Viêm mũi dị ứng do nhiều nguyên nhân gây ra như phấn hoa, bụi và động vật. Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm mũi dị ứng là hạn chế tối đa việc tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
Cùng tìm hiểu cơ chế dẫn đến viêm mũi dị ứng và các chất gây dị ứng phổ biến nhất trong bài viết sau:
Nguyên nhân viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch – cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể – nhầm lẫn các chất gây dị ứng từ môi trường thành các tác nhân có hại. Khi đó, hệ miễn dịch sẽ phản ứng với các chất gây dị ứng bằng cách tạo ra các kháng thể immunoglobulin E (IgE).
Bạn sẽ không bị dị ứng khi tiếp xúc với chất gây dị ứng lần đầu tiên. Lý do là vì hệ thống miễn dịch phải nhận thông tin và ghi nhớ tác nhân gây dị ứng trước khi tạo ra kháng thể để chống lại nó.
Những kháng thể này khiến các tế bào giải phóng histamine, làm cho màng nhầy bên trong mũi bị viêm và sưng. Đây là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng, bao gồm hắt hơi và sổ mũi.
Các chất gây dị ứng thường gặp
Viêm mũi dị ứng sẽ được kích hoạt khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng phổ biến nhất trong không khí là mạt bụi, phấn hoa, bào tử nấm mốc, vảy da, nước tiểu và nước bọt của động vật.
Mạt bụi
Mạt bụi là một loài côn trùng cực nhỏ thuộc họ nhện. Chúng tồn tại ở khắp mọi nơi, trên nệm, thảm, gối, chăn, giường và đồ nội thất.
Mạt bụi là một tác nhân gây viêm mũi dị ứng phổ biến. Tuy nhiên, tự thân loài côn trùng này không phải là yếu tố chính gây bệnh. Tình trạng dị ứng dẫn đến viêm và sưng màng nhầy mũi là do một hóa chất được tìm thấy trong phân của chúng.
Số lượng mạt bụi có xu hướng tăng cao nhất vào mùa đông. Do đó, nếu bị viêm mũi dị ứng do mạt bụi, bạn cần phải thật cẩn trọng vào thời gian này để tránh tình trạng bệnh chuyển biến xấu hơn.
Nguyên nhân viêm mũi dị ứng từ phấn hoa
Phấn hoa là các hạt nhỏ mịn do cây cỏ tạo ra để phục vụ cho quá trình thụ phấn và sinh sản ở thực vật. Trong phấn hoa có chứa các thành phần như protein, cellulose, pentose, dextrin, phosphore… Chính vì vậy, hệ miễn dịch của một số người có thể nhận diện nhầm phấn hoa thành các chất có hại cho cơ thể và gây ra phản ứng dị ứng.
Có rất nhiều loại thực vật có thể phát tán phấn hoa vào không khí nhưng nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng phổ biến nhất là do phấn hoa của các loại thực vật thụ phấn nhờ gió như hoa bạch dương, hoa cỏ…
Hầu hết các cây sẽ thụ phấn từ đầu đến giữa mùa xuân, ở cỏ thì sẽ vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè. Nếu bạn bị viêm mũi do dị ứng phấn hoa, bạn nên chú ý thời gian cây cỏ thụ phấn để hạn chế ra ngoài, đóng kín cửa sổ và thực hiện các biện pháp khác để ngăn ngừa việc tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Bào tử nấm mốc
Viêm mũi dị ứng cũng có thể do bào tử nấm mốc gây ra. Có nhiều loại nấm mốc nhưng chỉ một vài loại trong số chúng là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm mũi dị ứng. Các loại nấm mốc gây viêm mũi dị ứng phổ biến là alternaria, aspergillus, cladosporium và penicillium.
Đặc biệt, viêm mũi do dị ứng nấm mốc có thể xuất hiện ở trẻ em khi các bé đi học ở trường hoặc chơi đùa ngoài trời. Trong trường hợp này, bố mẹ sẽ khó kiểm soát được việc trẻ tiếp xúc với nấm mốc. Điều này làm cho triệu chứng viêm mũi của trẻ trở nên nặng nề hơn.
Viêm mũi dị ứng do động vật
Nhiều người bị dị ứng với động vật như chó, mèo. Với tình trạng này, họ thường nghĩ mình bị dị ứng với lông động vật. Tuy nhiên, nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng lại là do các vảy da chết, nước tiểu và nước bọt của chúng. Đôi khi, các chất gây dị ứng này bám vào lông và vương vãi trên quần áo, giường đệm… trước khi bạn sử dụng mà không để ý. Điều này khiến việc phòng ngừa bệnh trở nên khó khăn hơn.
Để hạn chế viêm mũi dị ứng do động vật, cách tốt nhất là không nuôi thú cưng và không tiếp xúc với chúng. Tuy nhiên, nếu nhà bạn vẫn nuôi chó mèo, hãy thiết lập các khu vực riêng cấm vật nuôi, giữ nhà cửa sạch sẽ để loại bỏ tối đa các chất dị ứng có trong không khí.
Các chất gây dị ứng liên quan đến công việc
Bạn có thể bị viêm mũi dị ứng do các chất thường xuyên xuất hiện trong môi trường làm việc của mình, chẳng hạn như bụi gỗ, bụi mịn hoặc mủ nhựa.
Những người có nguy cơ cao bị viêm mũi dị ứng
Hiện nay, y học vẫn chưa rõ lý do tại sao phản ứng dị ứng chỉ xuất hiện ở một số người nhất định, trong khi những người khác thì lại không. Tuy nhiên, bạn sẽ có nguy cơ bị viêm mũi dị ứng cao hơn nếu có tiền sử dị ứng trong gia đình. Những người bị dị ứng thường có xu hướng di truyền tình trạng này cho các thế hệ sau.
Bên cạnh đó, nếu bạn bị hen suyễn hoặc bệnh chàm da, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao mắc phải viêm mũi dị ứng.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường cũng có thể góp phần dẫn đến tình trạng viêm mũi dị ứng. Trẻ em lớn lên trong gia đình có thói quen hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với mạt bụi từ nhỏ có khả năng cao mắc viêm mũi dị ứng khi trưởng thành. Nhiệt độ không khí lạnh, độ ẩm quá cao hoặc quá thấp, trời nhiều gió cũng tạo điều kiện cho bệnh diễn biến phức tạp và khó điều trị hơn.
Phòng ngừa viêm mũi dị ứng
Cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng là tránh xa các chất gây dị ứng. Bên cạnh đó, bạn nên áp dụng các biện pháp sau để phòng ngừa bệnh:
- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để hạn chế các tác nhân gây viêm mũi. Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng nặng thì bạn nên nhờ người thân làm giúp công việc này.
- Đội mũ và đeo khẩu trang khi ra ngoài
- Rửa mặt, tay chân và thay áo ngay khi về nhà
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục
- Đóng cửa sổ và cửa ra vào trong mùa dễ bị dị ứng
- Tắm cho thú cưng 2 lần/tuần để giảm vảy da chết
- Dẹp bỏ thảm trong phòng ngủ để hạn chế mạt bụi phát triển
Có nhiều nguyên nhân viêm mũi dị ứng bạn có thể gặp phải. Do đó, việc xác định tác nhân gây dị ứng là rất quan trọng để lên kế hoạch phòng ngừa bệnh và giảm thiểu việc tiếp xúc với chúng. Bên cạnh đó, khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cũng nên đi khám sớm để tránh bệnh diễn biến phức tạp và khó kiểm soát hơn.
Dung Nguyễn / HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmr]