backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Điểm mặt 4 nguyên nhân gây ngứa họng ngứa tai cần lưu tâm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 07/09/2023

    Điểm mặt 4 nguyên nhân gây ngứa họng ngứa tai cần lưu tâm

    Ngứa họng ngứa tai là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, chẳng hạn như dị ứng hay cảm lạnh. Những triệu chứng này thường không đáng lo ngại và có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngứa cổ họng và lỗ tai lại là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

    Trong bài viết này, Hello Bacsi tổng hợp thông tin về một số nguyên nhân phổ biến gây ngứa họng ngứa tai và cách chữa trị chúng. Mời bạn cùng tìm hiểu!

    Điểm mặt 4 nguyên nhân phổ biến gây ngứa họng ngứa tai

    Nhiều người thường thắc mắc không biết ngứa vòm họng ngứa tai là bệnh gì hay ngứa tai mũi họng là bệnh gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, triệu chứng ngứa họng ngứa tai có thể là triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe sau:

    1. Viêm mũi dị ứng

    Dị ứng phấn hoa gây ngứa họng ngứa tai

    Bị ngứa vòm họng ngứa tai là bệnh gì? Trong trường hợp này, bạn hãy nghĩ đến khả năng bạn đang bị viêm mũi dị ứng làm phiền.

    Viêm mũi dị ứng hay còn gọi là sốt cỏ khô xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị nhầm lẫn và phản ứng với một số chất thường không gây hại trong môi trường tự nhiên. Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng có thể bao gồm:

    • Phấn hoa
    • Vảy da thú cưng
    • Nấm mốc
    • Mạt bụi
    • Các chất kích thích khác, chẳng hạn như khói hoặc nước hoa

    Ngoài việc gây ngứa họng ngứa tai, viêm mũi dị ứng còn gây ra các triệu chứng sau:

    • Sổ mũi
    • Ngứa mắt, miệng hoặc da
    •  Chảy nước mắt
    • Hắt xì
    • Ho
    • Nghẹt mũi
    • Mệt mỏi.

    2. Dị ứng thức ăn gây ngứa tai và ngứa cổ họng

    Triệu chứng ngứa tai ngứa họng sau khi ăn là do đâu? Trong trường hợp này, khả năng cao là bạn bị dị ứng thức ăn. Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng như lạc (đậu phộng), trứng hoặc một số thực phẩm khác. Ước tính có khoảng từ 4–6% trẻ em và khoảng 4% người lớn bị dị ứng thực phẩm.

    Triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

    • Co thắt dạ dày
    • Nôn mửa
    • Tiêu chảy
    • Nổi mề đay

    Trong một số trường hợp, dị ứng có thể nghiêm trọng đến mức gây sốc phản vệ, đe dọa tính mạng của người bệnh. Khi có các triệu chứng sốc phản vệ, bạn cần khẩn cấp gọi cấp cứu 115 hoặc đi đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất ngay lập tức. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:

    • Khó thở
    • Thở khò khè
    • Sưng miệng
    • Khó nuốt
    • Chóng mặt
    • Ngất xỉu
    • Cổ họng bị thắt lại
    • Loạn nhịp tim

    Chóng mặt

    Có đến 90% trường hợp dị ứng bắt nguồn từ các loại thực phẩm sau:

    • Đậu phộng và các loại hạt, như hạt óc chó và hạt hồ đào
    • Cá và hải sản có vỏ như cua, ghẹ, nghêu, sò, ốc
    • Sữa bò
    • Trứng
    • Lúa mì
    • Đậu nành

    Một số loại hạt, trái cây và rau củ có chứa một loại protein tương tự như chất gây dị ứng trong phấn hoa. Nếu bạn bị dị ứng phấn hoa, những thực phẩm sau đây có khả năng gây ra phản ứng gọi là hội chứng dị ứng miệng và có thể gây ngứa họng ngứa tai:

    • Dứa (thơm)
    • Táo
    • Chuối
    • Cà rốt
    • Rau cần tây
    • Quả anh đào
    • Dưa chuột
    • Hạt phỉ
    • Kiwi
    • Dưa
    • Cam
    • Đào
    • Mận
    • Cà chua
    • Bí ngòi

    Các triệu chứng dị ứng miệng bao gồm:

    • Ngứa miệng
    • Ngứa họng ngứa tai
    • Sưng miệng, lưỡi và cổ họng

    Một số trẻ bị dị ứng nặng với các loại thực phẩm như trứng, đậu nành và sữa bò. Các tình trạng dị ứng thực phẩm khác như dị ứng lạc và hạt cây có thể kéo dài suốt đời.

    3. Ngứa họng ngứa tai do dị ứng thuốc

    Ngứa họng ngứa tai do dị ứng thuốc

    Uống thuốc xong bị ngứa vòm họng ngứa tai là bệnh gì? Đáp án là rất có thể đây là triệu chứng dị ứng thuốc. Nhiều loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng chỉ khoảng 5-10% phản ứng với thuốc là tình trạng dị ứng thực sự. Cũng giống như các loại dị ứng khác, dị ứng thuốc xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn nhầm lẫn thuốc thành một tác nhân gây hại và phản ứng lại một cách quá mức cần thiết. Hầu hết các phản ứng dị ứng xảy ra trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi dùng thuốc. Các triệu chứng dị ứng thuốc bao gồm:

    • Phát ban da
    • Nổi mề đay
    • Ngứa
    • Khó thở
    • Khò khè
    • Sưng phù

    Một số trường hợp dị ứng thuốc nghiêm trọng có thể gây sốc phản vệ với các triệu chứng như:

    • Nổi mề đay
    • Sưng mặt hoặc cổ họng
    • Thở khò khè
    • Chóng mặt
    • Sốc

    Bạn cần đi khám ngay khi có các triệu chứng dị ứng thuốc. Nếu bị dị ứng, bạn phải ngừng sử dụng loại thuốc đó. Nếu dị ứng thuốc gây ra sốc phản vệ, bạn cần gọi khẩn cấp vào số 115 hoặc đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

    4. Cảm lạnh

    Cảm lạnh

    Bạn vẫn còn thắc mắc là ngoài 3 nguyên nhân kể trên thì ngứa vòm họng ngứa tai là bệnh gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, cảm lạnh cũng là một trong những nguyên nhân gây ngứa họng ngứa tai phổ biến. Hầu hết người trưởng thành đều bị cảm lạnh từ 2 đến 3 lần mỗi năm, với triệu chứng điển hình là hắt hơi, sổ mũi.

    Các loại virus gây cảm lạnh thường lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Cảm lạnh không phải là một vấn đề nghiêm trọng nhưng chúng gây phiền nhiễu cho người bệnh. Chúng thường kéo dài một vài ngày với các triệu chứng sau:

    • Sổ mũi
    • Ho
    • Hắt xì
    • Đau họng
    • Nhức mỏi cơ thể
    • Đau đầu.

    Cách điều trị triệu chứng ngứa họng và ngứa tai

    Mỗi khi bị ngứa họng ngứa tai phải làm sao hay ngứa họng ngứa tai là bệnh gì, điều trị thế nào? Theo các chuyên gia sức khỏe, nếu ngứa họng ngứa tai là do cảm lạnh, bạn có thể tự điều trị các triệu chứng cảm lạnh và dị ứng mức độ nhẹ bằng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), thuốc thông mũi và thuốc chống dị ứng. Để giảm ngứa, bạn cũng nên thử dùng thuốc kháng histamine dạng uống hoặc kem bôi.

    Một số loại thuốc kháng histamine phổ biến bao gồm:

    Nếu các triệu chứng ngứa tai và ngứa họng kéo dài hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn, hãy đi khám để được chẩn đoán và tư vấn cách điều trị.

    Dưới đây là các phương pháp điều trị theo từng nguyên nhân gây ngứa họng và ngứa tai mà bạn có thể tham khảo:

    1. Viêm mũi dị ứng

    Không hút thuốc lá

    Bị viêm mũi dị ứng gây ngứa họng ngứa tai phải làm sao? Trong trường hợp này, bạn có thể kiểm soát triệu chứng ngứa họng ngứa tai và các triệu chứng dị ứng khác bằng cách sử dụng thuốc thông mũi không kê đơn, chẳng hạn như pseudoephedrine (Sudafed) hoặc thuốc kháng histamine như loratadine (Zyrtec). Những loại thuốc này có cả dạng viên, dạng thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi.

    Để hạn chế các tác nhân gây dị ứng, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:

    • Ở trong nhà khi lượng phấn hoa bên ngoài cao. Đóng cửa sổ và bật điều hòa không khí.
    • Không hút thuốc lá và tránh xa bất cứ ai đang hút thuốc.
    • Không cho phép thú cưng vào phòng ngủ.
    • Giữ độ ẩm trong nhà ở mức dưới 50% để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc. Làm sạch những nơi có xuất hiện nấm mốc bằng hỗn hợp nước và thuốc tẩy clo.
    • Sử dụng loại tấm phủ giường chống mạt bụi.
    • Giặt drap trải giường, mền và các loại khăn khác trong nước nóng trên 60ºC.
    • Hút bụi đồ nội thất, thảm và rèm cửa.

    Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn sau khi áp dụng các phương pháp điều trị trên, bạn nên đến gặp bác sĩ dị ứng.

    2. Dị ứng thức ăn

    Nếu bạn thường phản ứng với một số loại thực phẩm nhất định, hãy đến gặp bác sĩ dị ứng. Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm chích da để xác nhận loại thực phẩm nào đang kích hoạt phản ứng dị ứng trong cơ thể bạn.

    Khi đã xác định được loại thực phẩm gây dị ứng, bạn cần tránh xa nó. Luôn kiểm tra nguyên liệu món ăn trước khi thưởng thức để tránh bị dị ứng.

    3. Dị ứng thuốc

    Khi có triệu chứng ngứa họng ngứa tai do dị ứng thuốc, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám. Có khả năng bạn sẽ được đề nghị ngừng dùng thuốc. Trong trường hợp có các dấu hiệu sốc phản vệ, bạn cần gọi ngay cho cấp cứu để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

    4. Cảm lạnh

    dùng thuốc giảm đau

    Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị cảm lạnh triệt để. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm các triệu chứng của mình bằng các loại thuốc sau:

    • Thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil).
    • Thuốc thông mũi hoặc thuốc xịt mũi, chẳng hạn như pseudoephedrine (Sudafed).
    • Thuốc cảm lạnh kết hợp như dextromethorphan (Delsym).

    Cảm lạnh thường sẽ tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.

    Khi nào bạn cần đi khám?

    Bạn cần đi khám ngay nếu các triệu chứng ngứa họng ngứa tai kéo dài hơn 10 ngày hoặc trầm trọng hơn theo thời gian. Đặc biệt, bạn cần phải nhờ trợ giúp y tế khẩn cấp khi có các triệu chứng sau:

    • Khó thở
    • Thở khò khè
    • Nổi mề đay
    • Nhức đầu dữ dội hoặc đau họng
    •  Sưng mặt
    • Khó nuốt…

    Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu hoặc dịch cổ họng để xem xét loại vi trùng đang gây ra vấn đề cho bạn. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị dị ứng, bạn có thể được đề nghị đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để kiểm tra da và máu hoặc chuyển đến khám ở chuyên khoa tai mũi họng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 07/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo