🔥 Bài đăng hot nhất

Kể chuyện cho thai nhi: Tổng hợp 09 mẫu truyện hay và ý nghĩa

Kể chuyện cho thai nhi nghe hàng đêm giúp kích thích sự phát triển thính giác và vùng não bộ liên quan đến thính giác của bé. Mình giới thiệu đến các mẹ 9 mẫu truyện hay và ý nghĩa.

Câu chuyện thứ 1: Sự tích con kiến


Ngày xưa có một người nọ vì nghèo đói quá phải đi hành khất. Nhưng đi đến đâu người ta cũng trề môi bảo: “Sức bác khỏe còn hơn trâu, sao không chịu làm mà kiếm ăn? Rõ đồ lười biếng!”. Đi đã mệt lã mà không kiếm được một miếng ăn, hắn ngã quỵ xuống bên lề đường, chỉ còn chờ chết. Bỗng hắn thấy trước mặt một hòn núi to, chất đầy vàng óng ánh. Hắn ngạc nhiên và sung sướng biết bao! Hắn vội chạy lại, toan hốt vàng bỏ vào bị. Chợt có tiếng hét lên như sấm:

– Người kia sao dám lấy trộm vàng của ta?

Hắn ngẩng mặt nhìn lên thấy một ông thần đen thui hiện ra trước mặt. Hắn hoảng sợ lạy van, vừa kể lể sự tình. Ông Thần cảm động bảo:

– Nếu vậy, ta cho ngươi lấy bao nhiêu thì lấy, nhưng ngươi phải thề với ta rằng: nếu ngươi giàu có, thì không bao giờ hắt hủi người nghèo. Ngươi có dám thề như thế chăng?

– Vâng con xin thề.

Thề xong, hắn cho đầy vàng vào bị, trở về làng tậu nhà, tậu đất, trở nên một người giàu có nhất làng.Tuy giàu có, hắn vẫn có cái tật tham ăn và keo bẩn. Không bạn bè nào giao du với hắn được, không một kẻ nghèo đói nào đến xin mà không bị hắn hắt hủi, đuổi xua.

Một hôm, có một người ăn mày già rách rưới đến xin ăn. Hắn chẳng nói chẳng rằng, xua chó ra đuổi đi. Nhưng khi chó vừa chạy ra, người ăn mày đã biến đâu mất, chỉ thấy trước mặt sừng sững vị Thần trên núi ngày xưa. Hắn khiếp sợ chưa kịp hở môi, vị Thần đã đùng đùng nổi giận thét to:

– Ngươi kia, ngươi có nhớ lời thề ngày xưa chăng? Ta phải trừng trị tội bội ước của nhà ngươi mới được.

Lập tức, một tiếng sấm nổ vang, cả tòa nhà nguy nga lộng lẫy của hắn đều đổ sụp. Và lạ chưa hắn tự nhiên thân hình, mình thân bé nhỏ lại, thành một con vật bé tí ti. Hắn đã biến thành con kiến.

Tuy đã hóa kiến, hắn vẫn không bỏ tật tham ăn. Cứ mỗi khi đánh hơi ở đâu đó có đồ ăn, là hắn lò mò tìm đến.

Mẹ dạy con: Làm người phải biết giữ lời hứa, đừng bao giờ nuốt lời. Đồng thời phải biết chia sẻ với những người xung quanh khi họ thiệt thòi và nghèo khổ hơn mình bởi không ai biết tương lai mỗi người sẽ gặp những gì. Nếu hôm nay mình cho đi thì ngày mai mình sẽ nhận lại được còn nếu khư khư giữ cho riêng mình thì sẽ nhận về hậu quả xấu nhất.


Câu chuyện thứ 2: Đẽo cày giữa đường


Chuyện kể rằng có một bác nông dân rất nghèo, cả đời sống bằng nghề đồng áng, bác muốn làm một cái cày thật tốt để làm công việc đồng áng năng suất và đỡ vất vả hơn. Một hôm, bác rất vui vì đã xin được một cây gỗ tốt nhưng bác chưa làm cái cày bao giờ, bác bèn mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo và hỏi ý kiến mọi người.

Bác đẽo được một lúc thì một người đi qua chê:

– Bác đẽo thế không phải rồi, bác đẽo to quá.

Bác nông dân nghe thấy có lý bèn làm theo. Bác làm được một lúc lại có một người đi qua bảo:

– Bác đẽo thế này không cày được đâu, cái đầu cày bác làm to quá…

.Bác nông dân nghe có lý hơn, bác lại chỉnh sửa theo lời khuyên, bác đẽo được một lúc lại một người đi qua nói

:– Bác đẽo thế không ổn rồi, cái cày bác làm dài quá không thuận tay.

Bác nông dân nghe lại có lý hơn, lại chỉnh sửa theo.

Và cuối cùng, hết ngày hôm đấy bác nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, bác không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn. Bác buồn lắm nhưng cuối cùng bác đã hiểu: “Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn.”


Câu chuyện thứ 3: Chim sẻ mẹ và 4 chim sẻ con


Chim sẻ đẻ được bốn con nuôi trong tổ của chim én. Khi chim non mới biết bay thì ngày kia có lũ trẻ tinh nghịch trèo lên phá tổ. Bốn con chim non bay tán loạn, may mà chúng bay thoát được. Chỉ có chim mẹ là khổ tâm, nghĩ mà thương lũ con tội nghiệp chưa được dạy dỗ đến nơi đến chốn để đủ khả năng tự vệ mỗi khi có khó khăn, nguy hiểm

.Mùa thu đã tới, trên cánh đồng lúa kia có rất nhiều chim sẻ sà xuống ăn, tình cờ chim mẹ lại gặp bốn đứa con của mình. Thế là cả năm mẹ con bay về tổ. Chim mẹ nói:

- Trời, các con thân yêu của mẹ. Các con có biết mẹ lo lắng như thế nào trong suốt mùa hè không? Các con bay đi tha phương cầu thực trong lúc các con còn non nớt, chưa biết cách đi kiếm ăn mà không bị mắc bẫy.

Rồi chim mẹ hỏi đứa con cả sống và kiếm ăn ở đâu trong suốt mùa hè vừa qua. Nó thưa:- Thưa mẹ, con núp trong vườn, bắt giun, châu chấu sống qua ngày, đợi tới khi anh đào chín.

Mẹ nói tiếp:

- Trời ơi, khổ thân con tôi. Những thứ ấy ăn cũng ngon đấy, nhưng đừng tưởng không nguy hiểm đâu, từ nay trở đi hãy lưu ý nhé: người ta thường đặt bẫy thòng lọng mà mồi là châu chấu hay giun đấy

.Đứa con nói:

- Con xin nghe lời mẹ, có khi người ta còn gắn lá ngụy trang bẫy nữa.

Chim sẻ mẹ hỏi:

- Thế con nhìn thấy nó ở đâu?

- Ở trong vườn của một nhà buôn.

- Trời, con tôi, lái buôn là gian ngoan lắm đấy. Thế thì có lẽ con đã đi khắp đó đây rồi còn gì nữa, con khôn lớn rồi, nhưng hãy dùng trí khôn cho đúng chỗ nhé, cũng đừng có ỷ thế mình khôn mà thiếu cảnh giác nhé.

Sau đó chim mẹ hỏi đứa khác:

- Con đã sống ẩn núp ở đâu?

Đứa con thưa:

- Thưa mẹ ở trong sân vườn một nhà nông dân

.- Chim sẻ và những loài chim yếu đuối khác không nên kiếm ăn ở đây. Chỗ ấy thì đủ các loại chim sà xuống kiếm ăn, thậm chí cả cú vọ, chim cắt, chim ưng. Tốt nhất là con kiếm ăn ở máng thức ăn của bò ngựa hay ở chỗ người ta xay lúa. Kiếm ăn cả ở những nơi ấy nghe chừng là yên thân hơn cả.

Đứa con thưa:

- Thưa mẹ, vâng đúng thế ạ. Đám trẻ chăn bò hay đặt bẫy trong đống rơm, thỉnh thoảng cũng có chim bị bẫy thòng lọng của chúng.

Chim mẹ hỏi:

- Thế con nhìn thấy cái bẫy đó ở đâu?

- Thưa mẹ, ở trong sân, chỗ thường có đám trẻ chăn bò, ngựa.

- Trời con tôi, con có biết không, đám trẻ ấy là tinh nghịch lắm. Con đã từng ở những nơi ấy mà không toi mạng thì con cũng giỏi đấy, thế thì kẻ khác cũng chẳng dễ gì mà bắt nạt được con. Nhưng con cũng phải hết sức cảnh giác nhé, thường chính những con chó dữ và khôn lại bị chính chó sói ăn thịt.

Chim mẹ gọi chim con thứ ba tới hỏi:

- Con kiếm ăn ở đường đi lối lại, lúc thì kiếm được hạt thóc, lúc thì bắt được con châu chấu

.Chim mẹ nói:

- Những thứ ấy ăn cũng ngon đấy, nhưng đặc biệt lưu ý mỗi khi thấy có người cúi xuống nhặt đá nhé, chỉ cần một viên đá là con hết đời đấy.

Đứa con nói:

- Thưa đúng thế ạ. Nhiều người lại còn giấu đá trong túi áo hay túi quần nữa chứ

.- Thế con nhìn thấy họ ở đâu?

- Thưa mẹ, con thấy ở đám con nhà thợ mỏ ạ. Mỗi khi chúng đi đâu, bao giờ chúng cũng mang theo đá.

- Ái chà chà, đám trẻ ấy thì phải nói. Con đã từng ở những nơi ấy thì con đã biết đủ mùi rồi còn gì. Kiếm ăn ở đường đi lối lại cũng tốt, nhưng lưu ý nhé, đám con nhà thợ mỏ có khi dùng nó bắt được chim sẻ đấy.

Sau cùng mẹ hỏi đứa út:

- Nào đứa con hay ốm yếu của mẹ, thôi con sống bên mẹ nhé, ở đời này còn nhiều loài chim ăn thịt lắm, con mỏ dài, con mỏ quặp, con có vuốt sắt, chúng chỉ chuyên bắt những con chim yếu đuối, khờ dại, bắt được con mồi là chúng ăn sống nuốt tươi ngay. Thôi con cứ ở quanh quẩn bên mẹ, kiếm ăn ở mấy cây và sân nhà là yên ổn hơn cả.

- Thưa mẹ, ai làm ăn lương thiện sẽ sống lâu, và cũng chẳng có con vật nào muốn hại những người lương thiện ấy, cho dù đó là lươn, là cò hay là chim ưng đi chăng nữa.

- Con học điều đó ở đâu đấy?

Đứa con đáp:- Gió đã đưa con đi đây đi đó, tới cả nhà trường nữa. Trong lúc mải bắt nhện ở mái hiên nhà trường con có nghe được câu nói đó. Có một con chim đầu đàn của bầy chim sẻ đã dạy dỗ nuôi nấng và bảo vệ con trong suốt mùa hè qua.

- Nghe con nói có thể tin được, bắt ruồi, nhện cũng là việc tốt.

Ở đời là vậy đấy, ở hiền gặp lành, cho dù có khó khăn thế nào đi chăng nữa thì những người ăn ở nhân nghĩa vẫn cứ gặp may.

Tin ở nơi mình

Sống bằng tình nghĩa

Sự đời là vậy.

Ở hiền gặp lành,Ác giả, ác báo.


Câu chuyện thứ 4: Trí khôn của ta đây


Bác nông dân hàng ngày dắt trâu đi cày. Con trâu đi trước kéo cái cày thật nặng theo sau. Dù công việc nặng nhọc nhưng trâu ta vẫn vui vẻ đi làm.

Một hôm, sau buổi cày, trong lúc bác nông dân đi uống nước, con trâu đang ăn cỏ, thì có một con cọp đến hỏi trâu rằng: "Này trâu, sao mày to xác như vậy mà lại để cho một thằng người bé nhỏ xỏ mũi kéo, đánh đập, mà mày cứ chịu lép vế".

Trâu trả lời cọp: "Tuy người bé nhỏ, nhưng nó có trí khôn".

Vừa lúc ấy, bác nông dân trở lại. Cọp bèn chặn hỏi: "Nghe trâu nói là người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn. Vậy trí khôn đâu, cho ta xem với".

Bác nông dân đáp: "Trí khôn tôi để ở nhà".

Cọp bảo: "Hãy về nhà lấy trí khôn cho ta xem".

Bác nông dân trả lời: "Được chứ... Nhưng e rằng trong lúc tôi vắng mặt, thì ông cọp ăn mất trâu của tôi thì sao?"

Cọp không biết trả lời thế nào. Bác nông dân thấy vậy nói: "Vậy, cọp có bằng lòng cho tôi trói lại đã, rồi tôi về nhà lấy trí khôn cho mà xem?".

Cọp ta bằng lòng.Bác nông dân bèn lấy dây thừng, cột cọp thật kỹ vào gốc cây, rồi châm lửa đốt. Bác vừa đốt, vừa nói rằng: "Trí khôn của tao đây... Trí khôn của tao đây".

Trâu thấy vậy không nhịn được cười, cười ngã nghiêng, đập cả hàm vào đất, gãy mất hàm răng trên. Do đó, loài trâu sau này không còn hàm răng trên nữa. Còn loài cọp thì bị rằn rện, lông có những vết sọc đen trên mình là dấu tích bị loài người đốt.


Câu chuyện thứ 5: Sự tích cây vú sữa

Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi.

Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi.

Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống. Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ.

- Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bênh mình, về với mẹ thôi.Cậu liền tìm đường về nhà...Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:- Mẹ ơi, mẹ đi- đâu rồi, con đói quá !

–Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc

.Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy.Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé. Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá! Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá! Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ... Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ.

Cây rung rinh cành lá, thì thào :

- Ăn trái ba lần mới biết trái ngon! Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ.

Cậu oà lên khóc. Nhận ra mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây. Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về. Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình… Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích.

Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.


Câu chuyện thứ 6: Giấc mơ kỳ lạ


Trong ngôi nhà kia có cô bé tên là Mi Mi. Mi Mi rất lười ăn nên lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi và không muốn làm gì cả, suốt ngày chỉ muốn nằm ngủ thôi.Một hôm, mệt quá, cô bé ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, cô vô cùng ngạc nhiên khi thấy các bộ phận của cơ thể lại có thể trò chuyện được với nhau. Cô thấy anh Tay nói chuyện với anh Chân:

- Này anh Chân, không biết tại sao dạo này tay của tôi lại mỏi thế,không muốn làm gì cả

.- Tôi cũng thế, hay chúng ta cùng đến hỏi bác Tai cho ra nhẽ đi!

– Anh Chân cũng lên tiếng.

Anh Tay và anh Chân cùng đi đến nhà bác Tai. Họ gọi:

- Bác Tai ơi, bác Tai!

Họ gọi một câu, rồi ba câu cũng không thấy bác Tai trả lời. Một lúc sau, bác Tai mới lên tiếng:

- Ai đấy? Ai gọi tôi đấy?

- Chúng cháu đấy, Tay , Chân đây

!- Có chuyện gì thế

?- Bác nghe được nhiều điều, bác có thể cho chúng cháu biết, tại sao dạo này chúng cháu lại mệt mỏi thế?

- Tôi không thể nói cho các anh rõ được vì dạo này tôi cũng ù lắm, không nghe được gì cả. Chúng ta cùng đến nhà cô Mắt hỏi nhé!

Thế là bác Tai, anh Chân cùng đi đến nhà cô Mắt. Đến nơi, họ cũng nhìn thấy bạn Miệng. Trông bạn ấy uể oải không kém, mặt mũi thì tái nhợt. Tất cả cùng cất giọng gọi:

- Cô Mắt ơi, cô mắt!

Cô mắt nghe tiếng gọi liền bước ra và hỏi:

- Có chuyện gì mà ồn ào thế?

Bác Miệng cất giọng hỏi:

- Sao tất cả chúng tôi lại mệt mỏi thế này?

Cô nhìn thấy được mọi điều, cô có thể giải thích cho chúng tôi rõ được không?

Cô mắt nói:-

Mặc dù mắt tôi nhìn không rõ lắm, nhưng tôi hiểu tất cả là do bạn miệng không được ăn, không được uống nên cơ thể của chúng ta mệt mỏi theo. Bây giờ, chúng ta cùng đi tìm cô chủ và bảo cô chủ phải chịu khó ăn uống, năng tập thể dục thì mới có một cơ thể khỏe mạnh và chúng ta mới khỏa khoắn được.

Nghe thấy thế. tất cả mọi người hiểu ra và đồng thanh:

- Đúng đấy, chúng ta cùng đi tìm cô chủ!

Đúng lúc đó, cô bé choàng tỉnh và giật mình nghĩ: “Mình phải ăn thật nhiều và chăm tập thể dục mới được!”

Chẳng bao lâu sau, cô bé đã trở thành một cô bé khỏe mạnh và giúp được nhiều việc cho mọi người.


Câu chuyện thứ 7: Dê con nhanh trí


Trong ngôi nhà kia có Dê mẹ và một chú Dê con. Một hôm, trước khi ra đồng cỏ, Dê mẹ dặn Dê con:

- Con ở nhà cho ngoan, mẹ đi ra đồng ăn một ít cỏ tươi để có nhiều sữa ngọt cho con bú. Ai gọi cửa cũng đừng mở nhé! Nếu không thì con Sói vào ăn thịt con đấy!

Dê con vâng lời mẹ và hỏi thêm:

- Thế mẹ về thì làm sao con biết mà mở cửa?

Dê mẹ khen con thông minh và dặn con:-

Lúc nào mẹ về, mẹ sẽ nói: "con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi", thế là con mở cửa cho mẹ.

Nhưng con Sói hung ác nấp gần đó đã nghe Dê mẹ dặn Dê con như thế rồi. Dê mẹ vừa đi khuất, con Sói hung ác đã chạy lại gõ cửa: "Cạch, cạch , cạch! Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi".

Dê con ở trong nhà, nghe tiếng gõ cửa vội vàng chạy ra. Nghe đúng câu mẹ dặn, nó định mở cửa nhưng nghe tiếng ồm ồm, không giống tiếng mẹ, Dê con liền nghĩ ra một kế và bảo:

- Mẹ đấy ư? Sao hôm nay tiếng mẹ lại ồm ồm thế?

Con Sói sợ bị lộ nhưng vẫn khôn ngoan trả lời:- Mẹ ra đồng bị cảm gió nên khản tiếng đấy.

Dê con vẫn còn ngại:

- Mọi lần mẹ về vẫn thò chân vào khe cửa cơ mà! Chân mẹ thon thon, con nhìn là biết ngay!

Con Sói lại tìm cách chống chế:

- Mẹ giẫm phải gai, sưng vù lên, thò vào khe cửa không vừa nữa. Con mở cửa cho mẹ vào!

Dê con cúi sát xuống đất nhìn qua khe cửa. Nó thấy cái chân lem luốc, đen sì. Nó bảo chó Sói:

- Thôi, anh Sói ơi! Chính anh rồi! Anh cút đi kẻo mẹ tôi về húc cho anh vỡ bụng ra đấy! Chân anh đen sì thế kia kìa! Ai còn lạ gì nữa!

Bị lộ, con Sói vội vàng bỏ đi. Nhưng nó vẫn nghĩ cách lừa Dê con. Nó chạy ngay đến một cửa hàng bánh. Chờ lúc người làm bánh đi vắng, nó liền thò chân vào thùng bột, bột dính đến đầu gối. Xong xuôi, nó chạy về gọi Dê con:

- Cạch cạch cạch! Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi!

Dê con vội chạy ra, ngó qua khe cửa, lần này nó thấy rõ ràng 4 chân trắng. Thôi, đích là mẹ đã về! Nhưng cái mũi thính của nó lại ngửi thấy mùi gì hôi hôi chứ không thơm như mùi sữa của mẹ. Dê con ngần ngại, khe khẽ bắt ghế trèo lên nghếch cổ nhìn qua khe tường. Nó thấy hai cái tai lem luốc và nhọn hoắt. Thôi đúng là tai Sói rồi, Dê con gọi chó Sói và bảo:

- Tai anh đen và nhọn, chẳng giống tai mẹ tôi đâu! Anh Sói hung ác ơi, cút ngay đi kẻo mẹ tôi về, mẹ tôi lại húc cho anh vỡ bụng đấy! Sừng mẹ tôi nhọn lắm.Con Sói sợ bị lộ, vội vàng bỏ chạy. Nó cố hết sức tìm cách giấu đôi tai lem luốc và nhọn hoắt mà không được. Nó chưa dám trở lại thì Dê mẹ đã về gõ cửa "Cạch, cạch, cạch! Con chó Sói hung ác, đuổi cổ nó đi!"

Dê con nghe đúng tiếng mẹ. Nó cúi nhìn qua khe cửa, đúng là chân mẹ. Nó trèo lên nhìn qua khe tường, đúng là tai mẹ. Nó mở ngay cửa cho mẹ vào và kể chuyện con Sói đến lừa cho mẹ nghe. Dê mẹ ôm con vào lòng và khen con giỏi. Dê mẹ cho Dê con bú một bữa sữa thơm và ngọt.


Câu chuyện thứ 8: Ba giỏ khoai lang


Ngày xưa, có một lần Gấu, Thỏ và Khỉ rủ nhau cùng tới thăm nhà bác Dê. Trước khi về, bác Dê bảo chúng:

“Đây là ba giỏ khoai lang, mỗi cháu mang về một giỏ. Bằng giờ sang năm, đưa lại cho bác số khoai lang cũng như thế. Được không?

Gấu thích quá, liền nói: “ Cám ơn bác”. Rồi xách giỏ chạy theo Thỏ và Khỉ. Về tới nhà, chúng mới sực nhớ tới lời bác Dê dặn: làm thế nào đây? Gấu nghĩ: “Sang năm nghĩa là còn sớm chán. Ăn đã rồi sẽ tính”.

Thế là nó luộc một lúc, hết nửa giỏ khoai. Thỏ nghĩ: “Dê yếu rồi, sợ gì ông ta, sang năm hãy tính”. Còn Khỉ thì sao? Nó chọn ra mấy củ khoai to cất đi…

Ngày hôm sau, Gấu gặp Khỉ, hỏi:

- Anh đã ăn hết khoai chưa?

- Ăn một ít, còn giữ lại cũng không ít.

- Giữ lại để làm gì? Để cho chuột ăn à?

- Không, để trồng mà. Sang năm vào mùa xuân thì đem trồng, đến mùa thu thì sẽ thu hoạch. Sẽ có bao nhiêu là khoai để đem trả bác Dê, còn lại thì để ăn.Nghe Khỉ nói. Gấu hiểu ra: Khỉ làm như thế là đúng. May quá là mình hãy còn lại ba củ, phải giữ lại để làm giống mới được.

Mấy ngày sau, Gấu lại lôi khoai ra xem. Gấu thèm nhỏ dãi, nghĩ: “Làm giống thì cần gì tới ba củ? Hai cũng được”. Nghĩ tới đó, nó há to mồm ăn luôn một củ. Mùa đông tới, gió vù vù thổi, bụng gấu sôi réo lên. “Kiếm cái gì nhét đầy vào cái dạ dày đây?” Nó lại nghĩ tới khoai: “Để giống cần gì tới hai củ? Một không đủ hay sao?” Thế là nó lại ăn một củ.

Mùa xuân tới rồi. Gấu tỉnh giấc, nhìn thấy Ong đang hút nhuỵ hoa, chim Yến đang xây tổ, Khỉ con đang cày ruộng. Nó nghĩ tới củ khoai để giống, bèn đào một cái hố trước cửa nhà, đem củ khoai vùi vào đó. Mấy ngày sau, chẳng thấy động tĩnh gì, Gấu bới đất lên xem, củ khoai vẫn đang ngủ ở đó. Nhìn củ khoai, Gấu nghĩ: “Củ khoai đẹp như thế này mà phải vùi vào đất, phí quá! Chuột mà biết sẽ lấy trộm. Chuột không lấy trộm đi thì cho dù củ khoai có mọc mầm, côn trùng cũng gặm chết nó. Côn trùng nếu không gặm thì mưa to cũng dìm ngập. Nếu không ngập mà chết, khoai lớn lên thì Chuột này, Chó con này, Hươu này… cũng lại đào… Hay là bây giờ đặt nó vào dạ dày là chắc nhất”. Nghĩ tới đó, Gấu liền xơi ngay củ khoai.

Mùa thu tới, Gấu ,mang cái gì để trả cho bác Dê? Trong cái giỏ của nó, trừ mạng nhện ra, chẳng có cái gì. Gấu đi tìm Thỏ con, Thỏ con mang giỏ lại. Ôi, chả có lấy một củ. Cả hai đi tới nhà Khỉ. Vừa vào nhà đã thấy khoai mới dỡ chất đầy nhà. Khỉ thấy các bạn tới vui quá. Nó mời Thỏ và Gấu ăn khoai thoả thích lại còn cho đầy khoai vào thúng lớn tặng chúng. Khỉ, Gấu, Thỏ mang ba giỏ khoai đầy đi gặp bác Dê. Bác Dê cười vang:

- Các cháu ngoan! Các cháu ngoan lắm! Bác đâu cần các cháu trả lại bác. Bác muốn xem ai biết suy nghĩ, ai biết lao động. Thôi, bác cám ơn, nhưng các cháu mang khoai về đi nhé! Cả ba cháu đều là những đứa trẻ ngoan. Gấu, Thỏ nghe thế, mặt đỏ tía lên.


Câu chuyện thứ 9: Ngày và Đêm


Ngày xửa ngày xưa, Mặt Trăng, Mặt Trời và Gà Trống cùng sống với nhau trên trời. Mặt Trăng mặc cái áo màu trắng, Gà Trống đội một chiếc mũ màu đỏ. Mặt Trăng thích cái mũ đỏ của Gà Trống lắm. Một hôm, Mặt Trăng nói với Gà Trống:

– Chúng mình đổi áo và mũ cho nhau nhé!

Gà Trống đáp:

– Tớ không thích cái áo màu trắng của cậu. Tớ không đổi mũ lấy áo đâu!

Mặt Trăng cứ gạ đổi mãi nhưng Gà Trống nhất định không chịu. Mặt Trăng liền giật mũ của Gà Trống và vứt xuống đất. Gà Trống vội bay xuống đất để nhặt mũ. Nhưng Mặt Đất tối đen nên Gà Trống không tìm thấy mũ. Gà Trống sực nhớ tới Mặt Trời, Gà Trống liền ngửa cổ lên trời và cất tiếng gọi:

– Mặt Trời ơi! Mặt Trời ơi!

Mặt Trời vội vén màn mây nhìn xuống dưới đất. Những tia nắng rực rỡ tỏa sáng khắp nơi. Nhờ có ánh nắng Mặt Trời chiếu xuống, Gà Trống nhìn thấy cái mũ đỏ của mình mắc trên một cành cây. Gà Trống sung sướng bay lên cây để lấy chiếc mũ và đội lên đầu.

Gà Trống định bay về trời nhưng vì quá mệt nên không đủ sức cất cánh bay lên nữa. Gà Trống cất tiếng gọi:

– Mặt Trời ơi! Kéo tớ lên với!

Nhưng Mặt Trời không thể kéo Gà Trống lên được. Mặt Trời đành an ủi Gà Trống:

– Gà Trống ơi! Bạn hãy ở lại dưới mặt đất vậy. Buổi sáng sớm bạn hãy gọi “Ò ó o…! Mặt trời ơi!”, tôi sẽ thức dậy và trò chuyện với bạn nhé!

Từ đó trở đi, Gà Trống luôn dậy sớm và cất tiếng gáy “ò ó o” để đánh thức Mặt Trời dậy. Ở tít trên cao, Mặt Trời với gương mặt hồng hào tròn trịa, mỉm cười nhìn Gà Trống. Muôn loài hoa đua nở, khoe sắc màu rực rỡ. Cây lá cũng mở bừng mắt reo vui chào đón ánh Mặt Trời.

Người ta gọi lúc đó là ngày.Còn Mặt Trăng thì cảm thấy rất hối hận và xấu hổ vì đã đối xử không tốt với bạn Gà Trống. Vì thế, Mặt Trăng cứ đợi đến khi Mặt Trời lặn xuống phía bên kia rặng núi, Gà Trống lên chuồng đi ngủ mới dám xuất hiện. Người ta gọi lúc Mặt Trăng tỏa những tia sáng dịu dàng, yếu ớt gọi là đêm.


Mẹ hãy dành thời gian mỗi tối để kể chuyện cho thai nhi nghe nhé.

2
58
1 Bình luận

1 bình luận

cám ơn bạn Tiên Cute chia sẻ hay

1 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!
Quảng cáo
Quảng cáo