backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Xuất hiện nước tiểu màu cam có đáng lo ngại? Nguyên nhân & Cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Trọng Nguyễn · Khoa tiết niệu · Bệnh Viện Đa Khoa Hậu Giang


Tác giả: Lê Phương Thảo · Ngày cập nhật: 18/10/2023

    Xuất hiện nước tiểu màu cam có đáng lo ngại? Nguyên nhân & Cách điều trị

    Cơ thể ở trạng thái tốt nhất khi nước tiểu có màu vàng đậm như hổ phách hoặc màu vàng trong. Tuy nhiên, khi màu sắc trở nên bất thường, ví dụ nước tiểu màu cam có thể là dấu hiệu cảnh báo một vài bệnh lý nguy hiểm mà cơ thể đang mắc phải.

    Cùng Hellobacsi tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị khi gặp tình huống này nhé! 

    Nước tiểu màu gì là tốt?

    Quá trình tạo ra nước tiểu có khá nhiều giai đoạn, bao gồm lọc cầu thận, tái hấp thu các chất từ ống thận vào trong máu rồi bài tiết một số chất thải trong máu vào ống thận. Khi tất cả những điều trên kết thúc thì cơ thể tạo ra một dạng chất lỏng, gọi là nước tiểu. Chính vì vậy, thành phần của nước tiểu bao gồm nước, chất điện giải và chất thải mà thận lọc ra từ máu. 

    Khi bạn khỏe mạnh và cung cấp đủ nước cho cơ thể, nước tiểu sẽ không có màu hoặc có màu rơm nhạt và mật ong. Khi bạn không uống đủ nước mà cơ thể cần thì chúng sẽ cô đặc hơn và chuyển sang màu vàng đậm hơn hoặc màu hổ phách.

    nước tiểu có màu cam
    Màu nước tiểu thay đổi hàng ngày theo chế độ ăn uống của bạn

    Theo nhiều chuyên gia thì việc màu nước tiểu thay đổi theo từng ngày, mỗi ngày một chút là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nó nên nằm trong một phạm vi màu vàng nhất định.

    Tuy nhiên, khi màu sắc thay đổi thành nước tiểu màu cam, màu xanh, màu đỏ hoặc màu hồng thì sao? Đầu tiên, hãy bình tĩnh, vì một số loại thực phẩm, thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng có thể tạm thời khiến nước tiểu của bạn thay đổi về màu sắc. Song, đây cũng có thể là một dấu hiệu báo hiệu tình trạng sức khỏe của bạn không ổn. Đặc biệt là khi gặp nước tiểu màu cam ở nữ và nước tiểu màu cam ở nam. 

    Tại sao nước tiểu có màu cam?

    Thận lọc từ 120 – 150 lít máu mỗi ngày và trong quá trình này, nước tiểu là một sản phẩm phụ. Một người bình thường sẽ sản xuất từ 1 – 2 lít nước tiểu mỗi ngày.

    Nước tiểu bao gồm chủ yếu là các chất thải mà cơ thể không thể sử dụng. Nó được lưu trữ trong bàng quang cho đến khi được thải ra khỏi cơ thể. Nước tiểu có màu cam có thể là dấu hiệu của một số tình trạng khác nhau. Một vài nguyên nhân phổ biến dưới đây mà bạn có thể tham khảo: 

    Nước tiểu màu cam do cơ thể đang mất nước

    Thông thường, khi cơ thể đang thiếu nước hoặc mất nước, các thành phần sẽ bị cô đặc lại và biến thành nước tiểu màu vàng cam. Hệ quả của việc này thường khá nghiêm trọng, nếu không được bù nước kịp thời thì có thể dẫn đến các tình trạng như suy thận, động kinh, hôn mê và tử vong,… Khi bổ sung nước và điện giải kịp thời, nước tiểu sẽ dần dần chuyển lại màu vàng nhạt hoặc trong và tạm thời không còn gây nguy hiểm. 

    Một số nguyên nhân gây ra mất nước thường gặp:

    • Uống không đủ nước
    • Sốt cao liên tục trong nhiều giờ
    • Gặp tình trạng tiêu chảy cấp hoặc tiêu chảy trong thời gian dài
    • Tập thể dục cường độ cao hoặc lao động ngoài trời trong thời tiết nóng bức 

    Nước tiểu màu cam do chế độ ăn uống

    Nước tiểu màu cam đậm ở nữ hoặc nước tiểu màu cam nhạt ở nữ có thể liên quan đến thực phẩm bạn đang cung cấp cho cơ thể. Thức ăn và đồ uống có màu đỏ, cam hoặc vàng đậm có thể làm nước tiểu trở nên sẫm màu. Điều này chủ yếu là do những thực phẩm này có chứa thành phần beta-carotene.

    Cà rốt và nước ép cà rốt là những ví dụ điển hình về việc này. Đối với một số ít người (khoảng 14%) thì củ cải đường có thể đem lại những tác dụng tương tự. Khi sử dụng củ cải đường, nước tiểu có màu đỏ cam hơn là màu cam. Khi ngừng sử dụng, nước tiểu của bạn sẽ trở về bình thường.

    Bạn cũng có thể thấy nước tiểu màu cam sau khi dùng liều lượng cao một số loại vitamin và chất bổ sung, ví dụ như:

    • Vitamin C
    • Beta-caroten
    • Vitamin B12

    Nước tiểu có màu cam do uống thuốc

    Ngoài thực phẩm, cũng có một số loại thuốc khiến cơ thể bạn thay đổi, bao gồm các loại sau:

    • Thuốc nhuận tràng: Một số loại thuốc nhuận tràng có chứa hoạt chất senna được sử dụng để giảm táo bón. Những thuốc nhuận tràng này có thể gây ra nước tiểu màu đỏ cam. 
    • Pyridium, Uristat và các loại thuốc khác có chứa phenazopyridine: Những loại thuốc này thường được kê đơn để điều trị giảm đau do nhiễm trùng đường tiết niệu
    • Rifampin: Loại kháng sinh này được sử dụng để điều trị bệnh lao và một số vi khuẩn ở mũi và họng. Thuốc có màu nâu đỏ nên khi dùng có thể khiến mồ hôi, nước tiểu, nước bọt,… đều thành màu cam hoặc màu đỏ. 
    • Azulfidine (Sulfasalazine): Đây là một loại thuốc chống viêm dùng để điều trị viêm loét đại tràng. Azulfidine có thể khiến nước tiểu màu cam và cũng có thể khiến da có màu vàng. Tuy nhiên, cả hai tác dụng phụ này đều không có hại.
    • Adriamycin (Doxorubicin): Đây là một loại thuốc hóa trị mạnh được tiêm tĩnh mạch. Thuốc có thể gây ra nước tiểu màu cam hoặc màu hơi đỏ trong một hoặc hai ngày sau khi điều trị.

    Nước tiểu màu cam do bệnh gan

    Đây có thể là dấu hiệu của ứ mật, thường xảy ra khi dòng mật dừng lại giữa gan và ruột non. Mật là một chất lỏng tiêu hóa được sản xuất trong gan. Khi đó, bilirubin là một chất màu vàng trong mật, sẽ tích tụ và thoát vào máu. Sự tích tụ bilirubin trong máu quá nhiều sẽ làm nước tiểu có màu.

    Ứ mật có một số nguyên nhân tiềm ẩn, bao gồm:

    • Bệnh gan do rượu
    • Sử dụng một số loại thuốc tránh thai đường uống
    • Viêm gan cấp tính (viêm gan, thường do nhiễm trùng)

    Đi tiểu có màu cam chỉ là một triệu chứng của bệnh ứ mật do vấn đề về ống mật hoặc gan. Tuy nhiên, nếu thấy đi kèm các dấu hiệu dưới đây thì bạn nên nhanh chóng đến bác sĩ thăm khám và điều trị trong thời gian sớm:

    • Ngứa da
    • Nôn mửa
    • Đau bụng
    • Phân rất nhạt
    • Ăn không ngon
    • Vàng da và mắt
    • Sốt theo chu kỳ hoặc liên tục

    Điều quan trọng là phải phát hiện và điều trị bệnh ứ mật kịp thời bởi điều trị sớm có thể ngăn ngừa thêm tổn thương cho gan hoặc ống mật của bạn.

    Nước tiểu màu cam do các bệnh lý về đường tiết niệu

    Hệ tiết niệu bị tổn thương có thể khiến nước tiểu có màu sắc không bình thường, ví dụ như màu cam là đặc trưng nhất. Một số căn bệnh mà bạn có thể đang mắc phải như ung thư bàng quang, các bệnh lý về thận (sỏi thận, ung thư thận,…), viêm bàng quang,… Ngoài ra, viêm tuyến tiền liệt cũng khiến nước tiểu có màu khác lạ. 

    nước tiểu màu cam

    Các loại màu nước tiểu bất thường khác 

    Trong Y học truyền thống, nước tiểu từ lâu đã được coi là một công cụ chẩn đoán hữu ích. Nó có thể cho biết điều gì đang diễn ra trong cơ thể bạn, từ việc bản thân có uống đủ nước hay không cho đến việc dự đoán nhiễm trùng đường tiết niệu. Dưới đây Hellobacsi sẽ giới thiệu đến bạn một vài màu sắc bất thường khác của nước tiểu nhé! 

    Nước tiểu có màu hồng, đỏ nhạt

    Nguyên nhân có thể đến từ chế độ ăn uống hàng ngày của bạn có chứa quá nhiều thực phẩm mang sắc tố hồng đậm hoặc màu đỏ tươi như quả việt quất, củ dền,… Bạn chỉ cần dừng ăn các thực phẩm này thì nước tiểu sẽ trở về màu bình thường. Tuy nhiên nếu sau vài ngày mà vẫn có hiện tượng này thì có thể bạn đang tiểu ra máu nên hãy đi khám bác sĩ sớm nhất có thể bởi đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt,…

    Nước tiểu có màu xanh lục hoặc xanh lam

    Trường hợp này cũng có thể liên quan đến chế độ ăn uống của bạn hoặc do thuốc nhuộm khi thực hiện các loại xét nghiệm thận hoặc bàng quang. Nhưng nếu trước đó, bạn không ăn thực phẩm có màu hoặc không xét nghiệm mà nước tiểu vẫn xuất hiện màu xanh bất thường thì có thể bạn đang nhiễm khuẩn proteus. Đây là nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra sỏi thận ở người. 

    Nước tiểu có màu trắng đục

    Loại này cảnh báo tình trạng sức khỏe đang có chuyển biến nghiêm trọng, ví dụ như nhiễm trùng tiết niệu, bệnh thận mãn tính, viêm túi thừa,… Một số trường hợp xuất hiện bong bóng hoặc bọt nhưng bác sĩ không thể xác định nguyên nhân. 

    Nước tiểu có màu nâu sẫm 

    Nguyên nhân khiến nước tiểu có màu nâu sẫm là do:

  • Cơ thể đang mất nước 
  • Chế độ ăn uống có nhiều thực phẩm như lô hội, đậu fava,…
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc có chứa thành phần như chloroquine, metronidazole,…
  • Những nguyên nhân trên đều không quá nghiêm trọng, bạn chỉ cần bổ sung nước hoặc dừng thuốc nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài ra, màu nâu sẫm còn là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng như bệnh gan, rối loạn chuyển hóa porphyrin,…

    Bạn có thể quan tâm:

    Phương pháp điều trị nước tiểu màu cam

    Việc điều trị sẽ phải tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra sự thay đổi màu nước tiểu.

    Nếu là vấn đề về lối sống, chế độ ăn uống thì không cần phải đến bác sĩ điều trị. Bạn có thể ngừng ăn các thực phẩm nói trên và thay thế bằng các thực phẩm khác có cùng chức năng dinh dưỡng. Nếu là vấn đề về tác dụng phụ khi uống thuốc thì khi bạn dừng, nước tiểu màu cam sẽ trở về màu sắc ban đầu.

    nước tiểu có màu cam

    Tuy nhiên, trong các trường hợp liên quan đến bệnh lý thì bạn nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác tình trạng sức khỏe mình đang gặp phải. Với một số bệnh nghiêm trọng sẽ cần phải có sự chỉ định phẫu thuật từ bác sĩ . 

    Khi đặt lịch hẹn tư vấn, bạn nên chuẩn bị các thông tin sau:

    • Các triệu chứng và thời điểm bắt đầu
    • Các loại thuốc, vitamin và các chất bổ sung khác mà bạn dùng, bao gồm cả liều lượng
    • Các vấn đề sức khỏe mà bạn gặp phải và bệnh về thận có phải là di truyền trong gia đình không

    Nước tiểu màu cam có thể đến từ nhiều nguyên nhân, điều quan trọng là nhận biết được chính xác nguyên nhân để từ đó có cách điều trị đúng đắn. Ngoài ra, màu sắc nước tiểu còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, chính vì vậy, đừng ngần ngại đi kiểm tra cụ thể nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Trọng Nguyễn

    Khoa tiết niệu · Bệnh Viện Đa Khoa Hậu Giang


    Tác giả: Lê Phương Thảo · Ngày cập nhật: 18/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo