backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Làm sao để chăm sóc hiệu quả?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi · Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 08/12/2022

    Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Làm sao để chăm sóc hiệu quả?

    Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối gây nhiều mệt mỏi, đau đớn không chỉ cho người bệnh và cả người thân của họ. Người nhà của bệnh nhân cần cố gắng từng ngày chăm sóc, an ủi để người bệnh thoải mái hơn về cả mặt thể chất lẫn tinh thần.

    Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai ở phụ nữ sau ung thư vú. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh mới và 2.500 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Nhiều trường hợp phát hiện thì đã mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối hay còn được gọi là ung thư cổ tử cung giai đoạn 4, gây khó khăn cho việc điều trị và đau đớn cho bệnh nhân.

    Trong bài viết này, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 sống được bao lâu và cách chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối để hiểu rõ bệnh nhân sẽ phải trải qua những triệu chứng gì, gặp những khó khăn gì và cần được điều trị, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe như thế nào nhé.

    Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là gì?

    Khi nghe bác sĩ chẩn đoán mình hoặc người thân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 4, mọi người chắc hẳn đều sẽ trải qua một cú sốc lớn và rất hoang mang. Trước tiên, để nhận định rõ tình hình sức khỏe của mình cũng như lựa chọn phác đồ điều trị và cách chăm sóc phù hợp, bạn cần hiểu đúng thế nào là ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.

    Ung thư cổ tử cung được chia làm 5 giai đoạn, từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4. Trong đó, khi bước sang giai đoạn 4, khối u ở cổ tử cung đã bắt đầu di căn sang các bộ phận khác của cơ thể như buồng trứng, bàng quang, phổi, gan, xương…Lúc này, bệnh còn được gọi là ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 hay ung thư cổ tử cung di căn.

    Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sống được bao lâu?

    Theo số liệu thống kê năm 2017, tiên lượng khả năng sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung từng giai đoạn cụ thể như sau:

    • Giai đoạn 0: 100%
    • Giai đoạn 1A: 95%
    • Giai đoạn 1B: 80-10%
    • Giai đoạn 2A: 70-90%
    • Giai đoạn 2B: 60-70%
    • Giai đoạn 3A: 35-40%
    • Giai đoạn 3B: 32%
    • Giai đoạn 4A: 20%
    • Giai đoạn 4B: 15%

    Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sống được bao lâu? Có thể thấy, khoảng 15-20% bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn này có thể sống đến 5 năm. Nếu bạn thắc mắc ung thư cổ tử cung di căn sống được bao lâu và lo sợ ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có chết không thì không ai có thể có câu trả lời chính xác. Bởi điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, khả năng đáp ứng với điều trị và cách chăm sóc của người xung quanh. Vì vậy, tuân thủ phác đồ điều trị và chăm sóc sức khỏe có thể giúp bệnh nhân kiểm soát được các dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối và sống khỏe mạnh hơn.

    Bạn có thể quan tâm: Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?

    Phác đồ chữa trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

    chăm sóc người bệnh

    Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối vẫn có 16% cơ hội kéo dài thời gian sống ít nhất 5 năm nếu được điều trị tích cực và sức khỏe của bệnh nhân cho phép thực hiện điều trị. Các liệu pháp điều trị cho giai đoạn này bao gồm:

    • Phẫu thuật: Phẫu thuật đoạn chậu trước, sau hoặc toàn phần. Phương pháp này được áp dụng với mục đích chữa lành bệnh đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn 4A khi tế bào ung thư đã lan ra khỏi cổ tử cung nhưng còn khu trú ở vùng chậu. Đây là phẫu thuật khá lớn, do đó bác sĩ cần xem xét liệu bạn có đủ sức khỏe để chịu được cuộc phẫu thuật hay không và có hồi phục tốt hay không.

    • Xạ trị và hóa trị: Sau phẫu thuật, nếu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho phép vượt qua các tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp xạ trị và hóa trị để kiểm soát sự phát triển của khối u. Dựa trên hiệu quả điều trị, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết về các phương án tiếp theo.

    Hóa trị có thể giúp thu nhỏ khối u, giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát diễn tiến của bệnh và giúp cải thiện chất lượng sống của bạn.

    • Thuốc điều trị nhắm trúng đích: Thuốc điều trị đích thường phối hợp với hóa trị, mục đích thay đổi con đường phát triển của tế bào ung thư, từ đó kiểm soát được sự phát triển của ung thư.

    Điều quan trọng là bệnh nhân cần giữ tinh thần lạc quan, chăm sóc sức khỏe tốt và quyết tâm điều trị.

    Khi nào ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không còn khả năng chữa trị?

    Thời điểm được bác sĩ thông báo tình trạng của bệnh nhân không còn khả năng chữa trị là lúc:

    • Khối u đã phát triển quá lớn và di căn, xâm lấn tới nhiều cơ quan của cơ thể nên không còn liệu pháp nào có thể kiểm soát được khối u nữa.
    • Do tuổi tác quá cao hoặc sức khỏe và thể trạng của bệnh nhân quá yếu không thể tiến hành điều trị bằng phẫu thuật hay xạ trị, hóa trị do các tác dụng phụ.
    • Bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật và xạ trị, hóa trị nhưng ung thư không đáp ứng với điều trị và vẫn tiếp tục lan rộng ngoài tầm kiểm soát.

    Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể phải ngưng chữa trị ung thư và xem xét các phương án khác. Tùy vào điều kiện sức khỏe, nơi sống và kinh tế, bệnh nhân có thể lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện và trung tâm y tế hoặc điều trị tại nhà.

    Chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối khi điều trị

    Bệnh nhân và người nhà có thể chọn nhập viện để được tiếp cận tới trang thiết bị y tế đầy đủ hoặc đưa về nhà để tạo không gian nghỉ ngơi thoải mái.

    Chăm sóc tại bệnh viện

    Hầu hết phẫu thuật, xạ trị (mỗi liệu trình thường từ 5–8 tuần) và hóa trị đều được thực hiện tại bệnh viện dưới sự kiểm soát của các bác sĩ và nhân viên y tế. Bạn cần tìm hiểu chăm sóc sau phẫu thuật, chăm sóc khi xạ trị, hóa trị và trao đổi với bác sĩ nếu thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng hay vấn đề sức khỏe nào. Các bác sĩ cũng sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát các tác dụng phụ trong điều trị cụ thể và hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân.

    Chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối tại bệnh viện

    Chăm sóc tại nhà

    Nhiều gia đình lựa chọn chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 tại nhà. Khi đó cơ hội tiếp cận với máy móc, trang thiết bị y tế sẽ hạn chế hơn. Trước khi đưa bệnh nhân về nhà, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ về cách chăm sóc tại nhà cũng như những cách liên lạc với bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp. Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc và hướng dẫn bạn những phương pháp cần thiết để chăm sóc bệnh nhân.

    Dưới đây là một số hướng dẫn và lưu ý khi chăm sóc người bệnh ung thư cổ tử cung di căn tại nhà để giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn và nhận được hỗ trợ y tế tốt nhất.

    1. Cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

    Trong giai đoạn này, bệnh nhân sẽ phải trải qua nhiều đau đớn và khó khăn. Dưới đây là các vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân thường gặp phải và những hướng dẫn dành cho người chăm sóc để xử lý, hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn.

    Đau

    Tùy vị trí di căn của khối u, bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có thể cảm thấy đau ở nhiều vị trí khác nhau, phổ biến nhất là đau bụng, đau vùng chậu và nhức mỏi toàn thân. Đây cũng là vấn đề nghiêm trọng nhất mà bệnh nhân phải chịu đựng.

    Các biện pháp có thể giúp giảm đau và kiểm soát cơn đau cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung di căn bao gồm:

    • Thiền
    • Châm cứu
    • Vật lý trị liệu
    • Phẫu thuật điều trị triệu chứng
    • Dùng thuốc giảm đau dạng tiêm, truyền hoặc uống

    Các phương pháp điều trị giảm đau, bao gồm:

    Can thiệp nguyên nhân gây nên cơn đau: Nếu có một khối u chèn ép và gây đau thì bệnh nhân có thể phải cắt bỏ khối u này bằng phẫu thuật hoặc làm nhỏ kích cỡ của khối u bằng hóa trị liệu hoặc xạ trị.

    Điều trị cảm giác đau: Một số loại thuốc giảm đau có thể thay đổi cách cơ thể cảm nhận về cơn đau. Khi dùng thuốc này, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

    Tác động vào quá trình dẫn truyền thần kinh: Nếu các loại thuốc giảm đau không có tác dụng, bác sĩ có thể khuyến khích bệnh nhân thực hiện một số liệu pháp điều trị giảm đau đặc biệt, ví dụ như tiêm thuốc vào tủy sống, dây thần kinh hoặc các mô xung quanh dây thần kinh để có thể tác động tới quá trình dẫn truyền tín hiệu về cơn đau.

    Sử dụng thuốc giảm đau là cách phổ biến nhất để kiểm soát cơn đau. Sử dụng thuốc giảm đau cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bạn không được tự ý mua và sử dụng. Có các loại thuốc giảm đau sau đây:

    • Thuốc giảm đau không chứa opioid: Đây là lựa chọn cho các bệnh nhân bị đau ở mức độ nhẹ. Thuốc nhóm này bao gồm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) hoặc acetaminophen. Các bác sĩ đôi khi cũng kết hợp thuốc giảm đau không chứa opioid với một số loại thuốc giảm đau khác khi cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
    • Thuốc giảm đau dây thần kinh: Bao gồm một số loại thuốc chống trầm cảm như duloxetine, thuốc ngăn ngừa động kinh như gabapentin và pregabalin.
    • Thuốc giảm đau opioid: Nhóm thuốc này còn gọi là thuốc phiện dùng trong y tế và thường được sử dụng phối hợp với thuốc giảm đau không chứa opioid. Bác sĩ sẽ xem xét và kê đơn thuốc giảm đau opioid cho những bệnh nhân không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau trước đó. Loại thuốc giảm đau này có nguy cơ gây nghiện cao nên cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ và bảo quản thuốc cẩn thận, không để lẫn với thuốc khác.

    Khó thở

    Trên 70% bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối bị đau ngực, khó thở do suy hô hấp, tắc nghẽn phế quản khi ung thư di căn phổi. Người chăm sóc có thể hỗ trợ bệnh nhân bằng cách:

    • Giúp bệnh nhân thay đổi tư thế nằm hoặc ngồi khi cần để bệnh nhân dễ thở hơn.
    • Dùng một số loại gối, nệm, giường hỗ trợ để bệnh nhân có thể nâng cao đầu hoặc nghỉ ngơi thoải mái hơn.
    • Cho bệnh nhân dùng bình thở oxy và các thiết bị hỗ trợ thở. Hiện nay, có nhiều dịch vụ giúp lắp đặt bình oxy sử dụng tại nhà an toàn, gia đình bệnh nhân có thể tìm hiểu để lắp đặt thiết bị hỗ trợ thở đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân sử dụng.
    • Nếu bệnh nhân gặp vấn đề khó thở nghiêm trọng thì cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.

    Đau vùng chậu và dưới thắt lưng 

    Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân ung thư cổ tử cung thường phải chịu đựng những cơn đau bất thường ở vùng chậu. Người chăm sóc nên massage, xoa bóp giúp giảm nhẹ cơn đau và dùng thuốc giảm đau (nếu cần) theo chỉ định của bác sĩ.

    Đi tiểu ra máu

    Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường gặp khó khăn khi đi tiểu tiện, đau khi đi tiểu và bị đi tiểu ra máu. Dịch tiết âm đạo cũng nhiều và có thể bị chảy máu âm đạo. Nếu bị chảy máu ồ ạt, bạn cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời và hỏi ý kiến bác sĩ về các biện pháp xử lý. Ngoài ra, cần giúp bệnh nhân giữ vệ sinh đường niệu để tránh bị nhiễm trùng.

    Táo bón, chướng bụng, buồn nôn và nôn

    Ung thư cổ tử cung ảnh hưởng tới trực tràng và có thể di căn đến ruột. Vì vậy, ở giai đoạn cuối, bệnh nhân thường gặp phải nhiều vấn đề về tiêu hóa. Bạn cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân.

    ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

    Mệt mỏi, sụt cân nhanh và chán ăn

    Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, sụt cân nhanh do khối u lan rộng. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh.

    2. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

    Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường bị táo bón nặng, chướng bụng, buồn nôn và nôn do khối u chèn ép trực tràng và khối u di căn ruột. Họ cũng trải qua nhiều đau đớn nên mệt mỏi, chán ăn và sút cân nhanh. Vậy nên, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân nên đảm bảo các yêu cầu sau:

    • Dinh dưỡng: Bệnh nhân cần được bổ sung các loại thực phẩm giàu năng lượng, đặc biệt thông qua chế độ ăn lành mạnh và cân đối. Bạn hãy cho bệnh nhân ăn các món giàu protein có nguồn gốc thực vật, động vật như thịt nạc, thịt bò, cá, tôm, lạc, đậu nành, rau xanh, hạt, củ… Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên uống đủ nước mỗi ngày và bổ sung thêm sữa.

    • Cách chế biến: Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối nên có các món ăn mềm như cháo, món hầm, súp và các món nghiền… vừa dễ nuốt, dễ tiêu hóa lại giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, bạn nên nấu theo khẩu vị của bệnh nhân cũng như thường xuyên đổi món và trang trí đẹp mắt để kích thích sự thèm ăn của họ.

    • Phẩu phần ăn: Vì bệnh nhân có thể không ăn được nhiều nên bạn cần chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ, tạo cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân trong bữa ăn.

    3. Tôn trọng mong muốn của bệnh nhân và động viên tinh thần

    Phụ nữ thường yếu đuối và luôn muốn được chia sẻ, đặc biệt là phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Bạn hãy lắng nghe tâm sự, mong muốn và nhu cầu của bệnh nhân để giúp đỡ họ khi cần thiết. Ngoài ra cũng nên tôn trọng nếu người bệnh muốn có không gian riêng tư. Đôi lúc vì những mệt mỏi, đau đớn, người bệnh có thể trở nên khó tính, dễ cáu gắt hoặc buồn chán. Vì vậy, bạn hãy hết sức thông cảm, nhẹ nhàng và tế nhị để người bệnh cảm thấy an tâm hơn.

    Bạn phải luôn giữ phòng của người bệnh thật sạch sẽ, khô thoáng và yên tĩnh để họ có thể nghỉ ngơi. Ngoài ra, cắm hoa tươi hoặc trồng cây cảnh trong phòng cũng là cách giúp họ thư giãn và giảm đau rất hiệu quả.

    Người bệnh cũng cần được đi dạo thư giãn, tắm nắng nên bạn hãy giúp đỡ bằng cách dìu hoặc đẩy xe lăn cho họ. Đồng thời, bạn hãy giúp họ massage, xoa bóp để tăng cường tuần hoàn máu và giảm đau mỏi.

    Động viên người bệnh về mặt tinh thần là một việc hết sức quan trọng. Vì nếu người bệnh cảm thấy mình được yêu thương và chia sẻ, họ sẽ có động lực để vượt lên bệnh tật, tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống hàng ngày.

    Sau phẫu thuật và giữa hai liệu trình điều trị, bệnh nhân có thể được về nhà nghỉ ngơi một vài tuần để hồi phục sức khỏe cho liệu trình điều trị tiếp theo. Người bệnh cần tuân thủ mọi hướng dẫn và giữ liên lạc với bác sĩ để được hỗ trợ khi cần thiết.

    Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

    hai bàn tay

    Chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp kiểm soát các dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối chứ không nhằm chữa trị bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện song song với các liệu pháp chữa trị ung thư hoặc khi liệu pháp chữa trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không còn phát huy tác dụng.

    Các liệu pháp, thủ thuật dùng trong chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối rất đa dạng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện một số liệu pháp khác tương tự như điều trị ung thư, ví dụ dùng xạ trị để giảm đau xương trong trường hợp ung thư cổ tử cung di căn tới xương. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc để kiểm soát cơn đau, giảm đau, chống nôn hay thực hiện một số thủ thuật để giúp bệnh nhân dễ thở và bớt đau đớn.

    Bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc bệnh viện để có cơ hội tiếp cận chăm sóc giảm nhẹ. Một số nơi có các trung tâm, khoa hay dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ ngay trong bệnh viện. Tại đây, người bệnh sẽ được hỗ trợ tối đa để kiểm soát triệu chứng bệnh, giảm đau và nâng cao chất lượng cuộc sống.

    Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không những khó chữa mà còn thay đổi cuộc sống của người bệnh và gia đình rất nhiều. Bệnh này đòi hỏi người nhà phải thật kiên nhẫn, tinh tế và thấu hiểu để tạo khoảng thời gian thoải mái cho bệnh nhân.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

    Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec


    Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 08/12/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo