backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bệnh thủy đậu (trái rạ)

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 21/12/2020

Bệnh thủy đậu (trái rạ)

Bệnh thủy đậu (hay trong dân gian còn gọi là trái rạ) là một căn bệnh có khả năng truyền nhiễm cao, do virus varicella zoster gây ra. Virus này có khả năng gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và zona thần kinh (hay giời leo) ở người lớn nên còn gọi là virus thủy đậu – zona (VZV).

Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh thủy đậu là gì? Các dấu hiệu, triệu chứng cũng như nguyên nhân và cách điều trị của căn bệnh này là gì? Mời bạn cùng đọc tiếp bài viết sau.

Tìm hiểu chung

Bệnh thủy đậu (trái rạ) là gì?

Thủy đậu hay trái rạ là một dạng nhiễm virus cấp tính, do virus varicella zoster (VZV) gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm nhất. Người bệnh sẽ có những phát ban da gây ngứa với nhiều mụn nước nhỏ, chứa đầy dịch bên trong.

Sau khi nghiên cứu thành công vắc xin thủy đậu thì đó là phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, đồng thời giảm được mức độ nặng của bệnh nếu lỡ bị nhiễm virus gây bệnh.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu và triệu chứng thủy đậu (trái rạ) là gì?

Tình trạng phát ban và phồng rộp da do nhiễm virus thủy đậu xuất hiện sau khoảng 10–21 ngày từ khi tiếp xúc với mầm bệnh. Sau đó, các triệu chứng thường kéo dài từ 5–10 ngày. Một số dấu hiệu và triệu chứng khác có thể xuất hiện trước 1–2 ngày có phát ban gồm:

  • Sốt
  • Mất cảm giác ngon miệng, biếng ăn
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi, khó chịu

Khi phát ban đặc trưng cho thủy đậu xuất hiện, thường sẽ trải qua 3 giai đoạn:

  • Nổi các nốt sần có màu hồng hoặc đỏ, bùng phát trong vài ngày
  • Các mụn nước nhỏ chứa đầy dịch hình thành sau khoảng 1 ngày, sau đó vỡ ra và chảy dịch
  • Các lớp vảy hình thành bao phủ ở chỗ mụn nước bị vỡ và cần thêm vài ngày để lành hẳn tổn thương trên da này

Những nốt thủy đậu mới sẽ liên tiếp xuất hiện trong vài ngày đầu nên trên da có thể tồn tại cả 3 giai đoạn trên cùng lúc.  Ngoài ra, khả năng lây truyền virus sang người khác cao nhất là trong 48 giờ trước khi có phát ban. Tuy nhiên, virus vẫn lây lan được cho đến khi tất cả mụn nước trên da đều bị vỡ.

triệu chứng bệnh thủy đậu ở trẻ em

Nhìn chung, căn bệnh này không quá nghiêm trọng ở bệnh nhi khỏe mạnh. Một số trường hợp nặng, phát ban có thể bao phủ toàn bộ cơ thể và tổn thương da có thể xuất hiện ở cổ họng, mắt và màng nhầy của niệu đạo, hậu môn và âm đạo.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn cho rằng con mình bị thủy đậu, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Bác sĩ sẽ thăm khám, kiểm tra các vết thương tổn trên da và kê thuốc giúp giảm bớt triệu chứng cũng như điều trị hoặc ngăn ngừa biến chứng. Để tránh lây nhiễm cho người khác, hãy cố gắng đặt lịch khám trước và thông báo tình hình của trẻ. Nhân viên y tế có thể hướng dẫn bạn cùng trẻ nghi nhiễm bệnh ngồi ở phòng chờ riêng.

Nếu có các triệu chứng sau đây, hãy thông báo ngay với bác sĩ:

  • Các nốt thủy đậu lan đến mắt
  • Vùng da phát ban trở nên đỏ, ấm hoặc đau khi ấn vào
  • Phát ban kèm theo chóng mặt, mất phương hướng, nhịp tim nhanh, khó thở, run, mất phối hợp cơ, ho nặng, nôn mửa, cứng cổ hoặc sốt cao (khoảng 39ºC)
  • Trong gia đình có người chưa tiêm phòng bệnh thủy đậu hoặc có trẻ nhỏ hơn 6 tháng

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu (trái rạ) là gì?

Tác nhân gây ra căn bệnh này là virus. Chúng có thể lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da phát ban. Ngoài ra, virus cũng lây qua việc tiếp xúc với các giọt dịch hô hấp khi ho và hắt hơi của người bệnh.

Nguy cơ nhiễm phải virus và phát bệnh sẽ cao hơn ở những người chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng ngừa. Do đó, tất cả trẻ em và những người làm việc trong các cơ sở chăm sóc trẻ em đều cần được tiêm phòng đầy đủ.

Biến chứng

Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không?

Một số trường hợp bệnh thủy đậu có thể trở nên nghiêm trọng và gây ra các biến chứng như:

Những đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng thủy đậu

Một vài nhóm đối tượng có khả năng cao gặp biến chứng khi bị thủy đậu là:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có mẹ chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc-xin
  • Thanh thiếu niên và người trưởng thành
  • Phụ nữ có thai chưa từng bị thủy đậu
  • Người hút thuốc lá
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu do thuốc (hóa trị) hay do một bệnh lý khác (ung thư, HIV…)
  • Người đang dùng thuốc steroid để điều trị bệnh hoặc vấn đề sức khỏe khác

Bệnh thủy đậu và zona thần kinh (giời leo)

thủy đậu

Nếu đã từng bị thủy đậu, bạn có nguy cơ gặp phải zona thần kinh (giời leo). Virus varicella-zoster vẫn tồn tại trong các tế bào thần kinh sau khi các tổn thương trên da đã lành hết. Sau nhiều năm, chúng có thể tái kích hoạt và gây ra bệnh zona. Người bệnh sẽ thấy xuất hiện một cụm mụn nước gây đau đớn, khó chịu dọc theo đường dây thần kinh, tồn tại trong thời gian năng. Khả năng tái hoạt này cao hơn ở người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.

Cơn đau do bệnh zona có thể kéo dài rất lâu, sau khi mụn nước đã hết hoàn toàn. Tình trạng này được gọi là đau thần kinh sau zona.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh thủy đậu (trái rạ)

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bệnh lý này dựa trên dấu hiệu phát ban và mụn nước trên da, đồng thời hỏi thăm về các triệu chứng gặp phải ở người bệnh. Nếu có nghi ngờ, họ sẽ yêu cầu thực hiện thêm xét nghiệm như xét nghiệm máu hoặc nuôi cấy mẫu da.

Trong khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ cần phân biệt giữa thủy đậu với các bệnh lý khác có triệu chứng khá tương đồng như:

  • Đậu mùa: thường gây triệu chứng toàn thân nặng, mụn mọc dày, có mủ. Tuy nhiên, căn bệnh này đã chấm dứt từ năm 1980.
  • Chốc lở bọng nước (impertigo): thường gây ra do vi khuẩn Streptococcus beta hemotytic nhóm A. Các tổn thương ở da xảy ra ở trẻ sau khi da bị trầy xước, tổn thương do ghẻ, chàm… rồi bị nhiễm trùng dẫn đến việc tạo ra bọng nước.
  • Bọng nước do virus Herpes simplex: thường xảy ra trên vùng da có bệnh như chàm, viêm da dị ứng.
  • Bọng nước do Coxsackie nhóm A: có thể gây bọng nước toàn thân nhưng thường gây tổn thương da ở dạng phát ban hơn là bọng nước.

Điều trị

Các phương pháp điều trị thủy đậu (trái rạ) là gì?

Ở các trẻ khỏe mạnh, căn bệnh này thường tự khỏi mà không cần điều trị y khoa. Bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc kháng histamin giúp giảm bớt ngứa ngáy, khó chịu.

Nếu bạn có nguy cơ cao gặp phải biến chứng thủy đậu, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để rút ngắn thời gian nhiễm trùng, giảm thiểu khả năng gặp biến chứng. Thuốc kháng virus có tên là acyclovir hay globulin miễn dịch dùng đường tiêm tĩnh mạch có thể được sử dụng để giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh thủy đậu, dùng trong vòng 24 giờ sau khi triệu chứng phát ban đầu tiên xuất hiện.

Bác sĩ cũng khuyến cáo bạn nên đi tiêm phòng vắc-xin ngay khi nghi ngờ đã tiếp xúc với virus gây bệnh. Điều này có thể ngăn ngừa bệnh phát triển hoặc làm giảm các biến chứng có khả năng xảy ra.

Điều trị biến chứng bệnh thủy đậu

Nếu nhận thấy có các biến chứng, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị thích hợp. Người bệnh có khi cần dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng da và viêm phổi. Viêm não (nếu xảy ra) thường được điều trị bằng thuốc kháng virus. Người bệnh khi có biến chứng cần nhập viện để điều trị.

Các phương pháp tự chăm sóc tại nhà

Trường hợp không có biến chứng, bạn có thể thực hiện các cách sau để giảm nhẹ triệu chứng thủy đậu tại nhà:

  • Tránh gãi lên vùng da có tổn thương vì có thể để lại sẹo, làm chậm lành vết thương và tăng nguy cơ bị loét, tạo điều kiện cho nhiễm trùng nặng thêm.
  • Tắm bằng nước mát, có thể ngâm mình với bột baking soda, nhôm acetat, bột yến mạch thô để giảm bớt khó chịu.
  • Ăn các thực phẩm mềm, dễ nuốt, có vị nhạt nếu vết loét do thủy đậu xuất hiện ở trong miệng.
  • Sử dụng một số thuốc như thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa hay paracetamol khi bị sốt nhẹ. Tuy nhiên, hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Phòng ngừa

Phòng ngừa bệnh thủy đậu

tiêm phòng thủy đậu

Hiện nay, cách tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh này là tiêm vắc-xin. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hiệu quả của vắc-xin giúp trước virus gây bệnh là gần 98% khi nhận đủ hai liều tiêm chủng theo khuyến cáo. Trường hợp bệnh vẫn phát triển ở người đã tiêm vắc-xin, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng nhẹ hơn rất nhiều so với người không tiêm phòng.

Việc tiêm vắc-xin thủy đậu được khuyến cáo cho:

  • Trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi trở lên. Liều đầu tiên được tiêm trong độ tuổi 12–15 tháng tuổi và mũi thứ hai tiêm trong độ tuổi 4–6 tuổi. Đây là một phần trong lịch tiêm chủng cơ bản ở trẻ nhỏ. Trẻ có thể được tiêm vắc-xin thủy đậu kết hợp với vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bịrubella.
  • Trẻ em trong độ tuổi lớn hơn nhưng chưa được tiêm chủng. Trẻ từ 7–12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin cũng cần tiêm hai liều vắc-xin phòng thủy đậu, cách nhau ít nhất 3 tháng. Trẻ từ 13 tuổi trở lên chưa được tiêm phòng cũng nên hai liều vắc-xin, cách nhau ít nhất 4 tuần.
  • Người lớn chưa được tiêm chủng và chưa bao giờ bị thủy đậu hay có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao. Nhóm đối tượng này bao gồm nhân viên chăm sóc sức khỏe, giáo viên, người trông trẻ, quân nhân, hay người sống với nhiều trẻ  nhỏ và phụ nữ đang trong độ tuổi sinh nở. Tiêm phòng ở người lớn cũng cần hai liều, tiêm cách nhau từ 4–8 tuần.

Vắc-xin thủy đậu không được dùng cho:

  • Phụ nữ đang mang thai
  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu, như người nhiễm HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch
  • Người bị dị ứng với gelatin hoặc kháng sinh neomycin

Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi có ý định tiêm chủng để phòng ngừa bất kỳ căn bệnh nào. Nếu bạn có dự định mang thai, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để lên kế hoạch tiêm phòng trước khi muốn sinh con.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 21/12/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo