Rất nhiều bệnh nhân cơ xương khớp hay đột quỵ, chấn thương đã tìm đến vật lý trị liệu và nhận thấy những hiệu quả bất ngờ. Vậy vật lý trị liệu có vai trò gì đối với sức khỏe? Tìm câu trả lời ngay trong bài viết sau bạn nhé.
Vật lý trị liệu là gì?
Vật lý trị liệu là phương pháp chữa trị, dùng các yếu tố vật lý: cơ học, nhiệt, điện, sóng, từ trường… áp dụng cho từng bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của chuyên gia trị liệu nhằm hồi phục thể chất ,tinh thần, cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật cũng như tăng cường sức khỏe toàn diện. Vật lý trị liệu sẽ tập trung vào những chuyển động tự nhiên, cách cơ thể hoạt động. Những mục tiêu cụ thể của vật lý trị liệu bao gồm:
- Giúp cơ săn chắc
- Giảm các cơn đau mạn tính (do chấn thương hay vấn đề từ bên trong cơ thể)
- Cải thiện phạm vi di chuyển và giúp khớp linh hoạt
- Ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra ở tim, khớp, xương và mô mềm, não và hệ thần kinh, phổi hay ngực.
Vật lý trị liệu có thể được thực hiện ở bệnh viện tư, phòng khám tư, trung tâm y tế, cộng đồng hay kể cả nơi làm việc. Khi đăng ký làm vật lý trị liệu, bệnh nhân sẽ phải thực hiện một vài bài kiểm tra sức khỏe; sau đó chuyên gia trị liệu sẽ phát triển một lộ trình dành riêng cho bệnh nhân, giúp cải thiện sức khỏe hiện tại cũng như phát hiện và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Nguồn gốc gây bệnh có xu hướng xuất phát từ các bộ phận khác của cơ thể nhiều hơn ở những nơi cơn đau xuất hiện.
Vật lý trị liệu là một trong các phương pháp chữa trị thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng vì hiệu quả và sự tiết kiệm chi phí.
Vật lý trị liệu chữa được những bệnh nào?
Vật lý trị liệu có thể chữa trị rất nhiều trường hợp bệnh và các triệu chứng như:
- Bệnh liên quan đến tim, phổi: Chúng hỗ trợ và giúp bệnh nhân phục hồi sau chấn thương hay các bệnh ở phổi và tim (như suyễn, xơ nang hay bệnh mạn tính)
- Bệnh đường tiết niệu: Kiểm soát và ngăn ngừa sự mất kiểm soát ở bàng quang, ruột và rối loạn chức năng xương chậu
- Sức khỏe phụ nữ: Chúng giúp cải thiện sức khỏe khi mang thai, sinh con, mãn kinh và các vấn đề khác xuất hiện ở phụ nữ
- Khung xương: Ngăn ngừa tình trạng giãn cơ và chấn thương cho bệnh nhân đau cổ và đau lưng. Các bài tập thể dục và các biện pháp can thiệp giúp phục hồi khả năng di chuyển
- Thần kinh, cột sống: Cải thiện sức khỏe của bệnh nhân sau chấn thương não hay xoắn dây thần kinh nghiêm trọng, đột quỵ hay chứng đa xơ cứng
- Ung thư và phù bạch huyết: Kiểm soát và giải quyết chứng mệt mỏi, đau, cứng khớp và cơ
- Chỉnh hình: Ngăn ngừa hay kiểm soát các vấn đề chỉnh hình như các loại viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp). Vật lý trị liệu còn giúp bệnh nhân chuẩn bị trước khi tiến hành phẫu thuật chỉnh hình
- Sức khỏe trẻ nhỏ: Phụ nữ mang thai có thể tập vật lý trị liệu để ngăn ngừa các bệnh có thể xảy ra như sự biến dạng đầu ở trẻ, phát triển chậm hay trẻ tăng động cũng có thể tập vật lý trị liệu để cải thiện sức khỏe.
Vật lý trị liệu ngày càng trở nên phổ biến và mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh. Hãy thử những bài tập trị liệu để cải thiện tình trạng sức khỏe của mình bạn nhé.