backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho người lớn đúng cách

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 17/01/2024

    Cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho người lớn đúng cách

    Nghẹt mũi là tình trạng thường gặp khi vào mùa lạnh. Cảm giác tắc nghẽn thậm chí khiến bạn khó thở, rất khó chịu và mệt mỏi. Để “thoát khỏi” tình trạng này, rửa mũi là một trong những cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả không ngờ. Hãy cùng Hello Bacsi tham khảo cách rửa mũi cho người lớn bằng nước muối an toàn và hiệu quả tại nhà nhé!

    Nghẹt mũi xảy ra khi các mao mạch trên lớp niêm mạc mũi bị viêm, khiến niêm mạc bị sưng lên. Có nhiều nguyên nhân gây nên viêm mũi, điển hình là khi nhiễm virus như cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang, viêm mũi do dị ứng. Thông thường ngạt mũi sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần.

    Tuy nhiên, để làm giảm triệu chứng khó chịu, người bệnh cũng cần hỗ trợ làm mềm niêm mạc mũi, loãng chất nhầy để tống xuất chúng ra ngoài. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý sẽ giúp bạn làm được điều này. 

    Cách rửa mũi cho người lớn để thông ngạt mũi 

    cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho người lớn
    Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hỗ trợ làm mềm niêm mạc mũi, loãng chất nhầy

    Để rửa mũi cho người lớn, có thể dùng cả nước muối sinh lý mua tại nhà thuốc hoặc tự pha nước muối tại nhà. Các loại nước muối sinh lý đóng gói sẵn sẽ đảm bảo nồng độ đẳng trương với tế bào sống. Đồng thời có các chất bảo quản kiểm soát vi sinh vật. Hoặc bạn cũng có thể tự pha nước muối theo tỷ lệ bên dưới.

    Cách pha nước muối rửa mũi cho người lớn tại nhà 

    • Trộn 1 thìa cà phê muối và 1 thìa cà phê bicarbonate soda. 
    • Cho hỗn hợp trên vào 480ml lít nước đun sôi để nguội, cho đến gần bằng nhiệt độ cơ thể. 

    Dung dịch này có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vòng 3 ngày. Hãy pha thật loãng để tạo dung dịch đẳng trưởng. Nếu quá mặn (ưu trương) sau khi rửa xong niêm mạc mũi dễ bị khô. Lưu ý không cố rửa mũi khi nước còn nóng.  

    Cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho người lớn tại nhà

    Có thể có nhiều cách để rửa mũi cho người lớn khác nhau, nhưng bạn có thể thử áp dụng với 4 bước đơn giản sau: 

    • Bước 1. Lấy một ống tiêm y tế lớn, bình bóp hoặc bình rửa mũi, đổ đầy dung dịch nước muối vào.
    • Bước 2: Đứng trước bồn rửa mặt, cúi người về phía trước và nghiêng đầu qua một bên.
    • Bước 3: Dùng ống tiêm bơm nước muối vào lỗ mũi bên trên cho đến khi nước muối chảy ra ở lỗ mũi bên dưới, lặp lại từ 3-5 lần.
    • Bước 4: Sau đó đổi bên và thực thiện với thao tác như trên. 

    Trong khi rửa mũi, dung dịch nước muối hay dịch tiết có thể chảy vào cổ họng của bạn, hãy khạc nhổ chúng ra khỏi cổ họng sau khi rửa mũi. 

    Những lưu ý trong cách rửa mũi cho người lớn

    cách rửa mũi cho người lớn
    Rửa mũi có thể giúp loại bỏ dịch nhầy cùng các chất gây kích ứng, phù hợp cho những người bị nghẹt mũi
    • Không sử dụng nước máy để rửa mũi mà chỉ nên dùng loại nước muối sinh lý hoặc các loại nước cất, nước tiệt trùng có bán tại nhà thuốc. Bạn có thể đun sôi nước máy từ 3-5 phút, để nguội và dùng trong vòng 24h. Vì mặc dù lượng vi sinh vật trong nước máy được kiểm soát ở nồng độ thấp không gây ảnh hưởng cho đường tiêu hóa nhưng trong đường mũi, chúng có thể phát triển mạnh gây nhiễm trùng.
    • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý có thể gây cảm giác nóng rát trong mũi ở những lần đầu, nhất là ở bệnh nhân viêm xoang. Hầu hết người bệnh đều quen với việc rửa mũi sau một vài lần. 
    • Sau khi vệ sinh mũi, phải vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ xịt, rửa và để khô ráo, thoáng mát. 
    • Rửa mũi có thể giúp loại bỏ dịch nhầy cùng các chất gây kích ứng, phù hợp cho những người bị nghẹt mũi do viêm mũi dị ứng hay viêm xoang, cảm lạnh,…Tuy nhiên cũng chỉ nên rửa mũi trong vài ngày bị ngạt, nếu không thuyên giảm bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và xử lý kịp thời. 

    Khi nào ngạt mũi cần đến gặp bác sĩ

    Cách rửa mũi cho người lớn kết hợp chăm sóc tại nhà có thể giúp bệnh nhân kiểm soát các tình trạng ngạt mũi gây ra do các nhiễm trùng thông thường. Tuy nhiên, nếu các vấn đề ở đường mũi họng không khả quan sau nhiều ngày tự chăm sóc, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán, nhất là khi xuất hiện các biểu hiện sau: 

    • Ngạt mũi kèm theo sưng mắt, bên mũi hoặc má hoặc kèm theo mờ mắt.
    • Các triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần.
    • Đau họng nhiều hơn
    • Có các chấm trắng hoặc vàng trên amidan hoặc các bộ phận khác của cổ họng.
    • Nước mũi có mùi hôi, chỉ chảy nước mũi một bên hoặc nước mũi có màu sắc lạ.
    • Ho kéo dài hơn 10 ngày.
    • Ho ra đờm màu vàng, xanh hoặc xám.
    • Chảy dịch mũi sau chấn thương đầu.
    • Chảy nước mũi kèm theo sốt.

    Trên đây là cách rửa mũi bằng nước muối cho người lớn rất đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay tại nhà. Hãy lưu lại để sử dụng mỗi khi cần thiết nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 17/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo