Những người bị mất trí nhớ nghiêm trọng hoặc mắc các dấu hiệu bệnh Alzheimer khác cần được thăm khám để tìm ra nguyên nhân sớm. Vậy, khám bệnh Alzheimer ở đâu tốt và quy trình chẩn đoán bệnh diễn ra như thế nào? Liệu bạn đã biết rõ về điều này?
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết hơn về những bước chẩn đoán bệnh Alzheimer và khám bệnh Alzheimer ở đâu trong bài viết ngay sau đây nhé!
Khám bệnh Alzheimer ở đâu?
Để trả lời cho thắc mắc khám bệnh Alzheimer ở đâu thì câu trả lời sẽ là bạn cần đến bệnh viện đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa về thần kinh để được thăm khám với bác sĩ có chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại.
Bác sĩ chuyên chẩn đoán và điều trị chứng mất trí nhớ hoặc bệnh Alzheimer có thể là:
- Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh: là những người chuyên chẩn đoán và điều trị các vấn đề về não và hệ thần kinh.
- Bác sĩ Tâm thần: là những người chuyên về các rối loạn ảnh hưởng đến tâm trạng, tinh thần hoặc cách hoạt động của trí não.
- Nhà Tâm lý học: là những người có thể giúp bạn làm các bài kiểm tra về trí nhớ và tư duy, cũng như khả năng tập trung, giải quyết vấn đề, sử dụng ngôn ngữ và các chức năng tâm thần khác.
- Bác sĩ Lão khoa: là những người chuyên chăm sóc các vấn đề sức khỏe ở người lớn tuổi, họ biết rõ cơ thể thay đổi như thế nào khi già đi và liệu các vấn đề về trí nhớ và tinh thần mà bệnh nhân đang mắc phải có phải là vấn đề nghiêm trọng hay không.
Chẩn đoán bệnh Alzheimer ở người cao tuổi
Khi đã biết được khám bệnh Alzheimer ở đâu, bạn sẽ nhận thấy rằng việc chẩn đoán bệnh Alzheimer tương đối phức tạp. Không có một xét nghiệm duy nhất để chẩn đoán xem một người có mắc bệnh Alzheimer hay không. Thế nhưng, bác sĩ có chuyên môn sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên triệu chứng, thăm khám và các xét nghiệm với độ chính xác hơn 90%.
Dù khám bệnh Alzheimer ở đâu, bạn cũng cần trải qua các bước sau đây:
Tiền sử bệnh
Trong quá trình khám bệnh Alzheimer ở người cao tuổi, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về tiền sử bệnh của bệnh nhân, bao gồm:
- Các vấn đề sức khỏe khác đã hoặc đang mắc phải, chẳng hạn như đột quỵ, bệnh Parkinson, nhiễm HIV, trầm cảm, chấn thương đầu, bệnh tim, tiểu đường hoặc cao huyết áp. Bởi những căn bệnh này có thể gây ra triệu chứng suy giảm trí nhớ và thay đổi về nhận thức tương tự như bệnh Alzheimer.
- Tiền sử mắc bệnh tâm thần.
- Có từng bị thay đổi về nhận thức, tâm trạng, bị ảo giác hay rối loạn hành vi trước đây hay không.
- Hoặc tiền sử mắc bệnh Alzheimer hoặc các chứng sa sút trí tuệ khác của các thành viên khác trong gia đình, bao gồm cha mẹ, anh chị em ruột để dự đoán về khả năng di truyền.
- Những loại thuốc người bệnh đang sử dụng. Vì một số thuốc cũng có thể gây suy giảm trí nhớ hoặc suy giảm tinh thần.
- Tiền sử lạm dụng chất gây nghiện.
- Gần đây liệu có bị hay quên.
Đánh giá tình trạng nhận thức và tinh thần
Bác sĩ sẽ đưa ra nhiều bài kiểm tra khác nhau để đánh giá tổng thể về mức độ hoạt động của tâm trí. Họ có thể hỏi về thông tin cá nhân, yêu cầu người bệnh đánh vần ngược một từ, vẽ đồng hồ hay sao chép một bức tranh,…
Các bài kiểm tra đơn giản này sẽ giúp bác sĩ đánh giá trí nhớ, tư duy và khả năng giải quyết vấn đề của bệnh nhân. Họ cũng đánh giá tâm trạng để xem liệu người bệnh có đang bị trầm cảm hay gặp vấn đề nào khác không. Đôi khi những điều này mới là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ và lú lẫn chứ không phải bệnh Alzheimer.
Khám sức khỏe tổng thể
Bác sĩ cũng có thể tiến hành khám sức khỏe tổng thể cho bệnh nhân bằng cách:
- Hỏi về chế độ ăn uống và sinh hoạt, có sử dụng rượu bia hay không.
- Kiểm tra tất cả các loại thuốc được chỉ định hoặc thực phẩm chức năng mà bệnh nhân đang sử dụng.
- Kiểm tra huyết áp, đo nhiệt độ cơ thể
- Nghe tim và phổi
- Xét nghiệm máu và nước tiểu.
Thông tin từ việc khám sức khỏe tổng thể có thể giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng mất trí nhớ và lú lẫn. Điều này cũng giúp loại trừ các bệnh khác.
Khám thần kinh
Trong quá trình khám thần kinh, bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra mức độ phản xạ, khả năng giữ thăng bằng, chuyển động mắt, giọng nói và cảm giác của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các xét nghiệm hình ảnh, bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) não, cũng là một phần trong quy trình khám thần kinh. Lý do mà khi tìm hiểu khám bệnh Alzheimer ở đâu, bạn nên chọn bệnh viện hoặc cơ sở có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại là để tiến hành các xét nghiệm hình ảnh não một cách chính xác. Những xét nghiệm này cung cấp hình ảnh chi tiết của não để bác sĩ có thể quan sát rõ những thay đổi ở bên trong não bộ.
Khám thần kinh giúp xác định rõ căn bệnh gây ra các triệu chứng mất trí nhớ hoặc thay đổi nhận thức ngoài bệnh Alzheimer, chẳng hạn như khối u não, đột quỵ, chấn thương đầu nghiêm trọng.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để xác định các dạng thoái hóa trong não, nhằm phân biệt giữa bệnh Alzheimer và các loại sa sút trí tuệ khác.
Khám bệnh Alzheimer ở đâu tốt nhất? Gợi ý cho bạn một số bệnh viện
Nếu bạn thắc mắc khám bệnh Alzheimer ở đâu tốt thì chúng tôi xin gợi ý đến bạn một số địa chỉ uy tín như sau:
Tại Hà Nội
- Phòng khám số 1 – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – Địa chỉ: Nhà A5, số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Lão khoa Trung ương – Địa chỉ: Số 1A Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tại Đà Nẵng
- Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng – Địa chỉ: Số 93 Nguyễn Lương Bằng, Phường Hòa Khánh Bắc, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Tại TP.HCM
- Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy – Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP HCM.
- Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 1) – Địa chỉ: Số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP HCM.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã giải đáp được thắc mắc khám bệnh Alzheimer ở đâu tốt và quy trình chẩn đoán bệnh. Chẩn đoán bệnh càng sớm sẽ giúp bạn điều trị và kiểm soát các triệu chứng bệnh kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
[embed-health-tool-bmi]