Các vùng da bị tổn thương thường không gây ra dấu hiệu hoặc triệu nào khác ngoài có những mảng hoặc đốm nhỏ khác thường trên da, lan rộng chậm. Những mảng/ đốm này thường mất nhiều năm để phát triển rộng ra thêm, thường bắt đầu xuất hiện ở những người 40 tuổi.
Một số ít trường hợp dày sừng ánh sáng có thể trở thành ung thư da. Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bị tổn thương da bằng cách hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và có biện pháp bảo vệ da khỏi tia cực tím (UV).
Các dấu hiệu và triệu chứng của dày sừng ánh sáng
Biểu hiện của tình trạng này bao gồm:
- Xuất hiện các mảng da sần sùi, khô ráp hoặc có vảy, thường có đường kính dưới 2,5cm
- Mảng da có thể phẳng hoặc hơi sưng, nhô cao hơn so với bề mặt da
- Một số trường hợp có thể có vùng da chai cứng, giống như mụn cóc
- Trên bề mặt vùng da bị tổn thương thường có nhiều vết nhăn nhỏ
- Vùng da bị ảnh hưởng có thể có màu hồng, đỏ hoặc nâu
- Cảm thấy ngứa hoặc nóng rát ở vùng da bị tổn thương

Để phân biệt các tình trạng tổn thương da này có phải là dấu hiệu ung thư hay không rất khó nếu quan sát bằng mắt thường. Do đó, nếu có những thay đổi khác lạ trên da, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra càng sớm càng tốt. Đặc biệt, trường hợp các đốm hoặc tổn thương trên da tồn tại trong thời gian dài, có tiến triển thêm hoặc chảy máu cần được kiểm tra sớm.
Nguyên nhân gây dày sừng ánh sáng là gì?
Nguyên nhân gây ra những tổn thương trên da này chính là do tiếp xúc thường xuyên hoặc trực tiếp với tia UV từ mặt trời hoặc giường tắm nắng. Khi da tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời liên tục trong thời gian dài, các tế bào da sẽ bị biến đổi về hình dạng, kích thước và cách sắp xếp. Trong đó, tế bào sừng (chiếm hơn 90% số tế bào ở lớp thượng bì) bị thay đổi nhiều nhất.