Thù lù là loại cây dại thuộc họ Cà, thường mọc hoang ở nhiều nơi. Thực tế, có nhiều loài cây thù lù như thù lù cạnh, thù lù nhỏ, thù lù đực, thù lù cái và tất cả các loại thù lù đều được dùng làm thuốc, trong đó phổ biến là thù lù đực và thù lù cái. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ hai loài cây này vì quả thù lù đực có độc tính, không giống như thù lù cái là loại cây không có độc.
Tên thường gọi: Thù lù
Tên gọi khác:
- Thù lù đực: Lu lu đực, gia cầu, nút áo, nụ áo, hiên già nhi miêu, cà đen
- Thù lù cái: Tầm bóp, toan tương, lồng đèn
Tên nước ngoài:
- Thù lù đực: Black nightshade, petty morel, garden huckleberry (tiếng Anh), morelle noire, morette, herbe maure, raisin de loup, herbe aux magicien, crève chien (tiếng Pháp)
- Thù lù cái: Strawberry tomato (Anh), coqueret (Pháp).
Tên khoa học: Solanum nigrum L. (thù lù đực); Physalis agulata L. (thù lù cái)
Họ: Cà (Solanaceae)
Tổng quan
Tìm hiểu chung về cây thù lù
Thù lù đực
Thù lù đực là cây cỏ mọc hằng năm, nhẵn hoặc hơi có lông, cao khoảng 50 – 80 cm. Lá cây hình bầu dục, dài khoảng 5 -15 cm, gốc thuôn hoặc tròn, đầu nhọn, mép lượn sóng và có răng to nông, màu lục sẫm, gân lá hình mạng rõ ở mặt dưới. Lá và toàn cây vò ra có mùi hăng hắc. Toàn cây thù lù đực đều có độc tính.
Hoa nhỏ dài hình phễu, màu trắng, đôi khi pha tím, mọc thành tán nhỏ có cuống ở kẽ lá. Quả mọng, hình cầu, đường kính 5 – 8 mm, lúc đầu màu xanh lá, sau đó chuyển vàng rồi đến khi chín thì có màu đen tím. Hạt dẹt, hình thận, nhẵn, đường kính chừng 1mm. Cây thù lù đực mọc hoang khắp nơi ở nước ta, đặc biệt là ở miền núi phía Tây Bắc. Cây phát triển tốt nhất là vào mùa đông xuân.
Cây thù lù đực
Thù lù cái
Thù lù cái là cây thảo, mọc hàng năm, cao gần 1m. Thân nhẵn, có góc cạnh, phân cành nhiều. Lá mọc so le, hình trái xoan, dài 3-5,5cm, gốc hình nêm, đầu thuôn nhọn, mép lá nguyên hoặc đôi khi xẻ thùy nhỏ và lượn sóng, cuống dài 1-3cm.
Hoa mọc đơn ở kẽ lá, rủ xuống, màu vàng tươi hoặc trắng nhạt, có khi điểm chấm tím ở giữa, đài hình chuông. Quả mọng, hình cầu, nhẵn, màu đỏ, bao bọc bởi đài to đồng trường có phiến mỏng, hạt nhiều, dẹt.
Nguồn gốc của cây thù lù cái ở Mỹ châu nhiệt đới, trở thành liên nhiệt đới. Ở nước ta có thể bắt gặp thù lù đực mọc hoang ở khắp nơi trên các bờ ruộng, bãi cỏ, đường làng, đất hoang, ven rừng từ vùng thấp đến độ cao 1500m.
Mùa hoa quả vào tháng 5 – 7.
Bộ phận dùng của cây thù lù
Thù lù đực
Người ta dùng toàn cây hay chỉ hái lá dùng làm thuốc. Dùng tươi, phơi hoặc sấy khô.
Một số nước châu Âu, châu Á dùng cây này làm rau ăn nhưng phải nấu chín, có khi phải đổ bỏ 2 – 3 nước đầu đi vì có chứa độc. Không dùng quả thù lù vì có độc.
Thù lù cái
Toàn cây thù lù cái đều được sử dụng làm thuốc. Cây không có độc, tất cả các bộ phận đều có thể dùng làm thuốc, bao gồm quả hay trái thù lù, rễ cây.
Thành phần hóa học trong thù lù
Thù lù đực
Trong toàn cây chứa solanin, ở quả chứa nhiều hơn, bao gồm: solamargin, solasonin, riboflavin, acid nicotinic, acid citric, vitamin C, protein, chất béo, chất khoáng, các hợp chất carbohydrate. Quả thù lù đực có các glucoalcaloid steroid như solamargin, solasonin, solanigrin.
Toàn thân cây có chứa ít độc, nhất là quả xanh chứa nhiều độc tố solanin hơn cả và lá cũng có chứa nhiều chất nitrate. Những hoạt chất này có hàm lượng nhỏ nên khi sử dụng một lượng nhỏ không gây các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, có nhiều cảnh báo được đưa ra rằng không nên ăn một lượng lớn quả xanh và lá tươi của cây lu lu đực vì sau 6 – 12 tiếng có thể gặp các phản ứng như sốt vã mồ hôi, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, rối loạn hô hấp, buồn ngủ.
Cách sử dụng cây lu lu đực tốt nhất là nên luộc qua một nước sau đó mới dùng chế biến món ăn.
Thù lù cái
Lá tươi và thân cây chứa các withanolid gồm withagulatin, physagulin A, physagulin B, physagulin D. Lá còn có vitasteroid physagulid vamonolid. Trong quả có carotenoid và coumarin. Ngoài ra, cây thù lù cái còn có chứa protein, carbohydrat, chất khoáng, kim loại nặng, caroten và các acid hữu cơ như acid clorogenic, acid béo.
Tác dụng, công dụng
Cây thù lù có tác dụng gì, chữa trị bệnh gì?
Cây thù lù đực trị bệnh gì?
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chiết xuất ethanol từ quả chín của cây lu lu đực đã phát hiện ra rằng nó có thể được sử dụng như một chất chống oxy hóa và ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra, chiết xuất từ quả của loài cây này có đặc tính kháng sinh và khả năng làm lành vết loét, bảo vệ gan.
Cây thù lù đực có độc nên khi dùng cần thận trọng.
Cây thù lù trị bệnh gì? Theo y học cổ truyền, cây thù lù đực có vị ngọt, hơi đắng, nó có mùi hơi hăng, tính mát và hơi có độc, thường được dùng như một vị thuốc thanh nhiệt, tiêu viêm. Cây được dùng để chữa:
- Cảm sốt
- Viêm phế quản
- Viêm họng
- Nhiễm khuẩn hô hấp
- Bệnh đường tiết niệu
- Viêm thận cấp
- Viêm tuyến tiền liệt
- Tiểu tiện khó
- Áp xe, viêm vú.
Cây còn được sử dụng để điều trị các bệnh về da như lở loét ngoài da, mẩn ngứa, bỏng, vẩy nến, sưng tấy, vết thương.
Hoặc bạn có thể dùng cây thù lù đực dạng cao lỏng:
Cách làm: Lấy khoảng 5kg cây tươi rửa thật sạch, bỏ gốc rễ. Cho cây vào nồi đun sôi lấy nước, vớt bỏ bã. Sau đó tiếp tục đun nước cốt trong nhiều giờ để cô cạn thành cao lỏng có màu đen dạng sền sệt.
Dùng cao thù lù đực bôi ngoài, có công dụng điều trị các bệnh ngoài da rất hữu hiệu, đặc biệt là bệnh trĩ, vảy nến á sừng.
Toàn cây có chứa chất độc nhưng nhiều nơi vẫn nấu chín ngọn non và ăn như rau. Cách để ăn ngọn thù lù đực an toàn là luộc bỏ nước đầu trước khi chế biến thành món ăn khác.
Ở Châu Âu, cây thù lù đực được dùng làm thuốc giảm đau nhức, làm dịu, chống co thắt, an thần, chữa chóng mặt, kiết lỵ, tiêu chảy.
Tác dụng của cây thù lù cái
Theo y học hiện đại, cây thù lù cái có tác dụng:
- Physalin B được phân lập từ toàn cây thù lù cái có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư in vitro. Đặc biệt là tế bào ung thư bạch cầu ở chuột nhắt, tế bào ung thư mũi hầu và tế bào ung thư gan ở người.
- Tác dụng chống oxy hóa và dọn gốc tự do: Cao chiết cây thù lù cái có tác dụng chống oxy hóa và khả năng dọn gốc tự do trên dịch đồng thể gan chuột cống trắng.
- Tác dụng chống viêm: Vitamin A và vitamin C đều là những chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, hỗ trợ cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng và tăng cường các tế bào bạch cầu hoạt động của cơ thể. Ngoài ra, vitamin C còn có công dụng thúc đẩy quá trình hình thành mô liên kết, giúp vết thương nhanh lành hơn.
- Giảm cholesterol máu, phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch: Cây thù lù chứa hàm lượng lớn vitamin C, vitamin A có công dụng tăng sự vững bền của thành mạch, giảm lượng cholesterol xấu trong máu, phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch.
- Giúp sáng mắt: Hàm lượng vitamin A trong cây thù lù giúp bổ sung nhu cầu vitamin hàng ngày của cơ thể. Từ đó giúp ngăn ngừa khô mắt, tăng độ khỏe mạnh của võng mạc, phòng ngừa đục thủy tinh thể.
Theo y học cổ truyền, toàn cây thù lù cái có vị đắng, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, khử đàm, chỉ khái, tán kết. Quả có vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu đờm. Rễ làm co tử cung.
Cây thù lù có tác dụng gì? Toàn cây được dùng chữa cảm sốt, viêm họng, ho nhiều đờm, nấc. Cây tươi giã nát dùng đắp để trị mụn nhọt, đinh độc, sưng vú, sưng bìu.
Quả thù lù cái dùng chữa đờm nhiệt, sinh ho, thủy thũng. Trẻ em nóng ẩm, người gầy khô có thể ăn quả thù lù cái cho mát da thịt.
Rễ được dùng chữa viêm họng, viêm tuyến nước bọt, viêm tinh hoàn, bí tiểu, hoàng đàn, cổ trướng.
Quả cây thù lù
Liều dùng
Liều dùng thông thường của thù lù là bao nhiêu?
Cây thù lù nấu nước uống được không? Câu trả lời là chỉ nên nấu nước uống với cây thù lù cái (tầm bóp), còn đối với thù lù đực là loại cây có độc tố thì không nên sắc nước uống mà chỉ nên kết hợp các vị thuốc khác hoặc dùng ngoài da với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng thù lù cái để sắc uống khoảng 15 – 30g. Nếu dùng cây tươi để đắp hoặc nấu nước rửa thì dùng 40 – 80g. Nước sắc từ rễ cây dùng khoảng 20 – 40g.
Một số bài thuốc
Cây thù lù đực được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa sốt
Bột rễ thù lù đực phối hợp với bột rễ ké hoa vàng với lượng bằng nhau, thêm 2.5% hạt tiêu đen. Mỗi lần uống 2 – 5g.
2. Chữa viêm phế quản cấp, viêm họng
Thù lù đực 30g, cát cánh 10g, cam thảo 3g, tất cả đem sắc uống.
3. Chữa tiểu tiện không thông, phù thũng, gan to
Toàn cây thù lù đực 40g, mộc thông 20g, rau mùi 20g, đem sắc uống. Có thể dùng riêng toàn cây thù lù đực rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống.
4. Chữa bệnh ngoài da
Lấy ngọn non và lá thù lù đực rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước bôi chữa mẩn ngứa, lở loét, bỏng, vẩy nến.
Lá tươi nấu nước tắm, dùng bã chà xát chữa ghẻ, lở ngứa, loét.
5. Chữa vết thương đụng dập, sưng tấy, ứ máu, đau nhức
Toàn cây thù lù đực tươi 80g, giã nát, chế với giấm rồi vắt lấy nước cốt uống và lấy bã đắp lên chỗ đau.
Cây thù lù cái dùng trong bài thuốc nào?
1. Điều trị bệnh nhọt vú, đau bìu dái, đinh độc
Lấy 40 – 80g cây thù lù cái tươi, đem rửa sạch bằng nước muối loãng để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn. Sau đó, đem đi giã nát, lọc lấy phần bã và phần nước cốt riêng. Phần nước cốt dùng để uống còn phần bã đem đắp lên vùng da bị nhọt, sưng đau. Thực hiện uống và đắp thuốc thù lù mỗi ngày 1 lần, kiên trì 3 – 5 ngày.
2. Trị cảm mạo
Lấy 20 – 40g thù lù khô sắc với nước để uống. Mỗi ngày dùng 1 thang, chia ra uống 2 – 3 lần trong ngày. Người bệnh cần kiên trì dùng nước thuốc hàng ngày để giảm các triệu chứng cảm mạo như sốt, nôn, nhiều đờm, sưng đau yết hầu.
3. Trị sốt xuất huyết, cảm cúm, sốt siêu vi
Lấy lá cây thù lù giã nhuyễn, hoa và cành đem sắc lấy nước trong khoảng 2 phút. Trộn phần nước cốt lá cây với nước sắc thuốc rồi chia ra uống 2 – 3 lần/ ngày, dùng trong 3 ngày sẽ có tác dụng giảm cảm sốt.
4. Điều trị ho có đờm
Dùng 50g thù lù tươi hoặc 15g thù lù khô rửa sạch, đem đun cùng 500ml nước rồi chia ra uống nhiều lần trong ngày. Sử dụng nước thuốc từ cây thù lù trong 3 – 5 ngày sẽ giảm rõ rệt triệu chứng ho đờm.
5. Trị viêm phế quản
Cát cánh 9g, cam thảo 3g, thù lù tươi 30g. Tất cả đem sắc với 700ml nước đến khi nước thuốc còn một nửa thì tắt bếp, chia thuốc uống 2 lần/ ngày. Uống nước thuốc liên tục trong 10 ngày nếu triệu chứng viêm phế quản giảm thì dừng thuốc 5 – 7 ngày rồi dùng tiếp liệu trình 10 ngày để triệu chứng bệnh khỏi hoàn toàn.
Lưu ý, thận trọng khi dùng
Khi dùng thù lù, bạn nên lưu ý những gì?
Khi sử dụng thù lù để làm thuốc, bạn cần chú ý:
- Phụ nữ mang thai và trẻ em cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại dược liệu này.
- Phân biệt cây thù lù cái với thù lù đực vì thù lù đực có chứa độc tố solanin, cần thận trọng khi sử dụng.
- Rửa sạch bằng nước muối để loại bỏ bụi bẩn, bùn đất và vi khuẩn gây bệnh nếu sử dụng cây tươi để làm thuốc.
- Người có tiền sử dị ứng với dược liệu trước đây.
Để sử dụng cây thù lù một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Tương tác có thể xảy ra với thù lù
Bất kỳ loại dược liệu nào cũng có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào, bao gồm cả cây thù lù.
[embed-health-tool-bmi]