backup og meta

Táo đỏ (táo tàu)

Táo đỏ (táo tàu)

Trong Y học cổ truyền Trung Hoa, táo đen và táo đỏ đã được sử dụng hàng nghìn năm nay trong việc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe cho con người. Thực chất, cả 2 loại táo này đều có nguồn gốc từ cây táo tàu.

Táo đen (đại táo) đã qua bào chế, có màu đen và vị ngọt hơn nên xuất hiện nhiều trong các bài thuốc. Táo đỏ là loại được thu hoạch ngay trên cây, thường dùng như thực phẩm bổ dưỡng hay làm trà. Ngày nay, táo đỏ ngày càng được ưa chuộng do có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng vượt trội đối với sức khỏe. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu kĩ hơn về dược liệu này nhé!

Tên thường gọi: Táo đỏ, táo tàu

Tên gọi khác: Hồng táo, Can táo, Táo tàu đỏ, Mỹ táo, Lương táo, Can xích táo, Quế táo, Đường táo, Cẩu nha, Kê tâm, Thiên chưng táo, Nam táo, Dương cung táo, Thích táo,…

Tên nước ngoài: Jujube berries, spiny chinese date (Anh); jujubier, jingeolier (Pháp)

Tên khoa học: Zizyphus jujuba Lamk. 

Họ: Táo ta (Rhamnaceae)

Tổng quan

Tìm hiểu chung về táo đỏ (táo tàu)

Cây táo tàu  nhỡ đến to, có thể cao tới 8 – 10 mét. Thân và cành có gai ngắn ở mấu, lúc non màu lục vàng, sau chuyển sang màu xám rồi nâu đỏ.

Lá mọc so le, hình trứng thuôn, gốc tròn, đầu hẹp nhọn hoặc hơi tù, dài 3 – 7 cm, rộng 2 – 3 cm. Mép lá có răng cưa thô. Hai mặt lá đều nhẵn. 3 gân nổi rõ, tỏa ra từ gốc lá. Cuống lá ngắn.

Hoa mọc đơn hoặc mọc thành xim ở kẽ lá, màu vàng lục nhạt. Quả hạch, hình trứng thuôn, khi chín có màu đỏ sẫm. Mỗi quả chứa 1 hạt bao bọc bởi lớp thịt ngọt mềm.

Mùa hoa rơi vào tháng 4 – 6. Mùa quả rơi vào tháng 7 – 9 hằng năm, quả có hình cầu (chùy) hoặc hình trứng, dài khoảng 20 – 32mm. Khi xanh quả màu xanh nhạt hoặc nâu nhạt, khi chín chuyển sang màu đỏ sẫm, đỏ nâu.

Khác với các loại hoa quả khác, cần phơi hoặc sấy khô, quả táo đỏ có thể tự chín khô tự nhiên ngay trên cây. Nguyên do bởi sự chênh lệch thời tiết khắc nghiệt tại một số vùng của Trung Quốc như Tân Cương, Cam Túc,… Nhiệt độ ngày đêm chênh lệch rất lớn, ban ngày kéo dài đến 15 tiếng, không sương nên hầu hết các trái táo đều có thể tự chín và khô quắt lại ngay trên cành cây. Loại táo chín và phơi nắng tự nhiên sẽ có 2 mặt màu sắc khác nhau, do một bên nắng chiếu nhiều hơn, sẽ có màu đỏ đậm hơn. Khi thu hoạch, chỉ cần dùng gậy đập mạnh vào cành để quả rụng, phơi thêm khoảng 2 – 3 ngày là có thể dùng tới 3 năm.

Hiện tại, ở nước ta, nguồn táo đỏ vẫn nhập hoàn toàn từ Trung quốc, có di thực và được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng chưa tạo ra sản lượng.

Bộ phận dùng của táo đỏ (táo tàu)

Quả chín của đại táo đã phơi hay sấy khô được dùng làm thuốc. Một số tài liệu cho rằng, lá của cây đại táo cũng có thể dùng làm thuốc. 

Thành phần hóa học trong quả táo tàu

Trong quả táo đỏ khô có chứa nhiều nước, chất béo, protein, acid hữu cơ như malic acid, gallic acid, lipid, đường, chất xơ, khoáng chất như K, Na, Ca, Fe, Mg,…, vitamin dồi dào như vitamin A, B1, B2, C, đặc biệt là vitamin C. Ngoài ra, dược liệu này có hàm lượng đáng kể các chất phosphate, flavonoid, tanin, quercetin, carotene, axit triterpenic, polysaccharide,…

Về thành phần dinh dưỡng, trong 100gram táo đỏ sẽ có tỷ lệ các chất như sau:

  • Calorie: 79 Kcal.
  • Chất béo: 0.
  • Carb: 20gram.
  • Chất xơ: 10gram.
  • Vitamin C: 77% giá trị cần nạp hàng ngày vào cơ thể.
  • Kali: 5% DV.
  • Protein: 1gram.

Trong hạt táo có chứa: Saponin và Flavonoid

Trong lá chứa: Alkaloid và Flavonoid

Vỏ thân chứa các cyclopeptide alkaloid, mucrorin A và D, amphibio H, numularin A và B, jubanin A, jujubanin B, fragufolin.

Tác dụng, công dụng

táo đỏ có tác dụng gì

Táo đỏ (táo tàu) có tác dụng gì?

Tác dụng dược lý của táo đỏ

Các nghiên cứu trong Y học hiện đại có công bố về tác dụng của táo đỏ đối với sức khỏe con người. Cụ thể như sau:

  • Tác dụng chống dị ứng, điều hòa miễn dịch: Táo đỏ được chứng minh có khả năng đặc biệt là chống hen suyễn. Cụ thể, người sử dụng táo đỏ thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn thấp hơn so với người không dùng. Dược liệu này cũng có lợi cho người thường xuyên bị ban, nổi mẩn ngứa ngoài da. 
  • Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Hàm lượng chất xơ cao trong quả táo tàu giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Sử dụng dược liệu này thường xuyên có công dụng nhuận tràng, giảm tình trạng táo bón. Đặc biệt, nó còn giúp phòng ngừa viêm loét dạ dày.
  • Phòng ngừa bệnh Alzheimer: Vỏ táo có chứa nhiều dưỡng chất tốt cho não bộ, chống độc, tăng cường trí nhớ, tăng độ minh mẫn. Mọi người nên dùng táo đỏ hàng ngày ở lượng vừa phải để tốt cho não.
  • Chống tăng mỡ máu, thậm chí hạ mỡ máu: Thành phần natri, kali giúp bảo vệ mạch máu; polyphenol và chất xơ làm tan cholesterol, ngừa mảng bám và ngừa viêm ở thành mạch máu.
  • Bảo vệ thần kinh, an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng cường chức năng của não bộ: Thịt và hạt táo khô có tác dụng tăng thời gian, chất lượng giấc ngủ, chữa mất ngủ. Đó là nhờ hoạt chất saponin giảm căng thẳng, lo âu, an thần, cải thiện trí nhớ, bảo vệ tế bào não.
  • Chống virus: Flavonoid trong táo tàu đỏ kháng khuẩn cực mạnh, kết hợp acid betulinic chống lại các loại virus cúm gây cảm cúm ở người. Đây cũng là thành phần có khả năng chống viêm hiệu quả. 
  • Giảm cân giữ dáng: Hàm lượng chất xơ cao, góp phần chuyển hoá đường và cholesterol, làm sạch đường tiêu hoá và giảm lượng calo nạp vào. Tuy nhiên với lượng đường khá cao, bạn nên ăn táo đỏ ở lượng vừa phải và nên ăn trước bữa ăn. 
  • Tác dụng làm đẹp da: Ăn táo đỏ có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện các vấn đề da liễu như mụn, sạm nám, thâm, nếp nhăn trên da, giảm ngứa do chàm, làm mượt và dày tóc.

Tác dụng của táo đỏ trong y học cổ truyền

Quả đại táo có vị ngọt, tính bình; quy vào kinh can, thận, tỳ và vị. Tác dụng của quả táo đỏ là bổ tỳ, dưỡng vị, ích khí, dưỡng huyết, nhuận tâm phế, sinh tân dịch, bổ can, chỉ thấu, giải độc dược, điều hòa các vị thuốc.

Nhờ vậy, táo đỏ được dùng trong Đông y để chữa ho, suy nhược cơ thể và thần kinh, ăn ngủ kém, kiết lị, hồi hộp. Vị thuốc này được thêm vào các bài thuốc để điều hòa tác dụng, điều vị và tăng thêm tác dụng bổ.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của táo đỏ (táo tàu) là bao nhiêu?

Quả đại táo được dùng với liều 5 – 10 quả mỗi ngày, ăn trực tiếp, sắc hoặc ngâm rượu uống.

Một số bài thuốc có táo đỏ (táo tàu)

hình ảnh cây táo đỏ

Táo đỏ được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

  • Thuốc bổ: Đại táo 2 quả, đảng sâm 5g, ngô thù du 3g, sinh khương 3g đem sắc uống. Bạn cũng có thể pha trà táo đỏ kỷ tử hoặc chưng ăn táo đỏ đường phèn hằng ngày để bồi bổ.
  • Chữa ho, miệng khô, đau cổ: Đại táo 20 quả, ô mai 10 quả đem bỏ hạt, giã nhỏ rồi trộn với mật ong để làm thành viên hoàn, ngậm dần từng viên.
  • Chữa bứt rứt khó ngủ: Đại táo 14 quả, long nhãn 30g nấu chín rồi ăn cả nước lẫn cái.
  • Chữa động thai: Nướng 10 – 15 quả đại táo bằng than gỗ cho thơm hoặc sao khô đều được, dùng ăn trong ngày. Bạn ăn liên tục 7 – 10 ngày.
  • Trà táo đỏ mật ong: Cho vài quả táo khô vào hãm cùng nước sôi trong khoảng 15 – 20 phút. Thêm 1 thìa cafe mật ong vào và khuấy đều để trà đậm vị hơn và thưởng thức.
  • Trà táo hoa cúc: Hoa cúc có tác dụng thanh nhiệt, sáng mắt, uống trà này thường xuyên sẽ giúp thanh nhiệt, bổ sung khí huyết, cực kỳ phù hợp với những ngày hè nắng nóng, oi bức. Bạn chuẩn bị táo tàu khô, hoa cúc khô đem rửa sạch rồi để cho ráo nước. Đun sôi táo đỏ và nước trong 20 phút, tiếp đó cho hoa cúc khô vào. Bạn thêm đường hoặc mật ong tùy thích, khuấy đều rồi tắt bếp, đợi nguội bớt thì uống.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng táo đỏ (táo tàu), bạn nên lưu ý những gì?

Tuy là một loại thuốc phổ biến cũng như an toàn nhưng việc sử dụng táo đỏ cũng cần phải có những lưu ý nhất định. 

  • Khi dùng táo đỏ nấu ăn, không nên nấu chung với hành hay cá. 
  • Người bệnh đang có chứng đàm thấp nê trệ, đầy bụng; trẻ nhỏ bị cam tích, đầy bụng, đờm nhiệt, đau răng không nên dùng. 

Để sử dụng vị thuốc này một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của táo đỏ

Vị thuốc này an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với táo đỏ (táo tàu)

Táo đỏ có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đỗ Huy Bích và cộng sự, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, trang 730 – 732.

Research advances in bioactive components and health benefits of jujube (Ziziphus jujuba Mill.) fruit https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8214949/ Ngày truy cập: 25/05/2023

Jujube https://www.sciencedirect.com/topics/agricultural-and-biological-sciences/jujube Ngày truy cập: 25/05/2023

Sample records for jujube zizyphus jujuba https://www.science.gov/topicpages/j/jujube+zizyphus+jujuba Ngày truy cập: 25/05/2023

Investigating the Efficacy of Zizyphus Jujuba on Neonatal Jaundice https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3446193/ Ngày truy cập: 25/05/2023

Cơ thể thay đổi ra sao nếu ăn táo tàu mỗi ngày? https://vienyhocungdung.vn/co-the-thay-doi-ra-sao-neu-an-tao-tau-moi-ngay-20210727105818077.htm Ngày truy cập: 25/05/2023

Phiên bản hiện tại

01/06/2023

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Cây thù lù trị bệnh gì? Cách dùng và những lưu ý

Bật mí 4 cách chưng yến đường phèn táo đỏ giàu dinh dưỡng cho cả nhà


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 01/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo