tuân thủ một số nguyên tắc để bảo đảm an toàn sức khỏe:
- Chỉ ăn tôm đã được nấu chín hoàn toàn: Động vật có vỏ như tôm có thể chứa vi khuẩn salmonella và các vi khuẩn có hại khác. Do đó, mẹ sau sinh chỉ nên ăn tôm đã được nấu chín kỹ.
- Không ăn quá nhiều tôm cùng một lúc: Phụ nữ sau sinh nên giới hạn tiêu thụ tôm và các loại hải sản khác ở mức 340g/tuần. Nguyên nhân là vì tất cả hải sản đều chứa một lượng thủy ngân nhất định, có thể gây nguy hiểm cho em bé đang bú sữa mẹ.
- Ăn đa dạng các loại hải sản: Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo phụ nữ sau sinh nên tiêu thụ tôm cùng với các loại cá và hải sản khác để cân bằng dinh dưỡng.
- Nên ăn tôm đánh bắt tự nhiên thay vì tôm được nuôi: Tôm sinh sống tự nhiên được cho là an toàn hơn so với tôm được nuôi.
- Một số trường hợp không nên ăn tôm: Những mẹ sau sinh bị bệnh gút, cường giáp, dị ứng với tôm… không nên ăn tôm.
- Cẩn thận với nguy cơ dị ứng: Một số mẹ sau sinh có thể có tình trạng dị ứng mà trước đó hoàn toàn không có, vì vậy sau sinh mẹ nên ăn thử số lượng ít trước để đánh giá tình trạng dị ứng.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được mẹ sau sinh ăn tôm được không và bao lâu thì được ăn để đảm bảo an toàn sức khỏe.
[embed-health-tool-ovulation]