backup og meta

Viêm mô tế bào

Viêm mô tế bào

Viêm mô tế bào là một bệnh da liễu do nhiễm vi khuẩn gây ra viêm ở lớp hạ bì và các mô dưới da. Các triệu chứng bệnh này thường khá tương đồng với một tình trạng nhiễm trùng ở lớp trên của da là viêm quầng, do đó thường được so sánh phân biệt với nhau.

Để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

Bệnh viêm mô tế bào là gì?

Viêm mô tế bào (cellulitis) là tình trạng nhiễm trùng da khá phổ biến do vi khuẩn gây ra, có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời. Vùng da bị tổn thương sẽ sưng, đỏ và thường có cảm giác đau cũng như ấm, nóng khi chạm vào.

Tình trạng này hay xảy ra ở vùng da ở phần chân dưới nhưng vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào khác như mặt, cánh tay… Nhiễm trùng phát triển khi có vết thương hở ở trên da và cho phép vi khuẩn xâm nhập vào gây bệnh.

Nếu không điều trị triệt để, nhiễm trùng có khả năng lan đến hạch bạch huyết và vào máu, gây đe dọa đến tính mạng. Căn bệnh này không lây nhiễm từ người sang người.

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm mô tế bào

Dấu hiệu và triệu chứng viêm mô tế bào thường xảy ra ở một bên cơ thể, bao gồm:

  • Xuất hiện vùng da màu đỏ, có xu hướng lan rộng dần
  • Sưng tấy
  • Đau, ấn vào thấy mềm
  • Có cảm giác ấm, nóng
  • Sốt
  • Có các đốm màu đỏ
  • Phồng rộp
  • Tạo thành nhiều vết lõm trên da, trông như vỏ cam

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Việc quan trọng nhất là phải xác định và điều trị viêm mô tế bào càng sớm càng tốt vì nhiễm trùng có thể lây lan nhanh chóng khắp cơ thể.

Bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức nếu thấy:

  • Xuất hiện mẩn đỏ, sưng, phát ban hoặc các nốt phát ban thay đổi nhanh chóng
  • Sốt cao
  • Phát ban đỏ, sưng, ấm, đau khi chạm vào và đang lan rộng, có thể không có sốt

Nguyên nhân viêm mô tế bào là gì?

viêm mô tế bào

Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn, thường là liên cầu khuẩn (streptococcus) và tụ cầu (staphylococcus), xâm nhập vào các lớp dưới bề mặt da qua vết thương hở như vết cắt, lở loét trên da, vết bỏng hay vết đốt/cắn. Trong đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) đang gia tăng. Người bệnh nếu bị viêm do MRSA có thể dẫn đến phồng rộp da và nhiễm trùng nghiêm trọng hơn so với nhiễm các loại vi khuẩn khác.

Khi vi khuẩn xâm nhập xuống dưới bề mặt da, chúng sẽ bắt đầu sinh sôi và tạo ra các hóa chất gây viêm ở đó, gây ra các triệu chứng bệnh.

Viêm mô tế bào thường phát triển tại các khu vực dễ sưng (phù nề), có lưu lượng máu kém hoặc phát ban da tạo ra các vết nứt trên da, chẳng hạn như khi nhiễm nấm nông ở chân. Lưu ý, viêm mô tế bào quanh hốc mắt có thể lan đến não nếu không được điều trị nhanh chóng, kịp thời bằng kháng sinh.

Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị viêm mô tế bào

Bạn sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng nhiễm trùng da này nếu có một số yếu tố sau:

  • Chấn thương. Bất kỳ vết cắt trên da, gãy xương, bỏng hay trầy xước đều có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
  • Hệ miễn dịch suy yếu. Một số vấn đề sức khỏe làm suy giảm hệ miễn dịch chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bệnh bạch cầu và HIV/AIDS có thể khiến nhiễm trùng dễ xảy ra hơn. Một số loại thuốc cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn.
  • Các bệnh da liễu khác. Các vấn đề như chàm (eczema), nấm bàn chân hay zona có thể tạo ra những vết rách nhỏ trên da, mở đường cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Tình trạng sưng mạn tính ở cánh tay hay chân (phù mạch bạch huyết), đôi khi xảy ra sau khi phẫu thuật.
  • Từng có tiền sử bị viêm mô tế bào trước đây sẽ khiến nguy cơ tái phát cao hơn.
  • Béo phì. Thừa cân hoặc béo phì cũng làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng nhiễm trùng da này.

Cách chẩn đoán viêm mô tế bào

Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sau khi quan sát các triệu chứng trên da bạn. Một vài trường hợp, họ sẽ đề nghị bạn làm xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm khác để giúp loại trừ các vấn đề khác nếu còn cảm thấy nghi ngờ.

tìm gặp bác sĩ

Bác sĩ thường phải phân biệt giữa viêm mô tế bào với các vấn đề khác cũng gây sưng, đỏ da, như:

  • Bệnh chàm
  • Nấm da (hắc lào)
  • Phát ban do thuốc
  • Bệnh vẩy nến
  • Xơ cứng mỡ dưới da
  • Viêm tĩnh mạch huyết khối
  • Tổn thương sau xạ trị

Những phương pháp điều trị viêm mô tế bào hiện nay

Điều trị y khoa

Người bệnh thường phải sử dụng một loại thuốc kháng sinh đường uống theo chỉ định của bác sĩ. Trong vòng 3 ngày kể khi bắt đầu uống thuốc, bạn nên thông báo cho bác sĩ biết tình trạng nhiễm trùng có đang đáp ứng tốt với kháng sinh đang dùng không. Thời gian cho một đợt điều trị bằng kháng sinh theo đơn bác sĩ thường là 5–10 ngày, có khi 14 ngày.

Hầu hết trường hợp, các dấu hiệu và triệu chứng bệnh sẽ biến mất sau một vài ngày. Tuy nhiên, bạn có thể cần nhập viện và tiếp nhận thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch nếu:

  • Các triệu chứng bệnh không đáp ứng hiệu quả với kháng sinh đường uống
  • Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh đã lan rất rộng
  • Sốt cao

Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc có tác dụng tiêu diệt cả liên cầu và tụ cầu khuẩn. Bạn chỉ cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn và phác đồ điều trị, ngay cả khi cảm thấy các triệu chứng đã cải thiện.

Bạn cũng nên nâng cao khu vực có vùng da bị tổn thương. Điều này giúp rút ngắn thời gian phục hồi.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà

Bạn có thể áp dụng thử một số cách để giảm bớt triệu chứng bệnh, chẳng hạn như:

  • Chườm mát vùng da bị ảnh hưởng thường xuyên có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau không kê đơn
  • Nâng khu vực bị tổn thương da lên cao
  • Hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng các sản phẩm hỗ trợ như tất (vớ) nén, băng thun

Các phòng ngừa viêm mô tế bào

Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng kháng sinh phòng ngừa nếu tình trạng này từng tái phát nhiều lần. Để giúp ngăn ngừa bệnh này và các nhiễm trùng khác, bạn hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi có vết thương ngoài da:

  • Rửa vết thương hàng ngày với xà phòng và nước
  • Sử dụng kem hoặc thuốc mỡ giúp bảo vệ vùng da bị tổn thương
  • Che vết thương bằng băng gạc và thay băng mỗi ngày
  • Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ, đau, chảy dịch…

Những người mắc bệnh đái tháo đường và có hệ tuần hoàn không tốt cần có nhiều biện pháp phòng ngừa hơn để ngăn tổn thương trên da, ví dụ:

  • Kiểm tra bàn chân hàng ngày
  • Giữ ẩm làn da thường xuyên
  • Cắt móng tay, móng chân cẩn thận
  • Bảo vệ tay và chân cẩn thận
  • Điều trị nhiễm trùng trên da kịp thời

Hello Health Group và Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cellulitis. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cellulitis/basics/prevention/con-20023471 Ngày truy cập 23/2/2017

Cellulitis. https://dermnetnz.org/topics/cellulitis/. Ngày truy cập 04/6/2020

Cellilitis. https://www.health.harvard.edu/a_to_z/cellulitis-a-to-z. Ngày truy cập 04/6/2020

Phiên bản hiện tại

12/06/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

BHA cho da dầu mụn: Những lưu ý về cách chọn và cách dùng

Triệu chứng các bệnh về da phổ biến ở người lớn và trẻ em


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 12/06/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo