backup og meta

Suy thận mạn

Suy thận mạn

Tìm hiểu chung

Bệnh suy thận mạn là gì?

Suy thận mạn hay còn gọi là bệnh thận mạn, là quá trình suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường. Khi mắc bệnh suy thận mạn, thận không thể loại bỏ các chất thải cũng như mất chức năng kiểm soát lượng nước của cơ thể, lượng muối trong máu và canxi. Các chất thải sẽ tồn đọng trong cơ thể và gây hại cho người bệnh.

Bệnh suy thận mạn thường xảy ra đột ngột và phát triển từ từ. Bệnh tiến triển chậm và thường không xuất hiện triệu chứng cho tới khi đã ở tình trạng nguy hiểm gây hại cho người bệnh.

Những ai thường mắc phải bệnh suy thận mạn?

Suy thận mạn là một bệnh phổ biến liên quan đến quá trình lão hoá. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh của bạn càng cao. Người ta ước tính rằng 1/5 nam giới và 1/4 nữ giới ở độ tuổi 65-74 có khả năng mắc bệnh. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh suy thận mạn?

Suy thận thường không có triệu chứng ban đầu và phát triển từ từ. Các dấu hiệu và triệu chứng muộn có thể bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và ăn không ngon miệng.

Một số triệu chứng khác như cảm giác bơ phờ, thở gấp, các vấn đề về miệng, đau dạ dày, tê, ngứa ran, nóng đốt chân và tay, giảm ham muốn tình dục, không có kinh nguyệt, thiếu máu, đau cơ và xương.

Ngoài ra, người bệnh còn gặp một số tình trạng như ngủ không ngon, trầm cảm, động kinh, ngẩn ngơ và hôn mê; ngứa, huyết áp bất thường, và các vấn đề về chảy máu cũng có thể xảy ra.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi bạn gặp phải bất kì triệu chứng nào của suy thận mạn như buồn nôn, tiêu chảy, các vấn đề về dạ dày, ngứa ra chân tay, ngủ không ngon, động kinh hoặc các triệu chứng nêu trên. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra bệnh suy thận mạn là gì?

Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh suy thận như:

  • Một số loại thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lí cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.
  • Viêm nhiễm, nhiễm trùng đường niệu, suy tim sung huyết, tiểu đường và cao huyết áp cũng có thể gây ra bệnh.
  • Bất kì trường hợp nào làm giảm lượng máu cung cấp cho thận, làm tắc nghẽn nước tiểu sau khi rời khỏi thận hoặc làm tổn thương thận đều có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận mạn?

Những yếu tố sau đây có thể làm bạn tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Tuổi tác: Thận càng teo nhỏ khi bạn càng lớn tuổi.
  • Dân tộc: Những người Châu Phi, Châu Mỹ và những người Mỹ bản địa có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các dân tộc khác.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
  • Tiền sử bệnh lí gia đình: Tiền sử gia đình là một trong những nhân tố gây ra bệnh tiểu đường và cao huyết áp – nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy thận mạn.
  • Ăn nhiều protein và chất béo: Ăn uống theo một chế độ ít protein và chất béo sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh suy thận.
  • Sử dụng một số loại thuốc nhất định: Nên tránh sử dụng thường xuyên các loại thuốc gây tổn thương cho thận, ví dụ như thuốc giảm đau NSAIDS và một số loại thuốc kháng sinh nhất định.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh suy thận mạn?

Để điều trị và hạn chế tiến triển của bệnh suy thận mạn, người bệnh sẽ thực hiện một số chế độ ăn kiêng, uống thuốc, thực hiện kiểm soát các bệnh gây suy thận, thẩm tích hoặc có thể cấy ghép thận theo chỉ định của bác sĩ.

  • Nên tránh các thực phẩm chứa kali, phốt pho, nhiều muối hoặc protein.
  • Việc kiểm soát huyết áp của người bệnh rất quan trọng và phải được kiểm tra định kỳ.
  • Bác sĩ sẽ cho truyền máu nếu người bệnh được chẩn đoán là thiếu máu.
  • Thuốc lợi tiểu có thể giúp ngăn ngừa việc tích tụ nhiều chất lỏng.
  • Nên tránh sử dụng một số loại thuốc nhất định có thể ảnh hưởng đến thận.
  • Nên điều trị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, suy tim sung huyết và nhiễm trùng.
  • Một số bệnh nhân cần thẩm tích thận nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Thẩm tích thận giúp bạn loại bỏ các chất thải từ máu khi thận không thể hoạt động. Việc thẩm tích thận có thể được thực hiện trong ngắn hạn hoặc vĩnh viễn.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh suy thận mạn?

Bằng các xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ sẽ xác định được chức năng thận có bị suy giảm hay không. Ngoài ra cũng cần tiến hành các xét nghiệm khác để theo dõi mức độ hoạt động của thận. Có thể phải chụp x-quang để kiểm tra kích thước của thận, loại trừ các rối loạn khác có thể làm tổn thương thận và tắc nghẽn sự lưu thông của nước tiểu như bệnh sỏi thận hoặc u thận.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh suy thận mạn?

Bạn có thể kiểm soát suy thận một cách dễ dàng nếu bạn:

  • Theo một chế độ ăn mà bác sĩ khuyên, bao gồm việc hạn chế chất lỏng.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không bỏ lỡ liều dùng thuốc.
  • Ghi lại cân nặng hằng ngày. Ghi lại lượng chất lỏng bạn uống và lượng nước tiểu thoát ra nếu bác sĩ yêu cầu.
  • Tập thể dục thường xuyên hơn nhưng tránh các hoạt động mạnh.
  • Gọi cho bác sĩ nếu bạn ớn lạnh, sốt, đau đầu, đau cơ, thở gấp, buồn nôn, nôn mửa và đau ngực.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Xuất hiện nước tiểu màu cam có đáng lo ngại? Nguyên nhân & Cách điều trị

Nước tiểu thấy nóng báo hiệu bệnh gì?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo