backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Đái ra dưỡng chấp ở người cao tuổi có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân · Lão khoa · Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 21/02/2022

    Đái ra dưỡng chấp ở người cao tuổi có nguy hiểm không?

    Đái ra dưỡng chấp (hay dưỡng chấp niệu) ở người cao tuổi là bệnh lý thuộc hệ tiết niệu tuy ít phổ biến nhưng nếu không kịp thời chữa trị có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

    Nước tiểu ở người khỏe mạnh thường trong suốt hoặc vàng nhạt; trong khi ở người tiểu ra dưỡng chấp lại có màu đục như sữa, để lâu sẽ thấy đông lại như thạch. Nguyên nhân đái ra dưỡng chấp là gì? Có cách nào để chữa khỏi hay không? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây để hiểu thêm về bệnh.

    Đái ra dưỡng chấp ở người cao tuổi là gì? có nguy hiểm không?

    Theo giới chuyên gia, đái ra dưỡng chấp là tình trạng dưỡng chấp xuất hiện trong nước tiểu. Bình thường dưỡng chấp là chất dịch nằm trong hệ bạch mạch với thành phần chính là lipid (trong đó triglyceride chiếm tỷ lệ 92%, phospholipide khoảng 7%, còn lại 1% là cholesterol tự do). Sở dĩ có dưỡng chấp trong nước tiểu là vì sự xuất hiện của lỗ rò từ hệ thống bạch huyết sang đường tiết niệu (thường rò vào vùng đài – bể thận, ít khi vào niệu quản hay bàng quang).

    Không riêng gì đối tượng cao tuổi, bệnh đái ra dưỡng chấp còn có thể xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 20 – 50. Bệnh có thể xuất hiện xen kẽ với những đợt đái máu (nước tiểu màu đỏ như nước rửa thịt, không đông, để lâu trong ống nghiệm thấy hồng cầu lắng ở đáy). Đái ra dưỡng chấp có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào mức độ của bệnh.

    Nhìn chung, nếu không quá nghiêm trọng, bệnh có thể kéo dài vài tháng rồi hết hoặc biến mất sau khi điều trị bằng kháng sinh. Trường hợp tiểu dưỡng chấp kéo dài khiến cho người bệnh gầy yếu, suy kiệt thì phải can thiệp bằng phẫu thuật. Một trong những biểu hiện đi cùng đáng lo ngại của đái ra dưỡng chấp là phù chân voi gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sinh hoạt người bệnh nếu không quan tâm và điều trị kịp thời.

    Có thể bạn quan tâm: Phù chân ở người già: Nguyên nhân và cách chữa trị

    Nguyên nhân gây đái ra dưỡng chấp ở người cao tuổi

    Nguyên nhân gây đái ra dưỡng chấp ở người già

    Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này là do nhiễm giun chỉ Wuchereria Bancrofti. Đây là loài ký sinh sống ở hệ bạch huyết, giun cái đẻ trứng rồi nở thành ấu trùng. Từ những cơ quan bị nhiễm giun, chúng sẽ phát triển và gây tắc bạch mạch tại đây. Cụ thể ấu trùng làm tắc bạch mạch quanh thận dẫn đến đái ra dưỡng chấp, còn ở chân sẽ gây biến chứng phù chân voi. Chưa kể, giun khi nhiễm vào cơ thể có xu hướng di chuyển sang những cơ quan khác gây hại (mức độ nguy hiểm nhất sẽ là khi giun lên não).

    Ngoài nhiễm giun chỉ thì còn một số nguyên nhân khác gây tiểu dưỡng chấp như là tắc bạch mạch do viêm (nhiều trường hợp người bệnh do nguyên nhân này có thể khỏi khi điều trị bằng kháng sinh nhưng dễ tái phát); khối u chèn ép vào hệ thống bạch mạch quanh thận hay do chấn thương.

    Dấu hiệu đái ra dưỡng chấp ở người cao tuổi

    Bệnh thường diễn tiến âm thầm cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng là nước tiểu đục như sữa. Ngoài biểu hiện đặc trưng này thì người đái ra dưỡng chấp đôi khi có thể bị sốt nếu có nhiễm khuẩn. Một vài trường hợp còn có kèm thêm tiểu ra máu khiến nước tiểu có màu nâu sậm.

    Triệu chứng nước tiểu đục thường xuất hiện rõ rệt vài giờ sau khi ăn, đặc biệt là những bữa ăn có nhiều mỡ, thịt, cá, trứng hoặc khi vận động mạnh. Dưỡng chấp niệu thường xuất hiện theo đợt, có khi ổn định nên dễ gây hiểu lầm rằng bệnh đã dứt.

    Việc chẩn đoán đái ra dưỡng chấp cũng không thực sự dễ dàng bởi có thể nhầm lẫn với các tình trạng khác như đái mủ, đái phosphate canxi hay đái tinh dịch. Các phương pháp chẩn đoán bệnh này ở người cao tuổi thường được áp dụng là định tính, định lượng dưỡng chấp trong nước tiểu; soi bàng quang; tiêm thuốc cản quang và chụp niệu quản – bể thận ngược dòng (thấy hình ảnh thuốc thấm vào đường rò từ bể thận vào bạch mạch); chụp hệ thống bạch huyết hay tìm ấu trùng giun chỉ trong máu…

    Điều trị đái ra dưỡng chấp ở người lớn tuổi

    điều trị đái ra dưỡng chấp ở người cao tuổi

    Việc điều trị sẽ dựa trên căn nguyên để tìm ra phác đồ thích hợp. Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ giun chỉ thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc diệt giun và ấu trùng hoặc bơm rửa bể thận bằng dung dịch bạc nitrat 0,5% nhằm làm xơ hóa những đường rò bể thận – bạch huyết (kỹ thuật này sẽ tiến hành khoảng 1 tuần/lần liên tục từ 3 – 6 lần tùy vào độ nặng nhẹ của bệnh). Để phòng trường hợp đái ra dưỡng chấp do nhiễm giun chỉ, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên áp dụng biện pháp ăn chín uống sôi, hạn chế tiêu thụ các loại đồ sống để phòng bệnh.

    Bên cạnh điều trị nội khoa, các bác sĩ cũng có thể can thiệp ngoại khoa nhằm giải quyết vấn đề rò ống bạch mạch và đài bể thận. Với những người mắc bệnh không rõ nguyên nhân thì việc điều trị bảo tồn bằng kháng sinh sẽ được áp dụng. Tiểu dưỡng chấp chuyển biến nặng gây suy kiệt thì cần can thiệp phẫu thuật nhưng khả năng tái phát lại cũng có thể xảy ra.

    Vừa rồi là những chia sẻ xoay quanh dưỡng chấp là gì, đái ra dưỡng chấp ở người cao tuổi có nguy hiểm hay không. Nếu phát hiện nước tiểu có màu bất thường hoặc có những biểu hiện lạ như đề cập ở trên, bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và nhận được chỉ định điều trị phù hợp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Trần Tố Trân

    Lão khoa · Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM


    Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 21/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo