backup og meta

3

Chia sẻ

Zalo

Sao chép đường dẫn

Tất cả những điều bạn cần biết xoay quanh bệnh viêm da dị ứng

Tất cả những điều bạn cần biết xoay quanh bệnh viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng thường được gọi là bệnh chàm, là một bệnh da liễu có thể gặp ở bất kỳ ai với các triệu chứng viêm nhiễm, sưng đỏ, ngứa ngáy ở vùng da bị ảnh hưởng do tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

Tuy không nguy hiểm nhưng bệnh viêm da dị ứng có thể để lại sẹo trên da gây mất thẩm mỹ. Việc hiểu rõ về tình trạng da liễu này có thể giúp bạn chủ động hơn trong việc điều trị cũng như phòng ngừa bệnh.

Bệnh viêm da dị ứng là gì?

Đây là một bệnh da liễu mạn tính, có xu hướng bùng phát rồi tự khỏi sau một khoảng thời gian. Các triệu chứng viêm da dị ứng da điển hình là vùng da bị ảnh hưởng trở nên nóng, ngứa, khô và tróc vảy. Mảng da khô do bị dị ứng da thường xuất hiện ở vùng đầu, trán và mặt.

Khi bạn bị dị ứng da, ngoài các triệu chứng viêm da dị ứng như đã kể trên, bạn có thể đồng thời bị một bệnh lý khác như hen hoặc viêm mũi dị ứng. Bệnh có thể làm bạn ngứa rất nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày. Hãy tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ để ngăn tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn và giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm trùng da do hành động gãi làm trầy xước, tổn thương bề mặt da.

Có rất nhiều các loại viêm da dị ứng khác nhau, mỗi loại viêm da có thể trông hơi khác nhau một chút và có xu hướng xảy ra ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Các loại viêm da thường gặp nhất bao gồm:

  • Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng (Eczema − chàm): Loại viêm da dị ứng ở trẻ em này thường xuất hiện với các vết mẩn đỏ, ngứa ở vùng da tại các vị trí hay co duỗi hay có nếp gấp da như bên trong khuỷu tay, phía sau đầu gối và phía trước cổ, phía sau tai.
  • Viêm da tiếp xúc: Bệnh nhân có dấu hiệu phát ban trên các vùng cơ thể thường xuyên tiếp xúc với các chất gây kích ứng da hoặc gây ra phản ứng dị ứng, ví dụ như thuốc, xà phòng hoặc một số loại tinh dầu… Các vết phát ban da đỏ có thể nóng hoặc ngứa hay phồng to lên.
  • Viêm da tiết bã: Tình trạng này gây ra những mảng vảy cứng, da đỏ và khiến da đầu có gàu (ở trẻ nhỏ được gọi là cứt trâu). Viêm da tiết bã thường xuất hiện ở các vùng da dầu trên cơ thể như vùng ngực và lưng.

Triệu chứng viêm da dị ứng thường gặp

viêm da dị ứng là gì?

Nhiều người thường thắc mắc bệnh viêm da dị ứng có những triệu chứng nào? Theo các chuyên gia, triệu chứng phổ biến nhất của viêm da dị ứng là ngứa, và tình trạng ngứa có thể nghiêm trọng. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

  • Các mảng da khô, đỏ.
  • Các vết phát ban có thể rỉ dịch (màu trong suốt, màu vàng), thậm chí là chảy máu khi bị trầy xước
  • Da trở nên dày và cứng

Các triệu chứng có thể bùng phát ở nhiều vùng trên cơ thể cùng một thời điểm, có thể xuất hiện ở cùng một vị trí hoặc ở những vị trí mới. Sự xuất hiện của các vết phát ban và vị trí phát ban thay đổi tùy theo độ tuổi; tuy nhiên, phát ban có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể. Những người bị viêm da dị ứng có tông màu da tối hơn thì các vùng da bị ảnh hưởng thường bị sẫm màu hoặc sáng hơn so với các vùng da khác.

1. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trong thời kỳ sơ sinh và đến 2 tuổi, phổ biến nhất là phát ban đỏ, có thể chảy dịch khi gãi, xuất hiện trên:

  • Khuôn mặt
  • Da đầu (cứt trâu)
  • Vùng da xung quanh khớp như khuỷu tay, khoeo gối, sau tai…

Một số cha mẹ lo lắng trẻ bị viêm da dị ứng vùng mặc tã; tuy nhiên, tình trạng hiếm khi xuất hiện ở khu vực này. Các triệu chứng phát ban ở trường hợp này chủ yếu là do hăm tã

2. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ em

Trẻ trong độ tuổi 2 tuổi đến tuổi dậy thì, triệu chứng viêm da dị ứng phổ biến nhất là phát ban dày màu đỏ, có thể rỉ dịch hoặc chảy máu khi gãi, xuất hiện trên:

  • Khuỷu tay và đầu gối, các nếp gấp da
  • Cổ
  • Mắt cá chân

3. Dấu hiệu viêm da dị ứng ở thanh thiếu niên và người lớn

Ở thanh thiếu niên và  người lớn, các triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng phổ biến nhất là phát ban có vảy màu đỏ đến nâu sẫm, có thể chảy máu và đóng vảy khi bị trầy xước, xuất hiện trên:

  • Tay
  • Cổ
  • Khuỷu tay và đầu gối, các nếp gấp
  • Vùng da quanh mắt
  • Mắt cá chân và bàn chân.

Theo các chuyên gia sức khỏe, một số các đặc điểm trên da phổ biến khác của viêm da dị ứng bao gồm:

  • Xuất hiện nếp gấp da thừa dưới mắt, được gọi là nếp gấp Dennie-Morgan
  • Sạm da bên dưới mắt
  • Nếp nhăn da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Ngoài ra, người bị viêm da cơ địa thường kèm theo các bệnh lý khác như:

  • Hen suyễn và dị ứng, bao gồm cả dị ứng thực phẩm.
  • Các bệnh ngoài da khác, chẳng hạn như bệnh vảy cá, khiến da khô và dày lên.
  • Trầm cảm hoặc lo lắng
  • Mất ngủ.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu lý do tại sao bị viêm da dị ứng khi còn nhỏ có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô trong tương lai.

  • Gãi khiến nhiễm trùng da do vi khuẩn có thể trở nên tồi tệ hơn. Đây là những điều phổ biến và có thể làm cho bệnh khó kiểm soát hơn.
  • Nhiễm trùng da do virus như mụn cóc hoặc vết loét lạnh.
  • Mất ngủ có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi ở trẻ em.
  • Bệnh chàm tay (viêm da tay).
  • Các vấn đề về mắt như:
    • Viêm kết mạc (đau mắt đỏ), gây sưng và đỏ ở bên trong mí mắt và lòng trắng của mắt.
    • Viêm bờ mi, gây viêm và đỏ mí mắt nói chung.

Bệnh viêm da dị ứng có thể dẫn tới các biến chứng như:

Khi nào bạn cần khám?

Bạn nên đi khám càng sớm càng tốt nếu có những triệu chứng dưới đây:

  • Mất ngủ hoặc các dấu hiệu viêm da dị ứng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân hàng ngày
  • Đau vùng da bị ảnh hưởng
  • Da bị nhiễm trùng: vệt đỏ, mủ hay vảy vàng, chảy dịch
  • Không thể tự chăm sóc bản thân
  • Ảnh hưởng đến khả năng nhìn.

Nếu bạn thấy con bạn cũng có những triệu chứng như trên hay bị dị ứng da, cần đưa bé đến bác sĩ sớm.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm da dị ứng?

viêm da dị ứng và chàm

Không ai biết nguyên nhân gây viêm da dị ứng cụ thể là gì. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết rằng những thay đổi trong lớp bảo vệ của da có thể khiến da mất đi độ ẩm khiến da bị khô, dẫn đến tổn thương và viêm nhiễm trên da. Nghiên cứu mới cho thấy rằng chứng viêm là nguyên nhân trực tiếp gây ra cảm giác ngứa khiến bệnh nhân phải gãi. Điều này dẫn đến tổn thương thêm cho da cũng như tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Các nhà nghiên cứu biết rằng những điều sau đây có thể góp phần vào những thay đổi trong hàng rào bảo vệ da, giúp kiểm soát độ ẩm:

  • Những thay đổi (đột biến) trong gene
  • Các vấn đề với hệ thống miễn dịch
  • Tiếp xúc với những thứ nhất định trong môi trường.

1. Yếu tố di truyền

Bạn có nguy cơ phát triển bệnh viêm da dị ứng cao hơn nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh, điều này cho thấy di truyền có thể đóng một vai trò trong nguyên nhân. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những thay đổi đối với gene kiểm soát một loại protein cụ thể và giúp cơ thể chúng ta duy trì một lớp da khỏe mạnh. Trường hợp không đạt được mức bình thường của loại protein này, hàng rào bảo vệ da sẽ thay đổi, cho phép độ ẩm thoát ra ngoài và khiến hệ thống miễn dịch của da tiếp xúc với môi trường, dẫn đến viêm da dị ứng.

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục nghiên cứu về gene để hiểu rõ hơn về cách thức các đột biến khác nhau gây ra viêm da dị ứng.

2. Hệ miễn dịch

Hệ thống miễn dịch có vai trò giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh, vi khuẩn và vi rút xâm nhập. Theo các nhà khoa học, khi hệ thống miễn dịch trở nên rối loạn và hoạt động quá mức, có thể tạo ra tình trạng viêm nhiễm trên da, dẫn đến viêm da dị ứng.

3. Môi trường

Các yếu tố môi trường có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch thay đổi hàng rào bảo vệ của da khiến độ ẩm thoát ra nhiều hơn, dẫn đến viêm da dị ứng. Những yếu tố này có thể bao gồm:

    • Tiếp xúc với khói thuốc lá
    • Một số loại chất gây ô nhiễm không khí
    • Hương liệu và các hợp chất khác được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc và xà phòng
    • Da quá khô.

Thông thường, bạn sẽ không bị phát ban dị ứng ngay lần đầu tiên tiếp xúc, nhưng dần dần da bạn trở nên nhạy cảm hơn. Lần tiếp xúc tiếp theo có thể khiến da bạn sẽ xuất hiện các triệu chứng phát ban.

Nguy cơ mắc phải

triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ em

Những ai thường mắc phải bệnh này?

Bệnh viêm da dị ứng khá phổ biến và trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng. Bệnh này có thể xuất hiện trước khi trẻ được 5 tuổi và tiếp tục cho đến khi trưởng thành. Đối với một số trẻ, tình trạng dị ứng da có thể cải thiện và biến mất dần theo thời gian. Bệnh thường gặp ở những người có người thân bị  bệnh chàm, viêm mũi dị ứng hay hen.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh?

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra viêm da như:

  • Độ tuổi: Bệnh viêm da dị ứng thường xảy ra nhiều hơn ở trẻ em
  • Yếu tố di truyền: Những người có tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị bệnh chàm, dị ứng, sốt hoặc hen suyễn có nhiều nguy cơ bị bệnh hơn
  • Nghề nghiệp – môi trường làm việc: Các công việc tiếp xúc với một số loại kim loại, dung môi hoặc chất tẩy rửa làm tăng nguy cơ bị viêm da tiếp xúc. Nhiều chuyên gia da liễu chia sẻ rằng, nếu làm trong ngành y tế, bạn có thể có khả năng bị chàm ở tay do tiếp xúc với vật phẩm y tế.
  • Tình trạng sức khỏe: Bạn có thể có nguy cơ bị viêm da tiết bã nếu mắc một trong số các bệnh như suy tim sung huyết, bệnh Parkinson hay HIV.

Chẩn đoán và điều trị

chẩn đoán bệnh viêm da dị ứng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh?

Việc chẩn đoán bệnh viêm da dị ứng hay viêm da kích ứng khá đơn giản. Bác sĩ hay chuyên gia da liễu có thể chẩn đoán dựa trên quan sát da của bạn. Họ sẽ kiểm tra xem da bạn có đau khi chạm vào hay không hoặc kiểm tra mắt của bạn có bị tổn thương hay không. Xét nghiệm thường sẽ không giúp xác định bệnh. Bác sĩ có thể sẽ xét nghiệm 1 mẫu da để loại trừ tình trạng nhiễm trùng.

Đâu là cách điều trị viêm da dị ứng hiệu quả?

Theo các chuyên gia sức khỏe, viêm da dị ứng là một căn bệnh phức tạp và hiện chưa có thuốc chữa. Tuy nhiên vẫn có các giải pháp mang lại công dụng làm thuyên giảm những triệu chứng viêm hay viêm da kích ứng khó chịu. Mục tiêu của cách trị viêm da dị ứng bao gồm:

  • Ngăn không để các triệu chứng của bệnh diễn tiến xấu đi hoặc bùng phát bệnh
  • Giảm đau, giảm ngứa cho người bệnh
  • Giảm cảm giác khó chịu hay yếu tố nguy cơ gây ra dị ứng da
  • Ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng
  • Làm mm da, giúp da không bị dày lên.

Việc điều trị cho người bị viêm da dị ứng cần phối hợp giữa việc dùng thuốc giảm nhẹ triệu chứng, chăm sóc da và thay đổi lối sống. Thuốc chữa bệnh viêm da dị ứng gồm có kem giảm ngứa, giảm nguy cơ bị viêm và bảo vệ da. Những loại thuốc chữa viêm da dị ứng này có chứa corticoid, tacrolimus (protopic), pimecrolimus (elidel) và thuốc mỡ kháng sinh. Đối với những trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể kê thuốc uống giảm ngứa, corticoid đường uống hay đường tiêm để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Thuốc bao gồm: prednisone, diphenhydramine, cetirizine (zyrtec) và hydroxyzine (atarax).

Những phương pháp điều trị viêm da dị ứng khác gồm có:

  • Đắp gạc ướt, mát nhằm che các khu vực bị nhiễm trùng với corticoid và gạc ướt
  • Sử dụng chất làm mềm da và dưỡng ẩm hàng ngày cho vùng da khô
  • Bôi corticoid để làm giảm triệu chứng sưng tấy, đỏ và ngứa trong quá trình phát bệnh
  • Liệu pháp ánh sáng hay chiếu đèn sử dụng tia cực tím A nhân tạo hay B để điều trị bệnh dị ứng da.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh da dị ứng?

điều trị viêm da dị ứng

  • Tránh tiếp xúc yếu tố khởi phát bệnh: Bạn nên liệt kê tất cả những thứ dễ gây ra dị ứng mà bạn biết như thức ăn hay chất tẩy rửa, xà phòng…
  • Giữ ẩm cho da: Bạn nên dưỡng ẩm cho da ít nhất 2 lần 1 ngày. Ưu tiên dùng kem dưỡng lúc vừa tắm xong, lúc đó da của bạn vẫn còn độ ẩm. Nếu da đã khô, bạn có thể cân nhắc việc dùng dầu hay kem bôi trơn.
  • Tránh làm trầy xước da: Việc cào gãi chỉ khiến cho da ngày càng tệ hơn. Bạn có thể hạn chế việc này bằng cách bôi chất chống ngứa. Sau đó, bạn cần cắt móng tay và đeo găng khi đi ngủ.
  • Băng ép giữ cho da mát và ẩm: Che phủ vùng bị ảnh hưởng bằng băng để giúp bảo vệ da và tránh cào gãi.
  • Tắm bằng nước ấm: Bạn có thể tắm bằng nước có pha baking soda hay yến mạch chưa nấu chín hoặc chất keo bột yến mạch trong 10-15 phút. Sau đó, tắm lại bằng sữa tắm dịu nhẹ trước khi lau khô da và sử dụng thuốc xức ngoài da, kem dưỡng ẩm hay cả hai (sử dụng thuốc trước).

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp cho bạn những thắc mắc xoay quanh vấn đề về bệnh viêm da dị ứng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Atopic Dermatitis

https://www.niams.nih.gov/health-topics/atopic-dermatitis Ngày truy cập 18/4/2023

ECZEMA TYPES: ATOPIC DERMATITIS OVERVIEW

https://www.aad.org/public/diseases/eczema/types/atopic-dermatitis Ngày truy cập 18/4/2023

Atopic eczema. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atopic-dermatitis-eczema/symptoms-causes/syc-20353273. Ngày truy cập 12/06/2019

Atopic eczema. www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/eczema/eczema-basics. Ngày truy cập 12/06/2019

Atopic dermatitis. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eczema/basics/preparing-for-your-appointment/con-20032073. Ngày truy cập 12/06/2019

Atopic Dermatitis: Overview. https://emedicine.medscape.com/article/1049085-overview. Ngày truy cập 12/06/2019

Atopic dermatitis https://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/atopic-dermatitis Ngày truy cập: 26/01/2022

Atopic dermatitis https://dermnetnz.org/topics/atopic-dermatitis Ngày truy cập: 26/01/2022

Phiên bản hiện tại

14/05/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan

avatar

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 14/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo