backup og meta

Vì sao bị ho nhưng không sốt? Cách xử lý hiệu quả từng trường hợp

Vì sao bị ho nhưng không sốt? Cách xử lý hiệu quả từng trường hợp

Ho là một triệu chứng phổ biến và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trên thực tế, cơn ho thường đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bị ho nhưng không sốt.

Vì vậy, đây chắc hẳn cũng là một trong những tình trạng cần được quan tâm. Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân gây ho không kèm sốt và cách xử lý triệu chứng này hiệu quả.

Tìm hiểu chung về các loại ho

Ho là một phản xạ tự nhiên giúp làm sạch chất nhầy và các chất kích thích khác trong đường hô hấp. Về cơ bản, có 2 loại ho là ho có đờm và ho không có đờm. Trong đó:

  • Ho có đờm tạo ra chất nhầy, thường xảy ra khi bạn bị cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Ho không có đờm hoặc ho khan sẽ không có chất nhầy, thường xảy ra khi bạn tiếp xúc với chất kích thích gây dị ứng, bị hen suyễn, COVID-19, ho do bệnh lý tim mạch, ho trong giai đoạn đầu của các bệnh lý hô hấp…

Mặt khác, các cơn ho cũng có thể được phân loại dựa trên mức độ nghiêm trong và thời gian kéo dài. Trong trường hợp này, cơn ho được phân loại như sau:

  • Cấp tính: Cơn ho kéo dài 3 tuần hoặc ít hơn
  • Bán cấp tính: Cơn ho kéo dài 3 đến 8 tuần. Bạn có thể vẫn ho khi tình trạng nhiễm trùng hô hấp đã biến mất.
  • Mãn tính: Cơn ho kéo dài trên 8 tuần, nguyên nhân thường do một căn bệnh hô hấp mãn tính gây ra.

Vì sao bị ho nhưng không sốt? Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị

Ho và sốt không phải lúc nào cũng là các triệu chứng đi kèm với nhau. Đôi khi, bạn vẫn có thể bị ho nhưng không sốt. Sau đây là những nguyên nhân lý giải cụ thể kèm theo cách điều trị phù hợp, cần thiết:

Cảm lạnh thông thường

bị ho nhưng không sốt

Trung bình, một người trưởng thành vẫn có thể mắc cảm lạnh từ 2 đến 3 lần một năm. Hầu hết trường hợp nhiễm bệnh này là do một loại virus có tên Rhinoovirus gây ra. Cảm lạnh thông thường có thể gây ho ở mức độ nhẹ đến trung bình và thường không sốt. Các triệu chứng khác khi bạn bị cảm lạnh bao gồm:

  • Hắt hơi
  • Nghẹt mũi
  • Nhức đầu
  • Viêm họng.

Cảm lạnh thông thường có thể khỏi trong vòng 1 đến 2 tuần mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, một số trường hợp bạn có thể cần dùng thuốc để làm giảm các triệu chứng khó chịu.

Bị ho nhưng không sốt liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi axit từ dạ dày chảy ngược vào thực quản của bạn. Khi gặp tình trạng này, các axit có thể kích thích niêm mạc nhạy cảm của thực quản và gây ho, ợ chua, buồn nôn, khó nuốt, có vị khó chịu trong miệng, đau tức ngực hoặc cảm giác nghẹn trong cổ họng.

Đối với các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản, bạn có thể kiểm soát bằng cách:

  • Tránh ăn quá nhiều, chia nhỏ bữa ăn
  • Tránh ăn ngay trước khi đi ngủ
  • Tránh ăn món nhiều dầu mỡ, cay mặn
  • Thay đổi một số thói quen trong cuộc sống như hạn chế rượu bia, giảm hoặc cai hút thuốc…

Nếu việc thay đổi cách ăn uống, lối sống không giúp bạn cải thiện các triệu chứng thì có thể dùng thuốc điều trị không kê đơn hoặc đến gặp bác sĩ.

Bị ho nhưng không sốt do chảy dịch mũi sau

bị ho nhưng không sốt

Đây là tình trạng dịch nhầy dư thừa tích tụ phía sau xoang của mũi và chảy xuống phía sau cổ họng. Điều này có thể gây kích ứng cổ họng và khiến người bệnh bị ho nhưng không sốt. Các triệu chứng khác bao gồm buồn nôn, viêm họng, hôi miệng. Đối với chứng chảy dịch mũi sau, bạn có thể kiểm soát bằng cách:

  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể
  • Dùng bình rửa mũi để làm sạch xoang
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm cho nhà ở.

Ho kéo dài sau nhiễm trùng

Một số nhiễm trùng hô hấp như bệnh ho gà, viêm phế quản hoặc viêm thanh khí phế quản có thể khiến cơn ho của bạn kéo dài dù các triệu chứng khác của bệnh đã biến mất. Đó là lý do mà một số bệnh nhân có thể bị ho nhưng không sốt. Đối với tình trạng ho sau nhiễm trùng, bạn có thể cần điều trị bằng thuốc chẳng hạn như thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi hoặc thuốc giảm ho (dextromethorphan, acetylcystein, bromhexin…).

Các nguyên nhân khác

Nếu bị ho nhưng không sốt, tình trạng này cũng có thể là do:

  • Hút thuốc lá: Cơn ho do hút thuốc xảy ra khi cơ thể bạn cố gắng “tống khứ” hóa chất độc hại ra khỏi phổi.
  • Hen suyễn hoặc dị ứng: Những tình trạng sức khỏe này cũng có thể gây ra cơn ho. Trong đó, hen suyễn có thể đi kèm với cảm giác tức ngực, khó thở. Còn các triệu chứng của dị ứng thì rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh.

Nhìn chung, mặc dù tình trạng bị ho nhưng không sốt hiếm khi nghiêm trọng nhưng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu hoặc khó ngủ ngon, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc. Lời khuyên cơ bản là bạn nên uống nhiều nước, dùng máy tạo độ ẩm trong phòng, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ để cải thiện triệu chứng. Đôi khi, bạn có thể dùng thuốc trị ho nếu cần thiết và nên đi khám nếu cơn ho kéo dài, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và hoạt động thường ngày. 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cough

https://www.nhs.uk/conditions/cough/ Truy cập ngày 09/01/2023

Cough

https://www.healthdirect.gov.au/cough Truy cập ngày 09/01/2023

Common Cold

https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/common-cold Truy cập ngày 09/01/2023

Is It a Cold, the Flu, or COVID-19?

https://kidshealth.org/en/parents/flu-vs-cold.html

Ngày truy cập 17/03/2023

Chest Cold (Acute Bronchitis)

https://www.cdc.gov/antibiotic-use/bronchitis.html

Ngày truy cập 17/03/2023

Phiên bản hiện tại

17/03/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Thuốc trị ho khan và những lưu ý khi sử dụng

Bị ho, khó thở khi bỏ thuốc lá có sao không? Bạn nên làm gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 17/03/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo