backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bình bát

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 21/11/2023

Bình bát

Cây bình bát có nhiều công dụng đối với sức khỏe, nhưng nếu bạn không biết cách dùng có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng. Vậy cây bình bát có tác dụng gì? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Tên thường gọi: Bình bát

Tên gọi khác: Cây nê, đào tiên, na xiêm

Tên nước ngoài: Bullock’s heart, alligator apple, netted custard apple

Tên khoa học: Annona reticulata L.

Họ: Na (Annonaceae)

Tổng quan

Tìm hiểu chung về cây bình bát

Cây thân gỗ, nhỏ, cao khoảng 5 – 7m, tán lá rộng. Cành non có lông, cành già nhẵn. Lá mọc so le, hình mác thuôn, dài 12 – 15cm, rộng 4cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, bóng, mặt dưới có ít lông tơ, gân lá nổi rõ, cuống lá có lông.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá, gồm 2 – 4 hoa màu vàng. Đài hoa gồm 3 phiến hình tam giác, mặt ngoài có lông. Tràng hoa có 2 vòng, cánh hoa hẹp, 3 cánh ngoài to dày, có lông tơ; 3 cánh trong nhỏ, nhẵn.

Quả bình bát có hình tim, có từng ô 5 góc mờ. Khi non, quả màu xanh có mùi đặc trưng. Khi chín, quả chuyển màu vàng hoặc vàng pha đỏ, thịt quả màu trắng hoặc ngà vàng, có thể ăn được.

Mùa hoa vào tháng 5 – 6, mùa quả tháng 7 – 8.

Bộ phận dùng

Hạt, lá và rễ cây bình bát có thể được dùng để làm dược liệu, tươi hay khô đều được.

Thành phần hóa học của bình bát

Trong hạt bình bát có chứa nhiều acetogenin và nhiều chất thuộc nhóm N-acyltryptamine béo. 

Lá và vỏ thân bình bát có chứa các acetogenin khác nhau. Ngoài ra, vỏ thân và vỏ rễ còn có các alkaloid như anomotin,…

Chú ý, squamocin trong hạt cây bình bát có độc tính Callosobruchus chinensis và anomontin trong vỏ thân, vỏ rễ có độc tính đáng kể với tế bào.

Tác dụng, công dụng

Cây bình bát có tác dụng gì, dùng trị bệnh gì?

Một số công dụng của cây bình bát được nghiên cứu và ghi nhận là:

  • Kháng khuẩn, kháng nấm: ức chế sự phát triển của Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Mycobacterium smegmatis, dùng chữa lỵ và nhiễm khuẩn hô hấp.
  • Diệt côn trùng, trừ sâu bọ, chấy rận.
  • Tác dụng độc tế bào trên các dòng tế bào ung thư phổi, ung thư kết tràng, ung thư mũi hầu… nên cây bình bát có thể dùng trong chữa ung thư.

Theo y học cổ truyền thì toàn cây bình bát có vị chát, có độc (đặc biệt là hạt và vỏ thân), có tác dụng sát trùng. Quả xanh có thể làm se, trừ lỵ, trị giun.

Tác dụng của trái bình bát

Quả và lá bình bát có tác dụng gì?

  • Quả bình bát chín ăn được nhưng không ngon vì vị hơi chát, ít ngọt, không thơm. Quả xanh sắc uống chữa sốt, tiêu chảy, kiết lỵ, giun sán, nhiễm khuẩn hô hấp.
  • Hạt bình bát có thể chữa tiêu chảy, kiết lỵ nhưng có độc nên thường dùng ngoài. Lấy hạt giã nát, nấu nước đặc rồi dùng gội đầu trừ chấy rận hoặc ngâm quần áo trừ côn trùng nhỏ hoặc dùng làm nước trừ sâu tự nhiên. Hạt có thể đốt thành tro, trộn với dầu dừa bôi vào vết ghẻ lở cho chóng lành.
  • Lá bình bát giã nát, ép lấy dịch cũng được dùng để trừ chấy rận cho người và gia súc.

Ở Philippine, vỏ thân và rễ con cây bình bát được dùng chữa đau dạ dày, viêm lợi, đau răng, hạ sốt.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của cây bình bát là bao nhiêu?

Liều dùng không quy định cụ thể, tùy vào nhu cầu sử dụng và mục đích của toa thuốc. Ví dụ, dùng quả bình bát xanh thường lấy khoảng 8 – 12g thái mỏng, phơi khô rồi sắc uống để chữa sốt, tiêu chảy, kiết lỵ, giun sán…

Một số bài thuốc

Bình bát được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

  1. Chữa đau nhức xương khớp, tay chân nhức mỏi:

Dùng trái bình bát đập dập, kế tiếp hơ qua lửa nóng rồi chườm vào vị trí đau nhức. Nếu đau ở lưng có thể đặt trái hơ nóng lên lưng rồi nằm nghỉ ngơi.

  1. Chữa tiêu chảy, kiết lỵ, giun sán:

Dùng quả bình bát xanh, phơi khô, thái lát. Mỗi lần dùng 8 – 12g sắc lấy nước uống.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Trái và cây bình bát có độc không

Cây bình bát có gây ra tác dụng phụ gì không?

Tùy từng trường hợp, các vị thuốc trong bài thuốc có thể cần gia giảm cho phù hợp. Do đó, tốt nhất bạn không nên tự ý phối hợp các loại dược liệu. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của dược liệu bình bát

Bình bát có chứa độc, nên cần hết sức thận trọng khi dùng. Không để nhựa, nước của cây bắn vào mắt để tránh kích ứng. Ngoài ra, khi sơ chế tránh để tiếp xúc trực tiếp với da vì nhựa cây có thể gây dị ứng, kích ứng, mề đay mẩn ngứa. Có thể giải độc bằng nước chanh. Để đảm bảo an toàn, bạn nên trao đổi với thầy thuốc trước khi muốn sử dụng loại cây này làm thuốc.

Tương tác có thể xảy ra với bình bát

Dược liệu này cũng có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng.

Một số người có vấn đề sức khỏe cũng có thể không phù hợp khi sử dụng cây bình bát. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu hay thuốc từ dược liệu nào.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.


Bài viết liên quan


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 21/11/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo