backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau đầu chóng mặt thường xuyên - Cảnh báo nguy hiểm nào nên lưu ý?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 31/05/2022

    Đau đầu chóng mặt thường xuyên - Cảnh báo nguy hiểm nào nên lưu ý?

    Triệu chứng đau đầu chóng mặt có thể biểu hiện cho nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tình trạng nhẹ như lo lắng quá mức hoặc nghiêm trọng như mất nước, nhiễm trùng hay thậm chí là đột quỵ.

    Đau đầu, chóng mặt hay buồn nôn là những triệu chứng vô cùng phổ biến. Chúng quen thuộc đến mức nhiều người có xu hướng xem nhẹ và bỏ qua khi bắt gặp các dấu hiệu này. Tuy vậy, bạn có biết thường xuyên đau đầu chóng mặt có thể là “tín hiệu” cảnh báo cơ thể bạn đang trong tình trạng nguy hiểm?

    Đau đầu chóng mặt là gì?

    Chóng mặt là “ảo giác” về sự chuyển động của cơ thể và không gian. Triệu chứng này sẽ càng tệ hơn mỗi khi bạn thay đổi tư thế hoặc quay đầu. Thông thường, người bị chóng mặt có xu hướng đi đứng không vững vàng do mất thăng bằng, kèm theo các dấu hiệu khác như:

    • Đau đầu
    • Buồn nôn
    • Ù tai
    • Giảm thính lực

    Đau đầu có khả năng phát sinh ở một bên đầu hoặc cả vùng thái dương. Ngoài ra, cơn đau này cũng có thể xảy ra ở khắp đầu. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà cơn đau đầu có thể kéo dài chỉ trong vài phút hoặc nhiều ngày.

    Thuốc giảm đau có thể làm dịu triệu chứng đau đầu chóng mặt nhưng cách này chỉ đem lại hiệu quả tạm thời. Để giải quyết tận gốc tình trạng này, bạn cần được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị hiệu quả.

    Vì sao đau đầu chóng mặt nguy hiểm?

    Phần lớn trường hợp, đau đầu chóng mặt thường vô hại. Tuy nhiên, trong vài tình huống hy hữu, tình trạng sức khỏe này có nguy cơ đại diện cho nhiều bệnh lý nghiêm trọng, cần đến sự can thiệp y tế ngay lập tức. Chẳng hạn như:

    Phình động mạch não

    Một người nhận kết quả chẩn đoán phình động mạch não khi các thành mạch máu trong não trở nên mỏng và “nở” ra như bong bóng. Đa số trường hợp phình động mạch không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho đến khi những mạch máu này vỡ. Lúc đó, ngoài cảm giác đau đầu chóng mặt dữ dội, bạn sẽ còn bắt gặp những triệu chứng như:

    • Buồn nôn và nôn
    • Thị lực suy giảm nhanh chóng
    • Đau cổ và cứng khớp
    • Co giật
    • Nhạy cảm với ánh sáng
    • Tinh thần không minh mẫn, có xu hướng lú lẫn
    • Mất ý thức
    • Tầm nhìn đôi
    • Sụp mí mắt

    Nếu bạn cảm thấy chóng mặt đau đầu dữ dội cũng như bắt gặp bất kỳ dấu hiệu nào như trên, hãy mau chóng đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

    Đột quỵ

    Các tế bào não nhanh chóng chết đi nếu nguồn máu cung cấp không ổn định. Lưu lượng máu truyền lên não gặp cản trở, dẫn đến sự gián đoạn của nguồn cung cấp oxy cũng như nhiều chất dinh dưỡng khác đến cơ quan này là nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ.

    Tương tự phình động mạch não, bên cạnh những cơn đau đầu khó chịu nổi, đột quỵ còn gây chóng mặt bất ngờ.

    Một số dấu hiệu khác của đột quỵ bao gồm:

    • Suy yếu, tê hoặc liệt hẳn một bên cơ thể
    • Đôi khi lú lẫn
    • Gặp khó khăn trong giao tiếp
    • Khả năng nghe – hiểu có vấn đề
    • Đi đứng không vững vàng, mất thăng bằng

    Đột quỵ là tình trạng y tế khẩn cấp. Do đó, để hạn chế rủi ro xảy ra biến chứng, bạn cần có biện pháp điều trị kịp thời ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng đột quỵ nào.

    Đau đầu chóng mặt liên quan đến các vấn đề nào?

    Ngoài phình động mạch não và đột quỵ, đau đầu chóng mặt còn có khả năng đại diện cho một số tình trạng sức khỏe khác. Ví dụ như:

    Đau nửa đầu

    Chứng nhức nửa đầu đề cập đến những cơn đau nhói hoặc dữ dội xảy ra ở một bên đầu bạn. Các biểu hiện đi kèm đau nửa đầu thường bao gồm:

    • Chóng mặt
    • Buồn nôn và nôn
    • Nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh
    • Tầm nhìn bị hạn chế
    • Thấy ánh sáng nhấp nháy trước mắt

    Thường xuyên đau đầu chóng mặt 1

    Tính đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết triệt để chứng nhức nửa đầu. Tuy nhiên, họ có liệu pháp thuyên giảm tạm thời các cơn đau khó chịu cũng như dấu hiệu đi kèm. Tùy vào đối tượng thực hiện mà hiệu quả của những phương pháp này có thể khác nhau. Do đó, bạn hãy cùng thảo luận với bác sĩ để tìm ra liệu trình hiệu quả nhất cho bản thân.

    Bạn có thể quan tâm: 9 biện pháp khắc phục chứng nhức nửa đầu tại nhà.

    Chấn thương đầu

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, chấn thương đầu được chia thành hai nhóm là:

    Chấn thương bên ngoài

    Tình trạng này thường chỉ ảnh hưởng đến lớp da đầu. Chấn thương đầu bên ngoài có khả năng gây đau đầu nhưng thường không có chóng mặt. Trong vài tình huống hiếm gặp, triệu chứng chóng mặt có thể xuất hiện nhưng mau chóng biến mất.

    Chấn thương bên trong

    Ngược lại, chấn thương đầu bên trong có nguy cơ gây cả hai triệu chứng đau đầu và chóng mặt. Đôi khi, chúng có thể kéo dài vài tuần kể từ lúc chấn thương.

    Chấn thương sọ não

    Đầu chịu một lực tác động mạnh, chẳng hạn như từ một cú đánh trực tiếp, có nguy cơ dẫn đến chấn thương sọ não. Hầu hết trường hợp này thường bắt nguồn từ tai nạn xe cộ, ngã từ trên cao hoặc chấn thương thể thao ở những môn mang tính đối kháng. Đau đầu chóng mặt xảy ra ở cả hai trường hợp chấn thương sọ não nhẹ và nặng.

    Các triệu chứng khác của chấn thương sọ não nhẹ bao gồm:

    • Mất ý thức tạm thời
    • Tinh thần không minh mẫn
    • Gặp vấn đề về trí nhớ
    • Nghe thấy tiếng chuông trong tai
    • Buồn nôn và nôn

    Trong khi đó, nếu tình trạng chấn thương sọ não của bạn trở nặng, cơ thể sẽ biểu hiện:

    • Mất ý thức trong ít nhất vài phút
    • Co giật
    • Chảy dịch từ mũi hoặc tai
    • Giãn đồng tử
    • Lú lẫn nghiêm trọng
    • Có những hành vi bất thường, chẳng hạn như hiếu chiến

    Dù tình trạng của bạn nhẹ hay nghiêm trọng, đối với chấn thương sọ não, bạn luôn cần cấp cứu càng sớm càng tốt để hạn chế thiệt hại cũng như biến chứng có thể xảy ra.

    Hội chứng sau chấn động

    Một dạng rối loạn phức tạp phát sinh sau khi não gặp chấn động gọi là hội chứng sau chấn động. Tình trạng này gây ra triệu chứng đau đầu chóng mặt trong vài tuần, thậm chí là nhiều tháng. Cường độ đau trong trường hợp này có xu hướng tương tự đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng thẳng.

    Một số dấu hiệu khác của hội chứng sau chấn động gồm:

    • Khó ngủ
    • Lo âu
    • Cáu gắt
    • Khả năng ghi nhớ và tập trung suy giảm
    • Nghe thấy tiếng chuông trong tai
    • Nhạy cảm với âm thanh lớn và ánh sáng

    Thực tế, hội chứng sau chấn động không đại diện cho bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, nó gây suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu các triệu chứng kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra cách kiểm soát cũng như nhanh chóng loại bỏ chúng.

    Nhiễm trùng

    Trong vài tình huống, đau đầu chóng mặt có khả năng thể hiện bạn đang bị nhiễm trùng. Dấu hiệu này cho thấy cơ thể bạn đang kiệt sức trong công cuộc chống lại các vi sinh vật xâm nhập. Ngoài ra, tình trạng sung huyết và sử dụng thuốc trị cảm lạnh không kê đơn cũng có thể dẫn đến triệu chứng chóng mặt đau đầu ở một số người.

    Các ví dụ về trường hợp nhiễm trùng gây đau đầu và chóng mặt bao gồm:

    • Bệnh cúm
    • Cảm lạnh thông thường
    • Viêm xoang
    • Nhiễm trùng tai
    • Viêm phổi
    • Viêm họng do liên cầu khuẩn

    Nếu không cảm thấy thể trạng cải thiện sau vài ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ. Đối với trường hợp nhiễm khuẩn, bạn sẽ cần dùng đến kháng sinh để điều trị.

    Mất nước

    Các chuyên gia đánh giá tình trạng hao hụt một lượng lớn chất lỏng trong cơ thể là mất nước. Yếu tố gây mất nước rất đa dạng, chẳng hạn như:

    • Thời tiết khô nóng
    • Tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy
    • Sốt

    Nhức đầu và chóng mặt là hai dấu hiệu điển hình nhất cho vấn đề mất nước. Ngoài ra, người rơi vào tình trạng này còn có những biểu hiện như:

    • Nước tiểu màu sẫm
    • Ít đi vệ sinh
    • Vô cùng khát nước
    • Tinh thần kém minh mẫn
    • Mệt mỏi hoặc thậm chí kiệt sức

    Đau đầu chóng mặt 2

    Bạn có thể dễ dàng giải quyết vấn đề này bằng cách uống nhiều nước hơn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn truyền dịch.

    Bạn có thể muốn đọc thêm: 6 dấu hiệu bạn bị mất nước: Hãy bổ sung nước ngay!

    Hạ đường huyết

    Lượng đường trong máu hạ thấp báo hiệu cơ thể bạn không đủ glucose để chuyển hóa thành năng lượng. Từ đó, khả năng hoạt động cũng sẽ suy giảm.

    Các dấu hiệu cho thấy bạn đang bị hạ đường huyết gồm:

    • Chóng mặt đau đầu
    • Đổ nhiều mồ hôi
    • Run rẩy
    • Buồn nôn
    • Đói
    • Khu vực quanh miệng có xu hướng ngứa ran
    • Cáu gắt và khó chịu
    • Mệt mỏi hoặc thậm chí là kiệt sức
    • Màu da nhợt nhạt

    Nếu bạn đang bị đái tháo đường, lượng đường trong máu hạ thấp có thể “cảnh báo” bạn cần điều chỉnh lại nồng độ insulin. Ngược lại, nếu khỏe mạnh, bạn có thể thử bổ sung tạm thời đường cho cơ thể bằng nước ép trái cây hoặc bánh mì ngọt.

    Lo âu

    thường xuyên đau đầu chóng mặt

    Một số người có thói quen không tốt là lo lắng thái quá, dẫn đến cơ thể chịu ảnh hưởng tiêu cực về mặt tinh thần cũng như thể chất. Nhức đầu và chóng mặt là hai trong số nhiều dấu hiệu phổ biến của tình trạng lo lắng thái quá. Các biểu hiện khác có khả năng bao gồm:

    • Dễ dàng cáu gắt
    • Khó tập trung
    • Kiệt quệ sức lực và tinh thần
    • Bồn chồn
    • Căng cơ

    Để kiểm soát vấn đề này, bạn có thể thử:

    • Thực hiện phương pháp trị liệu hành vi nhận thức
    • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
    • Rèn luyện thể chất thường xuyên
    • Ngồi thiền

    Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về phương hướng kiểm soát và điều trị hiệu quả. Nếu trường hợp của bạn nghiêm trọng, họ có thể giới thiệu cho bạn một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

    Viêm mê đạo tai

    Mê đạo là bộ phận nằm sâu bên trong tai, chịu trách nhiệm hỗ trợ giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi mê đạo bị kích ứng, các tín hiệu truyền đến não từ đây sẽ bị sai lệch. Viêm mê đạo tai có thể bắt nguồn từ tình trạng cơ thể nhiễm virus như cảm lạnh hay cúm.

    Vấn đề viêm nhiễm tai trong này rất dễ gây chóng mặt do sự thăng bằng của cơ thể lúc này không ổn định. Ngoài ra, bệnh còn có nguy cơ dẫn đến những dấu hiệu như:

    • Đau đầu
    • Mất thính lực
    • Các triệu chứng cảm cúm
    • Nghe thấy tiếng chuông trong tai
    • Tầm nhìn đôi hoặc mờ
    • Đau tai

    Thực tế, viêm mê đạo tai có thể tự khỏi trong vòng 1–2 tuần mà không cần đến điều trị y tế.

    Thiếu máu

    Số lượng tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể không đủ sẽ gây nên tình trạng thiếu máu. Cơ thể luôn cần oxy để duy trì sự sống. Do đó, việc thiếu máu sẽ khiến bạn dễ cảm thấy suy nhược cơ thể. Đối với nhiều người, điều này có thể gây đau đầu và chóng mặt trong một số trường hợp.

    Đau nhức đầu chóng mặt 3

    Ngoài ra, bạn còn có khả năng bắt gặp:

    • Nhịp tim không đều
    • Đau hoặc tức ngực
    • Khó thở
    • Tứ chi lạnh và tê

    Phương pháp điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bảna\. Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp đều có yếu tố bổ sung những hoạt chất sau đây:

    • Sắt
    • Vitamin B12
    • Folate

    Tầm nhìn kém

    Đôi khi, đau đầu và chóng mặt có khả năng báo hiệu bạn đang gặp vấn đề về thị lực. Nhức đầu là một dấu hiệu phổ biến cho thấy mắt bạn đang làm việc quá sức. Ngoài ra, chóng mặt cũng có thể chỉ ra vấn đề rằng, mắt gặp khó khăn trong việc điều chỉnh tầm nhìn giữa xa và gần.

    Đau đầu chóng mặt 4

    Nếu cơn đau đầu cũng như chóng mặt của bạn có vẻ tồi tệ hơn sau khi bạn sử dụng máy tính hoặc đọc sách, hãy sắp xếp công việc để đến gặp bác sĩ nhãn khoa nhé.

    Rối loạn tự miễn

    Tình trạng rối loạn tự miễn dịch đề cập đến việc tế bào bạch cầu đánh giá mô khỏe mạnh là vật thể xâm nhập và tấn công. Hiện nay, rối loạn tự miễn có hơn 80 dạng, mỗi dạng đều có triệu chứng riêng. Tuy nhiên, chúng đều có chung các dấu hiệu sau:

    • Đau đầu chóng mặt
    • Mệt mỏi
    • Đau, sưng hoặc cứng khớp
    • Sốt liên tục
    • Lượng đường trong máu cao

    Hiện nay, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân rối loạn tự miễn để chỉ định phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả cho bạn. Nếu nghi ngờ mình rơi vào trường hợp này, bạn có thể đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm. Các chuyên viên y tế có thể bắt đầu với xét nghiệm máu trước khi thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn, ví dụ như kiểm tra kháng thể cụ thể.

    Tác dụng phụ của thuốc

    Khi mới bắt đầu sử dụng một số loại thuốc, bao gồm cả không kê đơn và do bác sĩ chỉ định, bạn có thể cảm thấy đau đầu chóng mặt. Chẳng hạn như:

    Đau đầu chóng mặt 5

    • Thuốc chống trầm cảm
    • Thuốc an thần
    • Thuốc điều trị tăng huyết áp
    • Thuốc rối loạn cương dương
    • Kháng sinh
    • Thuốc tránh thai
    • Thuốc giảm đau

    Những tác dụng phụ này có thể xảy ra trong vài tuần đầu rồi mau chóng biến mất. Nếu chúng vẫn tiếp tục xảy ra, bạn nên hỏi bác sĩ về việc điều chỉnh lại liều lượng hoặc thay thế bằng loại thuốc khác. Mặt khác, bạn cần lưu ý rằng, đối với thuốc kê toa, bạn không nên tự động ngưng uống thuốc nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ.

    Trên đây là những nguyên nhân gây đau đầu chóng mặt phổ biến. Ngoài ra, một số tác nhân hay vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây ra tình trạng này. Nếu thường xuyên bị đau đầu chóng mặt, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 31/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo