backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Xét nghiệm đường huyết tầm soát bệnh tiểu đường

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 08/07/2021

Xét nghiệm đường huyết tầm soát bệnh tiểu đường

Xét nghiệm đường huyết là xét nghiệm phổ biến được sử dụng để giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.

Vậy xét nghiệm đường huyết là gì và cách tiến hành thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé.

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm đường huyết là gì?

Xét nghiệm đường huyết sẽ giúp đo định lượng glucose hay chỉ số glucose trong máu của bạn. Glucose, gọi đơn giản là đường, là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Cơ thể sẽ chuyển đổi các carbohydrate trong thực phẩm bạn tiêu thụ hằng ngày thành đường.

Xét nghiệm đường huyết được thực hiện chủ yếu để kiểm tra bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ. Tiểu đường là tình trạng khiến lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Ở những người khỏe mạnh, nồng độ đường trong cơ thể được điều chỉnh bằng một hormone gọi là insulin.

Tuy nhiên, nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không tiết đủ insulin hoặc insulin không hoạt động đúng cách. Điều này khiến lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Nếu không được điều trị, nồng độ đường trong máu cao có thể gây tổn thương nội tạng.

Hiếm hơn, xét nghiệm đường huyết cũng có thể được sử dụng để kiểm tra tình trạng hạ đường huyết, xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp.

Bệnh tiểu đường và xét nghiệm đường huyết

xét nghiệm đường huyết là gì

Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường được chẩn đoán ở trẻ em và thanh thiếu niên khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin. Đó là một bệnh mạn tính và cần được điều trị suốt đời. Bệnh tiểu đường tuýp 1 khởi phát muộn cũng cho thấy ảnh hưởng đến những người trong nhóm 30–40 tuổi.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường được chẩn đoán ở người lớn thừa cân và béo phì. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc khi insulin được sản xuất không hoạt động đúng cách. Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể giảm đi thông qua việc giảm cân.

Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi người phụ nữ mang thai phát triển bệnh tiểu đường. Tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi người phụ nữ sinh con.

Sau khi có chẩn đoán, bệnh nhân tiểu đường có thể làm kiểm tra đường huyết để xác định xem tình trạng của họ có được điều trị tốt hay không. Chỉ số glucose trong máu cao ở bệnh nhân tiểu đường có nghĩa rằng bệnh tiểu đường không được điều trị một cách hiệu quả.

Các nguyên nhân khác có thể làm cho nồng động glucose trong máu tăng cao, bao gồm:

  • Tiền tiểu đường (là người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2)
  • Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
  • Các vấn đề về thận
  • Viêm tụy (sự viêm của tuyến tụy)
  • Ung thư tuyến tụy

Trong trường hợp hiếm, nồng độ đường trong máu cao có thể là dấu hiệu của bệnh to đầu chi, hội chứng Cushing, suy thận, hoặc khối u thượng thận.

Nồng độ glucose trong máu quá thấp cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, kết quả này không phổ biến. Đường trong máu thấp hoặc hạ đường huyết có thể do:

  • Lạm dụng insulin
  • Đói
  • Suy tuyến yên
  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
  • Bệnh Addison, nghiện rượu, bệnh gan hoặc u tiết insulin (hiếm gặp)

Quy trình

Làm thế nào để chuẩn bị cho xét nghiệm?

Có hai loại xét nghiệm khác nhau: xét nghiệm đường huyết lúc đói và xét nghiệm đường huyết bất kỳ.

Nếu làm xét nghiệm đường huyết lúc đói, bạn không nên ăn hoặc uống gì trong 8 tiếng trước khi xét nghiệm. Bạn chỉ có thể uống nước lọc. Bạn nên sắp xếp xét nghiệm đường huyết lúc đói vào buổi sáng, để không cần phải nhịn đói trong ngày.

Trong khi đó, bạn có thể ăn và uống trước khi xét nghiệm đường huyết bất kỳ.

Stress nghiêm trọng có thể khiến đường huyết tăng tạm thời. Stress này thường là do phẫu thuật, chấn thương, đột quỵ hoặc đau tim. Một số thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Luôn luôn báo với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng kể cả thuốc kê toa, thuốc không kê toa và thảo dược. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng dùng một số loại thuốc hoặc quyết định thay đổi liều lượng trước khi xét nghiệm.

Các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu bao gồm:

  • Paracetamol
  • Corticosteroids
  • Steroids
  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc tránh thai đường uống (thuốc viên tránh thai)
  • Liệu pháp hormone
  • Aspirin
  • Thuốc chống loạn thần kinh không điển hình
  • Lithium
  • Epinephrine
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Thuốc ức chế IMAO
  • Phenytoin
  • Những thuốc nhóm sulfonylurea.

Điều cần làm trong quá trình xét nghiệm

lấy máu xét nghiệm đường huyết

Xét nghiệm đường huyết bao gồm việc lấy một mẫu máu nhỏ và phân tích mẫu máu này ở phòng thí nghiệm.

Một kỹ thuật viên sẽ lấy máu từ tĩnh mạch của bạn, thường là bên trong khuỷu tay hoặc trên mu bàn tay. Trước khi lấy máu, kỹ thuật viên sẽ làm sạch khu vực bằng chất khử trùng để diệt vi trùng. Kỹ thuật viên sẽ buộc một dải băng đàn hồi xung quanh cánh tay bạn, đẩy cho máu chảy vào tĩnh mạch.

Kỹ thuật viên sau đó sẽ xuyên một cây kim vô trùng vào tĩnh mạch của bạn. Máu sẽ được hút vào một ống và dải băng đàn hồi được tháo khỏi cánh tay bạn. Bạn có thể cảm thấy đau nhẹ đến vừa phải, tương tự như kim chích hoặc cảm giác nóng rát. Bạn có thể giảm đau bằng cách cố gắng thư giãn cánh tay.

Sau khi lấy máu xong, kỹ thuật viên sẽ lấy kim ra, đè lên chỗ tiêm và quấn băng. Tiếp tục đè trong vài phút để tránh bị thâm tím. Mẫu máu của bạn sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Bác sĩ sẽ theo dõi cùng bạn để thảo luận về kết quả.

Kết quả

Kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói

xét nghiệm đường huyết lúc đói

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói như sau:

  • Bình thường: 6.0 mmol/l và thấp hơn (dưới 110 mg/dl).
  • Rối loạn đường huyết lúc đói: giữa 6.1–6.9 mmol/L (giữa 110 mg/dl và 125 mg/dl).
  • Bệnh tiểu đường: 7.0 mmol/l trở lên (126 mg/dl trở lên).

Rối loạn đường huyết đói là một dạng của tiền tiểu đường.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 08/07/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo