backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau khuỷu tay và những điều bạn cần biết

Tác giả: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành · Chỉnh hình · Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh


Ngày cập nhật: 11/10/2022

    Đau khuỷu tay và những điều bạn cần biết

    Khuỷu tay là bộ phận phải hoạt động hằng ngày trên cơ thể chúng ta. Đặc biệt, đối với những vận động viên hoặc người thường xuyên làm việc nặng bằng cơ tay sẽ dễ bị đau khuỷu tay. Khi gặp phải triệu chứng này, liệu bạn có biết thực sự vấn đề xảy ra ở đâu trên tay của mình hay không? 

    Cùng tìm hiểu nhé!

    Các nguyên nhân gây đau khuỷu tay thường gặp

    Có ít nhất 7 loại vấn đề khuỷu tay khác nhau thường gặp. Mỗi tình trạng sẽ có biểu hiện và cách điều trị đau khuỷu tay khác nhau. Nếu bạn để ý kỹ có thể phân biệt được tình trạng của mình thuộc trường hợp nào đấy nhé!

    1. Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

    Đau khuỷu tay: viêm mỏm lồi cầu ngoài

    Một tên khác của viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là hội chứng tennis elbow, ảnh hưởng đến gân ở bên ngoài khuỷu tay. Bởi vì hội chứng này thường ảnh hưởng đến những người chơi quần vợt hoặc một số ngành nghề thường xuyên lặp lại các động tác giống nhau, bao gồm:

    • Đầu bếp
    • Họa sĩ
    • Thợ mộc
    • Công nhân một số xí nghiệp
    • Thợ ống nước

    Triệu chứng bao gồm đau khuỷu tay hoặc rát dọc theo bên ngoài, đôi khi bạn sẽ thấy khớp khuỷu tay bị kẹt cứng. Chúng sẽ giảm khi nghỉ ngơi, vật lý trị liệu hoặc sử dụng dây đeo/nẹp cho khuỷu tay.

    2. Viêm mỏm trên lồi cầu trong

    Đau khuỷu tay: viêm mỏm trên lồi cầu trong

    Viêm mỏm trên lồi cầu trong ảnh hưởng đến các gân bên trong khuỷu tay (hội chứng khuỷu tay gôn thủ, hội chứng Little League elbow). Vì các chuyển động ném lặp đi lặp lại được sử dụng trong bóng chày và động tác đánh golf là các nguyên nhân phổ biến gây ra viêm mỏm trên lồi cầu. Ngoài ra, các công việc cần lặp đi lặp lại chuyển động của cánh tay, chẳng hạn như nện búa cũng có thể gây ra hội chứng này.

    Viêm mỏm trên lồi cầu gây đau ở bên trong khuỷu tay. Thậm chí bạn chỉ cử động cổ tay cũng gây đau khuỷu tay. Để cải thiện, hãy nghỉ ngơi, chườm lạnh hoặc sử dụng thuốc chống viêm không kê đơn như ibuprofen.

    3. Viêm bao hoạt dịch mỏm khuỷu

    Đau khuỷu tay: viêm bao hoạt dịch mỏm khuỷu

    Các tên thường gặp của viêm bao hoạt dịch mỏm khuỷu là hội chứng “student’s elbow”, “miner’s elbow” và “draftsman’s elbow”. Đây là tình trạng viêm các túi dịch nhỏ giúp bảo vệ khớp. Viêm bao hoạt dịch mỏm khuỷu ảnh hưởng đến bao hoạt dịch bảo vệ đầu xương nhọn của khuỷu tay. Nó có thể do bị đánh vào khuỷu tay, dựa tì khuỷu tay trong một thời gian dài, nhiễm trùng hoặc viêm khớp.

    Các triệu chứng bao gồm sưng, đau khuỷu tay và dẫn đến khó vận động; nếu có nhiễm trùng, khuỷu tay sẽ nóng đỏ.

    Để điều trị, bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc và tấm lót khuỷu tay. Nếu bệnh nặng và mãn tính, bạn có thể cần phẫu thuật.

    4. Thoái hóa khớp

    Thoái hóa khớp ảnh hưởng đến sụn, một loại mô liên kết được tìm thấy trong các khớp, bị mòn và hủy hoại. Thoái hóa khớp khuỷu có thể do chấn thương khuỷu làm mòn và rách sụn khớp.

    Viêm khuỷu tay do thoái hóa khớp

    Triệu chứng bao gồm:

    • Đau
    • Khó nghiêng khuỷu tay
    • Cảm giác khuỷu tay bị kẹt
    • Phát ra tiếng rít khi vận động
    • Sưng

    Thoái hóa khớp thường được điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu. Phẫu thuật, bao gồm thay khớp, chỉ được lựa chọn trong những trường hợp nặng.

    5. Trật khớp hoặc gãy xương vùng khuỷu

    Đau khuỷu tay do trật xương khớp

    Một chấn thương ở khuỷu tay, chẳng hạn như té ngã khi cánh tay hoặc khuỷu tay dang ra, có thể gây trật khớp hoặc gãy xương. Trật khớp xảy ra khi xương di chuyển khỏi vị trí thông thường của nó. Gãy xương xảy ra khi xương có một vết nứt hoặc gãy.

    Triệu chứng bao gồm:

    • Thay đổi hình dáng khuỷu tay, gây sưng tấy.
    • Đau khuỷu tay
    • Không thể vận động khớp

    Bác sĩ có thể nắn khớp trở lại vị trí, sau đó nẹp hoặc bó bột và cho bệnh nhân dùng thuốc để giảm đau và sưng. Sau khi tháo bột, người bệnh cần được vật lý trị liệu để phục hồi khả năng vận động.

    6. Tổn thương dây chằng và bong gân

    Các vấn đề dây chằng có thể xảy ra ở bất kỳ dây chằng nào nằm trong khớp khuỷu tay, thường do chấn thương hoặc lực tác động lặp đi lặp lại. Dây chằng có thể bị kéo căng, rách một phần hoặc rách hoàn toàn. Một số trường hợp còn nghe thấy tiếng bốp khi bị thương.

    Triệu chứng bao gồm:

    • Đau khuỷu tay
    • Mất vững khớp
    • Sưng đỏ
    • Bị hạn chế mức độ vận động

    Việc điều trị có thể bao gồm:

    • Nghỉ ngơi
    • Dùng các biện pháp để giảm đau như chườm đá
    • Nẹp khuỷu tay
    • Vật lý trị liệu

    7. Viêm xương sụn bóc tách

    viêm xương sụn bóc tách gây đau khuỷu tay

    Tình trạng này xảy ra khi các mảnh sụn và xương nhỏ bị bật ra khỏi khớp khuỷu. Viêm xương sụn bóc tách thường là hậu quả của một chấn thương thể thao ở khuỷu tay và thường thấy nhất ở nam giới trẻ tuổi.

    Bạn sẽ bị đau và đau nhói ở bên ngoài khuỷu tay, khó duỗi cánh tay và có cảm giác khớp bị mắc kẹt. Bạn có thể điều trị chấn thương này bằng cách cố định khớp khuỷu tay và vật lý trị liệu.

    Bạn nên làm gì khi có vấn đề ở khuỷu tay?

    Cấp cứu nếu bạn thấy:

    • Khuỷu tay bị biến dạng rõ ràng, có thể nhìn thấy bằng mắt thường
    • Xương lồi ra

    Đi thăm khám ngay nếu:

    • Đau nhiều, sưng và bầm tím xung quanh khớp
    • Khó khăn khi vận động khuỷu tay bình thường, sử dụng cánh tay hoặc xoay cánh tay của bạn từ lòng bàn tay ngửa đến lòng bàn tay sấp và ngược lại.

    Sắp xếp thăm khám sớm nếu:

    • Đau khuỷu tay không cải thiện sau khi chăm sóc tại nhà
    • Cơn đau xảy ra ngay cả khi bạn không sử dụng cánh tay
    • Tăng triệu chứng tấy đỏ, sưng hoặc đau ở vùng bị thương

    Chẩn đoán đau khuỷu tay

    Bác sĩ có thể chẩn đoán các vấn đề của đau khuỷu tay thông qua những phương pháp sau:

    • Khám lâm sàng và tiền sử bệnh
    • X-quang
    • CT scan
    • MRI
    • Điện cơ (EMG)
    • Sinh thiết màng bao hoạt dịch

    Cách điều trị đau khuỷu tay

    Hầu hết các cơn đau khuỷu tay được cải thiện với phương pháp điều trị tại nhà đơn giản, chẳng hạn như:

    • Bảo vệ: Giữ cho vùng đó không bị thương thêm
    • Nghỉ ngơi: Tránh các hoạt động gây thương tích
    • Chườm đá: Đặt một túi nước đá vào vùng bị đau trong 15 đến 20 phút ba lần một ngày
    • Băng ép: Sử dụng băng ép để giảm sưng
    • Nâng cao: Giữ cánh tay của bạn lên cao để giúp giảm sưng

    Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs), nẹp hoặc bó bột, tiêm steroid và hướng dẫn bạn tập vật lý trị liệu để phục hồi. Phẫu thuật chỉ là lựa chọn cuối cùng khi tất cả các phương pháp khác không hiệu quả.

    Làm sao để ngăn ngừa các vấn đề đau khuỷu tay?

    Hầu hết các vấn đề khuỷu tay là hậu quả của chấn thương và hoạt động quá mức. Bạn có thể ngăn chặn chúng bằng cách:

    • Chỉnh sửa các kỹ thuật không đúng trong thể thao
    • Dùng đúng kích cỡ tay cầm khi sử dụng thiết bị thể thao
    • Khởi động làm ấm và kéo căng phù hợp trước khi chơi thể thao
    • Sử dụng miếng lót khuỷu tay

    Một điều quan trọng khác là bạn phải nghỉ giải lao giữa các lần hoạt động lặp đi lặp lại. Nếu từng bị đau khuỷu tay, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn giải pháp phù hợp, tránh tái phát.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành

    Chỉnh hình · Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh


    Ngày cập nhật: 11/10/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo