Cây sả, hay còn gọi là cỏ chanh, là một loại thực vật mà mọi người lấy lá và chiết tinh dầu để làm thuốc. Tuy nhiên, liệu bạn đã biết sả có tác dụng ngăn ngừa ung thư?
Cây sả được dùng để điều trị các chứng co thắt thực quản, đau dạ dày, cao huyết áp, co giật, đau nhức, nôn mửa, ho, đau khớp (bệnh thấp khớp), sốt, cảm lạnh thông thường và mệt mỏi. Ngoài ra, người ta cũng sử dụng sả để diệt vi sinh vật (mầm bệnh) và làm săn chắc da.
Một số người đắp sả hay thoa trực tiếp tinh dầu sả lên da để trị các chứng đau đầu, đau bao tử, đau bụng và đau cơ. Tinh dầu sả cũng được sử dụng làm hương liệu trị chứng đau cơ trong các loại đèn xông tinh dầu.
Trong thức ăn và nước uống, cây sả cũng là một loại gia vị tạo mùi. Điển hình là người ta thường dùng lá sả để tạo hương vị “chanh’ trong các loại trà thảo dược.
Ngạc nhiên hơn, các nghiên cứu đã chỉ ra sả có tác dụng ngăn ngừa ung thư.
Thành phần của sả
Cây sả, tên khoa học là Cymbopogon citratus, là một loại cỏ thân cao mang hương thơm, mọc quanh năm và có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Á. Cả hai loại lá tươi và lá khô của loại cây này đều chứa những loại dầu dễ bay hơi được tạo thành từ các hợp chất như citral và myrcene với giá trị dược liệu tuyệt vời.
Theo báo cáo của Trung tâm Chống Ung thư Memorial Sloan-Kettering, từ lâu, lá sả ngâm thuốc đã được dùng để điều trị một loạt các bệnh lý bao gồm chứng viêm, nhiễm nấm, mất ngủ và cao huyết áp. Liều dùng khuyến cáo sẽ thay đổi tùy thuộc vào tuổi tác và sức khỏe tổng quát của từng người hoặc bác sĩ sẽ cho bạn liều lượng thích hợp.
Ngoài ra, vì là một chất chống oxy hóa mạnh, sả có thể giúp bảo vệ các tế bào chống lại tổn thương gây ra bởi các gốc tự do không ổn định – loại tế bào tương tác và làm tổn thương ADN cùng các protein của tế bào, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh ung thư.
Cơ chế hoạt động của sả
Cây sả có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của một số loại vi khuẩn và nấm men. Sả cũng chứa các chất có tính giảm đau, hạ sốt, kích thích tử cung co bóp đẩy máu trong chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời cũng chứa thành phần chống oxy hóa.
Tính chất chống ung thư
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cancer Letters vào tháng 9 năm 2002, tinh chất sả đã ức chế các tế bào ung thư gan giai đoạn đầu và làm chậm quá trình phát triển bệnh trên các động vật thí nghiệm.
Một nghiên cứu khác trên tạp chí Fundamental and Clinical Pharmacology cho thấy chất citral trong tinh dầu sả giúp ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú và khiến các tế bào đó tự chết đi (gọi là quá trình apoptosis hay sự tự chết của tế bào ung thư theo chương trình).
Theo báo cáo của Sloan-Kettering, hợp chất hóa học isointermedeol trong một số loại sả cũng có khả năng gây ra quá trình chết tế bào. Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ được chứng minh trong các thí nghiệm nên các nhà khoa học sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng để xác thực vai trò chống ung thư của sả.
Tác dụng phụ của sả
Tổng quát, sả khá an toàn khi dùng để nấu nướng hoặc thoa lên da. Chỉ có một số trường hợp báo cáo từng gặp các phản ứng phụ dạng nhẹ như chóng mặt, khô miệng, thèm ăn và đi vệ sinh nhiều.
Bạn nên lưu ý rằng sả cũng có thể tương tác đối với một số loại thuốc điều trị ung thư và nếu dùng tinh dầu sả ở liều lượng cao có thể gây tổn thương dạ dày và màng lót lớp niêm mạc gan. Phụ nữ dùng sả trong thời kỳ mang thai có thể khiến trẻ sinh ra mắc các dị tật bẩm sinh.
Độ an toàn của sả
Cây sả an toàn đối với hầu hết mọi người khi dùng để ăn hoặc chế biến thức ăn. Nó cũng tương đối an toàn khi dùng để ăn trực tiếp hoặc thoa lên da trong thời gian ngắn để chữa bệnh. Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý vì sả có một số tác dụng phụ độc hại, chẳng hạn như gây ra các vấn đề sức khỏe về phổi sau khi hít phải hương thơm của tinh dầu và thậm chí dẫn đến ngộ độc chết người ở trẻ em nếu nuốt phải thuốc chống côn trùng có chứa dầu sả.
Thận trọng/cảnh báo
Đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Các bà mẹ hoàn toàn KHÔNG NÊN ăn sả hoặc các thực phẩm chứa sả trong suốt thời kỳ mang thai. Bởi vì sả có tính kích thích tử cung làm chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu, do đó các bác sĩ cho rằng sả có thể gây sảy thai.
Hiện nay, vẫn chưa có đầy đủ thông tin đáng tin cậy về tính an toàn của sả đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú. Do đó, để tự giữ an toàn cho bản thân, các bà mẹ hãy lưu ý tránh sử dụng sả.
Sả có rất nhiều công dụng tốt cho cơ thể, đặc biệt là chống ung thư, vì thế bạn hãy siêng năng ăn sả (trừ khi bạn đang mang thai) để bảo vệ cơ thể mình nhé!
[embed-health-tool-bmi]