backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Có kinh sớm sau sinh có tốt không, có ảnh hưởng gì đến mẹ và bé?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 19/03/2024

    Có kinh sớm sau sinh có tốt không, có ảnh hưởng gì đến mẹ và bé?

    Sau sinh, trong khi nhiều mẹ bỉm phải chờ rất lâu mới thấy chu kỳ kinh nguyệt quay trở lại thì có những mẹ sau sinh có kinh lại rất sớm. Vậy có kinh sớm sau sinh có tốt không? Điều này có ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sữa mẹ không? 

    Trong quá trình hồi phục sau sinh, phụ nữ sẽ có thể gặp phải nhiều vấn đề khác nhau, từ thể chất cho đến tâm lý. Và một trong những điều mà các chị em quan tâm sau khi sinh con là chu kỳ kinh nguyệt của mình. Vậy mẹ bỉm có kinh sớm sau sinh có tốt không, có ảnh hưởng gì đến mẹ và bé không? Để trả lời cho những câu hỏi này, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé! 

    Có kinh sớm sau sinh: Nguyên nhân do đâu? 

    Kinh nguyệt là kết quả của sự sụt giảm hormone buồng trứng và bong lớp niêm mạc tử cung của phụ nữ hàng tháng xảy ra khi trứng không được thụ tinh. Kinh nguyệt được quyết định bởi các hormone sinh dục như estrogen và progesterone. Khi bạn mang thai, nồng độ hormone sẽ tăng cao để duy trì quá trình phát triển của thai kỳ và ngăn ngừa rụng trứng. Do đó, chu kỳ kinh nguyệt sẽ tạm ngừng “ghé thăm” trong suốt thời gian bầu bí.

    Sau khi sinh con, nồng độ hormone này sẽ giảm dần, đồng nghĩa với “ngày đèn đỏ” cũng bắt đầu quay trở lại. Tuy nhiên, thời điểm có kinh nguyệt sau sinh có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người cũng như phương pháp cho con bú. 

    Việc có kinh sớm sau sinh là nói về chu kỳ kinh nguyệt quay trở lại trước 6 tháng sau khi em bé chào đời. Có nhiều yếu tố có thể gây ra hiện tượng này, cụ thể như sau: 

    • Không cho con bú hoặc cho con bú ít: Cho con bú sẽ kích thích sản xuất prolactin, một hormone kích thích tiết sữa và ức chế sự rụng trứng. Do đó, nếu không cho con bú hoặc cho con bú ít, nồng độ prolactin sẽ giảm và kích hoạt lại quá trình rụng trứng, dẫn đến kinh nguyệt quay trở lại sớm hơn.
    • Cơ địa của mỗi người: Mỗi người phụ nữ sở hữu một cơ địa khác nhau, có thể ảnh hưởng đến thời gian có kinh nguyệt sau sinh. Một số phụ nữ sẽ gặp hiện tượng kinh nguyệt trở lại sớm, có những người lại muộn hơn bình thường, dù cho con bú hoàn toàn hay không. 
    • Sức khỏe tổng thể: Nếu quá trình hồi phục sức khỏe sau sinh của bạn diễn ra nhanh và tốt thì các chức năng của tử cung và buồng trứng sẽ sớm hoạt động trở lại, kéo theo chu kỳ kinh nguyệt cũng “ghé thăm” sớm hơn so với một số mẹ bỉm khác. 
    • Tập thể dục quá sớm sau sinh: Việc vận động cơ thể quá sớm bằng các động tác mạnh có thể làm tăng lượng máu ra ngoài, gây ra hiện tượng có kinh sớm sau sinh. Ngoài ra, tập thể dục cường độ cao sẽ làm mất cân bằng hormone, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. 
    • Sử dụng thuốc tránh thai: Sau sinh vẫn có những thuốc tránh thai an toàn (như thuốc tránh thai chỉ chứa progesterone). Khi dùng thuốc tránh thai mẹ bỉm sẽ có kinh sớm hơn.
    • Bệnh lý phụ khoa: Có kinh sớm sau sinh cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý phụ khoa như viêm nhiễm, u xơ, polyp, lạc nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang… Những bệnh lý này có thể gây ra sự rối loạn trong quá trình rụng trứng và loại bỏ lớp niêm mạc tử cung, dẫn đến kinh nguyệt không đều hoặc thậm chí có kinh sau sinh 1 tháng.

    Có kinh sau sinh sẽ có những dấu hiệu nào?  

    có kinh sớm sau sinh có tốt không

    Có kinh lại sau sinh là hiện tượng kinh nguyệt xuất hiện trở lại sau khi sinh con. Đây là một dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể người mẹ đã hồi phục và có khả năng thụ thai trở lại. Một số dấu hiệu có kinh sau sinh là:

    • Tiết dịch âm đạo trong hoặc trắng, không có mùi hôi. 
    • Ra máu âm đạo có màu đỏ tươi, nâu hoặc đen thẫm, có thể có cục máu đông nhỏ. Lượng máu có thể nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường. 
    • Đau bụng kinh, đau lưng, đau ngực, đau đầu, táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, thèm ăn, dễ xúc động hoặc cáu kỉnh. 

