Chào mọi người nhà mình đam mê thể dục thể thao không? Trước bệnh tôi đã đam mê thể thao sẵn rồi, giờ bệnh lại càng quan tâm gấp bội! Việc tập luyện sẽ giúp ổn định đường huyết rất hiệu quả, bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý và dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ. Nếu mọi người quan tâm đến thực đơn mỗi ngày của tôi thì có thể đọc thêm tại đây: https://hellobacsi.com/community/tieu-duong/chia-se-thuc-don-an-uong-moi-ngay-cua-nguoi-bi-tieu-duong-type-1-50/
Trong bài viết hôm nay tôi sẽ chia sẻ về một số bộ môn tập luyện giúp ổn định đường huyết mà tôi tìm hiểu được. Mọi người cùng chia sẻ các bài tập tốt cho sức khỏe & giúp ổn định đường huyết sau bữa ăn của mình nhé.
1. Đi bộ
Bài tập này cực kỳ đơn giản và tiện lợi, gần như bạn có thể tập ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào. Đi bộ rất được ưa chuộng và luôn được gợi ý cho hầu hết mọi lứa tuổi. Người bị bệnh tiểu đường có thể đi bộ nhanh trong khoảng 30–60 phút/lần và 3 lần mỗi tuần sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn.
2. Thái Cực quyền
Bài tập thể dục cho người tiểu đường này bao gồm những chuyển động chậm rãi, nhẹ nhàng giúp thư giãn đầu óc và cơ thể tốt hơn. Do tình hình dịch bệnh không tiện ra ngoài nên tôi cũng mới nghiên cứu bộ môn này. Tôi sẽ chia sẻ chi tiết ở bài viết khác sau.
3. Yoga
Yoga bao gồm những bài tập kết hợp các chuyển động nhịp nhàng tác động lên dòng chảy trong cơ thể, tăng cường sự dẻo dai, sức mạnh và sự cân bằng. Tập yoga cực kỳ tốt cho những người mắc các căn bệnh mãn tính, kể cả bệnh tiểu đường. Chúng sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, cải thiện các chức năng thần kinh, từ đó nâng cao cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
4 Bơi lội
Để đạt hiệu quả cao nhất khi bơi lội, người bị bệnh tiểu đường hãy đi bơi ít nhất 3 lần/tuần và mỗi lần bơi kéo dài ít nhất 10 phút và tăng lượng thời gian lên dần theo tình trạng cơ thể của bạn. Bạn cũng nhớ ăn uống đầy đủ, thực hiện xét nghiệm tiểu đường thường xuyên và lưu ý với cứu hộ về bệnh tình của bạn trước khi bơi nhé.
Lưu ý để tập thể dục an toàn:
Trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo bài tập đó an toàn và thích hợp với tình trạng bệnh của bạn. Nếu chưa hoạt động thể chất nhiều trong thời gian dài, bạn hãy bắt đầu thật chậm rãi để cơ thể thích ứng.
- Kiểm tra mức đường huyết trước và sau khi tập cho tới khi bạn nắm rõ được cơ thể mình phản ứng với các bài tập thế nào.
- Dù cho bạn bị tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2, hãy đảm bảo mức đường huyết luôn thấp hơn 250mg/dl trước khi tập. Với người bị tiểu đường tuýp 1, tập thể dục khi nồng độ đường trong máu cao hơn 250mg/dl có thể dẫn tới chứng nhiễm toan ceton do đái tháo đường – làm suy giảm lượng hormone chuyển hóa carbohydrate và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Khởi động 5 phút trước khi tập và sau khi hoàn thành bài tập, bạn hãy dành thêm 5 phút để thả lỏng cơ thể.
- Uống đủ nước trước, trong và sau quá trình tập để bạn tránh gặp tình trạng mất nước.
- Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ giai đoạn nào của việc hạ đường huyết. Luôn mang theo những thứ có thể giúp tăng đường huyết như kẹo cứng, thuốc đường hoặc 100ml nước ép hoa quả.
- Đeo máy theo dõi sức khỏe để đề phòng trường hợp khẩn cấp, dịch vụ cấp cứu có thể áp dụng các biện pháp chữa trị thích hợp và kịp thời cho bạn.
- Bạn nên mang theo điện thoại khi thực hiện các bài tập thể dục
- Không tập thể dục trong điều kiện nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Dùng loại giày và vớ thích hợp với bài tập để bảo vệ chân an toàn.
Hãy luôn chú ý đến tình trạng cơ thể của bạn. Nếu bạn đang trở nên hít thở gấp hơn, hoa mắt, chóng mặt hay đau đầu nhẹ, hãy ngừng tập. Đồng thời, báo cho bác sĩ biết các triệu chứng lạ mà bạn đang gặp phải để được tư vấn tốt nhất.