backup og meta

Triệu chứng và cách điều trị bệnh đa hồng cầu

Triệu chứng và cách điều trị bệnh đa hồng cầu

Đa hồng cầu là một căn bệnh ung thư máu đe dọa đến tính mạng người bệnh. Bệnh diễn tiến chậm, thường là trong vài năm, nên nếu phát hiện sớm và có hướng điều trị bệnh đa hồng cầu kịp thời, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống lâu.

Thế nào là bệnh đa hồng cầu?

Bệnh đa hồng cầu có xuất phát điểm từ tủy xương, nơi các tế bào máu mới phát triển. Nếu bạn bị căn bệnh này, tủy của bạn tạo ra quá nhiều tế bào hồng cầu, khiến mật độ hồng cầu trong máu quá dày. Cụ thể, nồng độ hemoglobin (Hgb), hematocrit (Hct) hoặc số lượng hồng cầu (RBC) có thể tăng lên khi được đo trong số lượng máu hoàn chỉnh (CBC). Hậu quả là bạn dễ bị tình trạng cục máu đông, đột quỵ hoặc đau tim.

Đa hồng cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới. Nồng độ huyết sắc tố lớn hơn 16,5g/dL (gram trên deciliter) ở phụ nữ và hơn 18,5g/dL ở nam giới chính là cảnh báo về bệnh đa hồng cầu. Về mặt hematocrit, giá trị lớn hơn 48 ở phụ nữ và 52 ở nam giới là biểu hiện của bệnh đa hồng cầu. Bạn sẽ nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo như chóng mặt, mệt mỏi và yếu đi, nhưng rất nhiều bệnh cũng gây ra các triệu chứng này. Thế nên, chỉ khi xét nghiệm máu và cho kết quả máu bạn có tế bào hồng cầu cao, bạn mới chắc chắn mình bị bệnh đa hồng cầu.

Bệnh đa hồng cầu có thể là do các vấn đề cố hữu trong quá trình sản xuất hồng cầu. Khi đó, bệnh sẽ được gọi là “đa hồng cầu nguyên phát“. Nếu bệnh bị gây ra do một vấn đề y tế tiềm ẩn khác, nó được gọi là “đa hồng cầu thứ phát”. Hầu hết các trường hợp đa hồng cầu là thứ phát. Bệnh đa hồng cầu nguyên phát tương đối hiếm.

Sẽ thật khó khăn nếu một ngày đẹp trời, bạn phát hiện mình mắc một chứng bệnh ung thư. Nhưng đừng lo lắng dẫn tới bi quan và tuyệt vọng! Mỗi căn bệnh có một đặc thù và hướng điều trị khác nhau. Đa hồng cầu cũng vậy. Với sự hỗ trợ của bác sĩ, gia đình và bạn bè cùng kinh nghiệm từ những người từng bị đa hồng cầu, bạn sẽ kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.

Triệu chứng bệnh đa hồng cầu

Thời kỳ đầu, có thể bạn sẽ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào xảy đến với cơ thể mình. Tới khi triệu chứng xuất hiện, chúng thường là:

  • Nhức đầu
  • Chóng mặt, hoa mắt, nhìn một thành hai
  • Có những điểm tối hoặc mù trong tầm nhìn
  • Ngứa khắp người, đặc biệt là trong và sau khi tắm nước ấm
  • Đổ mồ hôi, nhất là vào ban đêm
  • Mặt đỏ lên giống như bị cháy nắng
  • Khó thở
  • Sụt cân nhanh chóng
  • Đau nhói hoặc nóng rát ở tay, chân
  • Sưng, đau các khớp

điều trị bệnh đa hồng cầu

Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy áp lực phía dưới xương sườn bên trái. Đó là vị trí của lá lách, một cơ quan giúp lọc máu.

Biến chứng của bệnh đa hồng cầu

Căn bệnh nào, nếu không được điều trị kịp thời, cũng sẽ gây ra biến chứng, và đa hồng cầu không ngoại lệ. Nếu bạn trị đúng cách, bệnh sẽ không để lại các biến chứng như:

– Xơ tủy

– Đau tim

– Chứng huyết khối tĩnh mạch sâu

– Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi)

– Tăng huyết áp tĩnh mạch của gan, dẫn tới suy gan

– Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính: một loại ung thư máu đặc biệt, ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu

– Tử vong do xuất huyết: thường là xuất huyết từ dạ dày hoặc các bộ phận khác của hệ thống tiêu hóa

– Chuyển đổi thành ung thư máu (ví dụ: bệnh bạch cầu, bệnh tủy).

Cách điều trị bệnh đa hồng cầu

Không có cách điều trị dứt điểm hoàn toàn bệnh đa hồng cầu. Song, một liệu trình điều trị kịp thời và đúng đắn sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, với việc không xuất hiện triệu chứng nào, bạn có thể không cần điều trị ngay. Bác sĩ sẽ theo dõi sát sao tình trạng bệnh của bạn. Sau đó, khi nhận thấy cần can thiệp, bác sĩ sẽ dùng các phương pháp y khoa nhằm giảm lượng hồng cầu mà cơ thể tạo ra, ngăn ngừa cục máu đông và các biến chứng khác.

Những phương pháp điều trị bệnh đa hồng cầu thường là:

Lấy máu

Bác sĩ sẽ lấy máu từ tĩnh mạch của bạn (giống như bạn đang hiến máu), mục đích là giảm số lượng tế bào máu. Sau khi thực hiện xong thủ thuật này, máu sẽ trở nên loãng hơn và chảy dễ dàng hơn. Lúc này, bạn cảm thấy khỏe hơn do một số triệu chứng, như đau đầu và chóng mặt, giảm bớt.

Tùy tình trạng bệnh của bạn mà bác sĩ sẽ chỉ định tần suất lấy máu. Đối với một số người, đây là phương pháp điều trị duy nhất mà họ phải tuân thủ trong nhiều năm.

Aspirin liều thấp

điều trị bệnh đa hồng cầu

Toa thuốc aspirin liều thấp do bác sĩ kê sẽ giữ cho tiểu cầu không dính vào nhau. Nhờ vậy, bạn ít có khả năng bị cục máu đông, làm cho cơn đau tim hoặc đột quỵ ít có cơ hội xảy đến. Hầu hết những người bị bệnh đa hồng cầu đều được chỉ định dùng aspirin liều thấp.

Thuốc hạ tế bào máu

Trong trường hợp aspirin liều thấp chưa “đủ đô” với bạn, bác sĩ sẽ cân nhắc kê thêm hydroxyurea – một loại thuốc làm giảm số lượng tế bào máu, ngăn ngừa và kiểm soát các triệu chứng đa hồng cầu.

Một loại thuốc khác, interferon alfa (Intron A), giúp hệ thống miễn dịch cắt giảm việc tạo ra các tế bào máu. Trong khi đó, thuốc ruxolitinib được chấp thuận sử dụng ở những người không đáp ứng với hydroxyurea hoặc không quen với các tác dụng phụ của nó.

Nếu tình trạng ngứa toàn thân của bạn không thuyên giảm, thuốc kháng histamine là lựa chọn hợp lý.

Ngăn ngừa bệnh đa hồng cầu

Nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đa hồng cầu thứ phát không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tiềm năng là:

– Cai thuốc lá

điều trị bệnh đa hồng cầu

– Tránh tiếp xúc với carbon monoxide kéo dài

– Kiểm soát hợp lý các bệnh như bệnh phổi mãn tính, bệnh tim hoặc chứng ngưng thở khi ngủ

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Hội chứng ngừng thở khi ngủ: Đột quỵ thầm lặng

Bệnh đa hồng cầu nguyên phát do đột biến gene nói chung là không thể phòng ngừa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Polycythemia Vera

https://www.webmd.com/cancer/polycythemia-vera#1

Cập nhật ngày 19/8/2019

Polycythemia Vera

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/polycythemia-vera/symptoms-causes/syc-20355850

Cập nhật ngày 19/8/2019

Polycythemia (High Red Blood Cell Count)

https://www.emedicinehealth.com/polycythemia_high_red_blood_cell_count/article_em.htm

Cập nhật ngày 19/8/2019

Phiên bản hiện tại

27/12/2019

Tác giả: Hà Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Uống gì để tăng tiểu cầu? 9 thức uống người tiểu cầu thấp nên biết

Đau đầu chóng mặt thường xuyên - Cảnh báo nguy hiểm nào nên lưu ý?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 27/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo