backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

13

Hỏi bác sĩ
Lưu

Mách bạn cách đặt câu hỏi thông minh cho bác sĩ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 02/02/2021

    Mách bạn cách đặt câu hỏi thông minh cho bác sĩ

    Bạn có xu hướng ngại hỏi bác sĩ khi đi khám bệnh? Vậy là bạn đã bỏ lỡ mất cơ hội chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình rồi đấy!

    Để chủ động bảo vệ sức khỏe, bạn nên hỏi bác sĩ khi đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bạn có thể còn ngần ngại vì sợ làm phiền hoặc không biết nên hỏi gì. Vì thế, nếu bạn có sự chuẩn bị trước về những câu hỏi cơ bản thì sẽ vượt qua trở ngại tâm lý này một cách dễ dàng hơn.

    Vì sao bạn nên chủ động hỏi bác sĩ?

    Thói quen hỏi bác sĩ khi đi khám bệnh có thể mang đến những lợi ích sau đây:

    1. Biết rõ hơn về tình trạng bệnh hiện tại

    Bạn không thể chỉ đến khám, được bác sĩ đưa thuốc gì dùng thuốc đó mà không hay biết mình bị chứng bệnh gì, nặng hay nhẹ, có nguy hiểm tính mạng hay không. Bên cạnh đó, bạn cũng không thể tự cảm nhận bệnh thông qua biểu hiện lâm sàng mà phải có các xét nghiệm cận lâm sàng để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nhất tình trạng bệnh. Việc chủ động hỏi bác sĩ sẽ giúp bạn nắm bắt rõ hơn về tình trạng bệnh để có sự chuẩn bị điều trị phù hợp.

    2. Hiểu được nguyên nhân gây bệnh

    Một chứng bệnh xảy ra có thể do nhiều yếu tố ảnh hưởng khác nhau. Bạn cần hỏi bác sĩ về các nguyên nhân chính gây ra bệnh để tự xem lại bản thân có thể điều chỉnh, kiểm soát các nguyên nhân được hay không. Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen sống, bạn sẽ tăng cơ hội điều trị bệnh khi thực hiện thay đổi lối sống lành mạnh.

    3. Phòng ngừa nguy cơ biến chứng

    Bất cứ căn bệnh nào nếu không được điều trị sớm hoặc đúng cách đều có thể gây ra những biến chứng lên cơ thể. Cảnh báo của bác sĩ về các rủi ro, biến chứng sẽ tạo động lực giúp bạn thay đổi và nghiêm túc điều trị để đạt hiệu quả cao hơn. Đây là cách giúp bạn kiên trì khi điều trị các bệnh lý lâu dài.

    4. Được tư vấn cách sinh hoạt khi điều trị

    Lối sống là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến rất nhiều bệnh lý như tiểu đường, béo phì, tim mạch… Dựa trên những thông số đo cụ thể của cơ thể, bác sĩ sẽ đưa ra các cách thay đổi chế độ ăn uống, lối sống tích cực hơn. Điều này không những giúp cải thiện bệnh lý hiện tại mà còn phòng ngừa được các bệnh nguy cơ khác.

    5. Tuân thủ được cách dùng thuốc đúng

    Việc sử dụng thuốc là phương pháp không thể thiếu trong quá trình điều trị. Vì thế bạn cần đẩy mạnh việc chủ động hỏi bác sĩ về bệnh, về thuốc để tuân thủ điều trị tốt hơn. Dù thuốc có tốt, đắt tiền đến mấy, nhưng nếu bạn dùng sai cách đều không mang lại hiệu quả hay thậm chí còn làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.

    Cách đặt câu hỏi thông minh cho bác sĩ

    hỏi bác sĩ

    Nếu biết cách đặt câu hỏi, bác sĩ sẽ giúp bạn lên kế hoạch điều trị hiệu quả và hạn chế được khả năng tái phát bệnh. Đối với những bệnh nguy hiểm có nguy cơ tái phát cao như đột quỵ, người bệnh cần hỏi bác sĩ một cách chi tiết để có thể cải thiện tình trạng này. Dưới đây là ví dụ 10 câu hỏi về đột quỵ mà người bệnh nên hỏi.

    1. Tình trạng sức khỏe như thế nào sau khi đột quỵ?

    Người bị đột quỵ có thể dẫn đến liệt, hôn mê hay thậm chí tử vong. Đột quỵ gây tác động nặng nề đến sức khỏe người bệnh. Vì thế, bạn cần hỏi bác sĩ về tình trạng bệnh hiện tại để cách điều trị phù hợp. Ví dụ như bị tê liệt cơ bắp có thể tập vật lý trị liệu, hay khó nói khó nuốt có thể điều trị bệnh học ngôn ngữ. 

    2. Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?

    Dựa vào chẩn đoán và thông tin bạn cung cấp khi thăm khám, bác sĩ có thể đưa ra những nguyên nhân khiến bạn bị đột quỵ. Từ đó, bạn có thể phòng ngừa đột quỵ tái phát bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn nhiều chất béo, ít vận động, thừa cân, béo phì, uống rượu bia, hút thuốc lá, tiểu đường…

    3. Những xét nghiệm cần thực hiện khi bị đột quỵ?

    Để xác định được cách điều trị tốt nhất, bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm để xác định các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Vì thế, bạn cần hỏi những loại hình xét nghiệm cần thực hiện để được tư vấn những điều cần thực hiện trước khi xét nghiệm. Những xét nghiệm đột quỵ có thể bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh như chụp CT, siêu âm động mạch…

    4. Đột quỵ có phục hồi hoàn toàn được không?

    Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh của mỗi người và cho biết khả năng hồi phục sức khỏe và các chức năng. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố về phác đồ điều trị của bác sĩ, sự tuân thủ của người bệnh và mức độ nặng nhẹ của bệnh. 

    Sau đột quỵ, khả năng phục hồi có thể dao động trong các khoảng sau đây (*) :

    • 10% người bệnh gần như phục hồi hoàn toàn 
    • 25% người bệnh phục hồi có sự suy yếu nhẹ
    • 40% người bệnh suy yếu từ mức độ trung bình tới nặng, cần chăm sóc đặc biệt 
    • 10% người bệnh cần chăm sóc tại cơ sở điều dưỡng, các cơ sở chăm sóc dài hạn
    • 15% người bệnh tử vong ngay sau khi đột quỵ

    (*) Số liệu tham khảo từ nguồn: christopherreeve.org

    5. Đột quỵ có bắt buộc phải điều trị tại bệnh viện hay không?

    Quyết định điều trị tại nhà hay tại bệnh viện là câu hỏi bạn cần hỏi bác sĩ để có sự chuẩn bị về chi phí điều trị, sắp xếp thời gian, công việc… Thông thường, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu gấp khi bắt đầu phát hiện các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ như méo miệng, liệt tay chân cùng bên, rối loạn ngôn ngữ…

    Sau cơn đột quỵ, người bệnh sẽ được điều trị theo dõi tại bệnh viện một khoảng thời gian cho đến khi bác sĩ đánh giá sự phục hồi của chức năng cơ thể. Quá trình phục hồi có thể thực hiện tại bệnh viện, cơ sở điều dưỡng chuyên môn, đơn vị ngoại trú hoặc tại nhà…

    6. Các phương pháp điều trị đột quỵ là gì?

    Sau khi chẩn đoán về tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Điều bạn cần làm là hỏi rõ tác dụng từng loại thuốc sử dụng, cách thực hiện phương pháp chi tiết để phác đồ điều trị của bác sĩ đạt được độ hiệu quả cao. Điều này có thể bao gồm sử dụng thuốc chống đông, phẫu thuật mạch máu, chương trình phục hồi chức năng…

    7. Điều chỉnh lối sống ra sao để ngăn ngừa đột quỵ?

    Quá trình điều trị đột quỵ không chỉ dừng ở việc sử dụng thuốc hay phẫu thuật, mà còn phụ thuộc chính vào lối sống hàng ngày. Bạn cần hỏi bác sĩ để được tư vấn những thực phẩm nên ăn, nên kiêng, duy trì cuộc sống tinh thần tích cực và thói quen xấu cần loại bỏ. Bạn cũng nên tránh các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, muối đường, rượu bia, thuốc lá, áp lực căng thẳng cuộc sống là những yếu tố có thể gây ra và làm tái phát đột quỵ.

    8. Tái khám đột quỵ định kỳ bao lâu 1 lần?

    Tùy vào mức độ bệnh và khả năng cải thiện chức năng, mỗi người bệnh sẽ có lịch hẹn tái khám khác nhau. Bạn cần hỏi rõ bác sĩ về ngày tái khám và kiểm tra sức khỏe tổng thể. Bạn không nên chủ quan chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng và tự ý mua thuốc, lấy đơn thuốc cũ để sử dụng, điều này có thể gây tái phát đột quỵ.

    9. Cách ngăn ngừa bệnh đột quỵ tái phát là gì?

    Sau khi phục hồi, bạn cần hỏi bác sĩ về cách ngăn ngừa đột quỵ tái phát vì đột quỵ có nguy cơ tái phát rất cao. Một người bị đột quỵ lần 1, tỷ lệ tái phát trong 5 năm tiếp theo sẽ lên đến 25%, đây là mức tỷ lệ cao cảnh báo người bệnh cần ý thức hơn và có phương pháp phòng ngừa phù hợp, vì tái phát lần 2 thường sẽ nặng hơn. Các phương pháp phòng ngừa có thể bao gồm lối sống, chế độ ăn lành mạnh, tập luyện đều đặn và kiểm soát các bệnh như tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…

    10. Cách xử lý khi bản thân có dấu hiệu đột quỵ?

    Đây là câu hỏi không chỉ bảo vệ tính mạng cho chính bản thân mà còn cho người thân xung quanh. Dấu hiệu đột quỵ bao gồm liệt mặt, liệt tay chân một bên, rối loạn ngôn ngữ. Các dấu hiệu này đôi lúc bị nhiều người nhầm lẫn do trúng gió dẫn đến những hành động có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh.

    Khi người thân bị đột quỵ, bạn nên lưu ý những điều mình nên làm và nên tránh:

    • Nên làm: Đỡ người bệnh nằm xuống nơi thoáng mát, gọi xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Bạn cũng có thể hô hấp nhân tạo nếu người bệnh gặp khó khăn khi hít thở.  

    • Nên tránh: Tránh tự ý cho dùng thuốc hạ huyết áp, ăn uống, cạo gió, châm cứu… Những việc này không những làm mất thời gian mà còn khiến tình trạng người bệnh gặp nguy hiểm.

    Đột quỵ tuy nguy hiểm nhưng nếu bạn biết cách chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời sẽ hạn chế được những rủi ro và khả năng tái phát.

    Mỗi ngày, một người bác sĩ phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân và họ không thể lúc nào cũng đưa ra hết những thông tin để bạn có thể nắm bắt. Việc tiếp nhận thông tin một cách thụ động sẽ chỉ mang lại những điều bất lợi cho quá trình điều trị của bạn. Vì thế, bạn hãy nên đặt câu hỏi để có thể chủ động lên kế hoạch điều trị bệnh hiệu quả nhất từ lối sống đến chỉ định dùng thuốc của bác sĩ nhé!

    Hoàng Trí HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 02/02/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo