backup og meta

6 điều bạn cần biết về thiếu máu hồng cầu to

6 điều bạn cần biết về thiếu máu hồng cầu to

Thiếu máu hồng cầu to nếu không điều trị sớm sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Bạn hãy cùng tìm hiểu thiếu máu hồng cầu to là gì, nguyên nhân thiếu máu hồng cầu to, triệu chứng, biến chứng, cách chẩn đoán và điều trị nhé!

1. Thiếu máu hồng cầu to là gì?

Thiếu máu hồng cầu to là tình trạng thiếu máu với các tế bào hồng cầu lớn bất thường. Giống như các loại thiếu máu khác, thiếu máu hồng cầu to có các tế bào hồng cầu với lượng huyết sắc tố (hemoglobin) thấp. Hemoglobin là một loại protein có chứa sắt vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.

Nguyên nhân chính gây ra thiếu máu hồng cầu to là do sự thiếu hụt vitamin B12 hoặc folate, vì vậy đôi khi tình trạng này còn được gọi là thiếu máu do thiếu vitamin.

Femtoliter (fL) là đơn vị được sử dụng để đo kích thước của các tế bào máu. Thông thường, các tế bào hồng cầu nằm trong khoảng 80 – 100 fL. Nếu các tế bào hồng cầu lớn hơn 100 fL sẽ được coi là hồng cầu to. Khi các tế bào phát triển quá lớn sẽ mang ít huyết sắc tố hơn, điều này khiến lượng máu đi khắp cơ thể không giàu oxy như bình thường, có thể gây ra một loạt các triệu chứng và các vấn đề sức khỏe.

Thiếu máu hồng cầu to không phải là một bệnh đơn lẻ, mà là triệu chứng của một số tình trạng y tế và các vấn đề dinh dưỡng. Tình trạng thiếu máu này được chia làm 2 loại chính bao gồm:

• Megaloblastic macrocytosis: Là dạng phổ biến nhất, xảy ra khi tình trạng thiếu vitamin làm ảnh hưởng khả năng sản xuất ADN.

• Non-megaloblastic macrocytosis: Có thể xảy ra khi bạn có vấn đề với gan, lá lách hoặc tủy xương.

2. Nguyên nhân thiếu máu hồng cầu to

nguyên nhân thiếu máu hồng cầu to

Nguyên nhân thiếu máu hồng cầu to hầu như là do thiếu folate hoặc vitamin B12. Điều này thường xảy ra do cơ thể người bệnh không thể hấp thụ vitamin do một căn bệnh tiềm ẩn hoặc do không tiêu thụ đủ lượng thực phẩm chứa các vitamin này.

Thiếu máu do thiếu B12

Vitamin B12 có nhiều trong các sản phẩm động vật, vì vậy người ăn chay có nhiều nguy cơ bị thiếu vitamin B12. Trong một số trường hợp, người bệnh ăn đủ thực phẩm vitamin B12 nhưng không thể hấp thụ vitamin do rối loạn tự miễn dịch, ung thư, nghiện rượu hoặc bệnh viêm ruột.

Thiếu máu do thiếu folate

Thiếu folate đôi khi được gọi là thiếu vitamin B9, cũng có thể gây thiếu máu. Phụ nữ trong giai đoạn có thai và cho con bú cần nhiều folate nên có nguy cơ cao bị thiếu loại vitamin này. Những người không ăn đủ thực phẩm giàu folate cũng có thể bị thiếu chất này. Một số bệnh ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, chẳng hạn như bệnh celiac, có thể dẫn đến thiếu hụt folate.

Các nguyên nhân gây thiếu máu hồng cầu to khác có thể bao gồm:

  • Suy giáp
  • Bệnh gan
  • Rối loạn chuyển hóa hiếm gặp
  • Sử dụng các loại thuốc bao gồm thuốc điều trị HIV, thuốc ung thư và các loại thuốc khác gây ức chế hệ thống miễn dịch

Các yếu tố này có thể khiến cơ thể khó hấp thụ và chuyển hóa các chất dinh dưỡng thiết yếu hơn. Trong một số trường hợp rất hiếm gặp, rối loạn tủy xương có thể là nguyên nhân gây thiếu máu khiến cơ thể không có khả năng sản xuất đủ các tế bào máu khỏe mạnh.

3. Triệu chứng thiếu máu hồng cầu to

Thiếu máu thường tiến triển âm thầm, vì vậy người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi chứng bệnh trở nên nghiêm trọng. Các triệu chứng của tình trạng thiếu máu này có thể bao gồm:

  • Lú lẫn
  • Vô sinh
  • Kiệt sức
  • Yếu đuối
  • Xanh xao
  • Chán ăn
  • Tiêu chảy
  • Chán nản
  • Đỏ hoặc sưng lưỡi (viêm lưỡi)

Thiếu máu hồng cầu to chỉ là một loại thiếu máu. Triệu chứng của tất cả dạng thiếu máu hầu hết đều giống nhau, vì vậy điều quan trọng là bạn cần thực hiện các xét nghiệm máu để chẩn đoán tình trạng cụ thể.

Khi người bệnh bị thiếu máu do thiếu vitamin B12, họ có thể có các triệu chứng khác bao gồm:

  • Yếu sức, yếu cơ
  • Lú lẫn, hay quên
  • Đi đứng mất thăng bằng
  • Đau, tê hoặc ngứa ran ở tay hoặc chân

Những triệu chứng này thường giảm bớt sau khi điều trị, tuy nhiên nếu không đi khám bệnh sớm, các triệu chứng này có thể trở nên vĩnh viễn.

4. Biến chứng thiếu máu hồng cầu to

biến chứng thiếu máu hồng cầu to

Khi máu không có đủ huyết sắc tố sẽ không có đủ oxy đưa đến các mô trong cơ thể. Cơ thể có thể cố gắng khắc phục điều này bằng cách tăng nhịp tim hoặc huyết áp. Nếu không được điều trị, tim sẽ phải hoạt động quá sức, lâu dần có thể dẫn đến suy tim, tim to và các vấn đề về tuần hoàn.

Biến chứng thiếu máu hồng cầu to nếu tình trạng thiếu máu này là do vấn đề với tủy xương hoặc một cơ quan cơ thể có thể gây ra các biến chứng nặng hơn. Ví dụ, người bệnh bị rối loạn tủy xương không được điều trị có thể phát triển thành bệnh bạch cầu.

Hầu hết các trường hợp của tình trạng thiếu máu này là do thiếu vitamin, vì thế các biến chứng khác nhau tùy thuộc vào vitamin bị thiếu bao gồm tình trạng thiếu vitamin B12 và thiếu folate.

Thiếu vitamin B12

  • Vô sinh
  • Mất trí nhớ
  • Ung thư dạ dày
  • Gặp vấn đề khi đi lại
  • Ngứa ran ở tay và chân
  • Phụ nữ thiếu vitamin B12 có thể sinh trẻ bị dị tật ống thần kinh

Thiếu hụt folate

  • Vô sinh
  • Gặp vấn đề sức khỏe tim mạch
  • Tăng nguy cơ chuyển dạ sớm ở phụ nữ mang thai
  • Tăng nguy cơ đứt nhau thai trước hoặc trong khi sinh
  • Phụ nữ thiếu folate có thể sinh trẻ bị dị tật ống thần kinh
  • Tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư ruột kết

5. Chẩn đoán thiếu máu hồng cầu to

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử y tế, lối sống và thói quen ăn uống của người bệnh. Những thông tin này có thể giúp chẩn đoán bạn có nguy cơ thiếu chất sắt, folate hoặc bất kỳ vitamin B nào khác hay không.

Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu và các tế bào hồng cầu. Nếu xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC) cho thấy thiếu máu, bác sĩ sẽ làm một xét nghiệm khác được gọi là phết máu ngoại vi giúp phát hiện sớm tình trạng hồng cầu to hoặc hồng cầu nhỏ.

Các xét nghiệm máu bổ sung khác cũng có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây ra hồng cầu to. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể xét nghiệm để kiểm tra mức độ dinh dưỡng, và các vấn đề rối loạn sử dụng rượu, bệnh gan, suy giáp.

6. Cách điều trị thiếu máu hồng cầu to

cách điều trị thiếu máu hồng cầu nhỏ

Trong hầu hết các trường hợp, cách điều trị tình trạng thiếu máu này đầu tiên là dùng vitamin đường tiêm. Cách này nhằm đảm bảo cơ thể có thể hấp thụ những chất vitamin cần thiết ngay cả khi đang bị một tình trạng tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh celiac (bệnh ngăn chặn sự hấp thụ vitamin).

Các lựa chọn điều trị thiếu máu khác bao gồm:

Truyền máu trong trường hợp nặng

– Cấy ghép tủy xương khi bị rối loạn tủy xương

– Dùng thuốc điều trị một số bệnh tự miễn, bệnh gan, rối loạn tuyến giáp

– Thay đổi thuốc theo chỉ định khi loại thuốc đó cản trở sự hấp thụ vitamin

– Thay đổi lối sống lành mạnh, chẳng hạn như tránh uống rượu, hút thuốc lá

Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12 và folate bao gồm:

  • Trứng
  • Đậu lăng
  • Thịt đỏ, thịt cá
  • Động vật có vỏ
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Trái cây giàu vitamin C
  • Rau lá xanh đậm, như cải xoăn và rau bó xôi

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về thiếu máu hồng cầu to là gì, nguyên nhân thiếu máu hồng cầu to, triệu chứng, biến chứng, cách chẩn đoán và điều trị. Bạn hãy nhớ xây dựng thực đơn đầy đủ chất sắt, vitamin B12 và folate, đặc biệt nếu bạn đang mang thai để tránh gặp phải tình trạng này nhé!

Hoàng Trí HELLO BACSI

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Macrocytic anemia: Symptoms and treatment
https://www.medicalnewstoday.com/articles/321620.php
Ngày truy cập 11.10.2019

Macrocytic Anemia
https://www.healthline.com/health/macrocytic-anemia
Ngày truy cập 11.10.2019

Macrocytic anemia
https://en.wikipedia.org/wiki/Macrocytic_anemia#targetText=Specialty,larger%20than%20their%20normal%20volume.
Ngày truy cập 11.10.2019

Phiên bản hiện tại

03/02/2020

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

10 dấu hiệu thiếu máu mà bạn không nên bỏ qua

4 cách phân độ thiếu máu mà bạn cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 03/02/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo