Các bệnh tự miễn ngoài da về cơ bản cũng tương tự như những tình trạng rối loạn tự miễn khác nhưng hệ miễn dịch tấn công nhầm vào tế bào da khỏe mạnh gây ra những triệu chứng từ nhẹ đến nặng.
Rối loạn miễn dịch xảy ra có thể khiến cho hệ thống miễn dịch nhận diện sai và tự tấn công vào các mô của chính cơ thể. Tùy từng trường hợp, bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến một loạt các cơ quan, khớp, cơ và các mô khác trên cơ thể. Một mô mà thường bị ảnh hưởng bởi rối loạn miễn dịch là da.
Có rất nhiều loại bệnh tự miễn ngoài da khác nhau bao gồm xơ cứng bì, vẩy nến, viêm da cơ (dermatomyositis), ly thượng bì bóng nước, bọng nước pemphigoid, bạch biến… Hãy cùng tìm hiểu về từng tình trạng bệnh này xem chúng có những dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng nào qua bài viết sau.
Xơ cứng bì
Da chỉ là một phần bị ảnh hưởng bởi xơ cứng bì, thực tế đây là tình trạng gây ảnh hưởng đến tất cả các mô liên kết trong cơ thể. Bởi vì rối loạn miễn dịch này lan rộng khắp cơ thể nên người bệnh không chỉ có những thay đổi về da mà còn gặp phải những triệu chứng ở mạch máu, cơ bắp và các cơ quan khác. Dạng xơ cứng bì cục bộ gây ra những mảng da dày lên, trong khi dạng xơ cứng bì hệ thống có nhiều tác động lớn đến cuộc sống người bệnh.
Có hai dạng xơ cứng bì hệ thống là xơ cứng bì hệ thống tiến triển (PSS) và hội chứng CREST. Người bệnh bị xơ cứng bì hệ thống có khả năng gặp phải các triệu chứng ảnh hưởng đến thực quản, ruột, phổi, tim và thận. Hội chứng CREST được đặt tên theo các triệu chứng của nó:
- Calciosis (lắng đọng canxi ở dưới da)
- Hiện tượng Raynaud (ngón tay hoặc ngón chân có màu xanh hay đỏ)
- Esophageal dysfunction (rối loạn chức năng thực quản)
- Sclerodactyly (chai cứng đầu ngón tay, ngón chân)
- Telangiectasia (giãn mạch máu gây ra các vết đỏ dưới da)
Ngoài những biểu hiện trên da gây ra bởi tình trạng xơ cứng bì, người bệnh có thể bị đau khớp, khó thở, khò khè, táo bón hoặc tiêu chảy, đầy hơi, sút cân, ợ nóng hoặc ngứa và rát ở mắt.
Cả nam và nữ giới đều có nguy cơ mắc bệnh xơ cứng bì nhưng phần lớn các trường hợp xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 30 – 40. Bệnh nghề nghiệp do phơi nhiễm với bụi silica và polyvinyl clorid được cho là yếu tố nguy cơ của chứng rối loạn miễn dịch này.
Vẩy nến
Bệnh vẩy nến là một bệnh tự miễn ngoài da với những biểu hiện đỏ da và kích ứng da. Có 5 loại bệnh vẩy nến khác nhau: thể giọt (guttate), thể mảng (plaque), đảo ngược (inverse), erythrodermic và thể mủ (pustular). Trong đó, phổ biến nhất là vẩy nến thể mảng khi mà các mảng da đỏ, dày lên được bao phủ bởi lớp da chết bong tróc, có màu trắng bạc như vảy. Các nghiên cức hiện tại cho thấy vẩy nến có khả năng là một rối loạn di truyền. Thông thường, người mắc bệnh vẩy nến có thành viên trong gia đình mắc bệnh tương tự hay có rối loạn tự miễn khác.
Các triệu chứng bệnh vẩy nến có thể bùng phát từng đợt, kích hoạt bởi nhiễm trùng, chấn thương ngoài da, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng thuốc, uống rượu, bia hay thậm chí là do căng thẳng (stress). Những người có hệ thống miễn dịch đã suy yếu yếu, chẳng hạn như người bị nhiễm HIV hoặc đang trải qua hóa trị liệu, dễ có nguy cơ bùng phát các đợt nghiêm trọng do vẩy nến.
Các dấu hiệu của bệnh vẩy nến thường xuất hiện ở độ tuổi từ 15-35 mặc dù mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh. Theo ước tính, có 30% những người bị vẩy nến cũng gặp phải tình trạng viêm khớp, khi đó bệnh được gọi chung là viêm khớp vẩy nến.
Viêm bì cơ
Loại rối loạn miễn dịch này ảnh hưởng chủ yếu đến cơ bắp nhưng cũng gây ra những tác động đến da nên đôi khi được phân loại thành bệnh tự miễn liên quan đến da. Viêm bì cơ (dermatomyositis) đi đôi với viêm đa cơ (polymyositis), cũng là một bệnh tự miễn gây yếu cơ, đau nhức và cứng khớp. Những triệu chứng đó cũng xuất hiện trong viêm bì cơ nhưng điểm khác biệt là người bệnh còn bị phát ban da, thường ở phần trên của cơ thể. Da ở nhiều khu vực có thể bị dày lên và căng, cứng. Mí mắt của người bệnh viêm bì cơ có khi có màu tím.
Viêm bì cơ ở trẻ em còn được phân biệt với người lớn qua các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, phát ban và yếu sức. Ở trẻ em, rối loạn này thường xuất hiện khoảng từ 5-15 tuổi, còn người lớn ở độ tuổi từ 40-60 có nguy cơ cao nhất. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở phụ nữ.
Ly thượng bì bóng nước
Ly thượng bì bóng nước (epidermolysis bullosa) diễn tả tình trạng da trở nên mỏng manh, nhạy cảm với những tác động bình thường da, tạo nên những mụn nước chứa đầy dịch lỏng bên trong. Ví dụ như chà xát nhẹ lên da hay thậm chí là tăng nhiệt độ phòng cũng khiến mụn nước hình thành.
Tình trạng ly thượng bì bóng nước tự miễn thường xuất hiện khá trễ, sau khoảng 50 tuổi, trong khi các dạng không tự miễn thường hình thành sau khi sinh hoặc sau đó không lâu. Tuy nhiên, bệnh khó phân biệt với bọng nước pemphigoid, một loại bệnh tự miễn khác cũng có đặc điểm là các nốt mụn nước trên da.
Bọng nước pemphigoid
Bệnh tự miễn mạn tính này liên quan đến hình thành mụn nước trên da ở mức độ nghiêm trọng. Một số trường hợp, người bệnh chỉ bị đỏ hoặc kích ứng da nhẹ trong khi có những người nặng hơn sẽ hình thành nhiều mụn nước, sau đó có thể bị vỡ ra và tạo nên nhiều vết loét. Người bệnh thường có mụn nước ở trên cánh tay, chân hoặc phần thân, khoảng 1/3 trường hợp có mụn nước xuất hiện bên trong miệng. Một số người có thể cảm thấy ngứa và chảy máu nướu.
Mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc phải bọng nước pemphigoid nhưng phổ biến nhất là ở những người cao tuổi. Đàn ông và phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Thật khó để xác định được tỷ lệ mắc bệnh chính xác vì các triệu chứng xuất hiện gián đoạn, có nhiều người bệnh đã thoát khỏi căn bệnh này hoàn toàn sau 6 năm. Một ước tính cho thấy chỉ có khoảng 5 hoặc 10 trường hợp bọng nước pemphigoid điển hình cần nhập viện mỗi năm.
Bạch biến
Bạch biến là một tình trạng mất sắc tố mạn tính do các tế bào hắc tố melanocyte bị phá hủy, dẫn đến xuất hiện các mảng da nhạt màu hoặc có màu trắng. Bệnh có thể là nguyên phát hoặc là một phần của nhiều quá trình tự miễn khác như bệnh tuyến giáp, thiếu máu ác tính, viêm khớp dạng thấp, lupus, đái tháo đường tự miễn khởi phát ở người lớn và bệnh Addison.
Bạch biến xuất hiện ở khoảng 0,5% dân số, phân bố đồng đều ở cả nam và nữ. Quá trình giảm sắc tố do rối loạn miễn dịch có thể liên quan đến nhiều yếu tố như gene di truyền hay các yếu tố môi trường chưa được xác định rõ.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ liên quan đến bệnh tự miễn ngoài da, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm. Họ sẽ giúp bạn xác định rõ tình trạng bệnh và lên kế hoạch điều trị phù hợp.