Tình trạng dị ứng có nhiều triệu chứng gây khó chịu đến người bệnh. Đặc biệt là thời điểm giao mùa, tình trạng dị ứng trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn.
Vậy, bị dị ứng nên làm gì? Có rất nhiều cách để khắc phục tình trạng dị ứng. Trong đó, mẹo chữa dị ứng bằng tinh dầu là một trong những cách phổ biến được nhiều người ưa chuộng vì tính đơn giản và hiệu quả của nó.
Cùng tìm hiểu một số loại tinh dầu được dùng để hỗ trị điều trị dị ứng và cách sử dụng chúng trong bài viết sau đây.
Mẹo chữa dị ứng bằng tinh dầu
Tinh dầu có nguồn gốc từ thực vật, thường được sử dụng để hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng dị ứng, đặc biệt là dị ứng theo mùa. Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng của tinh dầu trong chữa trị dị ứng. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là giải pháp hiệu quả cho những người bị dị ứng mãn tính.
Các cách dùng tinh dầu để chữa bệnh phổ biến nhất bao gồm:
- Khuếch tán tinh dầu vào không khí
- Sử dụng các sản phẩm dầu gội, sữa tắm hoặc kem dưỡng da chiết xuất từ tinh dầu
- Sử dụng tinh dầu pha loãng thoa lên vùng da bị dị ứng
- Dùng bình xịt tinh dầu phun trực tiếp vào không khí
- Dùng các loại ống hít tinh dầu
Trong quá trình thoa tinh dầu lên da, để đảm bảo an toàn, bạn cần pha loãng tinh dầu với các loại dầu nền (như dầu hạnh nhân, dầu ô liu) trước khi sử dụng. Tỷ lệ pha chuẩn thường là 5 giọt tinh dầu : 30ml dầu nền.
Các loại tinh dầu có khả năng chữa dị ứng
Bạn có thể áp dụng các mẹo chữa dị ứng bằng tinh dầu sau đây để điều trị tình trạng của mình:
1. Mẹo chữa dị ứng bằng tinh dầu hoa oải hương
Tinh dầu hoa oải hương là loại tinh dầu được sử dụng để hỗ trợ chữa dị ứng khá phổ biến. Nó làm dịu các triệu chứng và kiểm soát tình trạng viêm do dị ứng gây ra. Bạn có thể cho một ít dầu hoa oải hương vào bình xông hoặc pha chung với dầu nền và nước ấm để tắm.
2. Hỗn hợp tinh dầu gỗ đàn hương, trầm hương và dầu ravensara
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hỗn hợp tinh dầu gỗ đàn hương, trầm hương và dầu ravensara có tác dụng tốt trong điều trị viêm mũi dị ứng tái phát. Cụ thể, hỗn hợp tinh dầu này có thể cải thiện các vấn đề như nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi và hắt hơi. Không những thế, nó còn giúp bạn có một giấc ngủ sâu và ngon hơn vào ban đêm.
Bạn hãy pha các loại tinh dầu kể trên với dầu nền để thoa lên vùng da bị dị ứng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho hỗn hợp này vào bình xông và đặt trong phòng ngủ của mình.
3. Cách chữa dị ứng bằng tinh dầu khuynh diệp
Tinh dầu khuynh diệp được xem là một chất chống viêm có nguồn gốc từ tự nhiên. Nó giúp làm giảm nghẹt mũi và cảm giác khó chịu do dị ứng gây ra.
Bạn có thể sử dụng các loại ống hít có thành phần từ dầu khuynh diệp hoặc dùng tinh dầu để xông. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, dầu khuynh diệp cũng có thể kích hoạt phản ứng dị ứng tinh dầu ở những người có cơ địa quá mẫn cảm.
4. Tinh dầu cây trà
Hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm chứng minh hiệu quả của tinh dầu cây trà trong điều trị dị ứng. Dù chưa có bằng chứng chính xác nhưng loại tinh dầu này vẫn được đánh giá là có tác dụng tốt trong việc chống viêm và làm giảm các triệu chứng của dị ứng.
Tuy nhiên, trên thực tế, tinh dầu cây trà cũng là một loại tinh dầu có khả năng gây ra dị ứng. Do đó, trước khi sử dụng, bạn nên cho một ít tinh dầu pha loãng lên da để kiểm tra phản ứng dị ứng. Tuyệt đối không được nuốt bất kỳ loại tinh dầu nào.
5. Tinh dầu bạc hà
Mẹo chữa dị ứng bằng tinh dầu bạc hà cũng được áp dụng rất phổ biến nhờ đặc tính kháng viêm tự nhiên của nó. Nếu dị ứng khiến bạn cảm thấy khó thở, bạn có thể dùng tinh dầu bạc hà để xông hoặc thoa lên da sau khi đã pha loãng với dầu nền.
Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp bạc hà với tinh dầu hoa oải hương và chanh để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, việc pha trộn và kết hợp các loại tinh dầu với nhau có thể làm tăng nguy cơ bị dị ứng tinh dầu.
6. Mẹo chữa dị ứng bằng tinh dầu chanh
Tinh dầu có mùi cam quýt thường được sử dụng trong liệu pháp mùi hương để tăng cường sự tập trung và sức đề kháng của cơ thể. Trong khi đó, tinh dầu chanh lại giúp làm thông xoang và giảm nghẹt mũi.
Điều mà bạn cần ghi nhớ là tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời khi sử dụng tinh dầu chanh hoặc tinh dầu làm từ vỏ cam và vỏ quýt. Đối với tình trạng dị ứng, bạn có thể pha loãng tinh dầu và thoa lên da để làm giảm các triệu chứng.
Rủi ro khi áp dụng các mẹo chữa dị ứng bằng tinh dầu
Sử dụng tinh dầu để điều trị dị ứng có thể mang đến một số rủi ro nhất định. Theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, rất khó để kiểm soát độ tinh khiết, chất lượng và xuất xứ của các loại tinh dầu. Do đó, bạn nên chọn mua tinh dầu tại các cơ sở sản xuất và nhà phân phối có uy tín.
Nếu bạn bị mẫn cảm với các loại hoá chất thì tinh dầu có thể khiến cho tình trạng dị ứng trở nên tồi tệ hơn. Vì thế, trước khi điều trị ứng bằng tinh dầu, bạn nên hỏi qua ý kiến của bác sĩ.
Ngoài ra, khi dùng tinh dầu để chữa dị ứng, bạn nên lưu ý các vấn đề sau đây:
- Bạn có thể bị dị ứng với chính loại tinh dầu đang dùng để chữa bệnh. Do đó, hãy kiểm tra phản ứng của cơ thể với tinh dầu. Thực hiện điều này bằng cách thoa hỗn hợp tinh dầu và dầu nền lên phần da ở cẳng tay. Nếu không có phản ứng bất thường sau 24 giờ thì hỗn hợp đó được xem là an toàn đối với bạn. Trong trường hợp dị ứng da thì bạn tuyệt đối ko nên sử dụng. Kiểm tra phản ứng của cơ thể với tinh dầu là một thói quen tốt, nhất là khi bạn có cơ địa quá mẫn cảm.
- Không bôi tinh dầu nguyên chất trực tiếp lên da trừ trường hợp kiểm tra, để tránh gây ra tình trạng dị ứng da. Tất cả các loại tinh dầu đều cần được pha loãng với dầu nền trước khi sử dụng.
- Không nuốt tinh dầu.
- Thận trọng khi sử dụng tinh dầu cho trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Hy vọng 6 mẹo chữa dị ứng bằng tinh dầu mà Hello Bacsi cung cấp đã trả lời cho câu hỏi bị dị ứng nên làm gì. Chúc bạn chẳng còn lo hắt xì, sổ mũi do dị ứng nữa.
Dung Nguyễn / HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmr]