🔥 Bài đăng hot nhất

Cuộc thi Sống vui khỏe cùng tiểu đường - Đồng hành vượt qua bệnh tiểu đường

Mẹ tôi bị tiểu đường từ năm 1999, năm đó tôi chỉ 15 tuổi. Thời điểm đó mọi người cũng chưa có nhận thức rõ rằng về bệnh này, truyền thông cũng không phổ biến như bấy giờ để mà có thể tự tìm hiểu.

Tôi nhớ mẹ tôi đi khám bệnh khi thấy bị khát nước nhiều, đi tiểu nhiều lần, nước tiểu có kiến bu và mẹ cũng bj sụt cân khá nhiều. Thời điểm đó tôi không giúp được gì cho mẹ cả, có lẽ là ngây ngô thiếu nhận biết về mức độ nguy hiểm.

Lúc đó mẹ ăn rất ít cơm, ai cũng bảo ăn ít cơm, ăn nhiều rau xanh, nhưng một người phải làm việc, cần nhiều năng lượng chăm sóc gia đình và đi làm ăn ít quá thì không đủ sức. Quả thực mẹ tôi đã rất vất vả để có thể kiểm soát bênh. Nó làm đảo lộn mọi thứ, sức khỏe thì giảm sút, trong sinh hoạt thì cũng có nhiều bất tiện, và tốn kém nhiều vì phải tái khám mua thuốc điều trị này kia.

Đến năm 2012 mẹ tôi bị hẹp động mạch vành, phải đi Huế điều trị rất nhiều lần. Biến chứng của tiểu đường bắt đầu hành hạ mẹ. Sau đó nữa là mắt bắt đầu mờ dần, phải đi Sài Gòn nhiều lần để tái khám và phẫu thuật. Về nhà chừng 1 năm thì bắt đầu đau nhức xương khớp, chân mẹ cũng bị bọng nước rồi lở ra, lại đi bệnh viện để điều trị.

Thực sự mà nói rất cực khổ để kiểm soát bệnh tiểu đường khi mà nó đã bắt đầu biến chứng. Cứ hết này lại chuyển qua cái kia.

Mẹ tôi trước thì điều trị bằng thuốc viên, đến năm 2012 thì chuyển qua dạng tiêm. Cứ vài ngày lại mua một bút. Nhìn bụng của mẹ đầy vết thâm tím mà rất đau lòng.

Gia đình luôn sát sao trong việc chăm sóc mẹ. Đồ ăn thức uống đều quản lý rất nghiêm ngặt, cố gắng cho mẹ ăn ít tinh bột nhiều chất xơ. Trong nhà cũng không dám có bánh kẹo chỉ sợ mẹ thấy lại muốn ăn. Chúng tôi mua cho mẹ loại đồ ăn vặt dành cho người tiểu đường, sữa Glucenar để bổ sung vào bữa phụ cũng như đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ. Thường xuyên kiểm tra đường huyết và tái khám theo lịch hẹn.

Nói về việc tập thể dục thì thôi, từ lúc mẹ bị tim rồi đau nhức xương khớp thì bỏ luôn việc tập thể dục, vì đi bộ chút xíu là mệt thở không nổi, chân cũng sẽ nhức mỏi, nên thôi. Vì mẹ cũng thỉnh thoảng bị tụt đường huyết nên không dám cho mẹ làm gì quá sức. Hôm nào mất ngủ là sẽ bị tụt đường.

Mặc dù phải vật lộn với những biến chứng gây ra cho mình nhưng mẹ tôi lại rất lạc quan. Lúc khỏe thì đi tìm mấy bà bạn nói chuyện phím, hoặc là hát karaoke. Rồi gia đình dẫn mẹ đi chơi đi du lịch. Mẹ cứ vui vẻ như vậy, không chán nản, cũng không trách phiền con cháu. Mẹ vẫn làm việc mẹ thích như đi chùa, đọc kinh, mẹ thích nhất là ca cải lương.

Đồng hành cùng người bệnh tiểu đường cần tình thương và sự nhẫn nại kiên trì rất lớn, vì vừa phải động viên người bệnh cũng động viên bản thân rất nhiều.

Qua bài chia sẻ này mình muốn nói với các bệnh nhân tiểu đường hãy cố gắng kiểm soát đường huyết, bằng thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, thường xuyên thể dục thể thao, đừng nản lòng, buông xuôi bỏ cuộc mà mặc kệ, vì khi bắt đầu biến chứng rồi thì sức khỏe sẽ rất nhanh xuống, kéo theo nhiều bệnh tật rất khổ lại tốn nhiều chi phí điều trị. Và nếu như đã bị biến chứng rồi thì cũng đừng bi quan, luôn có những điều vui vẻ tích cực mà. Cố gắng lên nhé!

Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
16
10
4

4 bình luận

Mình chúc bác gái luôn vui khoẻ , lạc quan đồng hành với căn bệnh này 1 cách tích cực nhất nhé .

2 năm trước
Thích
Trả lời

Nhà có người bệnh tiểu đường phải luôn đồng hành cùng họ để sống vui khỏe hơn

2 năm trước
Thích
Trả lời

Vậy là bị tiểu đường hơn 20 năm rồi, quá trình sống chung với tiểu đường chắc khó khăn lắm

2 năm trước
Thích
Trả lời

Đây là một cuộc hành trình vất vả để kiểm soát được đường huyết ở mức ổn đinh.

2 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!