backup og meta

Ngủ bị chảy nước miếng là bệnh gì?

Ngủ bị chảy nước miếng là bệnh gì?

Mỗi khi thức dậy, bạn có thể thấy nước miếng dính ở các vùng gối, tai hay bên má. Ngủ bị chảy nước miếng (còn gọi là ngủ bị chảy dãi) làm không ít người cảm thấy khó chịu, xấu hổ và mất vệ sinh, vậy đây là hiện tượng bình thường hay bệnh lý và có cách nào để ngăn ngừa tình trạng này hay không?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu ngủ chảy nước miếng là hiện tượng gì? Tình trạng này xảy ra khi có nước bọt dư thừa chảy ra từ miệng lúc ngủ và tất cả chúng ta chắc hẳn đều ít nhất một lần đã từng trải qua tình trạng này. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách làm sao để ngủ không bị chảy nước miếng nhé!

>>> Đọc thêm: Cách ngủ nhanh hơn trong vòng 10-120 giây

Tại sao bạn ngủ bị chảy nước miếng?

Khi bạn ngủ, các cơ vùng mặt được thả lỏng và phản xạ nuốt hoàn toàn bị ức chế khiến nước miếng được tích lũy trong miệng. Do đó, khi nước bọt tích lũy quá nhiều, cơ mặt giãn ra, nước miếng sẽ bị chảy ra ngoài một cách không chủ ý gây ra tình trạng ngủ bị chảy dãi. Vì vậy, đôi khi khi tỉnh dậy, bạn sẽ thấy gối ướt và có mùi khó chịu.



Ngủ bị chảy nước miếng là hiện tượng sinh lý tự nhiên. Nước bọt có nhiệm vụ quan trọng là giữ cho miệng họng được bôi trơn, giữ ẩm và diệt khuẩn thường xuyên. Chảy nước dãi khi ngủ là bình thường trong hai năm đầu đời vì trẻ sơ sinh vẫn chưa phát triển đầy đủ khả năng kiểm soát các cơ vùng miệng. Tuy nhiên, chảy nước miếng quá mức có thể là một dấu hiệu của bệnh về hệ thần kinh hoặc tình trạng y khoa khác. Chảy nước bọt quá mức cũng có thể gây ra những tình trạng như nứt nẻ môi, miệng, hơi thở có mùi hôi, mất nước hoặc gây xấu hổ khi bạn ở trong một tập thể.  Ngoài ra, những người đã có vấn đề với sức khỏe như đột quỵ, có xu hướng ngủ chảy nước miếng thường xuyên hơn và nhiều hơn.

Việc ngủ bị chảy nước miếng xảy ra khá phổ biến cả ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, bạn nên cảnh giác để xem ngủ hay chảy nước miếng là bất thường vì đó có thể là dấu hiệu một số loại bệnh lý đang tồn tại trong cơ thể bạn, đặc biệt là người cao tuổi.

Ngủ bị chảy nước miếng là dấu hiệu của bệnh gì?

Ngủ bị chảy nước bọt thường là kết quả của một trong ba yếu tố sau đây:

Cơ thể sản xuất quá nhiều nước bọt.

Không có đủ khả năng kiểm soát cơ vùng miệng, mặt để chứa đựng lượng nước bọt mà cơ thể sản xuất ra.

Không thể hoặc gặp khó khăn trong việc nuốt nước bọt trước khi nó chảy ra khỏi miệng.

Ngoài ra, có thể là do sự kết hợp của cả ba yếu tố trên gây ra tình trạng chảy nước dãi khi ngủ.

Ngoài những kích thích thông thường thì cũng có một số nguyên nhân bệnh lý khác khiến bạn ngủ hay chảy nước miếng, bao gồm:

  • Các vấn đề về tâm thần kinh: Các bệnh lý về thần kinh như rối loạn hệ thần kinh thực vật, các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson, bại não, xơ cứng rải rác,xơ cứng cột bên teo cơ,… sẽ khiến tuyến nước bọt bị kích thích và tăng tiết nhiều hơn kể cả khi ngủ. Ngoài ra, việc cơ thể bị stress, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, mệt mỏi và suy nhược cũng dễ khiến tình trạng ngủ hay chảy nước miếng thường xuyên xảy ra.
  • Thói quen ăn uống: Như đã đề cập, việc ăn uống và nghĩ đến thức ăn cũng có ảnh hưởng khá nhiều đến tình trạng khi ngủ chảy nước miếng. Tăng tiết nước bọt xuất hiện khi ngủ có thể do thường xuyên ăn nhiều món có gia vị cay như hồ tiêu, mù tạt, ớt…Sản xuất nhiều nước bọt cũng có liên quan đến các loại thực phẩm có hàm lượng axit cao như trái cây họ cam quýt, chanh, khế hoặc các loại thức ăn có nhiều đường. Bên cạnh đó, ăn quá no vào buổi tối cũng dễ khiến nước bọt tăng tiết khi ngủ.
  • Vấn đề về nhiễm trùng và dị ứng: Tình trạng nước bọt không thể kiểm soát khi ngủ thường xuất hiện ở những người có các vấn đề về nhiễm trùng như cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan, viêm mũi xoang, hoặc dị ứng thời tiết, loét viêm mạc miệng…Các tình trạng này khiến tắc nghẽn đường thở, người bệnh phải thở bằng miệng thay vì mũi, do đó, dễ chảy nước dãi khi ngủ hơn. Ngoài ra cũng khiến hơi thở có mùi hôi và khó chịu. 
  • Vấn đề về tiêu hóa: Nhiều ghi nhận cho thấy ngủ hay chảy nước miếng cũng thường xuất hiện ở những những người bị rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày hoặc hành tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản,… Những tình trạng này khiến bạn khó nuốt hơn, thường xuyên ợ nóng, ợ hơi ợ chua, đầy hơi, khó tiêu, đồng thời thực quản bị kích thích cũng khiến tăng tiết nước bọt nhiều.  
  • Vấn để về đường hô hấp: Khi mắc phải tình trạng ngưng thở khi ngủ, bạn sẽ bị khó thở khi ngủ nên phải thở bằng miệng dẫn đến chảy nước dãi khi ngủ.
  • Ngoài những nguyên nhân trên thì rối loạn hệ nội tiết, tư thế nằm sấp hoặc nghiêng, hoặc sử dụng một số loại thuốc như thuốc an thần benzodiazepine, thuốc chống loạn thần (clozapine), một số loại kháng sinh, thuốc điều trị bệnh Alzheimer cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng khi ngủ chảy nước miếng.

Làm sao để ngủ không bị chảy nước miếng?

Ngủ chảy nước miếng khiến miệng của bạn bị khô và kèm theo chứng hôi miệng, nứt môi, hoặc xấu hổ trong một số tình huống. Dưới đây là một số cách giúp bạn ngăn ngừa ngủ chảy nước miếng.

>>> Đọc thêm: Tại sao bạn hay bị giật mình khi ngủ?

1. Làm sạch xoang mũi

ngủ bị chảy nước miếng

Một trong những lý do chính khiến bạn ngủ bị chảy nước miếng là mũi bị tắc, khiến bạn phải hít thở qua miệng và có thể dẫn đến chảy nước miếng. Làm sạch và làm thông thoáng xoang mũi có thể giúp bạn tránh bị ướt gối mỗi đêm.

Dưới đây là một số cách có thể giúp làm sạch các xoang mũi của bạn:

  • Tắm vòi sen bằng nước nóng có thể làm sạch mũi và thở dễ dàng hơn vào ban đêm
  • Tinh dầu, đặc biệt là những loại có chứa bạch đàn, sẽ giúp bạn hít thở thoải mái và ngủ ngon hơn
  • Sử dụng các sản phẩm, dung dịch giúp làm sạch các xoang sẽ giúp thông mũi và cho phép luồng khí lưu thông tốt hơn.

Ngoài ra, bạn nên gặp bác sĩ và điều trị khi gặp phải các tình trạng như viêm mũi xoang, viêm amidan, viêm họng. Điều này có thể giúp bạn giảm thiểu những triệu chứng bệnh khó chịu và đặc biệt là ngủ bị chảy dãi.

>>> Đọc thêm: 5 giai đoạn của giấc ngủ bạn cần biết

2. Thay đổi tư thế ngủ

Đây là một cách dễ dàng cho bất cứ ai áp dụng. Nằm ngửa khi ngủ và hạn chế há miệng lúc say giấc là cách giúp bạn giữ nước bọt trong miệng và không chảy ra ngoài. Ngược lại, nếu bạn ngủ nằm nghiêng 1 bên hoặc nằm sấp, nước bọt tích tụ sẽ chảy ra khỏi miệng khiến bạn dễ bị chảy nước miếng trong lúc ngủ hơn. Thay đổi thói quen ngủ theo tư thế nằm nghiêng hoặc nằm sấp sang nằm ngửa cũng rất cần thiết để giúp đường thở thông thoáng hơn, hạn chế được phần nào tình trạng ngưng thở khi ngủ, giúp bạn có một giấc ngủ chất lượng hơn. 

>>> Đọc thêm: Giải mã nguyên nhân bị bóng đè để ngủ ngon hơn

3. Chữa chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn hô hấp nghiêm trọng, biểu hiện bằng hơi thở của bạn không được lưu thông thuận lợi như mọi khi, tạo ra tiếng ngáy. Cơn ngưng thở khi ngủ sẽ làm cho giấc ngủ liên tục bị gián đoạn, làm bạn phải thức dậy vào ban đêm, và cảm giác mệt mỏi vào buổi sáng hay buồn ngủ suốt cả ngày, khó tập trung vào ban ngày.

Ngủ hay chảy dãi và ngáy ngủ là những biểu hiện chính của rối loạn ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào tương tự, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn. Hãy nhớ rằng các yếu tố như hút thuốc làm bạn tăng nguy cơ bị rối loạn ngưng thở khi ngủ và các vấn đề về hô hấp nói chung.

>>> Đọc thêm: Ngủ nude có tốt cho sức khỏe không?

4. Sử dụng các thiết bị đặc biệt

Bác sĩ có thể tư vấn giúp bạn sử dụng thiết bị thích hợp thường đặt ở xương hàm dưới để giúp giảm tình trạng ngủ chảy nước miếng. Đây có thể là các thiết bị nha khoa khác nhau, giúp miệng đóng tốt hơn hoặc hạn chế tình trạng chảy nước miếng và giúp bạn ngủ ngon hơn.

5. Uống đúng loại thuốc

ngủ bị chảy nước miếng

Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy cân nhắc rằng nó sẽ không khiến cơ thể bạn sản xuất ra quá nhiều nước miếng. Cần thảo luận với bác sĩ nếu cần về việc sử dụng các loại thuốc điều trị. Một số thuốc kháng sinh, thuốc chống loạn thần, thuốc điều trị bệnh Alzheimer có thể khiến bạn ngủ chảy nước miếng do khiến cơ thể bạn sản xuất nước miếng quá nhiều.

6. Giữ đầu cao khi ngủ

Giữ đầu của bạn trên một cái gối cao hơn trong khi ngủ có thể làm giảm tình trạng ngủ chảy dãi. Vì vậy, bạn hãy nhớ gối cao lên trước khi ngủ và chắc chắn rằng bạn cảm thấy thoải mái khi đặt gối vào vị trí như vậy.

>>> Đọc thêm: Ăn gì dễ ngủ? 8 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon tới sáng

7. Phẫu thuật để không còn ngủ bị chảy nước miếng

Đôi khi bác sĩ có thể khuyên bạn nên phẫu thuật và loại bỏ các tuyến nước bọt nếu các tuyến này hoạt động tăng tiết quá mức làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và làm việc của bạn. Thủ thuật này được thực hiện khi bạn có những vấn đề thần kinh, nội tiết nghiêm trọng ẩn đằng sau hiện tượng ngủ bị chảy dãi cần thiết phải can thiệp.

Tất nhiên, do những nguy cơ và một số vấn đề không mong muốn có thể xảy ra khi phẫu thuật, nên trước khi thực hiện thủ thuật này, bất kỳ bác sĩ nào cũng sẽ thử áp dụng các phương pháp không phẫu thuật trước và chỉ khuyên bạn phẫu thuật trong trường hợp những phương pháp đó không hiệu quả. 

Ngủ chảy nước miếng không phải là vấn đề sức khỏe gì lớn, tuy nhiên nó gây nhiều vấn đề khó chịu làm bạn cảm thấy không thoải mái và không tự tin khi tiếp xúc gặp gỡ và sinh hoạt chung với mọi người. Vì thế, bạn hãy cân nhắc áp dụng các phương pháp ngăn ngừa ngủ chảy nước miếng và thăm khám bác sĩ khi cần thiết và khi vấn đề này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Drooling In Your Sleep: What Causes It and How to Stop

https://www.sleepfoundation.org/sleep-faqs/drooling-in-your-sleep

Ngày truy cập: 7/11/2022

Why Do You Drool in Your Sleep?

http://sleep.org/sleep-questions/drooling-in-your-sleep/

Ngày truy cập: 7/11/2022

Why Am I Drooling? 4 Causes of Excessive Drooling

http://pennmedicine.org/updates/blogs/health-and-wellness/2018/october/drooling

Ngày truy cập: 7/11/2022

Drooling in Your Sleep? Here’s Why It Happens and How to Treat It

https://www.sleepadvisor.org/drooling-in-sleep/

Ngày truy cập: 7/11/2022

Drooling

http://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/22384-drooling

Ngày truy cập: 7/11/2022

Phiên bản hiện tại

16/11/2022

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Ôm nhau ngủ có thật sự giúp bạn thư giãn và ngủ ngon hơn?

Chăm sóc giấc ngủ của trẻ vị thành niên


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 16/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo