backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Tìm hiểu 8 tác dụng tuyệt vời của sâm đại hành với sức khỏe

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/06/2022

    Tìm hiểu 8 tác dụng tuyệt vời của sâm đại hành với sức khỏe

    Sâm đại hành là một vị thuốc gần gũi với người Việt Nam. Loại dược liệu này có hình dáng giống như củ hành đỏ trong ngăn bếp của người Việt nên được gọi là sâm đại hành (hay sâm củ hành). Hơn thế nữa, vị thuốc này còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe mà không phải ai cũng biết. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 8 tác dụng của sâm đại hành qua các thông tin sau đây nhé!

    Sâm đại hành có tính ấm, vị ngọt nhạt, có tác dụng tiêu độc, sinh cơ, an thần, bổ huyết, thông huyết, là một vị thuốc được dùng để chữa trị chứng thiếu máu, hoa mắt, mệt mỏi và một số bệnh lý khác,…theo y học cổ truyền. 

    Theo các nghiên cứu y học hiện đại, nhiều thành phần hóa thực vật (phytochemical) được thấy trong sâm đại hành như phenolic và các dẫn xuất flavonoid, naphthalene, anthraquinone và naphthoquinone. Chính những thành phần này đã mang lại nhiều tác dụng của sâm đại hành trong hỗ trợ điều trị bệnh.

    1. Sâm đại hành có tác dụng gì? Chống ung thư 

    tác dụng của sâm đại hành 1

    Mặc dù các nghiên cứu về đặc tính gây độc tế bào của sâm đại hành chưa được thực hiện rộng rãi. Nhưng kết quả từ một số nghiên cứu sau đây đã cho thấy sâm đại hành có đặc tính gây độc tế bào mạnh trên một số tế bào ung thư: 

    • Một nghiên cứu của D. Lestari và cộng sự (2019) được thực hiện trên chuột đã chứng minh tác dụng gây độc tế bào mạnh trên dòng tế bào bệnh bạch cầu lympho của chiết xuất sâm đại hành.
    • Nghiên cứu khác được thực hiện trên thí nghiệm đĩa 96 giếng cũng đồng thời cho thấy tác động hiệp đồng chống ung thư mạnh hơn trên tế bào ung thư cổ tử cung Hela khi kết hợp chiết xuất từ sâm đại hành E. bulbsa với doxorubicin so với khi dùng đơn lẻ doxorubicin.

    2. Ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường 

    Stress oxy hóa là quá trình xảy ra khi đường huyết của người bệnh đái tháo đường tăng cao, dẫn đến rối loạn các chức năng nội mô khác nhau và di chứng lên đa mạch. Vì vậy, các phương pháp điều trị tiểu đường chủ yếu là ngăn chặn tiến trình này. Trong đó, các nghiên cứu in vitroin vivo gần đây cho thấy chiết xuất từ sâm đại hành có thành phần hóa thực vật ngăn chặn được stress oxy hóa.  

    3. Kháng khuẩn

    tác dụng của sâm đại hành

    Dịch chiết toàn phần từ củ sâm đại hành đã được chứng minh có tác dụng ức chế rõ rệt in vitro đối với phế cầu khuẩn, liên cầu tan máu, tụ cầu vàng, tác dụng yếu với Shigella flexneri, S. dysenteriae, Bacillus anthracis, R. mycoides

    4. Kháng nấm 

    Sâm đại hành có tác dụng gì? Theo một số kết quả nghiên cứu đã cho thấy tác dụng chống nấm từ chiết xuất của sâm đại hành, cụ thể như: 

    • Chiết xuất của ​​sâm đại hành loài E. palmifolia bằng dung môi n-hexane đã cho thấy tác động chống lại các chủng nấm gồm Candida albicansTrichophyton mentagrophytes ở nồng độ 200 mg/mL và 20 mg/mL. 
    • Tinh dầu chiết xuất từ sâm đại hành E. bulbosa cũng là một chất ức chế hiệu quả Malassezia furfur – một loại nấm nhiễm trùng trên lớp sừng của da, là tác nhân hình thành lang ben. 

    5. Kháng virus 

    Trong một nghiên cứu của Hara và cộng sự đã cho thấy rằng isoeleutherine và isoeleutherol được phân lập từ củ của loài E. americana có khả năng chống virus và tiềm năng chống lại sự nhân lên của HIV. Tuy nhiên, cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận hiệu quả của chiết xuất từ ​sâm đại hành trước khi khẳng định tác dụng của sâm đại hành như một chất chống virus.

    6. Tác dụng chống viêm tiềm năng của sâm đại hành  

    Sâm đại hành thể hiện khả năng chống viêm theo cơ chế hoạt động như các chất ức chế enzym cyclooxygenase (COX) gồm COX1 và COX2 và ức chế các chất trung gian gây viêm như prostaglandin và thromboxan. Cơ chế này cũng tương tự các thuốc chống viêm hiện nay dùng trong điều trị ung thư, viêm khớp dạng thấp hay các bệnh rối loạn tự miễn. Song các thuốc này thường gây tác dụng phụ đối với hormon glucocorticoid cortisol về lâu dài, ảnh hưởng chức năng gan, thận trong khi đó sâm đại hành không biểu hiện độc tính gây độc. Vì thế, đây được xem là một “ứng viên” tiềm năng để thay thế các liệu pháp chống viêm hiện nay.  

    7. Sâm đại hành có tác dụng gì trong da liễu? Chữa lành vết thương 

    sâm đại hành có tác dùng gì - tác dụng của sâm đại hành với da

    Các thành phần hóa thực vật được tìm thấy trong sâm đại hành như phenolic, flavonoid cho tác động hiệp đồng với các chất tự chữa lành tự nhiên trong cơ thể. Vì thế, chiết xuất sâm đại hành được bào chế dưới dạng gel thể hiện khả dụng sinh học tại chỗ tốt cho biểu bì và quá trình lành lại của biểu bì. Cũng nhờ vào tác dụng này mà sâm đại hành còn được dùng để bôi ngoài để chữa trị hiệu quả cho các vết thương có mủ, vết bỏng.

    Đồng thời, gần đây các sản phẩm chiết xuất tự nhiên như sâm củ hành cũng được ưa chuộng trong chăm sóc làm trắng da. Nguyên nhân là do các hoá thực vật của sâm củ hành ức chế quá trình hình thành hắc sắc tố mà không gây kích ứng hoặc viêm da, giúp da trắng mà ít tác dụng phụ. 

    8. Hoạt động như chất chống oxy hóa

    Nếu như chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt kém lành mạnh chẳng hạn hút thuốc lá, uống rượu thường xuyên là những yếu tố thúc đẩy quá trình stress oxy hóa tế bào thì sâm đại hành chính là “chiến binh” giúp bạn chống lại stress oxy hóa. Chống lại stress oxy hóa sẽ giúp bạn ngăn ngừa tổn thương tế bào và giảm thiểu nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý khác, tăng cường bảo vệ sức khỏe. 

    Có thể bạn quan tâm: Trà nhân sâm: Thức uống bổ dưỡng lại giúp hâm nóng chuyện ấy

    Hy vọng 8 tác dụng của sâm đại hành trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vị thuốc này. Không phải là “thần dược”, sâm đại hành là một dược liệu tiềm năng với nhiều lợi ích sức khỏe đáng quý!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/06/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo