backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Lao kháng thuốc có chữa được không? Phác đồ điều trị bệnh là gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/12/2021

    Lao kháng thuốc có chữa được không? Phác đồ điều trị bệnh là gì?

    Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến năm 2020, Việt Nam đang đứng thứ 13/30 nước chịu gánh nặng của bệnh lao đa kháng cao trên thế giới. Lao kháng thuốc xảy ra khi bệnh nhân mắc phải vi khuẩn lao không có đáp ứng điều trị, hay nói cách khác là vi khuẩn lao đã kháng với ít nhất một trong các loại thuốc điều trị chúng. Điều này làm nhiều bệnh nhân lo lắng rằng lao kháng thuốc có chữa được không? Nếu được thì phác đồ điều trị lao kháng thuốc được tiến hành như thế nào? 

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về bệnh lao kháng thuốc, cách điều trị và phòng ngừa bệnh qua những thông tin sau đây nhé! 

    1. Nguyên nhân gây nên bệnh lao kháng thuốc 

    Lao kháng thuốc có chữa được không và tại sao lại mắc phải thể lao này là nỗi lo đầu tiên của những người mắc bệnh này. Đa số các trường hợp virus lao có khả năng kháng lại thuốc chống lao đều xuất phát từ việc lạm dụng hay không tuân thủ điều trị lao thông thường, chẳng hạn như:

    • Bệnh nhân không hoàn thành phác đồ điều trị lao đầy đủ: không uống đủ thuốc và đúng giờ; sai liều lượng hoặc kéo dài thời gian điều trị; tự ý ngừng thuốc giữa chừng vì thấy triệu chứng đã cải thiện…
    • Người có tiền sử bệnh lao nay tái phát lại.
    • Ngay từ đầu đã nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc, ví dụ như có khoảng thời gian chung sống hay tiếp xúc thường xuyên với người bệnh nhân lao kháng thuốc.
    • Vi khuẩn lao tự biến đổi trở nên kháng thuốc.

    lao kháng thuốc có chữa được không

    Nhìn chung, lao kháng thuốc là một bệnh lý nguy hiểm, chủ yếu xuất phát từ việc không tuân thủ điều trị. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc điều trị bệnh sau này mà còn tăng nguy cơ lây lan chủng lao kháng thuốc trong cộng đồng.

    2. Lao kháng thuốc có chữa được không?

    Để điều trị thành công lao kháng thuốc tương đối khó khăn, nhưng lao kháng thuốc có chữa được không thì câu trả lời là có khả năng. Tùy vào mức độ nghiêm trọng, loại lao kháng thuốc bệnh nhân mắc phải mà bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp.

    Hiện nay bệnh lao kháng thuốc thường được phân loại thành: lao đơn kháng (chỉ kháng một loại thuốc), lao đa kháng (kháng nhiều loại thuốc) và nặng hơn là lao siêu kháng. Trong đó, nhờ vào áp dụng phác đồ điều trị lao đa kháng mới nhất mà ở Việt Nam điều trị thành công lao đa kháng lên đến 70% – tín hiệu này tốt hơn nhiều quốc gia khác.

    3. Phác đồ điều trị 

    phác đồ điều trị lao kháng thuốc

    Các nhóm thuốc chống lao

    Nỗi lo của người bệnh không chỉ dừng lại ở việc lao kháng thuốc có chữa được không, mà thời gian và chi phí điều trị cũng tốn kém gấp nhiều lần lao thông thường. Tuy nhiên, thuốc được Chương trình Chống lao Quốc gia cung cấp miễn phí theo hệ thống tới tận địa phương. Các thuốc chống lao trong Chương trình Quốc gia cung cấp bao gồm:

    Nhóm I: các thuốc chống lao thiết yếu (thuốc hàng 1)

  • Streptomycin (S)
  • Rifampicin (R)
  • Isoniazid (H)
  • Ethambutol (E)
  • Pyrazinamide (Z)
  • Rifabutin (Rfb)
  • Rifapentine (Rpt)
  • Nhóm II: các thuốc chống lao hàng 2 dùng đường tiêm

    • Kanamycin (Km)
    • Amikacin (Am)
    • Capreomycin (Cm)
    • Streptomycin (S), được chỉ định nếu bệnh nhân đã kháng với các thuốc tiêm hàng hai khác hoặc không thể dùng được những thuốc này nhưng vẫn còn nhạy cảm với Streptomycin.

    Nhóm III: các thuốc chống lao hàng 2 thuộc nhóm fluoroquinolon

    • Levofloxacin (Lfx)
    • Moxifloxacin (Mfx)
    • Gatifloxacin (Gfx)

    Nhóm IV: các thuốc chống lao hàng 2 chủ đạo khác

    • Ethionamide (Eto)/ Prothionamide (Pto)
    • Cycloserine (Cs)/ Terizidone (Trd)
    • Linezolid (Lzd)
    • Clofazimine (Cfz)

    Nhóm V: gồm các thuốc chống lao hàng 2 bổ sung (nhóm không chủ đạo)

    • Ethambutol (E)
    • Pyrazinamide (Z)
    • Isoniazid liều cao (Hh)
    • Bedaquiline (Bdq)
    • Delamanid (Dlm)
    • Amoxicillin / Clavulanate (Amx / Clv)
    • Meropenem (Mpm)
    • Thioacetazone (T)
    • Imipenem – cilastatin (Ipm)
    • Para-aminosalicylic acid (PAS)

    Lưu ý trong phác đồ điều trị lao kháng thuốc

    Lao kháng thuốc có chữa được không phụ thuộc rất nhiều vào phác đồ điều trị. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số khuyến cáo về điều trị lao kháng thuốc được cập nhật như sau:

    • Thuốc tiêm không còn được ưu tiên sử dụng mà thay vào đó thuốc uống được đưa vào phác đồ điều trị của hầu hết bệnh nhân. Không dùng thuốc nào đã bị kháng mà lựa chọn lại các thuốc cho hiệu quả tối ưu hơn cho người bệnh.
    • Phác đồ điều trị lao đa kháng nên từ 18-20 tháng, được điều chỉnh tùy vào diễn tiến bệnh.
    • Có thể áp dụng phác đồ ngắn hơn, từ 9-11 tháng, nếu bệnh nhân chấp nhận rằng phác đồ này có thể kém hiệu quả hơn phác đồ dài và sẽ có những bất tiện/rủi ro khi phải tiêm thuốc hàng ngày trong 4 đến 6 tháng.
    • Hầu hết các phác đồ  cần có ít nhất 5 loại thuốc có hiệu lực, bao gồm 4 thuốc lao hàng 2 chủ đạo và Pyrazinamid. 
    • Sử dụng thuốc tiêm còn nhạy cảm và có thể sử dụng trong thời gian dài. Nếu có kháng với thuốc tiêm thì sử dụng thuốc bệnh nhân chưa từng sử dụng hoặc không sử dụng thuốc tiêm.
    • Theo dõi chặt chẽ các biến chứng, tác dụng phụ của thuốc để điều trị kịp thời.

    4. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh lao kháng thuốc?

    lao kháng thuốc có chữa được không và cách phòng ngừa

    Sau khi biết lao kháng thuốc có chữa được không, hẳn bạn đã biết những rắc rối khi phải đối diện với bệnh này. Để chủ động phòng ngừa lây lan bệnh lao cho người xung quanh, người bệnh và người thường xuyên tiếp xúc với người bệnh lao cần lưu ý:

    • Không khạc nhổ bừa bãi
    • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc và nói chuyện hằng ngày.
    • Thường xuyên tầm soát lao và điều sớm ngay nếu có thể đối với người thường xuyên tiếp xúc bệnh nhân lao kháng thuốc.
    • Duy trì thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 20 giây.

    Qua tin trên đây chắc hẳn đã giúp bạn giải đáp cho câu hỏi thường gặp “Lao kháng thuốc có chữa được không”. Mặc dù có khả năng chữa khỏi bệnh nhưng người bệnh cũng như người thân bên cạnh cũng không nên chủ quan, luôn tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Đồng thời, bệnh lao hiện nay không còn quá đáng sợ, đừng nên trốn tránh hay từ chối điều trị mà hãy dũng cảm đối mặt với nó nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo