Khung tập đi cho người già hay những ai đang bị chấn thương ở chân là dụng cụ cần thiết giúp hoạt động di chuyển xung quanh dễ dàng và thuận tiện hơn. Thế nhưng, hành trình lựa chọn và sử dụng khung cũng có một số điều cần lưu ý.
Nếu muốn chọn đúng khung tập đi cho người già hay những người bị chấn thương chân, bạn cần cân nhắc nhiều yếu tố như loại khung hay phụ kiện đi kèm khung. Bên cạnh đó, việc dùng khung đúng cách cũng rất quan trọng để giúp bạn di chuyển an toàn và dễ dàng hơn.
3 cách chọn khung tập đi phù hợp
Nếu chẳng may gãy xương chân hoặc bàn chân, bạn có nguy cơ bị té ngã khi đi. Trong trường hợp này, khung tập đi có thể giúp bạn đi lại an toàn và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, người lớn tuổi cũng cần dụng cụ hỗ trợ này để có thể sinh hoạt độc lập và thuận tiện hơn hằng ngày thay vì phải nhờ người thân giúp đỡ trong việc đi lại.
Nếu cũng cần dụng cụ hỗ trợ khi đi đứng, bạn có thể tham khảo một số tiêu chí chọn khung như sau:
1. Loại khung tập đi
Có nhiều loại khung tập đi khác nhau dựa vào số bánh xe hay thiết kế của khung. Một số lựa chọn bạn có thể cân nhắc như sau:
• Khung tập đi tiêu chuẩn: Loại khung này có bốn chân không gắn bánh xe để giúp người dùng vững vàng hơn khi đi. Bạn sẽ cần nhấc nhẹ khung lên mới có thể di chuyển.
• Khung tập đi hai bánh: Khung có bánh xe ở hai chân trước. Loại khung này phù hợp nếu bạn không cần được hỗ trợ quá nhiều khi di chuyển mà chỉ thỉnh thoảng mới cần dụng cụ nâng đỡ để bớt trọng lượng cơ thể.
• Khung tập đi ba bánh: Khung ba bánh có thể giúp bạn giữ thăng bằng tốt như khung tập đi bốn bánh nhưng lại nhẹ và cơ động hơn.
• Khung tập đi bốn bánh: Khung phù hợp cho những người không cần dựa vào khung để giữ thăng bằng.
• Khung có chỗ đặt đầu gối: Khung tương tự như xe trượt scooter nhưng có chỗ để bạn gác đầu gối.
2. Tay cầm của khung
Hầu hết các loại khung tập đi đều có tay cầm bằng nhựa nhưng bạn cũng có thể lựa chọn 1 số thứ khác. Bạn có thể cân nhắc những loại khung có tay cầm có bọc bọt biển hoặc các chất liệu mềm nếu thường bị đổ mồ hôi tay. Nếu gặp khó khăn khi nắm tay cầm do một số bệnh lý, bạn có thể cân nhắc chọn loại có tay cầm lớn hơn.
Việc chọn đúng tay cầm sẽ giảm bớt những áp lực không cần thiết lên khớp và giúp ngăn ngừa biến dạng khớp. Bạn cần chú ý chọn loại tay cầm chắc chắn, khó trơn trượt để dùng khung an toàn hơn.
3. Chi tiết đi kèm
Có một số chi tiết hay phụ kiện có thể giúp khung tập đi dễ sử dụng và hữu ích hơn. Bạn có thể tham khảo những loại khung có các tiện ích sau:
• Xếp gọn được: Bạn có thể chọn một số khung đi bộ gấp lại được để dễ cất giữ và vận chuyển hơn.
• Có phanh tay: Một số xe tập đi cho người già có bánh xe cũng có trang bị thêm phanh tay để người dùng được an toàn hơn.
• Có khay đựng đồ: Khung có gắn kèm khay có thể giúp bạn mang thức ăn, đồ uống và các vật dụng khác tiện lợi hơn.
• Có túi đựng đồ: Bạn có thể chọn khung túi bên thành để mang theo sách hay các vật dụng cá nhân khác.
• Có kèm ghế: Một số khung tập đi kèm ghế có thể phù hợp cho những người cần nghỉ ngơi khi đi lại.
Dù lựa chọn khung tập đi nào, bạn cũng không nên chất quá nhiều đồ lên khung. Ngoài ra, bạn cũng nên bảo dưỡng khung thường xuyên để đảm bảo phần bịt cao su ở chân khung và tay cầm không bị mòn.
>>> Bạn có thể quan tâm: Té ngã ở người cao tuổi: Nguyên nhân và Cách phòng ngừa
Cách dùng khung tập đi đúng cách
Khi đã chọn được khung phù hợp với mình, bạn sẽ cần học cách điều chỉnh và dùng khung sao cho an toàn.
Điều chỉnh khung
Trước khi di chuyển với khung tập đi, bạn cần điều chỉnh khung sao cho mình có thể đặt hai cánh tay một cách thoải mái trong khung. Điều này sẽ giúp giảm áp lực trên vai và lưng khi bạn sử dụng khung. Để kiểm tra xem khung có ở chiều cao thích hợp chưa, bạn có thể thực hiện các bước kiểm tra như sau:
• Kiểm tra khuỷu tay: Bạn hãy thả lỏng vai và đặt tay lên tay cầm của khung. Khi này, khuỷu tay nên cong ở một góc khoảng 15 độ.
• Kiểm tra chiều cao cổ tay: Bạn đứng vào bên trong khung và đặt tay hai bên sao cho thoải mái. Phần trên của tay cầm nên thẳng hàng với phần bên trong cổ tay.
Di chuyển với khung
Khi dùng khung tập đi cho người già để di chuyển, bạn nên lưu ý những điều sau đây:
– Nếu cần dùng khung để nâng đỡ bớt trọng lượng cơ thể khi di chuyển, bạn hãy bắt đầu bằng cách đẩy khung đi trước mình một bước. Bạn lưu ý giữ lưng thẳng khi đi chứ không chúi người về phía trước khi dùng khung.
– Sau khi đẩy khung tới trước, bạn đặt một chân vào giữa khung tập đi. Bạn lưu ý không bước lại quá gần thanh đằng trước của khung và giữ khung đứng yên khi bước vào.
– Bạn cầm chắc tay vịn của khung rồi bước tiếp chân còn lại về phía trước.
– Lặp lại các bước trên bằng cách di chuyển khung đi bộ phía trước rồi lại bước từng chân vào khung.
Ngoài việc dùng khung đúng cách, bạn cũng nên lưu ý những điều sau để di chuyển an toàn hơn:
– Khi sử dụng khung, bạn hãy đứng thẳng để lưng không bị ảnh hưởng.
– Bạn không nên đẩy khung về phía trước quá nhiều khi đi hay chỉnh tay cầm quá cao.
– Khi cần chuyển hướng, bạn hãy di chuyển chậm và bước các bước nhỏ.
– Bạn cần cẩn thận khi sử dụng khung tập đi trên các bề mặt dễ trơn trượt, trải thảm hoặc không bằng phẳng. Ngoài ra, bạn cũng cần để ý các vật nằm trên đường di chuyển.
– Mang giày thấp và có độ bám tốt khi di chuyển.
>>> Bạn có thể quan tâm: Chi phí đặt máy tạo nhịp tim cho người già bao nhiêu?
Khung tập đi là trợ thủ đắc lực cho những đối tượng di chuyển không thuận lợi như người già hay những ai bị chấn thương ở chân. Khi chọn được loại khung phù hợp và sử dụng khung đúng cách, bạn sẽ có thể độc lập trong sinh hoạt hằng ngày.
[embed-health-tool-bmi]