backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Nội soi phổi có nguy hiểm không và những rủi ro có thể xảy ra

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 10/12/2021

    Nội soi phổi có nguy hiểm không và những rủi ro có thể xảy ra

    Nội soi phổi (hay còn gọi là nội soi phế quản) cho phép bác sĩ kiểm tra bên trong phổi của bệnh nhân, bao gồm cả phế quản và đường dẫn khí. Thủ thuật này được chỉ định phổ biến trong chẩn đoán và điều trị các bất thường ở phổi. Mặc dù được nhận định là một thủ thuật an toàn và phổ biến nhưng không ít người vẫn thắc mắc nội soi phổi có nguy hiểm không hay nội soi phế quản có đau không?

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về nội soi phổi cần thiết khi nào và không nên thực hiện khi nào, những rủi ro và lưu ý khi tiến hành thủ thuật này nhé!

    Khi nào cần nội soi phổi?

    Nội soi phổi thường được chỉ định để chẩn đoán và điều trị các bệnh về phổi như:

    • Khối u hay ung thư phổi.
    • Tắc nghẽn đường thở.
    • Sẹo hẹp khí phế quản sau đặt nội khí quản
    • Dị vật phế quản.
    • Hẹp đường thở.
    • Các nguyên nhân dẫn đến ho dai dẳng.
    • Ho ra máu.
    • X-quang ngực cho thấy vấn đề ở phổi.
    • Liệt dây thanh quản.

    nội soi phổi có nguy hiểm không

    Nội soi phổi có nguy hiểm không? 

    1. Những trường hợp không nên tiến hành nội soi phổi

    Nội soi phổi có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào đánh giá giữa rủi ro và lợi ích mà thủ thuật này trên từng bệnh nhân. Thông thường, bác sĩ chuyên khoa điều trị sẽ cân nhắc giữa 2 yếu tố này và không nên chỉ định khi rủi ro mà nó mang lại lớn hơn. Dưới đây là một số chống chỉ định nội soi phế quản – nhưng chưa bao gồm là tất cả:

    • Huyết động không ổn định, có tiền sử nhồi máu cơ tim gần đây.
    • Phình tách động mạch chủ
    • Suy hô hấp cấp nặng, cơn hen phế quản cấp chưa kiểm soát.
    • Rối loạn đông máu nặng.
    • Người bệnh dị ứng với thuốc gây mê, gây tê.
    • Bệnh nhân suy gan, suy thận, suy tim nặng.
    • Bệnh nhân không đồng ý tiến hành thủ thuật.

    2. Nội soi phổi có nguy hiểm không? Những rủi ro có thể xảy ra là gì?

    Các biến chứng do nội soi phế quản không phổ biến và chúng thường hiếm khi trở nên nghiêm trọng. Nhưng nếu đường thở bị viêm và tổn thương sẵn sẽ dễ xảy ra biến chứng hơn. Các rủi ro này có thể liên quan đến thuốc mê hay thuốc gây tê tại chỗ hay do chính bản thân thủ thuật.

    • Giảm oxy máu
    • Rối loạn huyết động. Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh nhân trước đó.
    • Chảy máu phổi có nhiều nguy cơ xảy ra hơn khi sinh thiết mô phổi. Tuy nhiên thường ít và tự khỏi mà không cần điều trị.
    • Thủng khí quản, thực quản hiếm khi xảy ra, nguyên nhân là do tổn thương đường thở khi tiến hành nội soi, có thể gây tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất. 
    • Sốt khá thường gặp sau nội soi phổi nhưng chưa chắc đã là dấu hiệu của nhiễm trùng, có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
    • Các biến chứng tiềm ẩn khác của thủ thuật bao gồm chấn thương dây thanh quản, gãy răng và hiếm khi tử vong.

    Lưu ý sau khi nội soi phổi, cần thông báo cho bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng như sốt kéo dài hơn 24h, khó thở, tức ngực ngày càng nhiều, ho ra máu. Mặc dù câu trả lời cho câu hỏi nội soi phổi có nguy hiểm không là thủ thuật này tương đối an toàn nhưng người bệnh vẫn cần nắm rõ các biến chứng có thể xảy ra để kịp thời xử lý.

    Cần lưu ý gì khi tiến hành nội soi phổi? 

    nội soi phổi có nguy hiểm không

    Sau khi đã biết nội soi phổi có nguy hiểm không, bạn nên lưu ý những điều dưới đây để hạn chế rủi ro khi tiến hành thủ thuật này.

    Trước khi tiến hành thủ thuật

    Ngoài việc hiểu biết rõ về lý do, quy trình tiến hành nội soi đường thở, cũng có một số lưu ý cho bạn trước khi tiến hành thủ thuật này, bao gồm:

    • Bệnh nhân cần nhịn ăn trong vòng 6h trước khi tiến hành thủ thuật.
    • Ngưng sử dụng các loại thuốc chống đông máu bao gồm các loại kháng viêm, aspirin và thuốc chống đông máu.
    • Thông báo với bác sĩ các loại thuốc mà bạn đang dùng (nếu có).
    • Nghỉ ngơi trước khi tiến hành thủ thuật và nên đi cùng với người thân.

    Sau khi tiến hành nội soi phổi

    • Sau nội soi phổi (có sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc gây tê chỗ) người bệnh cần được nghỉ ngơi tại phòng hồi sức từ 30-60 phút.
    • Ngay sau khi nội soi xong, không ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì cho đến khi thuốc tê hết hoàn toàn tác dụng, nhằm tránh thức ăn lọt vào đường thở của bạn. Dù không được liệt kê là biến chứng nhưng khi bạn đã quan tâm tới việc nội soi phổi có nguy hiểm không thì phải để ý đến tình huống này. Bảo vệ đường thở khỏi dị vật cũng rất quan trọng.
    • Khi có phản xạ nuốt và ho trở lại, bạn có thể bắt đầu ăn uống bằng cách bắt đầu với từng ngụm nước nhỏ và thức ăn lỏng.
    • Không nên lái xe, vận hành máy móc cho đến khi hết tác dụng của thuốc mê.
    • Bạn có thể cảm thấy đau họng, khàn giọng và ho. Đây là điều bình thường, để làm giảm bớt cảm giác khó chịu có thể súc miệng với nước muối hay sử dụng viên ngậm đau họng.

    Mặc dù nhiều người vẫn sợ nội soi phổi có nguy hiểm không nhưng trên thực tế có thể thấy đây là một thủ thuật tương đối an toàn và có ý nghĩa trong chẩn đoán và điều trị các vấn đề về phổi và đường thở. Vì vậy, đừng quá lo lắng mà nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ và những lưu ý kể trên nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 10/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo