backup og meta

6 biện pháp bảo vệ hệ hô hấp khỏe mạnh đơn giản, hiệu quả

6 biện pháp bảo vệ hệ hô hấp khỏe mạnh đơn giản, hiệu quả

Khi tìm hiểu về cấu tạo và nắm được các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp, bạn sẽ chủ động tránh xa các tác nhân gây hại và thay đổi lối sống lành mạnh hơn.

Trung bình, một người hoạt động ở mức vừa phải hít thở khoảng 20.000 lít không khí trong 24 giờ. Hệ cơ quan giúp chúng ta thực hiện chức năng cơ bản nhất này chính là hệ hô hấp. Chúng lấy oxy từ không khí và cung cấp đến các tế bào, cơ quan khác. Sau đó, các khí thải như carbonic cũng được loại bỏ ra khỏi máu thông qua hệ cơ quan này.

Vậy, làm thế nào để có hệ hô hấp khỏe mạnh và đâu là các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp để các cơ quan này hoạt động hiệu quả lâu dài? Trước hết, hãy cùng tìm hiểu về cấu tạo và các tác nhân gây hại cho hệ hô hấp.

Cấu tạo hệ hô hấp ở người

Hệ hô hấp bao gồm các cơ quan và mô phối hợp nhịp nhàng với nhau để giúp bạn hít thở. Bên cạnh đó, các cơ hỗ trợ cho phổi cũng là một phần trong hệ cơ quan này. Mọi thứ hoạt động cùng nhau để mang oxy đi khắp cơ thể và loại bỏ các khí thải như carbonic ra ngoài.

Hệ hô hấp có thể được chia thành 2 phần:

  • Đường hô hấp trên: bao gồm mũi, hầu họng, thanh quản. Các cơ quan này nằm ở ngoài lồng ngực.
  • Đường hô hấp dưới: gồm có khí quản, 2 lá phổi và tất cả các phân nhánh của cây phế quản (kể cả phế nang). Các cơ quan này nằm ở trong khoang lồng ngực.
tìm hiểu cấu tạo hệ hô hấp để có các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp
Tìm hiểu cấu tạo hệ hô hấp để có các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp

Bên cạnh nhiệm vụ giúp hít vào và thở ra, hệ hô hấp còn đảm nhiệm nhiều chức năng khác như:

  • Giúp phát ra âm thanh (nói chuyện) và ngửi thấy mùi hương
  • Mang không khí cùng với nhiệt độ và độ ẩm cho cơ thể
  • Cung cấp oxy cho các tế bào trong cơ thể
  • Loại bỏ các khí thải, như carbonic, ra khỏi cơ thể khi thở ra
  • Bảo vệ đường thở khỏi các tác nhân gây hại hay gây kích ứng.

Các tác nhân gây hại cho hệ hô hấp

Trước khi biết về các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp thì bạn nên hiểu rõ về các tác nhân gây hại cho cơ quan này. Môi trường sống có những tác động trực tiếp đến hệ hô hấp con người. Trong quá trình hít không khí vào, chúng ta cũng đồng thời đưa những thành phần khác qua đường dẫn khí đến phổi. Mặc dù đường dẫn khí có những cơ chế giúp loại bỏ bớt các bụi bẩn và các mầm bệnh (như vi khuẩn, virus) nhưng vẫn không đủ khả năng bảo vệ toàn diện. Đặc biệt, khi bạn thường xuyên tiếp xúc với những tác nhân gây hại cho hệ hô hấp.

Một số yếu tố, tác nhân có khả năng ảnh hưởng đến hệ hô hấp, đặc biệt là phổi và gây ra nhiều vấn sức khỏe từ  nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Khói thuốc lá, kể cả chủ động hay thụ động. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi và các bệnh ở phổi như COPD.
  • Không khí ô nhiễm với mật độ khói bụi cao, các khí thải độc hại từ phương tiện giao thông, nhiên liệu đốt rắn (than, củi…)
  • Các dị nguyên (tác nhân gây dị ứng) trong không khí như da/ lông động vật, côn trùng, phấn hoa, nấm mốc… Các tác nhân này có thể kích thích phản ứng dị ứng xảy ra ở một số người.
  • Phơi nhiễm hơi hóa chất, bụi độc hại từ môi trường làm việc. Một số ngành nghề nhất định có nguy cơ mắc bệnh ở đường hô hấp hay phổi cao hơn do thường xuyên tiếp xúc với những hóa chất độc hại dễ bay hơi, bụi kim loại, quặng khoáng sản…

Các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp – giữ lá phổi khỏe mạnh

Hãy nhớ, các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp sẽ giúp làm tăng khả năng loại bỏ chất nhầy ra khỏi phổi và đường thở, góp phần bảo vệ sức khỏe phổi nói riêng và hệ hô hấp nói chung. Dưới đây là một số gợi ý về biện pháp giúp hệ hô hấp khỏe mạnh hoạt động hiệu quả hơn.

1. Làm sạch đường thở bằng cách xông khí dung bằng nước muối sinh lý

Xông khí dung bằng nước muối là một biện pháp bảo vệ hệ hô hấp
Xông khí dung bằng nước muối là một biện pháp bảo vệ hệ hô hấp

Nước muối có rất nhiều công dụng trong y học, thường được sử dụng để làm sạch vết thương, vệ sinh mũi, cổ họng và điều trị chứng mất nước. Việc vệ sinh mũi bằng nước muối sẽ giúp tiêu diệt các chất gây dị ứng, loại bỏ chất nhầy và bụi, đồng thời giúp làm ẩm màng nhầy – từ đó giúp đường thở được thông thoáng và tránh được các loại bệnh vặt.

Để vệ sinh mũi bằng nước muối hiệu quả, tránh gây khó chịu, bạn có thể xông khí dung bằng nước muối. Phương pháp này có thể giúp làm sạch đường mũi, họng triệt để do có thể giúp đưa trực tiếp các hạt dung dịch vào bên trong, tạo sự hấp thu nhanh và làm sạch tức thời. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp dung dịch được thẩm thấu vào từng ngóc ngách của niêm mạc, giúp hỗ trợ việc vệ sinh mũi họng được sạch hơn.

2. Tập thể dục là biện pháp bảo vệ hệ hô hấp

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo mọi người nên hoạt động thể chất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần để tăng cường sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe hô hấp. Ngay cả những người bệnh phổi mạn tính cũng có thể cải thiện các triệu chứng nhờ tập thể dục hợp lý, thường xuyên.

Thử nghiệm các bài tập thở cũng là biện pháp giúp cải thiện chức năng phổi, tăng cường sức khỏe hệ hô hấp để hoạt động hiệu quả. Bạn có thể thử các bài tập đơn giản sau và cảm nhận hiệu quả:

  • Thở chúm môi: Hít vào chậm qua mũi – Thở ra từ từ bằng miệng, môi chúm lại như thổi sáo. Có thể áp dụng thêm kỹ thuật ngưng thở cuối kỳ hít vào (nín thở khoảng 03 giây).
  • Thở bụng: Thả lỏng hai vai, một tay đặt lên bụng (để cảm nhận sự chuyển động của bụng) – Mím môi, hít vào bằng mũi phình bụng ra – Thở ra bằng phương pháp chúm môi, bụng xẹp lại.

3. Uống nhiều nước

Bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể sẽ giúp làm loãng các dịch nhầy, đàm trong phổi hay đường thở. Từ đó, việc “tống khứ” các chất này ra ngoài cũng dễ dàng hơn và đường thở sẽ trở nên thông thoáng. Mỗi người cần uống đủ lượng nước theo thể trạng của mình, đừng để cơ thể thiếu nước nhưng cũng không nên uống quá nhiều nước.

4. Tránh tiếp xúc với các tác nhân ô nhiễm trong không khí

Đeo khẩu trang, giữ vệ sinh, sát khuẩn là những biện pháp bảo vệ hệ hô hấp hiệu quả
Đeo khẩu trang, giữ vệ sinh, sát khuẩn là những biện pháp bảo vệ hệ hô hấp hiệu quả

Tình trạng ô nhiễm không khí có thể gây khó thở và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp. Do đó, bạn nên thực hiện các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp khỏi các tác nhân gây hại cả khi đi ra ngoài và ở trong nhà như:

  • Kiểm tra chỉ số chất lượng không khí trước khi ra ngoài. Nếu chất lượng không khí quá tệ, bạn nên tránh ra ngoài nếu có thể. Những ngày như vậy bạn cũng không nên tập luyện thể dục ngoài trời.
  • Đeo khẩu trang có khả năng lọc được các loại bụi, đặc biệt là bụi mịn khi đi ra ngoài trời.
  • Tránh tiếp xúc với chất gây kích ứng như khói thuốc lá hoặc khói thải từ các phương tiện giao thông, nhà máy.
  • Sử dụng các dụng cụ bảo vệ hô hấp khi bạn làm việc tại các công trường, xưởng, mỏ than hay các công việc có tiếp xúc với hóa chất độc hại.
  • Dùng máy lọc không khí trong nhà để giữ không khí ở chất lượng tốt nhất có thể. Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên để tránh hít phải các dị nguyên gây kích ứng phổi như lông động vật, nấm mốc…
  • Vệ sinh và thông gió tốt cho ngôi nhà, sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên thay vì hóa chất tổng hợp hay có nhiều hương liệu vì chúng có thể gây kích ứng đường hô hấp.
  • Trồng thêm một số loại cây trong nhà giúp lọc không khí và loại bỏ một số khí thải gây hại đến hệ hô hấp.

5. Phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp

Nhiễm trùng có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ở phổi, nhất là ở những người đã lớn tuổi. Biện pháp bảo vệ hệ hô hấp sẽ nhằm mục đích phòng tránh lây nhiễm các mầm bệnh như vi khuẩn, virus…có thể gây nhiễm trùng.

Cách đơn giản và hiệu quả nhất để tránh nhiễm trùng đường hô hấp là rửa tay đúng cách. Hãy rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng cũng như nhớ hạn chế chạm tay lên mắt, mũi, miệng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý:

  • Tránh đến những nơi đông người, nhất là vào mùa dễ bùng phát bệnh hô hấp
  • Giữ vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm trùng từ đường miệng
  • Giữ khoảng cách với người bị bệnh hô hấp hoặc những người xung quanh nếu bạn là người mắc bệnh.

Tiêm vắc-xin cúm mùa cũng là một cách phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp. Bạn có thể tham khảo về lịch tiêm vắc-xin tại các trung tâm tiêm chủng tại nơi mình sinh sống. Đặc biệt, nếu bạn trên 65 tuổi, hãy tiêm phòng viêm phổi.

6. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng cũng giúp tăng cường sức khỏe cho hệ hô hấp nói riêng và toàn bộ cơ thể nói chung. Hãy cố gắng tăng lượng rau củ, trái cây giàu vitamin trong các bữa ăn và tốt nhất nên xây dựng chế độ ăn theo tháp dinh dưỡng.

Xây dựng chế độ ăn cân bằng là biện pháp giúp hệ hô hấp khỏe mạnh hoạt động hiệu quả
Xây dựng chế độ ăn cân bằng là biện pháp giúp hệ hô hấp khỏe mạnh hoạt động hiệu quả

Các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp khỏe mạnh

  1. Xông khí dung bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch đường mũi, họng triệt để
  2. Hoạt động thể chất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần với cường độ phù hợp, đồng thời tập hít thở để cải thiện chức năng phổi
  3. Đảm bảo uống đủ nước
  4. Đeo khẩu trang, giữ vệ sinh, lọc không khí,… nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc tác nhân ô nhiễm
  5. Phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp: tránh tụ tập khi có dịch bệnh, giữ vệ sinh răng miệng, tiêm phòng cúm
  6. Xây dựng một chế độ ăn uống khỏe mạnh, tăng sức đề kháng cho toàn bộ cơ thể

Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã biết được các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp hiệu quả. Một đường thở thông thoáng và hai lá phổi khỏe mạnh sẽ giúp bạn nhẹ nhàng tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Respiratory System. https://my.clevelandclinic.org/health/articles/21205-respiratory-system. Ngày truy cập 24/3/2021.

Respiratory. https://www.healthline.com/human-body-maps/respiratory-system#1. Ngày truy cập 24/3/2021.

Risk factors for chronic respiratory disease. https://www.who.int/gard/publications/Risk%20factors.pdf?ua=1#. Ngày truy cập 24/3/2021.

5 Ways to Keep Your Lungs Healthy and Whole. https://www.healthline.com/health/understanding-idiopathic-pulmonary-fibrosis/ways-to-keep-your-lungs-healthy-and-whole. Ngày truy cập 24/3/2021.

How to Keep the Respiratory System Healthy. https://www.livestrong.com/article/352871-how-to-keep-my-respiratory-system-healthy/. Ngày truy cập 24/3/2021.

Breathing life into your lungs. https://www.health.harvard.edu/lung-health-and-disease/breathing-life-into-your-lungs. Ngày truy cập 24/3/2021.

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Nguyễn Ngọc Phượng


Bài viết liên quan

Ô nhiễm không khí: “Kẻ thù giấu mặt” của viêm mũi dị ứng • Hello Bacsi

Điểm danh 7 nghề khiến bạn dễ mắc các bệnh về đường hô hấp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo