backup og meta

Rối loạn tăng sinh tủy xương

Rối loạn tăng sinh tủy xương

Tìm hiểu chung

Rối loạn tăng sinh tủy xương là gì?

Các tế bào máu, bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, đều được sinh ra ở tủy xương. Rối loạn tăng sinh tủy xương là thuật ngữ mô tả sự bất thường ở tủy xương, dẫn đến một lượng lớn tế bào máu sinh ra bị biến dạng.

Theo nghiên cứu, chứng rối loạn tăng sinh tủy xương được phân thành 6 loại khác nhau, bao gồm:

  • Bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy (CML): quá nhiều bạch cầu non được sinh ra ở tủy xương nhưng không phát triển toàn vẹn.
  • Đa hồng cầu: mật độ hồng cầu và hemoglobin quá cao. Trong vài trường hợp, tình trạng này có thể gây hình thành huyết khối, đau tim và thậm chí là đột quỵ.
  • Xơ tủy xương (xơ hóa tủy nguyên phát): mô sẹo hình thành trong tủy xương, gây cản trở quá trình sản sinh các tế bào máu khỏe mạnh.
  • Tăng tiểu cầu: số lượng tiểu cầu được sinh ra quá nhiều, dễ hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu.
  • Tăng bạch cầu trung tính mãn tính: mật độ bạch cầu trung tính trong máu tăng quá cao.
  • Tăng bạch cầu ái toan: hàm lượng bạch cầu ái toan trong máu tăng lên bất thường.

Bất kỳ dạng rối loạn tăng sinh tủy xương nào cũng đều có khả năng dẫn đến bệnh bạch cầu cấp tính. Điều này đồng nghĩa với việc cơ thể đang sản sinh một lượng lớn tế bào bạch cầu biến dạng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng rối loạn tăng sinh tủy xương

Một người có vấn đề với tủy xương thường sẽ xuất hiện những biểu hiện như sau:

  • Mệt mỏi
  • Ngứa ran ở nhiều vùng da
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Cảm thấy đau nhức ở xương
  • Sốt
  • Sụt cân mất kiểm soát

Nguyên nhân

Nguyên nhân rối loạn tăng sinh tủy xương là gì?

Hiện nay, nguyên nhân cụ thể gây rối loạn tăng sinh tủy xương vẫn còn là bài toán nan giải của các nhà khoa học. Họ chỉ mới tìm ra yếu tố tiềm ẩn có khả năng tác động đến vấn đề này là đột biến gene ở tế bào tủy xương.

Tuy nhiên, tình trạng đột biến này không phải bẩm sinh. Một số giả thiết được đặt ra rằng sự thay đổi vật chất di truyền trong tế bào tủy xương xảy ra bởi tác động môi trường từ bên ngoài, chẳng hạn như nhiễm virus hay độc tố từ hóa chất, tia phóng xạ…

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng rối loạn tăng sinh tủy xương không mang tính di truyền và chỉ trong một số ít trường hợp hy hữu, các thành viên trong gia đình mới cùng mắc phải chứng bệnh này.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Rối loạn tủy xương có nguy hiểm không?

Nếu bạn không sớm có biện pháp can thiệp kịp thời, rối loạn tăng sinh tủy xương có nguy cơ dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ví dụ như:

  • Dễ xuất huyết bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm cả một vết cắt nhỏ ngoài da hay nứt, vỡ mao mạch.
  • Sự hình thành của huyết khối gây tắc nghẽn mao mạch
  • Bệnh bạch cầu (ung thư máu)

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán rối loạn tăng sinh tủy xương?

Trong giai đoạn đầu bệnh phát triển, bạn thường sẽ không bắt gặp bất kỳ dấu hiệu cần lưu ý nào. Điều này có thể gây khó khăn cho việc chẩn đoán kịp thời. Bên cạnh đó, các triệu chứng bệnh dễ bị nhầm lẫn với nhiều tình trạng sức khỏe thông thường khác.

Vì vậy, bạn nên khám sức khỏe định kỳ đúng hẹn. Đồng thời, đừng quên làm xét nghiệm máu. Các chỉ số kết quả có thể mô tả chi tiết về tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.

Ngoài ra, để xác nhận chẩn đoán vấn đề sức khỏe này ở một người, thủ thuật sinh thiết tủy xương cũng cần được tiến hành.

Xét nghiệm chẩn đoán rối loạn tăng sinh tủy xương
Sinh thiết tủy xương

Những phương pháp điều trị rối loạn tăng sinh tủy xương

Thực tế, đối phó với vấn đề sức khỏe này không phải là điều dễ dàng. Phần lớn trường hợp, bác sĩ sẽ tập trung vào việc điều chỉnh lại số lượng tế bào máu về mức cho phép, đồng thời giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến chứng.

Một số biện pháp điều trị thường được chỉ định có thể bao gồm:

Hóa trị

Việc sử dụng thuốc đặc hiệu nhằm tiêu diệt các tế bào máu dư thừa được gọi là hóa trị. Bạn có thể dùng thuốc dưới dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

Xạ trị

Cơ chế hoạt động của phương pháp xạ trị là giảm bớt số lượng tế bào máu bằng cách sử dụng các chùm tia phóng xạ, chẳng hạn như tia X, để phá hủy tế bào, từ đó đẩy lui triệu chứng bệnh.

Trích máu tĩnh mạch

Đây là thủ thuật y tế phổ biến, dùng để loại bỏ một lượng máu ra khỏi cơ thể nhằm hạ số lượng hồng cầu xuống.

Liệu pháp gene

Bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng những loại thuốc mới có khả năng “khóa” hoặc thậm chí là chữa lành các gene đột biến gây rối loạn tăng sinh tủy xương.

Liệu pháp hormone

Phương pháp này cung cấp cho cơ thể những hormone có thể kéo dài tuổi thọ của các tế bào máu bình thường hoặc thúc đẩy tủy xương tiếp tục sản sinh những tế bào khỏe mạnh.

Ghép tủy xương hay ghép tế bào gốc tạo máu

Mặc dù ghép tủy xương mang lại hiệu quả cao nhưng đồng thời cũng chứa nhiều rủi ro không kém. Do đó, phương pháp trên được đánh giá là lựa chọn điều trị cuối cùng.

Phẫu thuật cắt bỏ lá lách

Trong vài trường hợp, rối loạn tăng sinh tủy xương có thể khiến lá lách sưng lên. Đôi khi tình trạng này mang tính nghiêm trọng và sẽ cần được loại bỏ càng sớm càng tốt.

Thử nghiệm lâm sàng

Ngày nay, không ít trung tâm nghiên cứu vẫn đang ngày đêm tìm kiếm những phương pháp điều trị ung thư hiệu quả. Đây có thể là lựa chọn tốt nhất cho người bệnh trong một số trường hợp.

Cẩn thận theo dõi tình trạng sức khỏe

Nếu tình trạng sức khỏe trên phát triển không đáng kể, đồng thời bạn cũng không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, bác sĩ có thể yêu cầu bạn chờ đợi và theo dõi bệnh một thời gian trước khi bắt đầu điều trị.

Một số người bệnh có thể chỉ cần uống aspirin theo liều lượng quy định nhằm ngăn ngừa huyết khối và khám sức khỏe định kỳ mà vẫn tận hưởng cuộc sống bình thường.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa rối loạn tăng sinh tủy xương?

Vì nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng nên không có phương pháp cụ thể nào để ngăn ngừa vấn đề này phát sinh. Các chuyên gia chỉ có thể đưa ra những lời khuyên chung như áp dụng lối sống lành mạnh (chăm tập thể dục, lưu ý ăn uống, bỏ thói quen xấu…) hay hạn chế tiếp xúc với những khu vực ô nhiễm, hóa chất độc hại…

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Are Chronic Myeloproliferative Disorders? https://www.webmd.com/cancer/chronic-myeloproliferative-disorders#1. Ngày truy cập 11/03/2020.

Myeloproliferative Disorder. https://www.mdanderson.org/cancer-types/myeloproliferative-disorder.html. Ngày truy cập 11/03/2020.

Myeloproliferative Disorder (MPD). https://hillman.upmc.com/cancer-care/blood/types/mpd. Ngày truy cập 11/03/2020.

Phiên bản hiện tại

18/05/2020

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Thiếu máu do ăn kiêng giảm cân: Bổ sung sắt thế nào để phòng ngừa?

Thói quen ăn uống không lành mạnh khiến nhiều người trẻ dễ thiếu máu, thiếu sắt?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 18/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo