backup og meta

Mất ngủ kéo dài do suy nhược thần kinh có nguy hiểm không?

Mất ngủ kéo dài do suy nhược thần kinh có nguy hiểm không?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ kéo dài nhưng điển hình nhất là do suy nhược thần kinh. Tình trạng mất ngủ thường xuyên, mất ngủ kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng công việc và cuộc sống.

Mất ngủ nhiều ngày kéo dài đáng lo là thế, song việc điều trị lại không dễ dàng. Điều trị mất ngủ do suy nhược thần kinh đòi hỏi người bệnh phải có sự kiên trì, giữ tinh thần kỷ luật trong khoảng thời gian dài và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ hay chuyên gia tâm lý.

Sara Nowakowski, nhà tâm lý học lâm sàng và nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Texas Medical Branch, Galveston, Mỹ, cho biết: “Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy thiếu ngủ có liên quan đến béo phì, bệnh đái tháo đường, bệnh tim, thậm chí là bệnh Alzheimer. Tình trạng thiếu ngủ còn là nguyên nhân gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần và các vụ tai nạn giao thông”. Nowakowski cũng nhấn mạnh: “Ngủ cũng quan trọng như chế độ ăn kiêng và các hành vi lối sống khác”.

Mất ngủ kéo dài là bệnh gì?

Mất ngủ kéo dài

Mất ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn dù rất thèm ngủ. Tình trạng này gây ảnh hưởng nhiều đến các sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Người bị mất ngủ thường gặp phải các triệu chứng sau:

  • Trằn trọc khó ngủ
  • Dễ tỉnh giấc nhưng rất khó ngủ lại
  • Thức dậy quá sớm
  • Cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy
  • Không có cảm giác đã được nghỉ ngơi sau khi ngủ
  • Lờ đờ, mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày
  • Khó chịu, trầm cảm hoặc lo âu
  • Gặp khó khăn trong các vấn đề về chú ý, tập trung hoặc ghi nhớ
  • Nhức đầu hay căng thẳng…

Mất ngủ có thể là mất ngủ cấp hoặc mạn tính:

  • Mất ngủ cấp tính là tình trạng người bệnh bị mất ngủ trong thời gian ngắn, có thể chỉ là một đêm hoặc vài tuần.
  • Mất ngủ mạn tính hay mất ngủ kéo dài xảy ra khi bạn bị mất ngủ ít nhất 3 đêm/tuần trong suốt một tháng hoặc lâu hơn, thường gặp trong các bệnh lý như suy nhược thần kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm…

Mất ngủ cấp tính là một vấn đề cần được quan tâm đúng cách vì nếu không được giải quyết triệt để có thể dẫn tới mất ngủ mạn tính.

Theo Học viện Y học giấc ngủ Mỹ, ước tính có khoảng 10% người trưởng thành bị chứng mất ngủ mạn tính (mất ngủ kéo dài) và từ 15 – 35% người trưởng thành bị chứng mất ngủ cấp tính diễn ra trong vài ngày, vài tuần, thậm chí là đến 3 tháng. Thực tế, chứng mất ngủ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Do đó, việc bạn hay người thân bị mất ngủ cấp tính hay mất ngủ kéo dài không phải là trường hợp hiếm gặp.

Nguyên nhân gây nên tình trạng mất ngủ kéo dài là gì?

Nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài do suy nhược thần kinh

Mất ngủ lâu ngày có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là tình trạng suy nhược thần kinh. Căng thẳng trong thời gian dài làm mất cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế, từ đó khiến người bệnh rơi vào trạng thái suy nhược thần kinh.

Mất ngủ chính là triệu chứng đầu tiên và dễ nhận biết nhất do suy nhược thần kinh gây ra. Người mắc suy nhược thần kinh đa số đều không ngủ được. Họ càng không ngủ được thì càng khiến quá trình hưng phấn và ức chế bị rối loạn kèm theo các triệu chứng lo âu, kích thích. Quá trình này sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn khiến tình trạng mất ngủ kéo dài và trầm trọng hơn. Nếu suy nhược thần kinh không điều trị sớm và kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý về tâm thần khác như rối loạn lo âu, trầm cảm…

Ngoài ra, mất ngủ lâu ngày, thường xuyên còn có thể do các nguyên nhân sau gây ra:

  • Các vấn đề về sức khỏe khác chẳng hạn như bệnh viêm khớp, hen suyễn, đau mạn tính, ngưng thở khi ngủ và các bệnh về thần kinh – tâm lý như trầm cảm, lo lắng, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, bệnh Parkinson…
  • Các yếu tố môi trường như tiếng ồn, ánh sáng hoặc nhiệt độ không thích hợp (quá nóng hoặc lạnh) gây ảnh hưởng đến giấc ngủ
  • Việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị bệnh cảm lạnh, dị ứng, trầm cảm, huyết áp cao, hen suyễn… có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ
  • Thói quen ăn uống: Ăn quá nhiều khi gần đến giờ đi ngủ, ăn đồ khó tiêu hoặc dùng thức uống có caffeine hay có cồn
  • Thói quen ngủ không lành mạnh: Không có thời gian biểu đi ngủ cụ thể
  • Có sự xáo trộn trong lịch trình ngủ bình thường như bạn đang trải qua tình trạng mệt mỏi sau chuyến bay dài, lệch múi giờ…

Mối quan hệ giữa mất ngủ với sức khỏe tâm thần

Các vấn đề sức khỏe tâm thần (suy nhược thần kinh, trầm cảm hoặc lo âu) có thể là nguyên nhân khiến bạn mất ngủ. Điều này cho thấy nếu có nhiều điều lo lắng, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc thư giãn và ngủ. Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ khiến bạn bị thiếu ngủ trong một thời gian dài, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Một chức năng quan trọng của giấc ngủ là giúp các cơ quan trong cơ thể như gan, phổi, tụy, ruột… thải độc. Khi ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh, tâm trí thư thái… vào mỗi sáng thức dậy. Tình trạng không ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ không đảm bảo gây ảnh hưởng đến não bộ và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Điều này khiến bạn khó tập trung hơn, khả năng ghi nhớ và tập trung gặp khó khăn, dễ nóng nảy, bứt rứt… Giấc ngủ bị gián đoạn có thể ảnh hưởng đến mức độ dẫn truyền thần kinh, não sẽ giải phóng kích thích tố căng thẳng. Điều đó cho thấy việc giấc ngủ bị gián đoạn có thể tàn phá não gây ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, điều chỉnh cảm xúc và có thể gây nên các vấn đề tâm lý.

Chẩn đoán mất ngủ kéo dài do suy nhược thần kinh

Chẩn đoán mất ngủ lâu ngày do suy nhược thần kinh

Nếu nhận thấy mình có dấu hiệu bị mất ngủ, bạn hãy đi khám ngay khi có thể. Thực tế, người bị mất ngủ có các dấu hiệu rất đặc trưng nên bác sĩ có thể dễ dàng nhận ra như mệt mỏi, lờ đờ, mắt trũng sâu… Song để có thể đánh giá chính xác tình trạng mất ngủ và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, trao đổi về tiền sử bệnh và các vấn đề liên quan đến giấc ngủ.

Đôi khi bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi nhật ký ngủ, tình trạng giấc ngủ, cảm nhận của cơ thể sau khi thức dậy… Việc này nhằm giúp bác sĩ đánh giá chính xác hơn tình trạng mất ngủ của bạn và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả ở những lần tái khám.

Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm các xét nghiệm đặc biệt để hỗ trợ cho quá trình tìm nguyên nhân gây bệnh. Mất ngủ kéo dài do suy nhược thần kinh thường được chẩn đoán dựa vào thời gian mắc bệnh, người bệnh mắc phải tình trạng mất ngủ sau khi gặp các sang chấn về tâm lý hoặc do căng thẳng kéo dài. Tình trạng mất ngủ kéo dài liên tục từ 3 tháng trở lên, kèm theo các triệu chứng như đau đầu, mất khả năng kiểm soát hành vi, dễ cáu giận, lo lắng vô cớ, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, mệt mỏi dai dẳng sau khi cố gắng hoạt động về thể lực hoặc trí óc, suy giảm trí nhớ… Các bác sĩ cũng có thể làm thêm xét nghiệm điện não (EEG) để xác định chính xác nguyên nhân gây mất ngủ có phải do suy nhược thần kinh hay không.

Cách chữa bệnh mất ngủ kéo dài do suy nhược thần kinh

Cách chữa bệnh mất ngủ kéo dài do suy nhược thần kinh

Nếu chứng mất ngủ kéo dài do suy nhược thần kinh khiến bạn thường xuyên buồn ngủ, mệt mỏi gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn sử dụng thuốc ngủ trong một thời gian nhất định. Bạn nên tránh sử dụng thuốc ngủ khi không có sự chỉ định của bác sĩ vì thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn và hiệu quả của thuốc có xu hướng giảm dần theo thời gian.

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị làm giảm triệu chứng, các bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hành liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy) để điều trị mất ngủ đêm kéo dài. Bạn sẽ nói chuyện với bác sĩ tâm lý về các vấn đề của mình. Bác sĩ sẽ giúp bạn giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống, chia sẻ những khó khăn bạn đang gặp phải, hướng khắc phục cũng như cách đón nhận vấn đề theo hướng tích cực và lành mạnh hơn. Nhờ đó, bạn sẽ có được giấc ngủ ngon, cải thiện các triệu chứng của suy nhược thần kinh một cách hiệu quả.

Ngoài ra, bạn cần xây dựng thói quen hình thành giấc ngủ ngon bằng những mẹo sau đây:

  • Hãy cố gắng đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định. Ngoài ra, bạn cần hạn chế việc ngủ trưa hoặc chỉ ngủ ngắn khoảng 15 – 20 phút vào buổi trưa.
  • Tránh sử dụng điện thoại, iPad trước khi đi ngủ. Các thiết bị này phát ra ánh sáng có thể khiến bạn khó ngủ hơn.
  • Tránh dùng các thức uống có chứa caffeine (trà, cà phê…), hút thuốc vào buổi tối. Caffeine và nicotin có trong thuốc lá là các chất kích thích có thể khiến bạn không ngủ được.
  • Duy trì việc tập thể dục thường xuyên nhưng không nên tập sát giờ đi ngủ bởi việc này có thể khiến bạn khó ngủ. Theo các chuyên gia, bạn không nên tập thể dục ít nhất khoảng 1 – 2 giờ trước khi đi ngủ.
  • Không ăn nhiều vào cuối ngày. Bạn có thể ăn một món ăn nhẹ hoặc uống một ly sữa ấm trước khi đi ngủ.
  • Phòng ngủ thoải mái: Đảm bảo phòng ngủ của bạn tối, yên tĩnh, nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu phòng ngủ quá ồn (gần đường giao thông, đường ray xe lửa…), bạn có thể dùng nút tai chống ồn để dễ ngủ hơn.
  • Thực hiện các việc bạn thường làm trước khi đi ngủ: vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ, đọc sách, nghe nhạc nhẹ du dương, nằm thẳng hít thở sâu, thực hiện phương pháp đếm cừu…
  • Nếu bạn không thể ngủ và không cảm thấy buồn ngủ, hãy ngồi dậy và đọc sách hoặc làm việc gì đó không quá kích thích cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Lưu ý, bạn không nên đọc sách có nội dung cuốn hút.
  • Không ngủ nướng vào cuối tuần: Việc ngủ quá nhiều vào cuối tuần có thể khiến bạn khó ngủ vào các ngày khác trong tuần.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Insomnia: Symptoms, Causes, and Treatments That Will Help You Sleep

https://www.everydayhealth.com/insomnia/guide/

Ngày truy cập 10/10/2018

An Overview of Insomnia

https://www.webmd.com/sleep-disorders/guide/insomnia-symptoms-and-causes#1

Ngày truy cập 10/10/2018

Everything You Need to Know About Insomnia

https://www.healthline.com/health/insomnia  

Ngày truy cập 10/10/2018

Phiên bản hiện tại

18/02/2021

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Cách trị mất ngủ đơn giản, hiệu quả bằng biện pháp tự nhiên

Mất ngủ ăn gì? Không chỉ thuốc, thực phẩm cũng chữa mất ngủ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 18/02/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo