backup og meta

5 rủi ro khôn lường khi uống thuốc ngủ không đúng cách

5 rủi ro khôn lường khi uống thuốc ngủ không đúng cách

Uống thuốc ngủ có thể giúp bạn giải quyết tạm thời các vấn đề về giấc ngủ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng chúng lâu dài hoặc không đúng chỉ định, thuốc ngủ có thể gây ra những tác hại nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.

Vậy thuốc ngủ là gì? Có những loại thuốc ngủ nào? Và những rủi ro khi lạm dụng thuốc ngủ là gì? Làm sao để sử dụng thuốc ngủ một cách an toàn? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết sau.

Thuốc ngủ là gì? 

Thuốc ngủ (thuốc hỗ trợ giấc ngủ) là bất kỳ loại thuốc hoặc thảo dược nào có thể hỗ trợ cho giấc ngủ của người bệnh. Có 3 nhóm thuốc ngủ chính: thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và các loại thực phẩm chức năng. 

3 nhóm thuốc ngủ 

  • Thuốc ngủ kê đơn

Bất kỳ loại thuốc ngủ kê đơn nào được phép bày bán trên thị trường đều phải được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt. Cơ quan này sẽ xem xét cẩn thận dữ liệu từ các nghiên cứu về hiệu quả và độ an toàn của thuốc. Sau khi thuốc được phê duyệt, bệnh nhân phải nhận được đơn thuốc từ bác sĩ thì mới có thể mua thuốc tại nhà thuốc và sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ kê đơn. 

  • Thuốc ngủ không kê đơn

Thuốc ngủ không kê đơn có thể được mua tự do mà không cần toa của bác sĩ. Những loại thuốc này không trải qua cùng cấp độ đánh giá của FDA như thuốc ngủ kê đơn, nhưng chúng vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định nhất định về an toàn trước khi có thể được bán.

Nhóm thuốc này thường gặp nhất là các thuốc kháng histamin. Thuốc kháng histamin thường được sử dụng để kiểm soát dị ứng, nhưng vì tác dụng an thần nên chúng cũng được bán trên thị trường dưới dạng thuốc ngủ. 

Ngoài ra, thuốc kháng histamin có thể được bán kết hợp với các hoạt chất để điều trị các vấn đề khác như ho, sốt hoặc nghẹt mũi, cảm lạnh. 

  • Thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng không phải là thuốc chính thức. Chúng không cần phải được FDA chấp thuận và có ít sự giám sát hơn đáng kể so với các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ khác.

Melatonin, valerian là những ví dụ về thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ giấc ngủ. Đặc biệt, melatonin thường được kê toa cho những người bị rối loạn giấc ngủ do lệch múi giờ, làm việc theo ca hoặc do bị thay đổi nhịp sinh học.

Trong số các nhóm thuốc hỗ trợ giấc ngủ, thực phẩm chức năng có ít bằng chứng nhất từ ​​​​các nghiên cứu về lợi ích và tác hại của chúng.

Mỗi nhóm thuốc hỗ trợ giấc ngủ đều có những lợi ích và tác hại.

Lợi ích khi uống thuốc ngủ là gì?

Lợi ích chính của hầu hết các thuốc hỗ trợ giấc ngủ là chúng gây buồn ngủ để giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn hoặc duy trì giấc ngủ của bạn liên tục và sâu giấc hơn. 

Nhờ đó, các thuốc hỗ trợ giấc ngủ có thể giúp giúp cải thiện cả chất lượng và thời gian ngủ, cải thiện sự tập trung và năng suất học tập làm việc của bạn. Ngoài ra, chúng có thể giúp thiết lập lại lịch trình giấc ngủ của bạn, giúp bạn có được giấc ngủ đều đặn hơn.

Tuy nhiên, do đặc điểm dược lý riêng nên các thuốc ngủ có hiệu quả nhanh nhưng hết tác dụng cũng nhanh và không thể điều trị tận gốc nguyên nhân gây mất ngủ nếu có. Điều này có nghĩa rằng, hầu hết các thuốc hỗ trợ giấc ngủ không nên được sử dụng lâu dài. Việc uống thuốc ngủ lâu dài không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tác hại nguy hiểm cho bạn. 

5 tác hại nguy hiểm thường gặp khi uống thuốc ngủ sai cách

1. Uống thuốc ngủ có thể gây cảm giác buồn ngủ và uể oải vào ngày hôm sau

Do tác dụng phụ và thời gian tác dụng còn kéo dài, dùng thuốc ngủ có thể khiến bạn luôn trong trạng thái buồn ngủ vào sáng hôm sau. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu tỉnh táo, mất tập trung, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Đặc biệt, một trong những vấn đề lớn nhất của lạm dụng thuốc ngủ là giảm khả năng tỉnh táo khi lái xe. Bạn không thể phán đoán tốt hay phản ứng nhanh nhạy trước các tình huống bất ngờ khi điều khiển xe lúc không tỉnh táo. Chính vì vậy, nguy cơ tai nạn cũng tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, tác dụng an thần mạnh của một số loại thuốc ngủ có thể khiến bạn cảm thấy bối rối, chóng mặt hoặc không thể tập trung. Do đó, bạn có thể có nguy cơ bị té ngã hoặc các tai nạn khác khi uống thuốc ngủ sai cách.

2. Uống thuốc ngủ nhiều có thể gây mất trí nhớ hoặc mộng du

rủi ro khi uống thuốc ngủ

Khi sử dụng lâu dài hoặc dùng liều cao, một số loại thuốc ngủ kê toa, đặc biệt là benzodiazepine như triazolam, diazepam, bromazepam có thể gây ra tác dụng phụ mất trí nhớ và mộng du. Rủi ro này cũng đã được báo cáo ở những người sử dụng các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ mới hơn như Zolpidem. Chúng có thể khiến bạn hay quên, giảm tập trung, dễ nhầm lẫn và sai sót trong công việc cũng như học tập, sinh hoạt hàng ngày nếu lạm dụng chúng. 

Mộng du được xem là nguy hiểm khi người bệnh không nhận thức được và có hành động gây hại đến chính mình hoặc người khác. Nếu bạn (hoặc người thân của bạn) phát hiện các hành vi kỳ lạ khi đang dùng thuốc ngủ, hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để được theo dõi và xử lý kịp thời.

3. Thuốc ngủ tương tác với các loại thuốc khác

Trang Sleep Foundation (Mỹ) cho biết, cần hết sức thận trọng khi kết hợp thuốc ngủ với các loại thuốc khác, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm, opiates hoặc thuốc kháng histamin. Việc sử dụng cùng lúc hai hoặc nhiều loại thuốc gây ức chế hệ thần kinh trung ương có thể dẫn đến thở chậm, thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh không được uống rượu khi dùng thuốc ngủ. Lượng cồn có trong rượu có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc ngủ, dẫn tới liều độc.

4. Nhờn thuốc, lệ thuộc vào thuốc ngủ

rủi ro khi uống thuốc ngủ

Khi uống thuốc ngủ trong thời gian dài, cơ thể của bạn sẽ quen dần và giảm đáp ứng dần với thuốc cùng liều lượng đó. Lúc này, bạn cần liều lượng ngày càng cao để đạt được hiệu quả tương tự trước đây. Để giảm thiểu rủi ro này, các chuyên gia khuyến cáo không dùng thuốc ngủ lâu hơn 7 – 10 ngày, chỉ trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Khi thuốc giảm hiệu quả, tuyệt đối không được tự ý tăng liều mà cần thông báo cho bác sĩ để được điều chỉnh thuốc phù hợp.

Việc tăng liều mà không tham khảo ý kiến bác sĩ có thể gây quá liều thuốc ngủ. Đây là tình trạng khẩn cấp cần được chăm sóc y tế đặc biệt, vì uống thuốc ngủ quá liều có thể làm suy các chức năng của cơ thể đến mức gây bất tỉnh, hôn mê, suy hô hấp và thậm chí là tử vong.

Rất khó để trả lời uống thuốc ngủ bao nhiêu viên là đủ, vì việc liều lượng thuốc còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh và loại thuốc cụ thể, cũng như tùy đáp ứng mỗi người. Tốt nhất là bạn nên thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ để tránh các tác dụng phụ và uống thuốc ngủ quá liều.

5. Nghiện thuốc khi uống thuốc ngủ kéo dài

Uống thuốc ngủ kéo dài có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc ngưng thuốc. Khi đã bị nghiện, người bệnh thường lo âu, bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, nhịp tim tăng và mất ngủ khi không dùng thuốc. Một số người gặp phải tình trạng “mất ngủ tái phát” – các vấn đề về giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn trước khi ngừng dùng thuốc.

Nếu bạn muốn ngừng thuốc ngủ, hãy liên hệ với bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn thiết lập một kế hoạch cụ thể để giảm dần liều lượng của bạn, cũng như hạn chế tối đa các triệu chứng khó chịu trong quá trình ngưng thuốc.

Có nhất thiết uống thuốc ngủ khi bị mất ngủ không?

rủi ro khi uống thuốc ngủ

Có rất nhiều cách để cải thiện giấc ngủ của bạn mà không cần thuốc. Điều trị rối loạn giấc ngủ như mất ngủ thường nên kết hợp thuốc hỗ trợ giấc ngủ bằng các liệu pháp hành vi khác để giúp bạn có được giấc ngủ chất lượng mỗi đêm mà không cần lệ thuộc vào thuốc ngủ. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về các phương pháp điều trị và thay đổi thói quen ngủ tốt cho bạn. Bạn cũng có thể tham khảo bài viết Cách chữa mất ngủ không dùng thuốc dành cho người mất ngủ kinh niên để thực hành các biện pháp cải thiện giấc ngủ của mình.

Những phương pháp chính để dễ ngủ và ngủ sâu hơn bao gồm:

Lưu ý để uống thuốc ngủ an toàn

rủi ro khi uống thuốc ngủ

Nếu bạn được bác sĩ chỉ định dùng thuốc ngủ để cải thiện tình trạng mất ngủ, hãy ghi nhớ các nguyên tắc an toàn sau đây:

  • Hỏi kỹ bác sĩ để xem bạn có thể uống thuốc ngủ cùng với các loại thuốc kê đơn và không kê đơn đang sử dụng hay không (bao gồm cả thảo dược và thực phẩm chức năng)
  • Luôn sử dụng thuốc ngủ đúng liều lượng, đúng giờ và đúng chỉ dẫn bác sĩ
  • Hỏi bác sĩ rằng bạn cần dùng thuốc trong bao lâu và làm thế nào để ngưng dùng chúng một cách an toàn
  • Không uống rượu khi dùng thuốc ngủ
  • Không uống thuốc ngủ của người khác hoặc cho người khác dùng thuốc ngủ theo đơn của bạn.
  • Học cách giảm thiểu stress, kiểm soát ăn uống và các yếu tố môi trường khác để có giấc ngủ ngon hơn.

Uống thuốc ngủ luôn tiềm ẩn các tác dụng phụ và rủi ro nhất định. Để tránh các rủi ro và tác dụng phụ của thuốc ngủ, khuyến cáo của các chuyên gia hiện nay là nên sử dụng thuốc ngủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, không nên tự ý sử dụng và lạm dụng chúng, kể cả các thuốc ngủ không kê đơn và thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ. Đồng thời, bạn cũng không nên tự ý dùng lâu dài và cần có kế hoạch để ngưng thuốc đúng cách, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống bản thân.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Learn the risks of sleep aids

https://www.health.harvard.edu/sleep/learn-the-risks-of-sleep-aids

Ngày truy cập: 07/11/2022

Sleeping Pills and Natural Sleep Aids

https://www.helpguide.org/articles/sleep/sleeping-pills-and-natural-sleep-aids.htm

Ngày truy cập: 07/11/2022

Sleeping pills

https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/15308-sleeping-pills

Ngày truy cập: 07/11/2022

How To Use Sleep Medications Safely

https://www.sleepfoundation.org/sleep-aids/how-to-use-sleep-medications-safely

Ngày truy cập: 07/11/2022

Side Effects of Sleep Medication

https://www.sleepfoundation.org/sleep-aids/side-effects-of-sleeping-pills

Ngày truy cập: 07/11/2022

Phiên bản hiện tại

21/11/2022

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

7 lưu ý quan trọng trong cách uống thuốc ngủ để không nguy hiểm

Thuốc ngủ ngon: Nên dùng loại nào? Dùng sao cho đúng?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 21/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo