backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Cây lá náng hoa trắng có tác dụng gì? Chữa bệnh gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền · Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 25/03/2024

Cây lá náng hoa trắng có tác dụng gì? Chữa bệnh gì?

Trong những năm gần đây, cây lá náng, hay náng hoa trắng được quan tâm nhiều hơn vì hiệu quả của nó đối với bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Ngoài ra, cây này dùng ngoài da cũng rất hữu ích trong nhiều trường hợp bệnh về xương khớp. Vậy, lá náng là gì? Công dụng cụ thể của loại dược liệu này ra sao? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Tên thường gọi: Cây lá náng

Tên gọi khác: Náng, náng hoa trắng, cây lá náng, đại tướng quân, tỏi lơi, tỏi voi, chuối nước

Tên khoa học: Crinum asiaticum L.

Họ: Thủy tiên (Amaryllidaceae)

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về cây lá náng

  • Thân thảo lâu năm, cao khoảng 1 mét. Thân hành hình trứng hoặc hình cầu, đường kính khoảng 5-10cm.
  • Lá đơn mọc ra từ thân hành. Lá dài tới hơn 1 mét và rộng khoảng 5-10cm. Phiến lá hình dải, gốc rộng đầu nhọn, mép nguyên lượn sóng, gân song song nổi rõ ở mặt dưới. Hai mặt lá đều có màu lục nhạt.
  • Cụm hoa mọc ở giữa túm tạo thành tán trên một cán mập và dẹt, dài 40-60cm. Mỗi cụm hoa có 6-12 hoa hoặc nhiều hơn. Hoa to, màu trắng, có các ống mảnh màu xanh lục, mùi thơm về chiều.
  • Quả nang, hình gần cầu, đường kính 3-5cm, 1 hạt.

Cây lá náng mọc hoang ở các bãi ven biển và chân núi đá vôi. Cây này cũng được trồng làm cảnh.

Bộ phận dùng của náng hoa trắng

Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, chủ yếu là thân hành. Dược liệu được thu hái quanh năm và dùng tươi.

Thành phần hóa học trong náng hoa trắng

Thành phần chính là các alkaloid như lycorin, crinamin, crinasiatin, ambelin,…

Tác dụng, công dụng

Cây lá náng có những công dụng gì?

lá náng có tác dụng gì?

Theo Y học cổ truyền và dân gian, cây lá náng chữa bệnh gì? Cây lá náng có tính mát, vị đắng, hơi có độc; có tác dụng tiêu sưng, thông huyết, giảm đau, tán ứ, dùng trong điều trị:

  • Đau họng
  • Đau răng
  • Mụn nhọt và các bệnh ngoài da
  • Rắn cắn
  • Bong gân, sai khớp (thuốc sắc uống hoặc giã tươi đắp); tụ máu do va đập gây đau đớn, sưng đau khớp xương, tê thấp, nhức mỏi tay chân, đau cơ (dùng ngoài).
  • Tại Trung Quốc, dùng lá náng hơ nóng để chữa bong gân, sưng tấy; sắc nước lá để rửa và điều trị bệnh trĩ ngoại.
  • Tại Ấn Độ, dùng hạt cây náng hoa trắng để điều kinh, tẩy, lợi tiểu; dùng lá để long đờm, đắp trị bệnh ngoài da và giảm viêm; thân náng để ép nước uống gây nôn, hoặc đắp chữa thấp khớp, hoặc nhỏ vào tai trị đau tai. Ngoài ra, lá khô đem đốt có thể đuổi muỗi.
  • Tại Madagascar, dùng thân hành giã đắp để trị mụn nhọt, áp xe; dùng lá ép nước nhỏ vào tai trị đau tai.

Bên cạnh náng hoa trắng, một số nơi cũng dùng náng hoa đỏ với công dụng kể trên.

Theo nghiên cứu hiện đại, lá náng có tác dụng gì? Loại dược liệu này có công dụng:

  • Các alkaloid trong cây gây độc với một số dòng tế bào ung thư và kháng khuẩn
  • Giảm kích thước phì đại tuyến tiền liệt
  • Thân hành có hiệu quả long đờm, nhuận tràng, gây nôn nhưng không làm đau bụng hoặc tẩy xổ, gây ra mồ hôi
  • Lá có tác dụng chống viêm, long đờm
  • Hạt có tác dụng tẩy, lợi tiểu.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của náng hoa trắng là bao nhiêu?

Tùy vào bệnh lý mắc phải và cách dùng thuốc mà liều lượng dùng ở mỗi người khác nhau. Nếu sử dụng thuốc dưới dạng dùng đắp ngoài, không kể liều lượng nhưng nếu dùng dưới dạng sắc uống, liều dùng mỗi ngày từ 3-10 gram.

Một số bài thuốc có cây lá náng

Cây lá náng được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

bài thuốc dùng lá náng

Các bài thuốc ngoài da chỉ sử dụng một mình lá náng

Cách chế biến náng hoa trắng và cách dùng như sau:

  • Lấy lá tươi đem hơ trên lửa cho vừa đủ nóng, ốp vào nơi chấn thương hoặc đau nhức và bóp nhẹ.
  • Thái nhỏ lá náng, xào nóng và bó vào nơi bị đau.

Lá náng đắp bong gân, trật khớp (Hải Thượng Lãn Ông)

  • Nguyên liệu: Lá náng, tiểu hồi, quế, đinh hương, vỏ núc nác, vỏ sồi, gừng tươi, lá cây dây đau xương, lá canh châu, lá thầu dầu tía, lá kim cang, lá mua, lá bưởi bung, lá tầm gửi trên cây khế, mủ xương rồng bà, huyết giác, củ nghệ, hạt trấp, hạt máu chó
  • Cách làm: Giã nát, sao nóng để chườm.

Chữa tụ máu, sưng tấy do chấn thương, bong gân, bó gãy xương

  • Nguyên liệu: 10-20g lá náng, 10g lá dây đòn gánh, 8g lá bạc thau
  • Cách làm: Giã nhỏ, thêm chút rượu rồi nướng lên, đắp khi còn nóng; mỗi ngày 1 lần.

Chữa bong gân, trật khớp, tụ máu, thấp khớp

  • Bài thuốc 1: 30g náng hoa trắng, 30g mua thấp, 20g dạ cẩm; tất cả còn tươi; đem giã nát để đắp
  • Bài thuốc 2: 30g náng hoa trắng, 20g lá sỉ, 20g lá sở; tất cả còn tươi; đem giã nát rồi trộn cùng với lòng trắng trứng để bó phần bị tổn thương lại. Hai ngày thay thuốc 1 lần.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng cây lá náng, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng náng hoa trắng một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên:

  • Tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. 
  • Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
  • Phần thân hành của cây lá náng khi dùng nhiều có thể dẫn tới nôn, đau bụng, tiêu chảy, mạch đập nhanh… Lúc này, cách giải độc là sử dụng nước trà đặc hoặc một loại dung dịch có chứa tanin để kết tủa alkaloid.

Tác dụng phụ

Nếu sử dụng quá liều hoặc không đúng cách có thể gây nên các phản ứng phụ thường gặp như:

  • Hô hấp không đều
  • Nôn mửa
  • Đai bụng
  • Tiêu chảy
  • Mạch đập nhanh
  • Nhiệt độ cơ thể tăng cao

Nếu gặp phải các biểu hiện ngộ độc vừa kể trên, tốt nhất, nên ngừng sử dụng thuốc và đến bệnh viện ngay lập tức. Trước khi đến bệnh viện, hãy thực hiện giải độc náng hoa trắng bằng cách uống một tách trà đen đặc hoặc uống nước đường. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nước muối loãng hoặc uống nước giấm pha gừng theo tỷ lệ 2:1.

Mức độ an toàn của náng hoa trắng

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng dược liệu trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng loại thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với cây lá náng

Lá náng chủ yếu dùng ngoài nên hiếm khi gây tương tác. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào. 

Hiện nay, náng hoa trắng chủ yếu được dùng ngoài. Những tác dụng dược lý của loài cây này là có, nhưng để ứng dụng vào điều trị còn cần nhiều nghiên cứu và thử nghiệm hơn nữa.

Hi vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích. Lá náng hoa có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn, hãy tuân thủ liều lượng, thời gian sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ, thầy thuốc trước khi dùng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.


Bài viết liên quan


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 25/03/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo