Tình trạng nghẹt mũi khó thở thường cản trở quá trình luyện tập thể dục của nhiều người. Vậy, tập thể dục bị khó thở phải làm sao? Bạn nên làm gì để khắc phục tình trạng này?
Luyện tập thể dục là một phần quan trọng giúp bạn duy trì sức khỏe và một vóc dáng cân đối. Tuy nhiên, điều này dường như trở nên vô cùng khó khăn đối với những người đang gặp phải tình trạng tập thể dục bị khó thở. Với những mẹo dưới đây, những bệnh nhân bị nghẹt mũi khó thở có thể luyện tập thể dục một cách dễ dàng.
Tập thể dục bị khó thở thì bạn nên duy trì hơi thở trong suốt quá trình luyện tập
Tập thể dục bị khó thở thì bạn hãy duy trì việc hít vào và thở ra bằng mũi trong suốt quá trình luyện tập. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp thở mím môi. Phương pháp này được thực hiện bằng cách hít vào bằng mũi, nhưng thở ra bằng miệng với môi chúm lại (giống như huýt sáo). Điều này giúp hơi thở của bạn đều đặn hơn và duy trì sức chịu đựng trong suốt quá trình luyện tập.
Lựa chọn các bài tập phù hợp
Khi gặp phải tình trạng tập thể dục bị khó thở, điều quan trọng nhất là bạn phải lựa chọn các hình thức luyện tập phù hợp với thể trạng và sức khỏe của bản thân. Các môn thể thao hay các hoạt động đòi hỏi sự gắng sức cao độ như bóng đá và chạy đường dài sẽ là thách thức đối với các bệnh nhân bị khó thở. Trong khi đó, những môn thể thao với cường độ thấp như yoga, aerobic, đi bộ, đặc biệt là bơi lội sẽ phù hợp hơn.
Sử dụng các loại thuốc dạng xịt
Đối với những bệnh nhân bị khó thở, đặc biệt là do bệnh hen suyễn, bác sĩ thường khuyên họ dùng các loại thuốc dạng xịt. Các loại thuốc này đóng vai trò như một phao cứu sinh giúp cắt giảm triệu chứng khó thở một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, các loại thuốc dạng xịt còn giúp bạn kéo dài thời gian luyện tập mà không cần phải lo lắng về tình trạng khó thở của mình.
Khởi động trước khi tập và thư giãn sau khi tập
Luyện tập thể dục ngay mà không khởi động có thể gây tổn thương cho cơ thể và đặc biệt nguy hiểm đối với những người đang gặp phải tình trạng khó thở. Việc dành khoảng 5 -10 phút để khởi động trước khi tập và thư giãn sau khi luyện tập không những giúp giảm tình trạng tập thể dục bị khó thở mà còn thúc đẩy cơ bắp phục hồi tốt hơn. Nếu bỏ qua giai đoạn khởi động trước khi tập và thư giãn sau khi tập, tình trạng khó thở của bạn có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Đừng nên luyện tập thể dục khi cơ thể không được khỏe
Khi mắc bệnh cảm lạnh hay cảm cúm, bạn có thể sẽ cảm thấy nghẹt mũi khó thở. Thêm vào đó, nếu bạn không dành thời gian nghỉ ngơi mà vẫn cố gắng tập thể dục thì tình trạng khó thở sẽ trở nên trầm trọng hơn. Do đó, bạn nên hạn chế tập thể dục khi đang mắc bệnh và cảm thấy không khỏe.
Lắng nghe cơ thể mình
Nếu tập thể dục bị khó thở thì bạn nên dừng lại và nghỉ ngơi. Khó thở thường xuyên khi tập thể dục là dấu hiệu chứng tỏ bạn nên lựa chọn một hình thức luyện tập khác.
Tập thể dục là một cách tuyệt vời giúp bạn duy trì một cơ thể khỏe mạnh và một vóc dáng cân đối. Tuy nhiên, bạn hãy lựa chọn các môn thể thao hay các hoạt động phù hợp với bản thân để giảm thiểu tình trạng bị khó thở khi luyện tập.
Nếu tình trạng khó thở của bạn là một triệu chứng của bệnh hen suyễn hay các bệnh về đường hô hấp khác, bạn đừng bỏ qua việc thăm khám định kỳ và dùng thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ để các hoạt động hàng ngày của bạn diễn ra bình thường.
[embed-health-tool-bmi]