    Chuyên gia sản khoa giải đáp: Có kinh sớm sau sinh có tốt không? 

    Mẹ bỉm có kinh sớm sau sinh có tốt không sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nếu chu kỳ kinh nguyệt trở lại mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì có thể coi đây là một dấu hiệu bình thường, cho thấy cơ thể bạn có khả năng thụ thai trở lại. Vì thế, bạn vẫn nên sử dụng các biện pháp tránh thai để tránh “bật ngửa” khi phải đón “tin vui” ngoài kế hoạch bởi cơ thể bạn cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn sau khi sinh con.

    Ngược lại, nếu xuất hiện các tình trạng như ra máu quá nhiều, kỳ kinh nguyệt kéo dài lâu trên 7 ngày, dịch âm đạo có mùi hôi, đau bụng dữ dội, sốt, sưng ngực… bạn nên đi thăm khám để có thể phát hiện kịp thời các bất thường và được điều trị kịp thời.

    Có kinh sớm sau sinh có ảnh hưởng gì không?

    có kinh sớm sau sinh có tốt không

    Khi thấy kinh nguyệt xuất hiện sớm trở lại sau sinh, nhiều mẹ bỉm không khỏi băn khoăn rằng “có kinh sớm sau sinh có ảnh hưởng gì không?” hay “sữa mẹ có bị tanh hay ít đi không?”…

    1. Có kinh sau sinh 1 tháng có sao không? 

    Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc có kinh sớm sau sinh là hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người mẹ. Với những mẹ sau sinh mà cho trẻ sơ sinh sử dụng sữa công thức hoặc chỉ bú mẹ một phần, chu kỳ “đèn đỏ” của mẹ bỉm sẽ có khả năng quay trở lại trong vòng 4 – 6 tuần sau sinh. 

    2. Có kinh sau sinh có làm giảm tiết sữa, có làm loãng sữa, sữa có bị tanh không? 

    Một quan niệm dân gian được nhiều mẹ bỉm sữa truyền tai nhau rằng việc  có kinh sớm sau sinh làm sữa bị tanh bé bú sữa mẹ bị tiêu chảy, chậm lớn… Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có tài liệu khoa học chứng minh điều này là đúng.

    Theo các chuyên gia, việc chu kỳ kinh nguyệt trở lại sau sinh có thể làm thay đổi nồng độ các nội tiết tố trong cơ thể, từ đó làm ảnh hưởng đến lượng sữa hoặc tần suất bú của trẻ thông qua việc thay đổi thành phần hoặc mùi vị của sữa. Tin vui là những thay đổi này thường rất nhỏ và không ảnh hưởng đến khả năng nuôi con bằng sữa mẹ của bạn. Do vậy, hãy yên tâm cho bé bú mẹ, đồng thời đảm bảo chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, giữ vệ sinh vùng kín, nhất là khi có kinh nguyệt.

    Có kinh sớm sau sinh: Cần lưu ý gì? 

    có kinh sớm sau sinh có tốt không

    Dựa vào những thông tin trên, chắc hẳn bạn đã biết được liệu có kinh sớm sau sinh có tốt không. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây để đảm bảo sức khỏe:

    1. Vệ sinh vùng kín và cơ thể

    • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng nước ấm và nước rửa phụ khoa có độ pH phù hợp, thay băng vệ sinh thường xuyên (tối đa khoảng 4 giờ/lần) để tránh vi khuẩn sinh sôi.
    • Tránh thụt rửa âm đạo quá sâu vì có thể gây tổn thương niêm mạc âm đạo.

    2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

    • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là khoáng chất sắt, vitamin C và canxi để bù lại lượng máu mất đi trong chu kỳ kinh nguyệt.
    • Ưu nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu protein và axit béo omega-3.
    • Uống nhiều nước để giữ ẩm cho cơ thể.

    3. Xây dựng và thực hiện thói quen sinh hoạt tốt 

    • Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý.
    • Tránh thức khuya, làm việc quá sức và căng thẳng.
    • Tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên để tăng cường sức khỏe, cải thiện tâm trạng.

    4. Ngừa thai sau sinh đúng cách 

    Ngừa thai sau sinh đúng cách là một vấn đề quan trọng mà nhiều mẹ bỉm cần quan tâm, vì ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, cũng như kế hoạch gia đình. Có nhiều biện pháp ngừa thai sau sinh an toàn lẫn phổ biến, bao gồm:

    Mong rằng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc liệu có kinh sớm sau sinh có tốt không, sau sinh 1 tháng có kinh lại có sao không và những điều cần biết để chăm sóc sức khỏe trong thời gian nuôi con nhỏ. Đừng quên truy cập Hello Bacsi thường xuyên để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích về chủ đề chăm sóc sức khỏe sau sinh nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 19/03/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo