Bệnh HIV/AIDS (Human Immuno-deficiency Virus) là một căn bệnh mà ở Việt Nam mọi người còn gọi là bệnh sida. Đây là một căn bệnh gây suy giảm hệ thống miễn dịch của người bệnh.
Trong bài viết này, HelloBacsi sẽ nêu rõ định nghĩa, nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa để bạn có thể hiểu một cách tổng quát về căn bệnh thế kỷ này.
Bệnh HIV/AIDS là gì?
AIDS là một bệnh mạn tính do HIV gây ra. Khi xâm nhập vào cơ thể, HIV bắt đầu phá huỷ các tế bào của hệ miễn dịch, khiến cơ thể mất dần khả năng chống lại virus, vi khuẩn và các loại nấm gây bệnh. Chính vì lý do này, nên bệnh nhân rất dễ mắc các bệnh vặt thông thường, dễ bị nhiễm trùng và thậm chí là các khối ung thư cũng phát triển mạnh hơn.
- HIV là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Human Immuno-deficiency Virus (Virus gây suy giảm miễn dịch ở người).
- AIDS là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Acquired Immuno Deficiency Syndrom (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).
- SIDA: là tên viết tắt của cụm từ tiếng Pháp Syndrome d’Immuno Deficience Acquise. Bên cạnh đó, để tránh nhầm lẫn với Tổ chức phát triển quốc tế Thụy Điển SIDA và tổ chức CIDA ở Canada; các chuyên gia quốc tế đã thống nhất một thuật ngữ để gọi tên cho căn bệnh này là AIDS.
Khác với các loại vius khác, virus HIV khi vào cơ thể sẽ tồn tại đến suốt đời. Thành thử, sau nhiều năm sống cùng HIV, khả năng miễn dịch của người bệnh sẽ yếu hẳn và bắt đầu mắc phải ADIS. Sau khi bị AIDS, người bệnh sẽ bắt đầu có nguy cơ tử vong do các loại vi khuẩn nhiễm trùng cơ hội tấn công.
Nguyên nhân gây bệnh HIV/AIDS là gì?
Theo thông tin của tổ chức phòng chống bệnh HIV/AIDS quốc tế – HIV.GOV, bệnh HIV được lây truyền qua các con đường như dịch cơ thể, máu, tính dịch, dịch tiết âm đạo và sữa mẹ.
Bệnh có thể lây truyền là do virus HIV dần dần phá hủy các tế bào T CD4 hay còn gọi là lmpho bào T4; một loại bạch cầu tham gia vào quá trình miễn dịch chống lại các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng cho cơ thể. Khi số lượng tế bào T CD4+ giảm dần, thì người bệnh HIV sẽ ngày càng yếu đi do liên tục mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Để chẩn đoán một người có bước qua giai đoạn AIDS hay chưa, ngày nay, các bác sĩ đã có thể chẩn đoán sớm hơn khi có thể dựa vào số lượng tế bào T CD4 (CD4+) để đưa ra kết luận.
HIV LÂY TRUYỀN QUA:
- LÂY TRUYỀN qua quan hệ tình dục không dùng bao cao su.
- LÂY TRUYỀN qua máu và dịch tiết từ các vết thương hở.
- LÂY TRUYỀN từ mẹ sang con khi mang thai và con bú sữa mẹ.
HIV KHÔNG LÂY TRUYỀN QUA:
- KHÔNG lây giao tiếp, đụng chạm thông thường như ho, hắt hơi, đụng chạm cơ thể.
- KHÔNG lây qua các vật phẩm dùng chung như quần áo, ghế ngồi, bể bơi, chén dĩa, đũa muỗng,..
- KHÔNG lây qua côn trùng và động vậy như chó, mèo, gà, chim, ruồi, muỗi,..
Số ca bệnh HIV/AIDS trên toàn thế giới
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, chỉ trong năm 2022, trên toàn thế giới đã có hơn 630.000 ca tử vong và hơn 1,3 triệu ca nhiễm HIV/AIDS.
Tính đến cuối năm 2022, trên toàn thế giưới đã có hơn 39 trệu người phải sống chung với bệnh HIV; hai phần ba trong số đó (khoảng 25,6 triệu) là ở khu vực Châu Phi.
Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh HIV/AIDS là gì?
Triệu chứng và dấu hiệu của người mắc bệnh HIV/AIDS sẽ có chút khác nhau ở mỗi người; và cũng còn tùy thuộc vào mỗi giai đoạn tiến triển của bệnh.
Các triệu chứng phổ biến của người bệnh HIV/AIDS:
- Triệu chứng của bệnh cảm cúm thông thường trong 2-4 tuần đầu.
- Sưng hoặc xơ cứng của các hạch nằm trong cổ họng, nách, háng.
- Sốt, phát ban, nổi mụn nhọt, đổ mồ hôi đêm không kiểm soát.
- Khó thở, ho khan, đau họng kéo dài không khỏi.
- Rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy, nôn, buồn nôn.
- Sụt cân liên tục hơn 10%, mệt mỏi hay thậm chí là kiệt sức.
- Đau đầu, khó tập trung, mất ngủ, lờ mờ chóng mặt.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp người bệnh HIV/AIDS không có bất cứ triệu chứng gì cho đến khi đi xét nghiệm.
Rủi ro mắc bệnh HIV/AIDS là gì?
Các yếu tố gia tăng nguy cơ nhiễm HIV và mắc AIDS là:
- Quan hệ tình dục không an toàn: Không sử dụng bao cao su khi quan hệ, quan hệ tình dục đường hậu môn, quan hệ tình dục cùng lúc nhiều đối tượng.
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác: Những người mắc các bệnh này nếu quan hệ sẽ làm tăng nguy cơ bị virus HIV tấn công và lây lan cho đối tác quan hệ.
- Nghiện ma túy: Người nghiện ma túy thường dùng chung kim tiêm gây phơi nhiễm HIV nếu có người trong nhóm đã mắc phải.
- Chưa cắt bao quy đầu. Các virus, vi khuẩn có thể tích tụ bên dưới quy đầu, làm tăng nguy cơ nhiễm HIV khi quan hệ tình dục – nhất là trong quan hệ tình dục đồng tính nam.
Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh HIV/AIDS
- Xét nghiệm kháng thể: Là loại xét nghiệm được tiến hành phổ biến nhất, để nhận diện sự có mặt của virus HIV thông qua việc phát hiện kháng thể kháng HIV.
- Xét nghiệm trực tiếp: Phát hiện chính bản thân HIV, bao gồm các xét nghiệm kháng nguyên (kháng nguyên p24), nuôi cấy HIV, xét nghiệm axit-nucleic của tế bào lympho máu ngoại vi và phản ứng chuỗi polymerase.
- Xét nghiệm đếm tế bào CD4: CD4 là loại bạch cầu bị HIV tấn công và tiêu diệt. Người khỏe mạnh thường có CD4 từ 500 tới hơn 1000. Ngay cả khi không có triệu chứng, nhiễm HIV sẽ diễn tiến sang AIDS khi CD4 dưới 200.
- Xét nghiệm khả năng kháng thuốc: Các bác sĩ sẽ tìm xem chủng HIV nào mà bạn đang mắc phải có kháng với loại thuốc nào hay không. Để từ đó có thể xác định chính xác loại virus đang khu trú trong cơ thể.
- Xét nghiệm phát hiện bệnh lây qua đường tình dục và nhiễm trùng cơ hội như giang mai, viêm gan B, lao,..
Để kết quả xét nghiệm xét nghiệm HIV chính xác, bác sĩ cần ít nhất 28 ngày để cơ thể hình thành các kháng thể kháng virus HIV. Trong thời gian này, mọi người đang ở trong giai đoạn được gọi là giai đoạn cửa sổ (window period) khi cơ thể có lượng kháng thể thấp mà nhiều xét nghiệm nhanh không thể phát hiện được. Nhưng người bệnh đã có thể gây lây truyền bệnh HIV cho người khác.
- Nếu kết quả là dương tính, bạn đã mắc bệnh HIV và có thể lây nhiễm HIV; tuy nhiên, đều này không có nghĩa là bạn lập tức bị AIDS.
- Nếu kết quả trả về âm tính, bạn không có các kháng thể tại thời điểm xét nghiệm. Nếu trước đó 3 tháng tính tới thời điểm xét nghiệm mà bạn không có hoạt động nào nguy hiểm thì bạn có thể yên tâm là bạn không bi HIV. Nhưng nếu thời gian ít hơn 3 tháng, để đảm bảo an toàn là bạn cần thực hiện xét nghiệm trở lại.
Cách điều trị bệnh HIV/AIDS là gì?
Bệnh HIV/AIDS hay bệnh sida là bệnh gì và có điều trị không? Trên thực tế, việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là rất tốn kém vì phải giúp kéo dài và duy trì sự sống cho bệnh nhân. Tính đến nay, bệnh sida hay hiv/aids là không thể điều trị.
Các loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS:
- Thuốc chống virus: Các thuốc chống virus ức chế sự phát triển và nhân lên của HIV ở những giai đoạn khác nhau trong vòng đời của virus. Hiện có một số nhóm như: idovudine, lamivudine, didanosin, zalcitabine, stavudine và abacavir), ức chế protease (saquinavir, ritonavir, indinavir, nelfinavir, amprenavir, lopinavir và atazanavir.), ức chế hòa nhập (enfuvirtide).
- Các chất ức chế men phiên mã ngược tương tự nucleosid (NRTI): đây là nhóm thuốc chống retrovirus đầu tiên được áp dụng. Chúng ức chế sự sao chép của một enzym HIV là men phiên mã ngược. Nhóm thuốc này gồm zidovudine, lamivudine, didanosin, zalcitabine, stavudine và abacavir. Một thuốc mới hơn là emtricitabine phải được dùng phối hợp với ít nhất là 2 thuốc AIDS khác, điều trị cả HIV và viêm gan B.
- Thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh cơ hội: Nhiều thuốc được sử dụng có hiệu quả để phòng ngừa và điều trị một số bệnh cơ hội xuất hiện ở người nhiễm HIV/AIDS.
- Thuốc điều hòa miễn dịch tăng cường hệ miễn dịch như: Alpha-interferon, interleukin 2, Ioprinasine,…
Những thông tin được cung cấp về thuốc sẽ KHÔNG THỂ THAY THẾ cho lời khuyên của bác sĩ. Cách tốt nhất là bạn phải đi khám và nhận sự hướng dẫn trực tiếp từ bác sĩ.
Cách phòng ngừa bệnh HIV/AIDS
- Phòng ngừa qua đường tình dục: Sử dụng bao cao su khi quan hệ, chỉ nên có một mối quan hệ tại một thời điểm, dùng thuốc tiệt trùng, viên đặt âm đạo nếu cần thiết.
- Phòng ngừa qua các tiếp xúc có dịch, máu: Tuyệt đối không tham gia chích ma túy, khi tham gia hiến máu, khám bệnh phải yêu cầu bác sĩ dùng dụng cụ đã được tiệt trùng.
- Phòng ngừa từ mẹ sang con: Phụ nữ đã nhiễm HIV tuyệt đối không nên mang thai. Vì khả năng lây truyền từ mẹ sang con là hơn 30%.
Người nhiễm HIV cũng không nên tiết lộ về tình trạng bệnh của mình với những người không cần biết vì có thể bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, người bệnh cần tham gia các hội nhóm hỗ trợ xã hội và pháp lý có uy tín để luôn nắm các thông tin bệnh và nhận trợ giúp nếu cần.
Tóm lại, nội dung trên là tất cả những gì bạn cần biết về bệnh HIV/AIDS là gì, bệnh sida là gì và làm sao để nhận biết và phòng ngừa. Hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về căn bệnh thế kỷ mang tên HIV/AIDS là gì rồi nhé. Đồng thời hãy nhớ chia sẻ thông tin quan trọng này đến người thân và cộng đồng của bạn nhé.
[embed-health-tool-ovulation]