backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách chăm sóc người bệnh Alzheimer tại nhà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    Cách chăm sóc người bệnh Alzheimer tại nhà

    Quyết định chăm sóc người bệnh Alzheimer tại nhà sẽ giúp bạn cảm thấy vừa an tâm lại vừa áp lực khi đang bề bộn nhiều công việc. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách thu xếp thời gian và tìm hiểu kỹ về bệnh thì tình trạng của người thân sẽ cải thiện mà bạn vẫn không quá vất vả.

    Đối với những ai mắc bệnh Alzheimer, các hoạt động thường ngày như ăn uống, tắm rửa cũng trở nên khó khăn. Vậy bạn phải làm sao để chăm sóc người bệnh Alzheimer tại nhà thật nhẹ nhàng?

    Chăm sóc người bệnh Alzheimer về mặt tinh thần

    Tinh thần của người bệnh rất quan trọng nhưng cũng dễ bị tổn thương nếu họ cảm thấy mình không được cảm thông. Bạn cần trò chuyện và lắng nghe với người thân của mình để họ không cảm thấy cô đơn và bi quan. 

    Giao tiếp để cả hai luôn hiểu nhau

    Trò chuyện là vấn đề lớn cho cả bệnh nhân và người chăm sóc vì cả hai sẽ gặp khó khăn trong việc truyền đạt ý của mình cũng như hiểu ý người kia. Sự không hiểu nhau này có thể khiến bạn mất kiên nhẫn và người thân mắc bệnh cũng không vui. Bạn có thể áp dụng một số cách để cả hai hiểu nhau hơn như sau:

    • Chọn những từ đơn giản, sử dụng những câu ngắn và nói giọng nhẹ nhàng khi giao tiếp với người bệnh.
    • Giảm thiểu tiếng ồn xung quanh từ tivi hay điện thoại khi nói chuyện với người bệnh để họ tập trung hơn vào những gì bạn nói.
    • Tránh tình trạng không tập trung hay làm việc riêng khi đang trò chuyện với người bệnh. 
    • Duy trì sự tập trung của người bệnh vào cuộc trò chuyện bằng cách thỉnh thoảng gọi tên và tiếp xúc bằng mắt với họ. 
    • Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc tìm từ thích hợp để diễn tả ý mình, bạn hãy gợi ý nhẹ nhàng cho họ những từ đúng.
    • Nếu bạn đặt câu hỏi, hãy kiên nhẫn chờ câu trả lời chứ đừng ngắt lời người bệnh.

    Thấu hiểu những thay đổi tâm trạng

    Chăm sóc người bệnh Alzheimer

    Một trong những điều khó khăn nhất khi chăm sóc người bệnh Alzheimer là họ có những thay đổi đột ngột trong tâm trạng. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy hụt hẫng và tổn thương khi một người vốn rất dịu dàng, gương mẫu nay lại cư xử thô lỗ. 

    Khi phải chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh gây thay đổi tính cách như vậy, bạn cần bình tĩnh tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tâm trạng. Khi đã hiểu được lý do, bạn sẽ thấy mình bớt hụt hẫng và buồn bã với sự thay đổi tính cách này hơn. 

    Sự thay đổi tâm tính của người bệnh Alzheimer thông thường là do họ thất vọng vì mình không thể giao tiếp trôi chảy với người khác. Bạn có thể hướng dẫn người thân nói từ từ từng câu một để có thể diễn tả ý của mình tốt hơn. 

    Thông cảm với chứng ảo giác của người bệnh

    Khi bệnh Alzheimer tiến triển nặng, một số người có thể gặp phải ảo giác hoặc có những ảo tưởng sai lầm:

    • Ảo giác: là tình trạng bệnh nhân nhìn, nếm, ngửi, cảm nhận hoặc nghe thấy một thứ gì đó không có thật.
    • Ảo tưởng: là những niềm tin sai lầm mà người bệnh không từ bỏ dù có được thuyết phục thế nào đi nữa. 

    Bạn có thể hạn chế tình trạng gặp ảo giác hay có ảo tưởng bằng cách hướng người bệnh tránh các chương trình tivi không thực tế. Đôi khi, người bệnh có thể không phân biệt được những chuyện viễn tưởng trong tivi với đời thực. Nếu có thể, bạn hãy tìm thêm một số hoạt động mới như đi dạo để khiến người bệnh xao nhãng khỏi tivi.

    Bạn cũng không nên tranh cãi với người bệnh về những ảo giác họ thấy. Thay vào đó, bạn hãy cố gắng thông cảm và an ủi người bệnh khi họ bất an. Nếu chứng ảo giác và ảo tưởng trở nên quá nặng, bạn hãy tránh để người bệnh tiếp cận những vật gây nguy hiểm cho bản thân họ và mọi người xung quanh.

    Chăm sóc người bệnh Alzheimer trong việc vệ sinh

    Chăm sóc người bệnh Alzheimer trong việc vệ sinh

    Vấn đề vệ sinh cá nhân của người mắc Alzheimer có thể là gánh nặng cho người chăm sóc. Thế nhưng, bạn vẫn có cách giảm nhẹ căng thẳng khi chăm sóc người bệnh nếu tìm hiểu kỹ về bệnh.

    Giúp người bệnh Alzheimer đi vệ sinh

    Những bệnh nhân mắc Alzheimer giống người già ở điểm có thể gặp phải tình trạng đi vệ sinh không tự chủ. Điều này là một khó khăn lớn cho những ai phải chăm sóc người bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số cách cải thiện tình hình như sau:

    • Xây dựng thói quen đưa người bệnh vào phòng vệ sinh vào một giờ nhất định. Ví dụ, bạn có thể đưa người bệnh đi vệ sinh mỗi 2 – 3 giờ. Bạn hãy cố gắng theo sát lịch này hết sức có thể.
    • Luôn quan sát, để ý đến những dấu hiệu cần đi vệ sinh của người bệnh như bồn chồn hay kéo quần áo để xử lý kịp thời.
    • Hạn chế cho người bệnh uống quá nhiều nước vào buổi chiều tối hay trước giờ đi ngủ để tránh trường hợp họ đi vệ sinh không tự chủ vào ban đêm.
    • Chuẩn bị kỹ càng khi đưa người bệnh ra ngoài bằng cách cho người bệnh mặc những trang phục dễ cởi và mang sẵn đồ để thay. Khi đến một địa điểm mới, bạn cần xác định ngay nhà vệ sinh ở đâu để kịp thời đưa người thân đi khi cần.

    Giúp người bệnh Alzheimer tắm rửa

    Việc tắm rửa và thay đồ cũng là một thách thức vì bệnh nhân có thể không hợp tác khi tắm, không còn nhớ cách mặc đồ hay thậm chí không muốn tắm rửa. Lúc này, bạn có thể áp dụng những cách giúp người thân hợp tác hơn khi tắm rửa, thay đồ như sau:

    • Tắm rửa và thay đồ cho người bệnh vào một giờ nhất định. Bạn hãy chọn những lúc họ cảm thấy thoải mái và bình tĩnh nhất. 
    • Khi tắm cho người bệnh, bạn hãy giải thích với họ những gì mình đang làm để họ không hoảng sợ. 
    • Khi người bệnh tắm rửa và thay đồ, bạn hãy để họ làm gì có thể thay vì giúp họ làm hết tất cả.
    • Quá trình vệ sinh cá nhân của người bệnh có thể rất lâu nên bạn hãy sắp xếp nhiều thời gian tắm rửa và mặc quần áo để họ không bị quá căng thẳng khi sắp tới giờ hẹn.
    • Bạn không nên mua quá nhiều kiểu quần áo cho người bệnh vì việc này sẽ khiến họ khó chọn lựa mỗi ngày. Khi chọn quần áo cho người thân, bạn cũng nên ưu tiên những loại đồ thoải mái và dễ cởi ra, mặc vào như quần lưng thun.

    Chăm sóc người bệnh Alzheimer trong bữa ăn

    Việc ăn uống là một sinh hoạt rất bình thường nhưng sẽ trở thành một thách thức đối với người thân mắc bệnh Alzheimer. Bạn có thể giúp bệnh nhân hứng thú hơn với giờ ăn bằng các cách sau:

    • Sắp xếp giờ ăn cố định cho người thân mỗi ngày. Tuy nhiên, giờ ăn này cần phù hợp với nhu cầu của người bạn đang chăm sóc. 
    • Khi người bệnh Alzheimer ăn, bạn cần tạo môi trường yên tĩnh và thư giãn để họ không bị xao nhãng. 
    • Nấu cho bệnh nhân một chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng và đủ chất. Tuy nhiên, mỗi bữa bạn cần tránh nấu quá nhiều món để người bệnh không cảm thấy khó khăn khi lựa chọn.
    • Nấu ăn theo khẩu vị của người mình chăm sóc và trang trí món ăn thật bắt mắt.
    • Thay đổi những thói quen ăn uống sao cho phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Ví dụ, nếu người bạn chăm sóc gặp khó khăn khi dùng đũa, bạn hãy để họ dùng muỗng.

    Chăm sóc người bệnh Alzheimer lúc ngủ nghỉ

    Khi chăm sóc người bệnh Alzheimer, bạn có thể gặp khó khăn trong khi phải giúp họ ngủ ngon giấc mỗi đêm. Nếu thấy quá căng thẳng, bạn có thể áp dụng một số cách sau:

    • Ban ngày, bạn hãy khuyến khích người thân mắc Alzheimer vận động thường xuyên và không ngủ quá nhiều. Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách đẩy lùi bệnh Alzheimer hiệu quả. 
    • Sắp xếp các hoạt động khó khăn, tốn sức hơn vào ban ngày. Vào ban đêm, bạn hãy tạo môi trường yên tĩnh, không quá sáng để người bệnh thư giãn hơn.
    • Giúp người bệnh thiết lập thói quen ngủ cùng một giờ mỗi tối để họ dễ ngủ hơn.
    • Tránh để người thân uống quá nhiều caffeine vào cuối ngày.
    • Nếu người bệnh cảm thấy lo lắng khi ở trong phòng quá tối, bạn có thể bật đèn ngủ cho họ.

    Giảm thiểu nguy cơ đi lạc của người bệnh Alzheimer

    Giảm thiểu nguy cơ đi lạc của người bệnh Alzheimer

    Bạn có thể gặp khó khăn khi chăm sóc người bệnh Alzheimer vì họ đôi khi thích đi một mình ra khỏi nơi an toàn và tầm quan sát của bạn. Điều này có thể khiến người bệnh bị lạc và gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế rủi ro bằng các cách sau:

    • Cho người bệnh đeo vòng tay nhận dạng có đính kèm giải thích về tình trạng bệnh lý của họ và thông tin liên hệ với người chăm sóc. 
    • Chia sẻ bệnh tình của người thân với những hàng xóm gần nhà để họ có thể giúp đỡ khi thấy người bệnh tự ý đi xa khỏi nhà.
    • Lưu giữ hình ảnh hay video mới nhất về người bệnh để có thể cung cấp cho công an nếu chẳng may họ đi lạc.
    • Chú ý khóa cửa kỹ để người bệnh không thể tự ý ra ngoài khi bạn đang bận việc. Bạn cũng có thể lắp camera trong nhà để cảm thấy an tâm hơn. 

    Việc chăm sóc người bệnh Alzheimer sẽ không còn quá cực nhọc nếu bạn giữ tinh thần lạc quan và luôn yêu thương họ. Thậm chí, bạn có thể giúp người thân cải thiện tình trạng bệnh nếu kiên nhẫn chăm sóc mỗi ngày đấy!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo