Dị ứng nước có di truyền không?
Hầu hết các trường hợp ghi nhận bị dị ứng nước xảy ra ở những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trong cùng 1 gia đình có nhiều hơn 1 thành viên mắc bệnh. Một báo cáo cho thấy trong 1 gia đình có 3 thế hệ đều có người bị dị ứng nước. Do đó, căn bệnh này cũng có khả năng di truyền (mặc dù với xác suất rất thấp). Hiện nay vẫn chưa có đặc điểm di truyền nào có liên quan đến loại dị ứng này được xác định.
Cách chẩn đoán dị ứng nước

Bệnh dị ứng nước được chẩn đoán dựa trên sự xuất hiện của các dấu hiệu và triệu chứng. Thử nghiệm tiếp xúc với nước sẽ được tiến hành để xác định nguy cơ dị ứng. Thông thường, bác sĩ sẽ cho một phần trên cơ thể bệnh nhân sẽ được tiếp xúc với một miếng vải có thấm nước 35 độ trong khoảng 20 – 30 phút. Nguyên do là da phần trên của cơ thể thường dễ bị ảnh hưởng hơn các vùng da khác. Nếu bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu mề đay, phát ban sau khi tiếp xúc với nước thì khả năng cao là bệnh nhân bị dị ứng nước.
Để thực hiện thử nghiệm dị ứng, bạn cần tránh dùng thuốc kháng histamine vài ngày trước khi xét nghiệm.
Thử nghiệm tiếp xúc trên đây chỉ dùng một lượng nước rất nhỏ. Trong một số trường hợp có kết quả âm tính sau thử nghiệm trên có thể xem xét thực hiện thử nghiệm nhúng một vùng nào đó của cơ thể vào bồn nước hoặc tắm trực tiếp. Độ nhạy của thử nghiệm này sẽ cao hơn. Tuy nhiên, người thực hiện cần đặc biệt lưu ý đến nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm khi thực hiện thử nghiệm, đặc biệt là ở những người từng bị các triệu chứng nghiêm trọng.
Điều trị bệnh dị ứng nước

Bệnh dị ứng nước khá hiếm gặp nên hiện chưa có nhiều số liệu đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị căn bệnh này. Hiện tại cũng chưa có nghiên cứu về điều trị bệnh trên quy mô lớn.
Mặc dù đây là một dạng dị ứng vật lý, nhưng nước là yếu tố thiết yếu cho sự sống nên bạn không thể tránh tiếp xúc với nước hoàn toàn. Bạn có thể dùng một số biện pháp sau đơn lẻ hoặc kết hợp để kiểm soát hoặc điều trị bệnh. Hiệu quả điều trị cao hay thấp còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và cơ địa của mỗi người.
Thuốc kháng histamin
Các loại thuốc kháng histamine được sử dụng như liệu pháp đầu tay để điều trị tất cả các dạng mề đay. Các loại thuốc này có khả năng ức chế thụ thể H1 (thuốc kháng histamine H1) mà lại không gây buồn ngủ (như thuốc cetirizine) được sử dụng phổ biến trong điều trị dị ứng. Nếu các loại thuốc có khả năng ức chế thụ thể H1 không phát huy tác dụng thì bạn có thể dùng thuốc ức chế thụ thể H2 như cimetidine.
Kem hoặc thuốc bôi ngoài da
Đây là những sản phẩm có chứa dầu đóng vai trò là rào cản giữa nước và da. Bạn có thể bôi theo chỉ dẫn trước khi tắm hoặc tiếp xúc với nước để ngăn ngừa nước thấm vào da. Điều này giúp ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ nguy cơ dị ứng.
Liệu pháp quang học
Viecj dùng bức xạ tia cực tím A (PUVA) và bức xạ tia cực tím B có thể điều trị triệu chứng cho một số bệnh nhân bị dị ứng nước.
Omalizumab
Đây là một loại thuốc tiêm thường được sử dụng cho những người bị hen suyễn nặng. Thuốc này đã được thử nghiệm thành công khi điều trị cho một số bệnh nhân bị dị ứng nước.
Do thiếu bằng chứng thuyết phục về sự an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị dị ứng nước, bạn không nên tự điều trị mà cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa.
Một số người có thể gặp khó khăn trong việc điều trị bệnh dị ứng nước hiệu quả. Do đó, cách tốt nhất là hãy hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với nước. Để giảm nguy cơ dị ứng, người bệnh nên hạn chế đi mưa hoặc tham gia các hoạt động có liên quan đến nước. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh khóc, vận động thể chất ra nhiều mồ hôi và lưu ý khi dùng các đồ uống, thức ăn có chứa nước.
Nếu người bệnh bị nổi mề đay kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng hơn như khó thở thì cần được đi cấp cứu kịp thời. Người bệnh có thể phải dùng đến adrenaline giúp tăng huyết áp nhanh chóng và xử lý các triệu chứng dị ứng nặng, cấp tính.
Nước có mặt ở khắp mọi nơi nên chứng dị ứng nước có thể ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt hàng ngày. Nếu mắc bệnh, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách khắc phục phù hợp với tình trạng của bản thân nhé.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!