Tục ngữ có câu: “Con người có cố có ông. Như cây có cội như sông có nguồn”. Tuy không còn là người chịu trách nhiệm chính về thu nhập nhưng vai trò của người cao tuổi trong gia đình vẫn vô cùng quan trọng.
Vai trò của người lớn tuổi trong gia đình là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đa số các cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông đều xoay quanh gánh nặng của dân số già và những thay đổi tiêu cực mà chúng ta phải đối mặt khi già đi. Điều này vô tình khiến người cao tuổi cảm thấy tự ti khi bản thân trở nên chậm chạp, kém minh mẫn hơn so với trước.
Hiểu rõ 5 vai trò quan trọng của mình đối với con cháu sẽ giúp người lớn tuổi sống hạnh phúc và mạnh khỏe hơn.
1. Người già đưa ra những quan điểm sâu sắc và khác biệt
Với mỗi sự việc, hiện tượng, từng người sẽ có góc nhìn và quan điểm khác nhau. Điều này dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế của họ.
- Trong một gia đình nhiều thế hệ, các thế hệ sau sẽ có cơ hội nhìn nhận, tiếp thu và thảo luận về các quan điểm khác biệt với các thế hệ đi trước. Điều này góp phần định hình tư duy, kiến thức cũng như phát triển khả năng phản biện vấn đề.
Kiến thức của cha mẹ, ông bà và người thân lớn tuổi sẽ giúp con cháu hiểu được tại sao họ lại có được vị trí như ngày hôm nay. Quan điểm của người lớn tuổi sẽ có ích cho phát triển con cháu trong tương lai.
2. Người cao tuổi phản ánh xã hội
Người lớn tuổi không chỉ có góc nhìn khác người trẻ mà họ còn có những câu chuyện được hình thành trong lúc họ lớn lên ở mỗi hoàn cảnh và văn hóa khác nhau. Đây là điều vô cùng quý giá để truyền lại cho thế hệ sau này.
Con cháu nên dành thời gian trò chuyện với ông bà và người thân lớn tuổi. Điều này không chỉ giúp người già bớt cảm thấy cô đơn, mà còn tạo cơ hội để các thế hệ sau suy ngẫm về giá trị bản thân. Để từ đó giúp họ đánh giá hành vi của mình theo các tiêu chuẩn về hiếu đạo.
>> Bạn có thể quan tâm: 8 bí quyết giúp bạn chăm sóc người cao tuổi ngay cả khi bận rộn
3. Vai trò của người cao tuổi trong gia đình: Chăm sóc các thành viên khác
Ông bà có thể giúp chăm sóc cháu nhỏ để bố mẹ yên tâm trở lại công việc sau thời gian thai sản.
- Ngay cả khi bố hoặc mẹ nghỉ hẳn công việc để tập trung chăm con, họ vẫn cần đến sự giúp đỡ của ông bà hoặc những người thân khác. Thỉnh thoảng nhờ người thân lớn tuổi trông cháu sẽ giúp các bậc cha mẹ giảm stress và có thời gian tái tạo năng lượng.
Ngoài ra, việc để ông bà chăm cháu cũng giúp các thành viên trong gia đình gắn kết và hiểu nhau hơn. Ông bà thường có nhiều thời gian. Do đó, việc chơi đùa với các đứa trẻ cũng sẽ thoải mái, thú vị và vui vẻ hơn.
4. Người lớn tuổi là “cuốn sách” về mẹo vặt cuộc sống
Bố mẹ hoàn toàn có thể học các mẹo hay chăm sóc và nuôi dạy con từ ông bà. Trẻ nhỏ lớn rất nhanh và mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm khác nhau. Do đó, không có cuốn sách nào có thể cho bố mẹ biết tất cả mọi thứ. Việc tham khảo ý kiến ông bà hoặc những người thân có kinh nghiệm trông con nhỏ là lựa chọn thông minh để giải quyết vấn đề này.
Dù vậy, bố mẹ cũng cần có kiến thức nhất định để tránh áp dụng những phương pháp không có cơ sở khoa học hay dựa vào mê tín dị đoan để chăm sóc cho con.
>> Bạn có thể quan tâm: Phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình, cộng đồng
5. Ông bà chính là những “người hùng” đích thực
Người lớn tuổi có vai trò gì trong gia đình? Các thành viên lớn tuổi đa phần đã trải qua chiến tranh hoặc thời kỳ khó khăn. Vì thế, họ là nguồn cảm hứng cho các thành viên khác trong gia đình. Những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh sẽ giúp các thế hệ sau nhận ra họ có thể thay đổi cuộc sống nhờ vào sự chăm chỉ, quyết tâm và nỗ lực của bản thân.
Bên cạnh đó, vai trò của người cao tuổi trong gia đình thường giúp khuyến khích, cố vấn, tạo động lực cho trẻ nhỏ theo đuổi ước mơ. Ngoài ra, lúc bố mẹ và con cái có xích mích, ông bà thường là người đảm nhiệm “trọng trách” hòa giải những hiểu nhầm giữa 2 bên.
Làm sao để kết nối với người lớn tuổi trong gia đình?
Hiểu được vai trò của người lớn tuổi trong gia đình, việc giao tiếp và giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp là điều ai cũng muốn thực hiện. Sau đây là một số bí quyết giúp bạn có thể giao tiếp tốt với ông bà cha mẹ!
Lắng nghe lời nói của ông bà
Khi người già mở lòng và chia sẻ những vấn đề, quan điểm của họ, hãy chân thành lắng nghe. Đừng vội ngắt lời họ nếu bạn không đồng tình, hoặc muốn phản bác ý kiến của ông bà. Thay vào đó, hãy thật sự lắng nghe, đặt ra những câu hỏi gợi mở như: “Tại sao ông bà/ cha mẹ lại nghĩ như thế?”; hoặc “Con có thể làm gì để giải quyết việc này?”.
Ngoài ra, bạn cũng đừng quá nóng vội khi đột nhiên người già im lặng giữa cuộc trò chuyện. Một khoảng dừng ngắn có thể là cách mà thành viên trong gia đình bạn đang cân nhắc phản hồi và suy nghĩ về cách trả lời.
Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng, lắng nghe nên được thực hiện từ hai phía. Hãy cố gắng xác định rằng người thân của bạn cũng đang nghe những gì bạn nói. Nếu không, tạm dừng cuộc hội thoại và bàn luận ở một thời điểm thích hợp hơn bạn nhé!
Chấp nhận sự khác biệt của ý kiến
Làm sao để kết nối với người lớn tuổi trong gia đình? Cho dù gia đình có gắn bó đến đâu, không phải lúc nào tất cả các thành viên cũng đồng ý, thống nhất ý kiến. Hãy tôn trọng ý kiến của người lớn tuổi. Đừng vội xem thường, và nghĩ rằng ý kiến trái chiều của người già là lỗi thời. Khoảng cách thế hệ ít nhiều sẽ tác động đến hệ tư tưởng của bạn và ông bà cha mẹ.
Việc bạn nên làm để vai trò của người già trong gia đình có thể được tỏa sáng chí là lắng nghe mọi phía và cố gắng thấu hiểu lẫn nhau.
Người lớn tuổi có vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình. Sự khôn ngoan, điềm tĩnh và tình yêu thương vô điều kiện của họ sẽ góp phần định hình tính cách, tương lai của các thế hệ trẻ sau này.