backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh Alzheimer giai đoạn cuối: Làm sao vượt qua nhẹ nhàng?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 16/11/2022

    Bệnh Alzheimer giai đoạn cuối: Làm sao vượt qua nhẹ nhàng?

    Người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn cuối thường không còn khả năng tự thực hiện những sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, đi lại, tắm rửa… Thế nhưng, bạn có thể giúp cuộc sống của người bệnh dễ chịu hơn nếu biết cách chăm sóc.

    Việc chăm sóc người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối thường rất khó khăn vì người bệnh có thể đã mất hầu hết khả năng tự thực hiện các sinh hoạt hằng ngày. Vậy bạn phải làm sao để mình không mệt mỏi mà người bệnh cũng sống với bệnh nhẹ nhàng hơn? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

    Dấu hiệu bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

    bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

    Một số triệu chứng phổ biến cho thấy bệnh Alzheimer đã tiến triển nặng và bạn cần chăm sóc người bệnh nhiều hơn là:

    • Lặp đi lặp lại một câu hỏi 
    • Ngày càng cần nhiều sự hỗ trợ
    • Không còn khả năng tự ăn uống
    • Có những hành vi không phù hợp 
    • Khó ngủ và thời gian ngủ nghỉ đảo lộn
    • Có thói quen tích trữ hay lục lọi đồ đạc
    • Không thể tự đi lại mà phải dùng xe lăn 
    • Khó nuốt và không có khả năng tự ngồi 
    • Mất nhận thức về môi trường xung quanh
    • Khó giao tiếp và thường tránh né tương tác xã hội
    • Kích động hơn vào những thời điểm nhất định trong ngày
    • Dễ bị cảm lạnh hay mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi
    • Gặp khó khăn trong việc tự đi vệ sinh và có thể đi vệ sinh không tự chủ
    • Có những thay đổi tính cách như nóng nảy, hay lo lắng, không hợp tác…

    Chăm sóc người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

    bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

    Khi Alzheimer tiến triển tới giai đoạn cuối, người bệnh sẽ cần bạn hỗ trợ nhiều hơn trong những hoạt động nhỏ như đi lại hay ăn uống.

    Di chuyển người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

    Người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối có thể mất khả năng di chuyển và cần bạn giúp đỡ trong vấn đề đi lại. Lúc này, bạn cần hỏi bác sĩ để biết cách di chuyển người bệnh một cách an toàn và không tự gây thương tích cho mình.

    Cách di chuyển người bệnh

    – Di chuyển người bệnh qua một vị trí khác ít nhất 2 giờ một lần

    – Bạn hãy đứng về phía cơ thể yếu hơn của bệnh nhân để hỗ trợ họ di chuyển dễ hơn

    – Khi di chuyển người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối, bạn có thể đưa cho họ một thứ gì đó để cầm nắm như một cái chăn hay cái gối nhỏ. Việc này có thể giúp người bệnh ít bám vào người bạn hay đồ đạc xung quanh và bạn có thể di chuyển dễ dàng hơn.

    Cách tránh thương tích cho bản thân

    Bạn có thể áp dụng một số cách tránh làm tổn thương chính mình khi di chuyển bệnh nhân Alzheimer như sau:

    – Để người bệnh tựa càng sát vào mình càng tốt

    – Không nên di chuyển người bệnh nếu thấy mình không đủ sức

    – Bước từng bước nhỏ để di chuyển người bệnh chứ không quay người đột ngột

    – Đặt chân trước chân sau hoặc tách hai bàn chân xa nhau một chút để vững vàng hơn

    Bạn nên luôn chú ý đến tư thế đỡ người bệnh. Khi phải cúi xuống thấp để đỡ bệnh nhân, bạn cong đầu gối để người bệnh có thể bám vào mình rồi đứng thẳng lên bằng cách đẩy cơ đùi. Bạn lưu ý giữ thẳng lưng và thắt lưng.

    Chăm sóc bữa ăn của người bệnh Alzheimer

    bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

    Trong giai đoạn sau của Alzheimer, nhiều người bệnh sẽ mất hứng thú với ăn uống, không nhớ giờ ăn, thường ăn quá mức hay không ăn đủ… Điều này khiến họ dễ bị thiếu các vitamin và khoáng chất cần thiết để duy trì sức khỏe.

    Bạn có thể giúp bữa ăn của người bệnh đảm bảo dinh dưỡng hơn bằng các cách sau:

    – Hạn chế cho người bệnh ăn vặt.

    – Cho người bệnh ăn cùng một giờ mỗi ngày.

    – Tắt tivi trong giờ ăn để tạo không gian yên tĩnh.

    – Sử dụng chén đĩa nhiều màu sắc để món ăn bắt mắt hơn.

    – Cho người bệnh ăn từng món một thay vì dùng quá nhiều món.

    – Báo bác sĩ nếu người bệnh sụt cân quá nhiều, ví dụ như giảm 4 – 5kg một tháng.

    – Nếu người bệnh phải đeo răng giả, bạn hãy kiểm tra xem răng giả của họ có vừa vặn không.

    – Nếu người bệnh thấy khó cầm muỗng đũa, bạn có thể nấu các món có thể cầm tay ăn như gà luộc, sandwich, rau luộc…

    – Nếu bệnh nhân không ăn đủ, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cho họ dùng thêm thực phẩm chức năng hay các viên vitamin tổng hợp.

    Người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn cuối có thể gặp khó khăn trong việc nhai nuốt và dễ bị nghẹn thức ăn. Đây là tình trạng nguy hiểm nên bạn cần có những cách phòng ngừa như sau:

    – Không nên hối thúc mà hãy để họ nhai và nuốt từng miếng một.

    – Nấu thức ăn thật mềm và cắt nhỏ để dễ nuốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể nghiền thực phẩm thành dạng lỏng.

    – Tránh cho người bệnh sử dụng ống hút vì nó có thể khiến họ khó nuốt hơn

    – Ưu tiên cho người bệnh uống nước để nguội thay vì nước nóng. Nước nóng thường khó nuốt hơn.

    – Tránh cho người bệnh ăn khi họ buồn ngủ hoặc đang nằm nghỉ. Người bệnh cần ngồi thẳng trong suốt bữa ăn và trong 20 phút sau khi ăn xong.

    – Vuốt nhẹ phần cổ người bệnh từ trên xuống và nhắc nhở họ nuốt thức ăn.

    – Hỏi ý kiến bác sĩ để nghiền hoặc pha lỏng thuốc của bệnh nhân thay vì cho họ uống thuốc dạng viên.

    Chăm sóc da cho người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối

    Người bệnh Alzheimer sẽ dễ bị loét da do nằm một chỗ quá lâu hay còn gọi là lở loét do tì đè nên bạn cần có biện pháp phòng ngừa cũng như khắc phục. Một số cách bạn có thể tham khảo là:

    – Mua các loại nệm hay lót ghế khả năng giảm nhẹ tình trạng loét do nằm quá lâu.

    – Kiểm tra gót chân, hông, mông, vai, lưng và khuỷu tay của người bệnh để kịp thời phát hiện các vết đỏ hoặc vết loét. Khi phát hiện dấu hiệu loét, bạn cần báo bác sĩ để có cách xử lý.

    – Cố gắng giữ người bệnh nằm trong những tư thế không đụng tới vết loét quá nhiều.

    – Giúp người bệnh ngâm chân nước ấm và kiểm tra chân thường xuyên để phát hiện sớm vết lở loét hay chai sạn.

    – Thoa kem dưỡng da cho bệnh nhân để da không bị khô và nứt nẻ.

    – Cắt dũa móng tay và móng chân cho người bệnh thường xuyên.

    – Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách thực hiện các bài tập giãn cơ cho bệnh nhân. Đây là những bài tập bạn có thể giúp người bệnh vận động tay chân để ngừa tay chân bị căng cứng hay da bị loét do nằm quá nhiều.

    Để ý dấu hiệu co giật của bệnh nhân

    Người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối đôi khi có thể bị co giật ở tay, chân hoặc toàn cơ thể. Tình trạng co giật này khá giống co giật do động kinh nhưng người bệnh thường không ngất. Nếu bệnh nhân bị co giật, bạn cần báo với bác sĩ ngay để có phương án giảm nhẹ dấu hiệu này.

    Người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn cuối đã mất nhiều khả năng sinh hoạt hằng ngày nên luôn cần sự hỗ trợ từ người thân và bác sĩ. Hãy luôn nhớ chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt, bạn mới có thể chăm sóc người bệnh chu đáo và vượt qua giai đoạn này nhẹ nhàng hơn. 

    Nhắc nhở người bệnh dùng thuốc đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ

    Khi bệnh Alzheimer ở giai đoạn cuối, các triệu chứng suy giảm trí nhớ ngày càng nghiêm trọng. Do đó, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi việc, kể cả dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

    Với vai trò là người chăm sóc, bạn cần phải lưu ý và nhắc nhở người bệnh dùng thuốc đúng liều và đúng giờ. Nếu thấy người bệnh có dấu hiệu bất thường nào, bạn hãy nhanh chóng tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 16/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo