backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Phác đồ điều trị lao của Bộ Y tế mới nhất

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 19/06/2023

    Phác đồ điều trị lao của Bộ Y tế mới nhất

    Lao là một bệnh lý lây lan nhanh, khả năng đề kháng thuốc cao và có thể gây tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Trong các bệnh lao, lao phổi là phổ biến nhất, chiếm 80 – 85% ca bệnh. Vì lý do đó, Bộ y tế đã đưa ra các phác đồ điều trị bệnh lao, bao gồm cả lao phổi, lao hạch và các thể lao khác, sử dụng thống nhất trên toàn quốc. 

    Tính đến thời điểm hiện tại, phác đồ điều trị lao mới nhất của Bộ Y tế được ban hành năm 2021. Thuốc sẽ được cung cấp miễn phí cho bệnh nhân theo Chương trình Chống lao Quốc gia.

    Bạn có thể xem thêm: Hỏi đáp bác sĩ: Viêm phổi và lao phổi khác nhau như thế nào?

    Mục đích của phác đồ điều trị lao phổi mới nhất và các thể lao khác là tiêu diệt hết vi khuẩn lao, tránh tái phát, hạn chế biến chứng và giảm khả năng tử vong. Đồng thời, việc điều trị cũng giúp cắt đứt nguồn lây vi khuẩn lao trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhiễm lao hàng năm.

    Nguyên tắc điều trị lao trong phác đồ điều trị bệnh lao mới nhất 2021

    1. Điều trị phối hợp các thuốc chống lao: Mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn,…). Do vậy, phải dùng phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn điều trị tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn duy trì để tránh tái phát. Riêng với bệnh lao đa kháng, cần phối hợp ít nhất 4 loại thuốc trong cả giai đoạn tấn công và duy trì.
    2. Dùng thuốc đúng liều lượng: Mỗi thuốc chống lao có một nồng độ tác dụng nhất định. Việc dùng thuốc có liều lượng như thế nào phải dựa theo cân nặng của cơ thể. Dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Còn nếu dùng liều quá cao dễ gây tai biến do thuốc. Đối với phác đồ điều trị lao ở trẻ em, cần điều chỉnh liều thuốc hàng tháng theo cân nặng.
    3. Dùng thuốc đều đặn, đúng giờ: Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và cách xa bữa ăn 2 giờ để đạt hấp thu thuốc tối đa.
    4. Điều trị đủ thời gian, dùng thuốc liên tục không ngắt quãng:
    • Giai đoạn tấn công: 2 – 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương, ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. 
    • Giai đoạn duy trì: 4 – 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao, tránh nguy cơ tái phát.
    • Với bệnh lao đa kháng: giai đoạn tấn công cần thời gian 8 tháng, tổng cộng thời gian điều trị là 20 tháng.

    Bạn có thể xem thêm: Lao phổi có chữa được không và cần điều trị trong bao lâu?

    Các thuốc chống lao theo phác đồ điều trị bệnh lao 2021 của Bộ Y tế

    trị lao theo phác đồ điều trị lao mới nhất

    Theo Chương trình Chống lao Quốc gia, các thuốc chống lao được phân thành 05 nhóm như sau:

    Nhóm I: các thuốc chống lao thiết yếu (thuốc hàng 1)

    • Streptomycin (S)
    • Rifampicin (R)
    • Isoniazid (H)
    • Ethambutol (E)
    • Pyrazinamide (Z)
    • Rifabutin (Rfb)
    • Rifapentine (Rpt)

    Nhóm II: các thuốc chống lao hàng 2 dùng đường tiêm

    • Kanamycin (Km)
    • Amikacin (Am)
    • Capreomycin (Cm)

    Nhóm III: các thuốc chống lao hàng 2 thuộc nhóm fluoroquinolon

    • Levofloxacin (Lfx)
    • Moxifloxacin (Mfx)
    • Gatifloxacin (Gfx)

    Nhóm IV: các thuốc chống lao hàng 2 dùng đường uống 

    • Ethionamide (Eto)
    • Prothionamide (Pto)
    • Cycloserine (Cs)
    • Terizidone (Trd)
    • Para-aminosalicylic acid (PAS)
    • Para-aminosalicylate sodium (PAS-Na)

    Nhóm V: gồm các thuốc chống lao hàng 2 chưa rõ hiệu quả (bao gồm cả thuốc mới)

    • Bedaquiline (Bdq)
    • Delamanid (Dlm)
    • Linezolid (Lzd)
    • Clofazimine (Cfz)
    • Amoxicilline / Clavulanate (Amx / Clv)
    • Meropenem (Mpm)
    • Thioacetazone (T)
    • Clarithromycin (Clr).

    Trong đó, các thuốc chống lao thiết yếu thuộc hàng 1 là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng các phác đồ điều trị lao.

    Các phác đồ điều trị bệnh lao mới nhất

    phác đồ điều trị lao phổi mới nhất của bộ y tế

    Dựa vào tiền sử bệnh, tình trạng diễn tiến bệnh cũng như cơ địa của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các phác đồ điều trị bệnh lao phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các phác đồ bao gồm:

    Phác đồ điều trị lao A1: 2RHZE(S)/4RHE

    Phác đồ này chỉ định cho người lớn, chưa được điều trị bao giờ hoặc đã từng điều trị nhưng thời gian dưới 1 tháng.

    Giai đoạn tấn công: kéo dài 2 tháng, gồm 4 loại thuốc dùng hàng ngày

  • Rifampicin (10 mg/ kg cân nặng/ ngày)
  • Isoniazid (5 mg/ kg cân nặng/ ngày, liều tối đa là 300mg/ 24 giờ)
  • Pyrazinamide (25 mg/ kg cân nặng/ ngày)
  • Ethambutol (15 mg/ kg cân nặng /ngày)
  • Giai đoạn duy trì: kéo dài 4 tháng, gồm 3 loại thuốc rifampicin, isoniazid, ethambutol dùng hàng ngày.

    Phác đồ điều trị lao A2: 2RHZE/4RH

    Phác đồ này dùng cho trẻ em, chưa được điều trị bao giờ hoặc đã từng điều trị nhưng thời gian dưới 1 tháng.

    Giai đoạn tấn công: kéo dài 2 tháng, gồm 4 loại thuốc dùng hàng ngày

    • Rifampicin (15 mg/ kg cân nặng/ ngày)
    • Isoniazid (10mg/ kg cân nặng/ ngày, liều tối đa là 300mg/ 24 giờ)
    • Pyrazinamide (35mg/ kg cân nặng/ ngày)
    • Ethambutol (20mg/ kg cân nặng /ngày)

    Giai đoạn duy trì: kéo dài 4 tháng, gồm 2 loại thuốc là rifampicin, isoniazid dùng hàng ngày.

    Đối với trẻ em từ 25kg trở lên thì sử dụng liều điều trị theo cân nặng của người lớn.

    Phác đồ B1: 2RHZE/10RHE

    Phác đồ điều trị lao của Bộ Y tế này chỉ định trong lao màng não, lao xương khớplao hạch ở người lớn.

    Phác đồ điều trị lao màng não nên sử dụng corticosteroid (dexamethasone hoặc prednisolone) liều 2mg/kg cân nặng và giảm dần trong trong thời gian 6-8 tuần đầu tiên và dùng streptomycin (thay cho ethambutol) trong giai đoạn tấn công.

    Giai đoạn tấn công: kéo dài 2 tháng, gồm 4 loại thuốc dùng hàng ngày

    • Rifampicin (10 mg/ kg cân nặng/ ngày)
    • Isoniazid (5 mg/ kg cân nặng/ ngày, liều tối đa là 300mg/ 24 giờ)
    • Pyrazinamide (25 mg/ kg cân nặng/ ngày)
    • Ethambutol (15 mg/ kg cân nặng /ngày)

    Giai đoạn duy trì: kéo dài 10 tháng, gồm 3 loại thuốc là rifampicin, isoniazid, ethambutol sử dụng hàng ngày.

    Phác đồ điều trị lao B2: 2RHZE/10RH

    phác đồ điều trị lao

    B2 là phác đồ điều trị lao hạch, lao màng não, lao xương khớp trẻ em của Bộ Y tế. Điều trị lao màng não có thể sử dụng corticosteroid (dexamethasone hoặc prednisolone) liều 2mg/kg cân nặng và giảm dần trong trong thời gian 6-8 tuần đầu tiên và dùng streptomycin (thay cho ethambutol) trong giai đoạn tấn công.

    Giai đoạn tấn công: kéo dài 2 tháng, gồm 4 loại thuốc dùng hàng ngày.

    • Rifampicin (15 mg/ kg cân nặng/ ngày)
    • Isoniazid (10mg/ kg cân nặng/ ngày, liều tối đa là 300mg/ 24 giờ)
    • Pyrazinamide (35mg/ kg cân nặng/ ngày)
    • Ethambutol (20mg/ kg cân nặng /ngày)

    Giai đoạn duy trì kéo dài 10 tháng, gồm 2 loại thuốc là rifampicin, isoniazid dùng hàng ngày.

    Lưu ý: Đối với bệnh nhân được nghi ngờ là lao kháng thuốc (trường hợp tái phát, thất bại, điều trị lại sau bỏ trị, tiền sử điều trị khác, không rõ tiền sử điều trị) thì không áp dụng phác đồ điều trị lao như trước đây. Những trường hợp này cần được làm xét nghiệm đàm, nếu tìm thấy vi khuẩn lao không kháng rifampicin thì có thể chỉ định phác đồ A hoặc phác đồ B căn cứ vào vị trí tổn thương (phổi, ngoài phổi), độ tuổi (người lớn, trẻ em).

    Phác đồ điều trị lao kháng thuốc 2021

    Kháng thuốc là hiện tượng vi khuẩn không bị ảnh hưởng bởi tác dụng của thuốc, trong đó có vi khuẩn lao. Nếu điều trị lao không đúng nguyên tắc sẽ dễ dẫn tới lao kháng thuốc.

    Với phác đồ điều trị bệnh lao phổi mới nhất và các thể lao khác, thuốc tiêm không còn được ưu tiên mà thay vào đó là thuốc uống.

    Hiện có hai loại phác đồ điều trị lao kháng thuốc được chỉ định để điều trị cho người bệnh có vi khuẩn lao kháng R/MDR-TB bao gồm:

    • Phác đồ dài hạn (từ 18-20 tháng) có thể là phác đồ chuẩn hoặc phác đồ cá thể. Việc lựa chọn thuốc sao cho sử dụng số thuốc ít nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, căn cứ vào kết quả kháng sinh đồ.
    • Phác đồ ngắn hạn từ 9-11 tháng với thành phần thuốc và thời gian điều trị đã thống nhất.

    Phác đồ điều trị lao phổi tiềm ẩn

    phác đồ điều trị lao phổi ở người lớn

    Phác đồ điều trị bệnh lao phổi tiềm ẩn phòng bệnh cho những người có nguy cơ cao. Họ bao gồm người có hệ miễn dịch suy giảm, bệnh nhân HIV đã được sàng lọc hiện không mắc bệnh lao, trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ 0-14 tuổi mắc HIV sống cùng nhà với người bệnh lao phổi,…

    Đối với người lớn:

    • Sử dụng isoniazid liều 300mg/ 1 lần/ ngày. Dùng thuốc liên tục hằng ngày trong vòng 9 tháng.
    • Phối hợp vitamin B6 liều lượng 25mg hàng ngày.

    Đối với trẻ em:

    • Sử dụng isoniazid liều dùng 10 mg/kg/ngày
    • Uống một lần duy nhất vào một giờ nhất định trong ngày (thường uống trước bữa ăn 1 giờ)
    • Dùng thuốc hằng ngày trong vòng 6 tháng.

    Phác đồ điều trị lao theo Bộ Y tế ở một số trường hợp đặc biệt

    • Ở bệnh nhân suy gan, xơ gan: Không dùng rifampicin, isoniazid, pyrazinamide khi có viêm gan nặng. Có thể sử dụng một hoặc hai loại thuốc không độc với gan như streptomycin và ethambutol hoặc kết hợp với một thuốc nhóm fluoroquinilon. Nếu viêm gan đã ổn định, sau đó người bệnh có thể dùng isoniazid (không quá 4mg/ kg /ngày) và rifampicin (không quá 8mg/ kg/ ngày).
    • Bệnh nhân có suy thận: Không cần thay đổi liều dùng rifampicin, liều isoniazid là từ 3 – 4mg/kg cân nặng. Đối với liều lượng pyrazinamide thì phải căn cứ vào độ thanh thải creatinin, trung bình là 15mg/kg cân nặng. Không sử dụng streptomycin và ethambutol.
    • Phụ nữ có thai: Điều trị không dùng pyranizamide và streptomycin (vì streptomycin không được dùng trong 3 tháng đầu mang thai). Hiện nay phác đồ điều trị lao được khuyên dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú là 2RHZ/4RH (tương tự như phác đồ điều trị cho trẻ em).
    • Lao phổi ở người già: Liều lượng các thuốc chống lao nên giảm bằng một nửa liều người bình thường. Không nên dùng streptomycin, pyranizamide cho người trên 65 tuổi. Đồng thời cần theo dõi chặt chẽ chức năng gan thận trong khi điều trị.

    Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị lao Bộ Y tế để có kết quả điều trị tốt nhất. Hãy dùng thuốc theo đúng lịch và chính xác theo liều lượng được chỉ định, không tự ý ngưng thuốc, tái khám đúng hẹn, liên hệ ngay với bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường (sốt, ho, ớn lạnh, đờm có máu,…)

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 19/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo